Tâm Sự

Bi kịch nhân cách hình thành, trở nên đáng ghét dù bản thân không hề muốn thế

Trước kia chúng tôi từng có bài viết nói về anti-natalism, một phong trào phản đối việc sinh đẻ. Những người theo anti-natalism cho rằng không nên sinh một đứa trẻ ra rồi để chúng phải đối mặt với sự căng thẳng, bon chen cuộc sống, sự già nua, bệnh tật và sau cùng là cái chết… nhất là khi đó không phải mong muốn của chúng.

Cá nhân tôi không có vấn đề gì với anti-natalism, việc ai đó muốn đẻ hay không phụ thuộc vào chính họ. Không nên áp lên họ những áp lực từ gia đình, xã hội hay đôi khi còn hơi quá là “nhiệm vụ duy trì nòi giống”. Ở phía ngược lại, ta cũng không được phép cấm ai đó sinh đẻ vì hoàn cảnh kinh tế, vị thế xã hội hay trí tuệ của họ.

Nhưng đôi lúc tôi cũng băn khoăn về việc này, về việc những đứa trẻ không những không có ý thức gì về việc chúng được sinh ra, còn thiếu đi quyền tự quyết về chuyện chúng sẽ trở thành người như thế nào và có cuộc sống ra sao. Vậy có quá bất công với chúng hay không?

Chẳng hạn câu “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” là một trí tuệ dân gian cũ kỹ nói về chuyện “di truyền thứ bậc xã hội”, thật tiếc khi đến nay nó vẫn còn độ chính xác nhất định. Nhưng hôm nay chúng ta sẽ không nói về nó, vì vấn đề giai cấp lúc nào cũng phức tạp và khó nói.

kiến thức, nhận định, nuôi dạy con, tâm lý học, bi kịch nhân cách hình thành, trở nên đáng ghét dù bản thân không hề muốn thế

Tôi quan tâm hơn đến việc đôi lúc bọn trẻ còn không được nắm giữ quyền tự quyết về quá trình hình thành nhân cách bản thân, mãi cho đến khi chúng bắt đầu có được nhận thức, mọi thứ đã quá muộn. Như việc ai đó hay nóng tính, ai đó nói quá nhiều, ai đó quá bốc đồng, ai đó quá yếu đuối, ai đó quá nhút nhát, ai đó quá dễ xúc động, ai đó quá dễ mất tập trung, ai đó hay bị lo âu, ai đó quá ngốc nghếch… có rất nhiều người mang theo những đặc điểm tính cách cố hữu mà họ không thích, và thậm chí còn biết rằng người khác cũng không thích thế.

Nhưng họ chẳng thể làm gì khác được ngoài việc liên tục thắc mắc vì sao mình lại thế, mà không phải tốt hơn – như những người khác? (Dù người khác cũng đều nghĩ giống họ).

Để trả lời cho câu hỏi này, hãy quay trở lại quá khứ, để tìm hiểu xem nhân cách, cá tính (personality) của một người được hình thành như thế nào dưới góc độ khoa học.

1. Nhân cách của con người được hình thành như thế nào?

Có nhiều lý thuyết về việc hình thành nhân cách, nhưng nhìn chung hầu như đều đồng ý rằng có hai nhân tố chính trực tiếp ảnh hưởng: gen và môi trường sống.

Biết rằng với một đứa trẻ được sinh ra, gen vốn là di sản được thừa hưởng từ những thế hệ trước trong gia phả, trong khi môi trường sống cũng được người lớn kiến tạo cho. Vì vậy, không phải là nói quá khi cho rằng người lớn gần như phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho việc hình thành nhân cách của những đứa trẻ (người lớn có thể không chỉ bao gồm cha mẹ).

Quan điểm chủ đạo của tâm lý học cũng cho rằng nhân cách xuất hiện sớm và sẽ phát triển trong suốt cuộc đời. Những đặc điểm tính cách của người trưởng thành dựa trên cơ sở trong giai đoạn thơ ấu, nghĩa là những khác biệt về tính cách và hành vi giữa các cá nhân xuất hiện kể từ khi ngôn ngữ và ý thức chưa phát triển. Điều này càng cho thấy rõ trách nhiệm của người nuôi dưỡng với nhân cách của trẻ.

kiến thức, nhận định, nuôi dạy con, tâm lý học, bi kịch nhân cách hình thành, trở nên đáng ghét dù bản thân không hề muốn thế

Thuyết 8 giai đoạn về hình thành nhân cách của Nhà tâm lý học Erik Erikson

Một trong những lý thuyết nổi tiếng về vấn đề hình thành nhân cách là thuyết 8 Giai đoạn của Nhà tâm lý học Erik Erikson, nói về quá trình hình thành và toàn vẹn nhân cách thông qua 8 giai đoạn cuộc đời. Được tóm tắt như sau:

– Giai đoạn 1 (Tin tưởng vs. Không tin tưởng): Trẻ sơ sinh hoàn toàn phó mặc số phận của mình cho người chăm sóc. Chúng sẽ học được cách tin tưởng thế giới và mọi người khi được người chăm sóc quan tâm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Và ngược lại, thiếu đi niềm tin nếu không được chăm sóc tốt.

– Giai đoạn 2 (Tự chủ vs. Xấu hổ và hoài nghi): Trẻ biết đi bắt đầu đạt được cảm giác kiểm soát bản thân và tự làm những việc như tự đi vệ sinh, chọn thức ăn hoặc đồ chơi… Giai đoạn này có thể giúp trẻ trở nên tự chủ tốt hơn nếu mọi thứ trơn tru, hoặc hình thành sự xấu hổ và hoài nghi vào bản thân nếu gặp trục trặc. Chúng sẽ đối mặt với câu hỏi lớn: mình có thể tự làm, hay luôn phải phụ thuộc vào người khác?

– Giai đoạn 3 (Chủ động vs. Cảm giác tội lỗi): Trẻ học mẫu giáo (3-5 tuổi) bắt đầu khẳng định quyền lực và khả năng kiểm soát đối với thế giới xung quanh thông qua việc chỉ đạo trò chơi hoặc những tương tác xã hội khác. Từ đây, chúng có thể hình thành sự chủ động nếu lãnh đạo thành công, hoặc cảm giác tội lỗi nếu hoạt động mình khởi xướng không hiệu quả.

– Giai đoạn 4 (Tinh xảo vs. Tự ti): Trẻ tiểu học tham gia vào những tương tác xã hội và hoạt động học tập, sẽ hình thành cảm giác tự hào về thành tựu và khả năng của mình khi được khen ngợi và khuyến khích, hoặc phát triển cảm giác nản lòng, tự ti nếu mọi thứ không được như ý.

– Giai đoạn 5 (Nhận diện bản thân vs. Lú lẫn): Thanh thiếu niên bắt đầu khám phá bản thân, cũng như vị thế và danh tính của mình với thế giới xung quanh. Erikson cho rằng giai đoạn này đặc biệt quan trọng, giúp một người có thể cảm thấy an toàn, độc lập và sẵn sàng đối mặt với tương lai khi nhận ra họ là ai; hoặc trở nên bối rối, lạc lõng, bất an và không chắc chắn về vị trí của mình trên thế giới.

– Giai đoạn 6 (Sự thân mật vs. Sự cô lập): Giai đoạn này kéo dài từ 19-40 tuổi, khoảng thời gian mọi người tập trung vào việc hình thành các mối quan hệ thân mật. Những người hình thành thành công mối quan hệ yêu thương với người khác có thể được trải nghiệm tình yêu và sự thân mật, hoặc thất bại và cảm thấy bị cô lập, đơn độc.

– Giai đoạn 7 (Phát triển vs. Trì trệ): Những người trung niên sẽ bắt đầu cuộc chiến để nhận ra xem họ là người vẫn còn khả năng nuôi dưỡng gia đình, làm việc và đóng góp cho cộng đồng; hay cảm thấy mất kết nối và vô dụng vì không thể làm được gì nữa.

– Giai đoạn 8 (Chính trực vs. Tuyệt vọng): Giai đoạn tâm lý xã hội cuối cùng thuộc về những người 65 tuổi về sau. Trong khoảng thời gian này, một người sẽ nhìn lại cuộc đời của mình và đặt câu hỏi: “Tôi đã sống một cuộc đời có ý nghĩa chưa?”. Ông/bà ấy sẽ cảm thấy bình an, viên mãn và tự hào về bản thân ngay cả khi phải đối mặt với cái chết; hoặc cay đắng, hối tiếc và tuyệt vọng… tùy thuộc vào câu trả lời cho câu hỏi trên.

kiến thức, nhận định, nuôi dạy con, tâm lý học, bi kịch nhân cách hình thành, trở nên đáng ghét dù bản thân không hề muốn thế

Nhìn chung, phần lớn giai đoạn phát triển tâm lý nằm trong khoảng thời gian từ trẻ vị thành niên trở về trước. Có thể thấy trong cuộc chiến hình thành nhân cách, sự bấp bênh lớn đến mức có đến 50% chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng và khiếm khuyết nhiều đức tính quan trọng.

Ngoài lý thuyết của Erikson, phân tâm học của Freud cũng đồng ý rằng thời thơ ấu nắm vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách cá nhân. Nhiều lý thuyết ít nổi tiếng hơn cũng đồng ý với điều này.

Nhưng không chỉ dưới góc độ tâm lý học hay phân tâm học (vốn là những ngành khoa học chưa hoàn chỉnh), khoa học nhận thức và khoa học thần kinh cũng có nhiều bằng chứng cho thấy những thương tổn tâm lý từ thời thơ ấu, thậm chí còn thay đổi cả cấu trúc não bộ.

2. Trách nhiệm của bố mẹ trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ

Phát triển nhân cách là một đề tài được khai thác mạnh trong giới khoa học, vì thế không thiếu nghiên cứu và bằng chứng cho thấy sự ảnh hưởng của môi trường lên bọn trẻ.

Chẳng hạn, trẻ em có bố mẹ thường xuyên vắng mặt vì công việc có tỷ lệ nghỉ học và bị nhà trường mắng vốn cao hơn. Bố mẹ ly dị cũng khiến trẻ em gặp vấn đề về hôn nhân trong tương lai, dễ lạm dụng rượu và ma túy, tỷ lệ trở thành tội phạm cao hay thậm chí tỷ lệ t.ự t.ử cũng cao hơn. Việc bố mẹ cãi nhau cũng khiến trẻ dễ trở nên chống đối xã hội và trầm cảm. Chưa kể đến việc bị bạn bè, xã hội cô lập, hoặc được nuôi dạy bởi những giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm cũng tác động tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của một đứa trẻ.

Nhìn chung chúng ta là những sinh vật cộng đồng, có tính xã hội cao. Vì thế, dù rất muốn, ta cũng không thể sinh trưởng một cách độc lập, tự sinh tự diệt được. Ngay từ khi sinh ra, những cơ chế sinh học cố hữu đã định hình cách ta lớn lên. Chẳng hạn cơ chế bắt chước là một cơ chế phổ biến trong sinh giới, giúp chim con biết cách bay, sói con biết cách săn mồi… nhưng ở loài người, xã hội phức tạp khiến không phải đứa trẻ nào cũng bắt chước được “cách làm người” một cách đúng đắn – nhất là khi chúng không được quyền quyết định việc sẽ bắt chước “cách làm người” từ ai và ở đâu.

Một số bằng chứng còn cho thấy trong bình minh của sự phát triển nhận thức, việc chịu những sang chấn tâm lý còn khiến não bộ bị thay đổi ở mức độ vật lý. Những sự kiện không mong muốn như tai nạn, thảm họa, chứng kiến người thân qua đời, thất bại, bị đe dọa, tấn công bạo lực/tình dục… có thể khiến một số vùng não bộ phát triển mạnh hơn để phản ứng lại với kích thích, cùng lúc những vùng não bộ khác phát triển kém hơn. Biết rằng cấu trúc não này chịu trách nhiệm cho những chức năng cảm xúc, và cảm xúc quyết định hành vi của chúng ta – trong suốt phần đời còn lại.

Một nghiên cứu khác còn cho thấy việc trải nghiệm sang chấn tâm lý có thể khiến ký ức bị bóp méo. Chẳng hạn, người ta có xu hướng nhớ nhiều hơn những gì họ thực sự trải qua, cũng như dễ dàng bị ám ảnh và “tái trải nghiệm” cảm giác sang chấn ấy trong tương lai. Vì vậy, tốt hơn cả, hãy ước rằng bạn không bao giờ phải rơi vào tình trạng tương tự.

Nhìn chung rủi ro khiến chúng ta trở nên không hoàn hảo nhiều và dễ đến mức chúng ta đều tự nhận thấy bản thân không hoàn hảo. Hãy biết rằng tồn tại khả năng ta trở thành con người tuyệt vời, nhưng lại tồn tại rất nhiều khả năng để ta không được như vậy. Do đó, phần lớn những người đang đọc bài viết này rơi vào trường hợp mắc phải khiếm khuyết này hoặc khiếm khuyết khác – nên việc không hoàn hảo lại trở nên bình thường.

Nhưng dù chấp nhận rằng “không ai hoàn hảo cả”, người ta vẫn có thái độ khác nhau với từng loại khiếm khuyết nhân cách, như chấp nhận việc một người có tâm lý yếu, nhưng lại không muốn ở gần những người hay nổi nóng. Vì thế, người lớn, nếu thực sự có trách nhiệm, hãy tránh để con mình phải rơi vào hoàn cảnh khiến chúng mắc phải những khiếm khuyết nhân cách nghiêm trọng về sau.

3. Chúng ta phải đối mặt với việc chịu trách nhiệm cho những thứ không phải lỗi của mình

Trẻ em không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào cả, ấy là điều chắc chắn. Khi lớn lên, chúng chưa kiện ngược bố mẹ vì khiến chúng phải trở thành kiểu người bị người khác ghét bỏ là còn may. Nhưng quả thực, hình như có tồn tại một quy luật vô hình nào đó, khi common sense cho thấy người lớn trước nay đều phải đứng trước phiên tòa đạo đức của chính mình mỗi khi con họ gặp vấn đề.

Vì vậy, mặc dù ai trong chúng ta cũng biết rằng việc làm người lớn không dễ dàng gì, nhưng khi đã quyết định sẽ nuôi dưỡng một đứa trẻ, hãy xây dựng kế hoạch một cách tử tế. Có nhiều “dự án” lớn trong đời chúng ta đều biết rằng chúng không dễ, nhưng chuyện làm thì vẫn phải làm. Nuôi con là một trong số ấy.

Nỗ lực của những người bố mẹ tốt là một phương án tốt để đảm bảo những đứa trẻ lớn lên với đầy đủ phẩm chất, trong lúc xã hội vẫn còn nhiều bất cập. Chúng ta đều biết rằng xã hội ngày nay chưa phải tối ưu hay hoàn hảo nhất, nhưng đành phải chờ, biết rằng theo chiều dài lịch sử các hình thái xã hội quả thực đang tốt dần lên. Có thể đến thời điểm nào đó xã hội sẽ đủ tốt để nuôi dạy mọi đứa trẻ trở nên hoàn hảo (bật mí: không phải bây giờ).

kiến thức, nhận định, nuôi dạy con, tâm lý học, bi kịch nhân cách hình thành, trở nên đáng ghét dù bản thân không hề muốn thế

Ở góc độ cá nhân, với những người đang nhận ra nhân cách bản thân tồn tại những khiếm khuyết do thời thơ ấu và không phải lỗi của mình: đừng quá tuyệt vọng. Vì cho đến nay, quan điểm chung về nhân cách cho thấy chúng vẫn tiếp tục phát triển và có thể thay đổi trong thời gian trưởng thành (tất nhiên sẽ khó khăn và cần nhiều nỗ lực hơn).

Vì suy cho cùng, chúng ta đều phải đối mặt với việc “chịu trách nhiệm cho những thứ không phải lỗi của mình”. Và dù biết rằng như thế thật bất công và chẳng dễ chịu gì, nhưng khi mọi thứ đã diễn ra rồi, cũng chẳng còn phương án nào khác để lựa chọn.

Đó chính là bản chất của cuộc sống, thứ khiến người ta vẫn liên tục than vãn rằng “cuộc sống thật phức tạp”. Vì có nhiều vấn đề không biết là lỗi của ai, cũng chẳng biết phải quy trách nhiệm cho ai, nhưng nếu ai cũng bỏ mặc, thì tất cả là người chịu thiệt.

Trong đó, lúc nào bạn cũng là người chịu thiệt nhiều nhất.

Biết được bí mật này của cuộc sống rồi, bạn định làm gì: dỗi, khóc và chờ Bụt xuất hiện (bật mí: Bụt không bao giờ xuất hiện), hay tha lỗi cho tất cả mọi người (bao gồm cả chính mình) và bỏ ra chút công sức để tự kiến tạo lại cuộc đời theo hướng tốt đẹp hơn?

 Link: facebook.com/teammonsterbox/posts/2755751634705585

Đăng bởi: Phụng Nguyễn Ngọc Kim

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก