Bình Thuận

Ăn gì khi đến Bình Thuận?

Nhắc đến Bình Thuận người lại không khỏi bồi hồi nhớ về vùng đất đầy nắng gió nhưng cũng không kém phần thơ mộng. Ở Bình Thuận người ta có thể một bước gặp biển, hai bước là gặp trời, và ở nơi thiên nhiên tươi đẹp đó được tạo hóa ưu ái trao cho biết bao nhiêu món ngon đặc sản. Ăn gì khi đến Bình Thuận? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi điểm danh một số món ăn ngon nổi tiếng ở Bình Thuận nhé.

Bánh quai vạc – Bình Thuận

Ẩm thực Bình Thuận nổi tiếng với nhiều món ngon đậm đà hương vị biển khơi. Trong số những thức quà đặc sản lạ miệng, hấp dẫn không thể bỏ qua bánh quai vạc. Du khách bốn phương ghé thăm mảnh đất này dường như đều muốn một lần được nếm thử.

ăn gì khi đến bình thuận?

Bánh quai vạc – Bình Thuận

Đặc sản bánh quai vạc được bày bán rất phổ biến ở thành phố biển Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung. Món bánh được xếp vào danh sách những món ăn vặt đặc trưng của người dân xứ biển. Thực sự, không ai biết chính xác món bánh quai vạc bắt đầu xuất hiện ở Phan Thiết từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là một mảnh ghép quan trọng tạo nên bức tranh ẩm thực muôn màu của xứ Bình Thuận.

Công thức chế biến món bánh quai vạc được cho là khá đơn giản. Nhưng khi thực sự bắt tay vào làm bạn mới thấy không hề dễ dàng như tưởng tượng. Để tạo nên những chiếc bánh quai vạc tròn vị hấp dẫn nhất đòi hỏi người làm bánh phải thật tỉ mỉ và cẩn thận trong từng công đoạn.

Nguyên liệu cho phần vỏ bánh được làm từ bột lọc, bột được chế nước sôi vừa đủ để bột chín tới. Theo kinh nghiệm của những thợ làm bánh lâu năm tại Phan Thiết thì phải nhào bột liền tay từ lúc bột còn nóng bỏng tay đến khi ấm dần. Nhờ sự khéo léo, tỉ mẩn bột bánh được nhào thật dẻo và mềm mịn, sau đó được bứt thành từng viên bột nhỏ. Người ta thường dùng chai thủy tinh cán cho vỏ bánh thật mỏng.

Để làm phần nhân của bánh thì ngư dân Phan Thiết lựa tôm tươi ngọt từ biển và thịt ba rọi được cắt nhỏ. Sau đó tôm và thịt được ướp cùng các gia vị gồm nước mắm, muối tiêu, đường trước khi đem xào chín. Cho phần nhân vào giữa từng miếng bột đã được cán mỏng và gấp đôi lại hình bán nguyệt. Phần viền của bánh được ép chặt trước khi thả vào nồi nước sôi thêm một chút dầu ăn luộc.

Khi chín, bánh sẽ nổi lên trên mặt nước và chuyển màu trong suốt. Để bánh không bị dính vào nhau thì khi vớt ra xả nước lạnh và không quên trộn chung với chút dầu ăn. Sức hấp dẫn ở món bánh quai vạc chính là nước nước mắm chấm, bởi đây được coi là linh hồn của món bánh. Nước mắm được pha sệt sệt thêm chút đường cát, ớt xiêm cắt mỏng và các gia vị khác sao cho đảm bảo chua chua, ngọt ngọt và thật cay theo đúng vị của người Phan Thiết.

Bánh quai vạc – Bình Thuận

Chỉ cần nghe miêu tả thôi là nhiều người đã muốn được nếm thử luôn món bánh đặc biệt này. Nhưng thưởng thức bánh quai vạc như thế nào ngon và tròn vị nhất? Khi ăn, bạn nhớ chan một chút nước mắm và cho thêm hành phi vàng, hành lá và tóp mỡ lên trên. Có nhiều người thường ăn kèm cùng với bánh mì, thơm ngon, lạ miệng đến miếng bánh cuối cùng.

Đặc biệt, đối với những tín đồ của bánh quai vạc thì thưởng thức một đĩa bánh bắt mắt, nhỏ xinh thôi là chưa đủ. Bởi lẽ, thứ hương vị đậm đà của nước chấm hòa quyện cùng vị ngon ngọt tự nhiên của tôm thịt và sự dai dai, sần sật của lớp vỏ bánh bằng bột lọc vừa hấp dẫn vừa lôi cuốn lạ kỳ.

Bánh quai vạc, đặc sản xứ Phan Thiết giản dị từ hình thức đến hương vị. Nhưng ẩn chứa trong sự giản đơn, dân dã ấy là sự thơm ngon, dẻo dai, đậm đà và cả tấm lòng mến khách của người dân miền biển thân thương. Người ta thường nói, ghé đến Mũi Né – Phan Thiết mà chưa thưởng thức bánh quai vạc thì chưa khám phá trọn vẹn văn hóa ẩm thực độc đáo nơi đây. Do cách phát âm tiếng địa phương của người Phan Thiết mà bánh quai vạc còn có tên gọi khác là bánh tai dạc hay bánh quai dạc.

Mỗi lần ghé chân đến xứ này, đi dọc các cung đường chính, thậm chí vào sâu từng ngõ ngách bạn đều dễ dàng tìm thấy những gánh hàng bán thức quà đặc sản này. Hãy đến Phan Thiết vào một ngày gần nhất để cùng khám phá nét văn hóa ẩm thực đặc sắc này nhé.

Các món ăn từ răng mực – Bình Thuận

Vài năm trở lại đây, phố biển Phan Thiết có thêm những món ăn không những đậm đà hương vị biển mà còn lạ miệng và hấp dẫn thực khách sành ăn khắp nơi. Đó là thực đơn chế biến từ…răng mực.

ăn gì khi đến bình thuận?

Các món ăn từ răng mực – Bình Thuận

Răng mực thực chất là một cục thịt nhỏ trên đầu con mực. Thường thì khi sơ chế nhiều người thường bỏ đi phần răng mực này vì cho rằng không ăn được. Tuy nhiên những người dân Bình Thuận đã nhanh chóng phát hiện ra tiềm năng hấp dẫn từ phần tưởng chừng như bỏ đi này.

Từ răng mực có thể chế biến được rất nhiều món ăn khác nhau, đảm bảo sẽ làm hài lòng những thực khách sành ẩm thực nhất. Răng mục lớn thì dành để luộc, loại vừa vừa thì ướp rồi xiên vào que để nướng hoặc xào lăn, loại nhỏ nhất cho vào nồi bột đã đầy đủ gia vị cho món chiên. Như ăn hột vịt lộn, răng mực luộc ăn kèm với rau răm, đồ chua, muối tiêu, có thêm vài giọt chanh. Các món còn lại thì chấm tương ớt, tương đen, tương xí muội và có cả sa tế cho những người thích ăn cay.

ăn gì khi đến bình thuận?

Răng mực nướng – Bình Thuận

Hấp dẫn nhất là món chả răng mực, chủ quán sẽ lựa những chiếc răng mực nhỏ để chế biến món này do đó khi ăn bạn không cần phải gỡ càng ra. Răng mực được nhúng vào bột, sau đó cho vào chảo dầu đang nóng, chiên từng khoanh nhỏ, đợi đến khi vàng giòn thì vớt ra để ráo dầu và dọn cho thực khách.

Rất mộc nhưng món răng mực càng ngày càng “quyến rũ” nhiều du khách khắp nơi, dù sành ăn và khó tính mấy đều tìm đến thưởng thức mỗi khi có dịp ghé Phan Thiết.

Gỏi cá Phan Thiết – Bình Thuận

Xứ biển Phan Thiết được biết như là điểm đến rất thú vị của du khách vào những ngày hè nắng nóng. Ngoài cảm giác thoải mái khi được đắm mình trong làn nước biển mát dịu, bạn còn được thưởng thức các món gỏi cá ngon đến tuyệt vời!

ăn gì khi đến bình thuận?

Gỏi cá Phan Thiết – Bình Thuận

Phan Thiết là vùng đất của biển, của nắng, gió và của các loài hải sản tươi sống. Gỏi cá Phan Thiết được chế biến từ những loài cá tại chỗ, sẵn có như gỏi cá mai, cá suốt hay cá đục tươi roi rói. Món gỏi cá rất dễ làm và nguyên liệu ăn kèm có ở khắp các khu chợ. Tùy vào cách và loại cá chế biến mà bạn sẽ được thưởng thức những món gỏi cá với mùi, vị ngon khác nhau.

Trước hết là món gỏi cá mai, một loại cá nhỏ trông hơi giống cá cơm, thịt trong veo và không có máu nên không tanh. Có hai loại gỏi cá mai: gỏi khô và gỏi ướt.

Gỏi khô thì người ta vắt chanh lên để làm cá chín, trộn với rau thơm xắt nhỏ, đậu phụng rang và xúc bánh tráng nướng. Gỏi ướt thì dầm cá trong một loại nước chấm đặc biệt làm bằng đậu phụng và mè xay, xong cuốn bánh tráng cùng với các loại rau thơm. Thịt cá mai ngọt, dai và dòn chứ không bở hoặc mềm như những loại cá thông thường khác, đã làm nên hương vị của món hải sản này.

Gỏi cá Phan Thiết – Bình Thuận

Món gỏi cá thứ hai là món gỏi cá suốt. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, khi lựa cá chỉ nên chọn loại nhỏ, lớn bằng cỡ hai ngón tay. Sau đó, lọc bỏ xương cá, rửa lại bằng nước khoáng hoặc nước dừa tươi càng ngon. Tiếp theo, tái thịt cá trong nước cốt chanh đến khi cá ngã màu trắng rồi ướp cá vào nước sốt me chua ngọt pha với hỗn hợp tỏi ớt xay nhuyễn. Để chừng 5 phút cho các gia vị thấm vào từng thớ thịt của cá rồi xếp ra dĩa (đĩa), lót lá chuối tươi xanh, xung quanh là khế, chuối chát và vài lát ớt đỏ để tăng thêm phần hấp của món ăn.

Món thứ ba là gỏi cá đục. Cá được cắt theo chiều dọc dài khoảng 5 cm, khi ăn phải tái qua nước cốt chanh có pha tỏi ớt để thịt cá chín sơ. Khi ăn, cuốn cá cùng với các loại rau như cải sà lách (salad), húng, khế chua, chuối chát… chấm vào chén tương đậu phộng bạn sẽ không thể kìm được sự thích thú của mình vì vị ngon của cá, mùi thơm của rau, vị cay nồng của tỏi ớt hòa quyện trong cuộn cá.

Khách du lịch khắp nơi khi ghé các nhà hàng, quán ăn đặc sản vùng này đều thích thú với món gỏi cá. Người địa phương, tuy đã quá quen thuộc với cá biển nhưng khi chiêu đãi bạn bè hay cùng gia đình đến quán ăn vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, đều luôn gọi món gỏi cá để tận hưởng hương vị của biển.

Lẩu Thả – Mũi Né – Bình Thuận

Một món ngon luôn chứa đựng những giá trị văn hóa và càng dễ được người ta nhớ đến hơn khi gắn liền với một vùng đất. Lẩu Thả của ngư dân Mũi Né là một món ăn như thế. Hàng chục năm qua, khi Mũi Né trở thành vùng đất du lịch nổi tiếng thì Lẩu Thả truyền thống mặc nhiên là “món quà quê” dùng để đãi du khách phương xa.

ăn gì khi đến bình thuận?

Lẩu Thả – Mũi Né – Bình Thuận

Lẩu Thả lấy một động từ thuần Việt để làm danh từ cho tên gọi và cũng là tính từ để chỉ tính chất dân dã của món ăn. Thả vào nồi lẩu những thứ ăn được mà bổ dưỡng, tự nhiên của một miền biển. Lẩu Thả cứ thế đi vào cuộc sống của ngư dân Mũi Né để khi nó bước vào thực đơn và lên bàn ăn đãi khách thì món ăn này cũng trở nên tinh tế không kém bất kỳ món ăn ngon nào khác.

Đặc sản Lẩu Thả của ngư dân Mũi Né có thể dùng nhiều loại cá làm thành phần chủ đạo như cá đục, cá suốt nhưng ngon hơn cả vẫn lá cá mai, loài cá có nhiều ở vùng biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Cá mai mỏng manh, trắng tươi như cái tên “mảnh mai” của nó. Chọn cá mai tươi thường vào mỗi sớm mai, khi ngư dân vừa đi biển về, còn đang gỡ lưới có thể gỡ những con cá mai còn đang nhảy tanh tách, lóng lánh ánh bạc trong nắng sớm. Mang về cắt hai bên thân cá, chần qua nước sôi và rửa bằng nước chanh trước khi ướp với ớt, tỏi giã nhuyễn cùng nước gừng già.

Lẩu Thả – Mũi Né – Bình Thuận

Trên một chiếc mẹt tre lá chuối xanh non được rải lên, mỗi bắp chuối đỏ xếp thành cánh hoa là đồ đựng mỗi thành phần trứng, dưa leo, rau chuối, thịt ba chỉ, xoài ương… thái chỉ, ở giữa “nhụy hoa” là đĩa cá mai trắng ngần điểm thêm những chấm đỏ tươi của trái ớt, trông thật đẹp mắt và hấp dẫn. Một chiếc nồi đất còn bốc khói thơm lừng trên bếp lò được dọn ra, réo gọi vị giác của thực khách đang chờ được thưởng thức món đặc sản của ngư dân miền biển. Nước dùng ăn Lẩu Thả được làm từ cà chua, tôm thái hạt lựu xào cùng với hành tây trước khi cho nước vào đun lên, thường 1,5 lít nước dùng cho bốn người ăn.

Thưởng thức lẩu Thả dùng kèm với bún gạo và không thể thiếu nước chấm được chế từ đặc sản địa phương là nước mắm cá cơm nguyên chất Phan Thiết, pha với tỏi, me khô, ớt và đậu phộng rang xay nhuyễn. Thực khách có thể cảm nhận được vị thơm, béo của đậu phộng lẫn vị tươi ngon của cá mai, các loại rau củ, cùng vị đậm đà của nước mắm cá cơm nguyên chất. Chan thêm nước dùng của Lẩu Thả, thực khách lại cảm nhận thêm vị chua thanh của cà chua quyện trong vị thơm ngọt của hải sản, thêm chút hương biển mằn mặn thổi qua những tán dừa xào xạc, thật là một trải nghiệm ẩm thực khó quên.

Cá lồi xối mỡ – Bình Thuận

Một trong những món “cá” ngon, lạ miệng và có hương vị đặc trưng miền biển Phan Thiết là món Cá lồi xối mỡ. Thịt cá mềm, béo thơm, ăn kèm các loại rau sống, bánh tráng chấm cùng nước mắm pha chế độc đáo là món ngon mà thực khách không thể bỏ qua khi đến với thành phố biển.

ăn gì khi đến bình thuận?

Cá lồi xối mỡ – Bình Thuận

Cá lồi với lớp da trơn bóng, nhìn qua giống như cá đuối, thường xuất hiện nhiều vào tháng 8, 9 âm lịch. Loài cá này sống chủ yếu ở các vùng biển miền Trung, trong đó có vùng biển Phan Thiết. Các món ăn chế biến từ cá lồi từ lâu đã là những món ăn đậm chất dân dã của người dân miền biển như: cá lồi nấu canh chua, kho xả ớt, xào lăn và hấp dẫn hơn cả là món cá lồi xối mỡ hành.

Theo kinh nghiệm của người Phan Thiết, cá lồi chỉ cần chọn loại 1 – 2 kg là ngon nhất với thịt cá bùi, ngọt và lớp sụn bên trong vẫn còn mềm. Đầu tiên, cần làm sạch lớp nhớt bên ngoài (có thể dùng lá sả chà sạch và bớt mùi tanh), sau đó làm sạch phần thịt và để lại bộ gan. Cá được xắt thành từng lát mỏng xếp vào đĩa hoặc để nguyên con rồi đem hấp cách thủy. Thịt mỡ được xắt nhỏ, rán vàng rồi bỏ hành lá thái nhỏ vào. Khi cá được hấp chín, xối một lớp mỡ hành lên cá, rồi rắc thêm một chút đậu phộng rang giã nhỏ.

Cá lồi xối mỡ – Bình Thuận

Gắp một miếng cá thơm lừng còn nóng hổi xếp vào bánh tránh rồi cuốn cùng các loại rau thơm, khế chua, chuối chát, bún tươi, chấm vào nước mắm đã pha sẵn (có thể dùng mắm me, hoặc mắm nêm) bạn sẽ cảm nhận một món ăn rất thơm ngọt của thịt cá, béo của mỡ hành, bùi của đậu phộng, quyện với nhiều vị chua, cay, chát của rau sống ăn kèm vừa ngon, vừa lạ miệng với đầy đủ hương vị miền biển đặc trưng.

Nước mắm ăn chung với cá lồi xối mỡ thường là mắm pha chua ngọt hoặc nước mắm me tùy theo sở thích của bạn. Ăn với nước mắm chua ngọt, bạn sẽ thấy sự hài hòa giữa vị ngọt của cá, vịt chua của nước cốt chanh, mằn mặn của nước mắm xứ biển, cay cay của ớt giã nhỏ và đủ thứ mùi vị khác nhau cùng độ thanh mát của các loại rau. Một số người còn có sở thích đánh nhuyễn miếng gan của cá vào nước chấm để tăng vị béo. Tất cả hòa quyện với nhau rất nhẹ nhàng.

Nước mắm me thì đặc biệt hơn vì vị chua chua của me thật đậm đà, vị ngòn ngọt khi được pha thêm đường, cùng chút ớt cay cay “đã miệng”, ăn với loại này thì có thể ăn mãi mà không thấy ngán, càng ăn càng thèm, xuýt xoa mãi không thôi. Đâu đó thoang thoảng còn có mùi thơm mỡ hành rất hấp dẫn.

Người dân Phan Thiết cũng như miền Trung nói chung đều ăn rất đậm đà, món ăn cũng rất tươi mới và đầy màu sắc. Đừng bỏ lỡ đặc sản Phan Thiết số một này khi đến thăm vùng biển nơi đây nhé!

Chả mực – Bình Thuận

Ở Bình Thuận có thể nói có mực là đặc sản và mực Bình Thuận là ngon nhất nhì. Đến Bình Thuận món mực tươi ăn tại bàn thì nhất định không thiếu rồi song bên cạnh đó còn có món chả mực, mùi vị và chất lượng của nó đảm bảo không thua kém bất kỳ món mực nào khác.

ăn gì khi đến bình thuận?

Chả mực Cà Ty – Bình Thuận

Mực phải chọn những con vừa mang từ biển về còn tươi rói, thịt trắng thơm và dẻo. Chế biến khéo léo qua bàn tay những người dân chế biến thành chả mực.

Thưởng thức món chả mực, các bạn sẽ cảm nhận được cái nắng, cái gió và vị mặn của biển Bình Thuận. Mực được đánh bắt từ khơi xa, cùng vời các nguyên liệu từ biển sau khi qua bàn tay tinh chế của người đầu bếp đã thành món ăn đặc trưng của xứ biển, một món ăn thuần túy Việt Nam. Món này được ăn kèm với bánh phồng tôm chấm với tương ớt.

Ăn một miếng chả mực, uống vào một ngụm bia thì cuộc vui rất thú vị và sảng khoái! Và các bạn có biết địa chỉ không nhỉ, chúng tôi xin cung cấp địa chỉ là các nhà hàng bên cạnh bờ kè Cà ty, các bạn đến thưởng thức cùng ngắm nhìn dòng Cà Ty hiền hòa lung linh ánh đèn rất ấn tượng sẽ tạo thêm nhiều cảm xúc cho hương vị thêm phần sảng khoái đấy.

Chả lụi Lagi – Bình Thuận

Nếu có dịp ghé thăm Bình Thuận, bạn đừng quên ghé Lagi thưởng thức món đặc sản chả lụi dân dã mà nổi tiếng. Hương vị đậm đà, ngon ngọt mang đậm chất ẩm thực miền Trung chắc chắn sẽ làm hài lòng bất cứ du khách nào ghé qua.

ăn gì khi đến bình thuận?

Chả lụi Lagi – Bình Thuận

Chả lụi là món đặc sản có xuất xứ từ thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận. Món ăn này xuất hiện cách đây gần 20 năm, được chị Căn – một người phụ nữ ở phường Phước Lộc, thị xã Lagi mày mò chế biến. Ban đầu, chả lụi chỉ có ở Bình Thuận, sau đó được nhiều người biết đến và yêu thích nhờ sự thơm ngon, hấp dẫn. Vì thể món ăn này trở thành đặc sản Bình Thuận và có mặt ở nhiều tỉnh thành khác, như Huế, Biên Hòa, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh…

Tên chả lụi xuất phát từ cách thức làm chả. “ Lụi” còn có nghĩa là xiên, tức chỉ hành động xiên các miếng chả lại với nhau để nướng trên bếp than. Cái tên này vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay và cùng mang một tên gọi: chả lụi Lagi.

Các nguyên liệu chính để chế biến món chả lụi bao gồm: bánh tráng, tôm, thịt ba rọi. Tuy nhiên để tăng phần hấp dẫn cho món ăn, chả lụi thường được dùng kèm với các loại rau sống như dưa chuột, xà lách, xoài và các loại rau thơm. Nước chấm bao gồm nước mắm ngọt, cà chua xay, nước cốt me, ớt, đậu phộng xay nhuyễn.

Nguyên liệu tạo ra chả lụi, chủ yếu tôm tươi, thịt ba rọi. Hai món này sau khi ướp đủ các loại gia vị thì cho vào cối xay nhuyễn. Xay xong lại cho vào cối lớn quết thêm lần nữa, để thịt và tôm quyện vào nhau, thật mịn.

Chả lụi Lagi – Bình Thuận

Bánh tráng mỏng cắt thành miếng nhỏ đều nhau, cho nhân vào giữa, quết thịt và tôm (giã mịn) chung quanh, rồi gói như kiểu gói nem, cũng có thể gói thành cuốn như cuốn ram.

Công đoạn cuối là dùng que nhọn đâm xuyên qua gói chả đã gói, rồi đặt lên vĩ (bên dưới có lò lửa than) để nướng. Khi nguyên liệu bên trong đã chín, bánh tráng cuốn bên ngoài đạt độ vừa giòn thì lấy xuống. Cần nhớ, lửa than không được lớn quá, vì như thế dễ cháy và không giữ được vị ngọt béo tự nhiên.

Rau sống và nước chấm là hai món phụ nhưng đặc biệt quan trọng với món chả lụi. Rau sống phải là rau xanh thật tươi, cộng với xoài xanh thái nhỏ, khế, dưa leo. Nước chấm phải đầy đủ: ớt, me, đậu phộng giã nhuyễn… Nói chung, chén nước chấm phải đạt đủ các yếu tố vừa cay, vừa chua, vừa ngọt, vừa bùi.

Khi ăn, chỉ việc cho chả, rau nếu cần thêm nem, trứng vào miếng bánh tráng cuốn, dùng tay cuộn thật gọn vậy là xong, chấm mắm và ăn.

Bình Thuận nổi tiếng là cái nôi ẩm thực miền Trung với nhiều đặc sản khác nhau. Chả lụi Lagi cũng là một trong những món ăn ghi dấu ấn với du khách thập phương bởi sự dân dã mà không kém phần hấp dẫn, gọi mời.

Các món ăn từ Dông – Bình Thuận

Mảnh đất Bình Thuận thu hút đông đảo du khách mỗi năm bởi cảnh quan thiên nhiên vô cùng ấn tượng. Nơi đây còn nổi tiếng với rất nhiều đặc sản trứ danh góp phần tạo nên sự đa dạng của văn hóa ẩm thực. Con Dông cát là một trong những đặc sản rất riêng của xứ Bình Thuận, nhất định bạn nên nếm thử một lần khi đặt chân đến vùng đất này.

ăn gì khi đến bình thuận?

Các món ăn từ Dông – Bình Thuận

Con dông thuộc họ bò sát, có kích thước lớn hơn thằn lằn, chiều dài từ 20-30cm, con dông cái chỉ có một màu da đất, còn dông đực thường có nhiều màu sặc sỡ. Khi gặp kẻ thù hay lúc nguy khó nó thường chạy rất nhanh nên người ta gọi nó là con dông. Dông thường sống nhiều ở nơi có đất cát ven biển hoặc đất mềm, nên có còn có tên là dông cát.

Loài Dông sống hoang dã là một trong những món ăn và món nhậu của người dân địa phương từ rất lâu đời. Sự phát triển về du lịch đã kéo theo nhiều đổi mới, sáng tạo trong nền văn hóa ẩm thực của Bình Thuận. Con Dông cát đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Ghé thăm Phan Thiết, bạn có thể tìm thấy món Dông ở menu của bất kỳ nhà hàng hay quán ăn nổi tiếng nào.

Đặc sản Dông cát trứ danh nổi tiếng đến mức khiến du khách đến Bình Thuận đều có xu hướng thưởng thức các món ăn ngon lạ này. Thịt Dông màu trắng gần giống như thịt gà nhưng mềm với vị ngọt tự nhiên và bùi hơn. Đặc biệt, phần da rất giòn nhưng xương sụn lại mềm, ăn rất ngon miệng.

Các món ăn từ Dông – Bình Thuận

Từ Dông cát, các đầu bếp tài ba có thể chế biến được rất nhiều món ăn lạ miệng và hấp dẫn như: Dông nướng muối ớt, Dông nướng lá lốt, Dông roti, chả Dông, gỏi Dông, Dông bằm xúc bánh đa và Dông cát nấu cháo tiêu… Mỗi món ăn đều mang dư vị rất riêng biệt, chỉ cần thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không sao quên được.

Ở Bình Thuận, gỏi Dông là món ngon được nhiều tín đồ ẩm thực ưa thích hơn cả. So với các món gỏi khác thì gỏi Dông cát được chế biến rất kỳ công với nhiều công đoạn. Dông phải để nguyên con, cạo sạch lớp da đất bên ngoài trước khi làm sạch ruột. Sau khi sơ chế sạch sẽ, Dông sẽ được luộc chín, loại bỏ phần xương và xé lấy thịt. Nếu đến Phan Thiết mà chưa được thưởng thức món gỏi Dông ngon khó cưỡng này thì coi như bạn chưa được đến đây.

Dông cát nướng cũng là một trong những món ngon làm nên tên tuổi của nền ẩm thực Phan Thiết. Món ngon hấp dẫn này được chế biến từ những con Dông béo mập và ngọt thịt. Dông được tẩm ướp gia vị hoàn chỉnh và nướng trên bếp than đảm bảo giữ trọn hương vị đậm đà rất riêng của món ăn. Món Dông nướng ở Bình Thuận có vị rất khác, khó có thể tìm thấy ở nơi nào. Thịt Dông chín vàng hai mặt, săn lại và khi thưởng thức rất mềm và cực kỳ ngọt thịt, ngon đến mê ly.

Đặc sản Dông cát còn được đánh giá là món ngon bổ dưỡng cực kỳ tốt cho sức khỏe. Thành phần thịt Dông chứa hàm lượng đạm cao, giúp bồi bổ sức khỏe cho người mới ốm dậy và phụ nữ sau sinh… Đặc biệt, món ăn này không đơn thuần chỉ là món nhậu lai dai của các quý ông mà còn có công dụng tăng cường sức khỏe và sinh lực cho phái mạnh.

Những ai đã từng đến Bình Thuận và được thưởng thức đặc sản con Dông cát thì không thể quên được hương vị đậm đà trong ký ức. Bạn có thể tìm thấy các món Dông ở nhiều quán ăn, nhà hàng nhưng Dông ở phố biển Phan Thiết vẫn mang những dư vị rất riêng biệt, không thể lẫn ở bất cứ đâu.

Các món hải sản – Bình Thuận

Nhắc đến những món ngon Phan Thiết thì không thể bỏ qua hải sản. Rất dễ bắt gặp các quán nhậu, hải sản bình dân dựng sát nhau trên bờ kè gần cầu Trần Hưng Đạo hướng dọc về biển Đồi Dương, trên bờ biển Mũi Né dọc đường Thủ Khoa Huân.

ăn gì khi đến bình thuận?

Các món hải sản – Bình Thuận

Không ít du khách trong và ngoài nước ấn tượng và mong muốn sẽ có dịp được quay trở lại Bình Thuận trong những lần du lịch kế tiếp chính là nét hoang sơ và bình dị với những rặng dừa xanh tươi mát của Mũi Né cùng với nguồn hải sản dồi dào và phong phú, đáp ứng được đầy đủ từng khẩu vị của mỗi du khách.

Đến Phan Thiết – Bình thuận tìm được loại phòng ưng ý có thể còn khó hơn việc mua hải sản tươi sống. Hải sản có thể tìm thấy ở bất cứ địa chỉ du lịch nào với đầy đủ các loại hải sản được chế biến thành hàng trăm món ăn ngon đủ loại trong danh mục thực đơn của nhà hàng như tôm hùm nướng, tôm rang muối ớt, càng cua đá, gỏi cá đục, mực một nắng nướng satế, ốc hương nướng mọi….

Các món hải sản – Bình Thuận

Tại thành phố Phan Thiết, nếu muốn mua hải sản loại ngon như tôm hùm, cua huỳnh đế, ốc hương, cá bò…các bạn ghé đến các vựa hải sản ở Cảng cá Phan Thiết; nếu muốn mua sò hay ốc tươi ngon mà giá cả bình dân, các bạn nên ghé qua đường Nguyễn Hội. Tại đây, bạn có thể mua cho mình được nhiều loại sò, ốc như sò lông, sò điệp, ốc nhung, ốc giác, sò dương, sò huyết…

Điểm đặc biệt là các loại hải sản được bày bán tại đây chủ yếu được vận chuyển trực tiếp từ thuyền làm nghề lặn sò ốc. Còn nếu muốn mua ghẹ sống hay mực, tôm tươi ngon bạn nên ghé Mũi Né hay Hòn Rơm. Tại đây hải sản được bày bán ngay trên bãi biển, thậm chí muốn thưởng thức tại chỗ bạn sẽ được chế biến phục vụ mà giá cả thì khá mềm.

Một vài kinh nghiệm nhỏ mà du khách thường rỉ tai nhau mỗi khi đến với Phan Thiết là nếu muốn mua được hải sản còn tươi ngon thì nên chịu khó dậy vào mỗi sáng sớm đến các điểm tập kết hải sản tại Phan Thiết, Mũi Né là có thể mua được cho mình các loại hải sản tươi ngon.

Cốm hộc Phan Thiết – Bình Thuận

Có thể nói, Phan Thiết là một trong những địa chỉ góp phần không nhỏ trong bản đồ ẩm thực Việt Nam. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp thơ mộng của biển xanh nắng vàng, mà còn có cơ hội thưởng thức rất nhiều đặc sản độc lạ. Ngoài những món ăn cao sang, cầu kỳ thì Phan Thiết cũng có nhiều món ăn dân dã, vừa ngon vừa rẻ, trong đó có cốm hộc – một loại đặc sản rất đặc trưng của vùng biển Phan Thiết.

Cốm hộc Phan Thiết – Bình Thuận

Tuy đơn giản, mộc mạc nhưng cốm hộc vẫn khiến bao người đi xa phải nhớ, khiến thực khách ăn một lần còn nhớ mãi. Từng lát cốm trắng vàng bắt mắt xen lẫn vài miếng dứa và gừng trông thật hấp dẫn. Cắn một miếng cốm, nhai chầm chậm để cảm nhận vị ngọt bùi của từng hạt cốm, vị chua chua, cay cay lại thơm ngậy của gừng và dứa. Trời mưa, được nhâm nhi vài hộc cốm cùng chén trà xanh thì còn gì bằng.

Nguyên liệu làm cốm hộc không quá phức tạp. Cốm được làm từ gạo nếp, sau khi rang sẽ nở bung ra nên còn gọi là nổ. Nổ có thể tự làm, hoặc mua sẵn ở ngoài rất tiện và đỡ được một công đoạn. Để làm thành hộc cốm thì cần trộn nở với nước đường theo tỷ lệ: 10 kg đường với 2 chén nước và 8kg nổ.

Gừng bóc vỏ rửa sạch thái lát hoặc thái sợi mỏng, dứa gọt vỏ bỏ mắt và cắt hạt lựu.Cho đường và nước vào nồi đun nóng. Khi nào đường nước đường kéo lên thành sợi là được. Vắt một quả chanh vào khuấy đều, vừa giúp nước đường thơm hơn, vừa không bị lại đường. Đổ hỗn hợp dứa và gừng vào nồi nước đường rồi đảo đều, nhắc xuống để nguội. Sau khi nước đường nguội hẳn thì đổ ra thau đựng sẵn nổ. Trộn đều tay khoảng 20-30 phút để các thành phần quyện đều vào nhau. Trộn càng đều thì khi ăn sẽ càng ngon.

Sau khi trộn cốm xong thì đến công đoạn đóng cốm. Cốm được đóng bằng khung gỗ vuông 3 mặt và một nắp đậy rời. Sau khi cho cốm vào đầy hộc, dùng nắp đậy đè chặt cốm xuống để cốm thành khuôn. Sau đó đổ cốm ra, dùng dao cắt lại các góc cho miếng cốm được vuông vức. Lúc này cốm trông như các hộc nên còn được gọi là cốm hộc.

Cốm sau khi được tạo thành những khối vuông vức sẽ được đem phơi nắng từ 1-2 ngày cho thật khô. Như vậy cốm sẽ bảo quản được lâu hơn. Lúc phơi, người ta sẽ phủ tấm vải màn lên trên cốm để tránh bụi bặm.

ăn gì khi đến bình thuận?

Cốm hộc Phan Thiết – Bình Thuận

Cốm đã phơi khô sẽ đến công đoạn cuối cùng là đóng gói. Từng hộc cốm được gói vuông vức trong những túi bóng kính hoặc giấy màu với những màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Phía ngoài giấy gói còn được trang trí bằng những chiếc nơ, giống như nơ gói quà giúp gói cốm đẹp mắt hơn, rất thích hợp để mang đi làm quà biếu hay bày lên bàn thờ.

Cốm hộc Phan Thiết có thể bảo quản được từ 1-3 tháng. Khi ăn dùng dao cắt thành từng miếng dài nhỏ, nhâm nhi cùng trà nóng. Khi bóc cốm ra ăn, hương vị vẫn thơm ngon như khi mới ra lò.

Ở Phan Thiết, cốm hộc thường được làm vào những ngày xuân. Vì vậy cứ nhìn thấy cốm là như thấy mùa xuân về. Những người xa xứ mỗi lần xa quê cũng không mang theo một ít cốm hộc để làm quà hoặc thỉnh thoảng nhâm nhi để nhớ về hương vị quê nhà. Nghề làm cốm hộc đã từng bị mai một nhưng nay đã được khôi phục lại.

Bánh rế – Bình Thuận

Phan Thiết nổi tiếng với nhiều món ngon, trong đó bánh rế không chỉ là đặc sản nơi nắng gió mà còn là món ăn lót dạ tuyệt vời trên những chặng đường tham quan, khám phá.

ăn gì khi đến bình thuận?

Bánh rế – Bình Thuận

Bánh rế có nguồn gốc xuất xứ tại Phan Rang (Ninh Thuận), dần dần lan rộng khắp miền Trung, rồi đến phía Nam, nhưng ngày nay phổ biến nhất và trở thành đặc sản ở Phan Thiết (Bình Thuận). Nghề làm bánh rế ở Phan Thiết hiện nay tập trung chủ yếu ở các khu vực nội thành, là nghề truyền thống của nhiều gia đình, nên mỗi nơi cho ra lò những chiếc bánh rế mùi vị, độ ngon khác nhau, nhưng tất cả đều tạo nên nét đặc trưng, hương vị rất riêng cho vùng đất này.

Bánh rế thoạt đầu trông rất đơn giản, nhưng để chế biến thành công đòi hỏi người làm phải hết sức khéo léo. Nguyên liệu chính của món này chủ yếu từ khoai mì hoặc khoai lang. Phải chọn những củ khoai lang, khoai mì (sắn) thật tươi, không non cũng không già và phải trải qua 6 công đoạn gồm 6 thợ đảm nhận các công việc khác nhau mới có thể chế biến được chiếc bánh rế thơm ngon và chất lượng.

Khoai, sắn sau khi được chọn kỹ, bỏ vào thau nước ngâm vài tiếng cho bớt nhựa, sau đó lột sạch vỏ và bào thành sợi nhỏ đều, để khi chiên những sợi này đan xen và quấn lẫn nhau. Trộn chúng với một xíu hương vani rồi mới đem chiên.

Tiếp đến, người thợ bánh bắc chảo dầu lên lò than đang ửng hồng, thêm một ít dầu dừa vào chảo. Khi dầu sôi, bốc một nắm khoai mì/khoai lang bào sẵn bỏ vào cái vá (muỗng) có cán dài rồi nhúng vào chảo dầu. Dùng đũa đảo sợi khoai lên cho chín đều và tránh bị dính vào thành cục quá dày.

Dầu nóng làm cho khoai chín và kết dính vào nhau, tạo nên những chiếc bánh có hình thù giống cái rế để lót nồi, xoong, niêu của người dân vùng quê, nhưng nhỏ hơn rất nhiều, từ đó mà bánh rế ra đời. Khi bánh đã kết dính với nhau và đã chín đều, dùng vá vớt bánh ra vỉ cho ráo dầu.

Chiên hết số sợi mì đã bào cũng là lúc bánh rế đầy rổ. Ta dùng một chảo khác để thắng đường. Khi đường tan chảy, gấp từng chiếc bánh rế một nhúng sâu vào chảo đường rồi lấy ra, cứ tiếp tục cho đến hết. Sau đó rắc thêm chút mè trắng rang sẵn lên mặt bánh rế vừa nhúng đường, để khi dùng tạo hương thơm và vị đặc biệt hơn.

Bánh rế – Bình Thuận

Chiếc bánh rế chiên dầu vàng tươi, cắn vào là giòn tan ngay trong miệng, vị thì vừa ngọt vừa béo cùng với đó là hương thơm của mè, khoai lang, khoai mì như được hòa vào nhau khiến vị giác như bùng nổ mỗi khi ăn. Bánh rế rất thích hợp ăn kèm khi uống trà, vị đắng của lá trà sẽ kích thích vị ngọt trong bánh nhiều hơn, khiến bánh trở nên ngon miệng, làm bạn như tan chảy.

Nếu có dịp dừng chân ở Phan Thiết hay du lịch Bình Thuận, đừng quên ghé lại một nơi nào đó và thưởng thức ngay món ăn đặc sản dân dã này. Bạn sẽ mê ngay từ lần ăn đầu tiên đó. Và nhớ mua nhiều tích trữ nhé! Vì không biết là bạn sẽ thèm bánh rế khi nào đâu.

Trên đây là những món ăn ngon ở Bình Thuận mà chúng tôi muốn giới thiệu tới cho các bạn. Hy vọng, với những thông tin tư vấn ở trên sẽ giúp bạn giải đáp được những thắc mắc về câu hỏi “Ăn gì khi đến Bình Thuận?”. Chúc bạn có chuyến du lịch Bình Thuận trọn vẹn vui vẻ.

Đăng bởi: Trường Lê Nhựt

YOLO! Khám phá các huyện ở Bình Thuận

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก