Tâm Sự

Cancel Culture: văn hóa tẩy chay là kẻ thù của cả những người đã tạo ra nó

Văn hóa tẩy chay (cancel culture) nguy hiểm vì đại chúng chỉ dùng chúng để triệt hạ các cá nhân chứ không phải ý thức hệ, đơn thuần chỉ là sự căm ghét hay sự thỏa mãn cảm xúc cá nhân có hại. Đó thậm chí chẳng phải trí tuệ đám đông, chỉ là sự căm ghét được tạo ra, đôi khi còn bị chi phối bởi cá nhân, tổ chức nào đó.

Chúng ta đã thay đổi như thế nào kể từ khi internet xuất hiện.

khoa học, nhận định, tâm lý học, văn hóa, cancel culture: văn hóa tẩy chay là kẻ thù của cả những người đã tạo ra nó

Cancel Culture là gì?

Cancel Culture hay call-out culture là một hình thức tẩy chay hiện đại khi một ai đó bị đẩy ra khỏi vòng kết nối xã hội hoặc môi trường làm việc bằng các hình thức giao tiếp truyền thống hoặc trực tuyến. Những đối tượng của sự tẩy chay này được gọi là đã bị hủy bỏ – “cancelled”.

Cụm từ “cancel culture” chủ yếu mang hàm ý tiêu cực và thường được sử dụng trong các cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận và kiểm duyệt.

Khái niệm “cancel culture” là một biến thể của thuật ngữ “call-out culture”, tạo thành một hình thức tẩy chay hoặc xa lánh liên quan đến một cá nhân (thường là một người nổi tiếng) khi người này đã có những hành động hoặc lời nói gây tranh cãi.

khoa học, nhận định, tâm lý học, văn hóa, cancel culture: văn hóa tẩy chay là kẻ thù của cả những người đã tạo ra nó

Sự cả tin không đáng có

“Để xem nguyên nhân là gì đã”, tôi nghĩ, có lẽ đây đã là cách phản ứng hợp lý nhất khi đứng trước bất kỳ sự kiện nào. Vì nếu chúng tôi đã làm sai một điều gì đó nghiêm trọng, sự bênh vực của hàng nghìn người yêu thích cũng chẳng thể nào thay đổi được bản chất của sự thật; và ngược lại, việc lên án tẩy chay của hàng trăm nghìn người hay của nhiều người hơn nữa thì cũng chẳng có giá trị gì nếu chúng tôi không làm gì sai.

Nhưng… như nào là đúng, và ai là người quyết định thế nào là sai?

Tôi luôn tôn trọng tất cả mọi người và nghĩ rằng ai cũng đồng ý với một nguyên tắc phổ quát rất căn bản rằng: làm sai thì chịu trách nhiệm, còn những điều đúng đắn thì phải được bảo vệ. Đến một đứa trẻ 10 tuổi cũng học được điều này nhờ vào những bộ phim siêu nhân. Nhưng tôi không tin rằng đứa trẻ ấy đủ khả năng để đánh giá “thế nào là đúng còn ra sao thì sai” với những vấn đề phức tạp khác của xã hội, tôi nghĩ bạn cũng thế.

Nhưng quan trọng hơn, tôi thậm chí cũng không tin bạn nhiều hơn việc tin vào một đứa trẻ 10 tuổi trong khả năng đánh giá “thế nào là đúng còn ra sao thì sai”. Có nhiều vấn đề trong cuộc sống đủ phức tạp để phần lớn trong chúng ta khi đứng trước chúng chẳng khác nào một đứa trẻ 10 tuổi với kiến thức về sự công bằng học được từ phim siêu nhân. Điều khác biệt có lẽ nằm ở chỗ trẻ em luôn nhận thức được rằng chúng chỉ là những đứa trẻ (và người lớn cũng nhìn nhận chúng như thế), trong khi “sự trưởng thành” đôi khi khiến phần lớn chúng ta nghĩ rằng việc lớn lên về mặt sinh học cũng đồng nghĩa rằng ta đã đủ thông minh để phán xét gần như toàn bộ mọi thứ trong cuộc đời phức tạp này.

Mọi thứ phức tạp từ đây. Việc luôn hướng đến “loại trừ cái xấu” và “bảo vệ những điều đúng đắn” một cách rất nhiệt tình, kết hợp cùng sự thật rằng phần lớn chúng ta không đủ khả năng để đánh giá tính đúng sai của phần lớn vấn đề đã dẫn đến hàng loạt điều tồi tệ ở nhiều cấp độ.

Sự ngu ngốc của bản thân luôn là thứ rất khó lường.

Thế nên, mặc dù tôi luôn tôn trọng chuyện ai cũng biết về chuyện đúng-sai, nhưng lại không thực sự tin tưởng việc ai cũng biết sao là đúng và thế nào là sai, thậm chí đôi lúc nên hoài nghi cả chính bản thân. Đây là một kỹ năng quan trọng để sống trong thời đại của internet, nơi chúng ta luôn phải tiếp xúc với người lạ và bị kéo vào hàng loạt cuộc tranh cãi phức tạp ngay cả khi đang ngồi trong toilet.

Sự hấp dẫn của việc ngồi đọc hàng trăm bình luận cãi nhau giữa những người lạ không chỉ khiến chúng ta tê chân vì ngồi quá lâu trong toilet, còn tạo ra một sự ngu ngốc âm thầm khó kiểm soát. Thật tai hại khi để bản thân được dạy bảo, bị ấn tượng hay bị chi phối bởi những người lạ mặt. Chúng ta không bao giờ đánh giá cao việc ra chợ xem mọi người cãi nhau để học hỏi hay hóng hớt, nhưng lại thực hành nó mỗi ngày trên môi trường internet, dù về bản chất gần như là tương tự nhau. Về mặt toán học, khả năng vô tình bắt gặp người thông tuệ khi lướt internet thường thấp đến mức không đáng kể, trừ khi bạn ghé vào những khu vực đặc thù. Ở những nơi càng đông và đại chúng, khả năng tìm thấy chuyên gia càng thấp, trong khi tỷ lệ bắt gặp ý kiến không có giá trị càng cao.

Có lẽ đã đến lúc để bạn nhớ lại cuộc đời ở đời sống thực, và nghiệm lại những gì tôi vừa nói phía trên. Chúng ta biết rằng việc đánh giá đúng-sai, tốt-xấu khó đến mức ngay ở quy mô gia đình, bố mẹ và con cái thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và xung đột nếu không có một bộ quy tắc đủ tốt. Phần lớn gia đình không thực sự có các bộ quy tắc mà chỉ dựa trên trực giác, một số ít vận dụng gia giáo (thường là kinh nghiệm được truyền đạt từ thế hệ đi trước), số ít khác tự thiết kế dựa trên ý chí và trình độ học thức của bố mẹ. Mọi người thường cư xử với nhau xoay quanh những bộ quy tắc đã đặt ra từ đầu. Những điều như “phải đóng nắp toilet sau khi sử dụng”, “đi ngoài đường vào nhà phải rửa chân trước”, “không được nằm lên giường hoặc sofa nếu vẫn đang mặc quần áo đi ngoài đường về”, “nói chuyện với bố mẹ không được nói trống không”, “không được vào phòng con khi chưa được phép”… thường là các quy tắc khá nội bộ. Đôi lúc các thành viên còn tranh cãi xem liệu việc làm vậy có phải đúng và cần thiết hay không; và tất nhiên các gia đình khác nhau lại cư xử khác nhau. Vậy như thế nào là đúng? Phụ thuộc vào bộ quy tắc gia đình bạn sử dụng.

Rộng hơn, ở quy mô xã hội, mọi người cư xử với nhau dựa trên đạo đức, nhưng chặt chẽ hơn cả là hệ thống pháp luật. Một hành vi liệu có đáng bỏ tù hay không sẽ cần đến một bộ máy đồ sộ bao gồm cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp và hơn thế. Một đứa trẻ 10 tuổi bất kỳ có thể đã biết rằng hành vi ăn cắp là sai trái và phải chịu hình phạt, nhưng sẽ ra sao nếu một người khác tuyên bố ngược lại? Nhìn chung là không quan trọng. Xã hội không vận hành dựa trên ý chí của đứa trẻ 10 tuổi hay cụ già thông thái nào đó, đã qua thời đó rất lâu rồi, mà dựa trên hệ thống đã được thiết kế một cách chặt chẽ và được thống nhất bởi nhiều người.

Tất nhiên những hệ thống này vẫn chưa thực sự hoàn hảo, nhưng chắc chắn rằng nó tốt hơn ý chí chủ quan của bất kỳ ai.

Nhìn chung, ở bất kỳ phạm vi nào. người ta tránh việc tranh cãi đúng-sai bằng mồm, chủ yếu làm việc dựa trên các quy tắc được thống nhất với nhau. Vì vậy, việc đánh giá đúng sai sẽ phụ thuộc và khả năng hiểu các quy tắc tốt đến mức nào, thay vì “cảm thấy ra sao”. Các phiên tòa được lập ra (cùng những hoạt động pháp lý liên quan) cốt yếu để chứng minh hoặc phủ nhận tội lỗi của một người nào đó dựa trên bộ nguyên tắc đã có. Thầy giáo chấm điểm bài kiểm tra dựa trên barem và xem xét bài toán dựa trên lý thuyết toán học. Bố mẹ phạt con cái dựa trên những quy định gia đình đã thống nhất với nhau. Quản lý đánh giá công việc dựa trên hệ thống các tiêu chí, tranh cãi trong công việc sẽ được giải quyết thông qua các quy trình của công ty. Mọi người đã cố ý tạo ra các hệ thống để tránh phải rơi vào các cuộc tranh cãi cảm tính phiền phức không có hồi kết.

Vì vậy, nếu bạn là một chuyên gia ở lĩnh vực nào đó, bạn sẽ biết cách để đánh giá chất lượng của những thứ liên quan trong lĩnh vực ấy. Như một nhà làm phim sẽ biết vì sao bộ phim này hay và bộ kia dở tệ, bất kể đánh giá của khán giả như thế nào. Trong phần lớn những lĩnh vực khác, chúng ta không thực sự biết cách đánh giá vấn đề, chỉ dựa trên cảm quan cá nhân, nhưng vẫn bị thôi thúc mãnh liệt trong việc phải đưa ra phán quyết của riêng mình. Phần tiếp theo sẽ chỉ ra vì sao điều này thật tai hại.

Thế giới chúng ta đang sống thật mới mẻ

Các nguyên tắc phổ quát chưa thực sự hoàn hảo, chúng vẫn thường được bổ sung, chỉnh sửa hay thậm chí đập đi xây lại. Chúng ta có luật chống tham nhũng, nhưng nạn tham nhũng vẫn tồn tại. Tương tự với rất nhiều khía cạnh khác trong xã hội. Luật pháp tỏ ra không hiệu quả 100%, và như thế đã đủ để tạo ra sự thất vọng. Trong khi đó, đôi khi người ta vẫn thấy dân chúng chỉ đúng và thẳng mặt quan chức tham nhũng trước cả khi tòa tuyên án. Nhưng thực sự có đúng như vậy?

Sự thật đúng là như vậy, nhưng đó không phải điều quá quan trọng. Việc pháp luật cũng có lúc sai và tuyên bố của một người nào đó vẫn có khả năng đúng là một sự thật hiển nhiên và vô nghĩa đến mức không cần phải quan tâm. Điều cần quan tâm là như thế nào và bao nhiêu.

Kỳ vọng to lớn của chúng ta về hệ thống pháp luật khiến những lỗ hổng của chúng bị thổi phồng quá mức. Sự quan tâm này là đúng đắn, nhưng nên tránh việc biến mối quan tâm thành động cơ bóp méo sự thật. Cần phải nhận thức rằng phía sau một vụ án oan là rất rất nhiều vụ án khác được xử lý trơn tru nhờ hệ thống luật pháp. Và ngược lại, những tuyên bố thỉnh thoảng đúng của đám đông không thể che mờ đi sự thật rằng trong phần lớn thời gian, sự cảm tính của con người thường xuyên dẫn đến sai lệch. Vì vậy, mặc dù lỗ hổng luôn cần được vá, không đồng nghĩa rằng việc kêu gọi từ bỏ nền văn minh và quay trở lại với lối sống cảm tính trong quá khứ là đúng đắn.

Bất lợi lớn nhất của những hệ thống đáng tin cậy là nếu nó sai, mọi người thường cảm thấy như “bị phản bội”. Trong khi đó, những lời nói bâng quơ nhăng cuội lại nhận được sự ngưỡng mộ lớn đến khó hiểu khi vô tình đúng. Điều này cũng đúng trong cả lĩnh vực học thuật, khi thành tựu khoa học đã trải khắp mọi ngóc ngách của thế giới, người ta vẫn đặt ra những câu hỏi tréo ngoe nhỏ nhặt nhằm hạ bệ toàn bộ hệ thống; trong khi các nhóm tâm linh mê tín dị đoan lại nhanh chóng lấy được niềm tin từ đại chúng chỉ từ một vài lần ăn may dù trong phần lớn thời gian chẳng giải quyết vấn đề gì. Hoặc người nổi tiếng, họ được đám đông khán giả kỳ vọng lớn đến mức nếu có phải xì hơi, thì cũng nên thơm chứ không được phép thối.

Internet đang khiến vấn đề này trở nên ngày càng nghiêm trọng, và những hệ thống con người đã xây dựng từ lâu đang đứng trước thách thức cực lớn bởi áp lực từ sự cảm tính của đám đông. Trái với thế giới ở thế kỷ trước, nơi các sự kiện chủ yếu được trình bày bởi các tập đoàn truyền thông chuyên nghiệp và khả năng tiếp cận thấp, ngày nay tin tức có thể được thuật lại bởi bất kỳ ai và có mức độ lan tỏa mạnh mẽ.

Tôi không nói trật tự như cũ là tốt, các tập đoàn truyền thông đúng là vẫn thường xuyên cư xử tệ hại, nhưng trật tự mới đang đặt ra một số vấn đề mới, và đây là lúc những người sống ở thời đại mới như chúng ta cần nói về chúng.

Tin tức ngày nay luôn có độ nóng hổi tính bằng giờ, thu hút sự chú ý của rất đông người trong cùng một lúc. Điều này tạo ra sự giao thoa và hợp trội mạnh mẽ đến bất ngờ của dư luận, thậm chí khiến mức độ quan trọng của một sự kiện lớn hơn bản chất của chính nó. Chẳng hạn, sự kiện bé gái rơi xuống từ chung cư cao tầng đã thu hút sự chú ý và lan ra khắp Việt Nam rồi kết thúc sau chỉ dưới một tuần. Chúng ta thấy mọi người tranh cãi về nó dưới mọi khía cạnh, phân tích về đạo đức, về vật lý và hơn thế nữa. Người ta đã cãi nhau xem liệu bé gái có được anh thanh niên leo lên nóc nhà cứu không, rồi lại cãi nhau xem liệu việc anh thanh niên có hay không tác động có quan trọng không, thậm chí còn cãi xem đâu mới là bài toán đúng phân tích lực của đứa bé rơi xuống, hay cãi nhau xem liệu việc tranh cãi về bài toán có vô đạo đức hay không…

Những sự kiện khác cũng tương tự, bản thân một tin tức có khả năng tạo ra hàng loạt tin tức con khác và thu hút sự chú ý mạnh mẽ. Như một hệ quả, mối quan tâm về những sự kiện này cũng nhanh chóng lụi tàn y như cách nó đã nhanh chóng được dấy lên. Nhưng hệ quả của chính hệ quả này, thật tệ, rốt cuộc lại dẫn đến việc người ta ngày càng cần nhiều hơn những tin tức tương tự để thỏa mãn, nối tiếp nhau. Tin tức bị mổ xẻ đến nát bấy, dư luận thể hiện ra hàng triệu quan điểm (vốn phần lớn là sai lệch), rồi sau đó ai lại về nhà nấy, để vết thương không thể phục hồi cho những người trong cuộc. Điều này diễn ra hết lần này đến lần khác.

Như đã phân tích ở phần 1, chúng ta vốn đã có (1) lòng nhiệt thành trong việc bảo vệ “chân lý”, (2) sự thiếu hụt nghiêm trọng khả năng đánh giá các vấn đề phức tạp và bây giờ có thêm (3) thôi thúc từ đám đông trong thời gian cực ngắn.

Con người đã luôn sống với (1) và (2), nhưng thế giới xưa cũ trông rất khác. Tin tức thường được kiểm duyệt kỹ lưỡng, có tốc độ lan tỏa thấp và rất hiếm khi tất cả mọi người cùng quan tâm đến một sự kiện trong cùng thời điểm. Tin tức về vụ án chấn động ở An Giang có thể sẽ chỉ nổi tiếng trong phạm vi một tỉnh, yếu dần khi lan ra khu vực miền Nam và có thể sẽ rất lâu sau đó mới lan đến những tỉnh thành xa xôi khác. Khi ai đó ở Quảng Nam nghe đến chúng, vụ án đã đến hồi ngã ngũ, hoặc mọi người không còn muốn nói đến nó nữa. Ngay cả khi đài truyền hình quốc gia nói về chúng, thì ngoài việc kiểm duyệt đã đảm bảo thông tin phải mang ít màu sắc cảm tính (đồng thời ít đi sự hấp dẫn), mọi người khi biết về nó cũng không thể tiếp tục lan tỏa thêm bằng cách thảo luận về nó được vì truyền khẩu có nhiều hạn chế.

Tất nhiên cách vận hành như cũ vẫn có những hạn chế của riêng nó, tôi không nói “nếu như thế thì tốt hơn”, nhưng sự thay đổi của truyền thông ở thời đại internet đã khiến truyền khẩu đóng vai trò quan trọng, thay vì phụ như trước kia, và điều này thật tệ. Các hạn chế của truyền khẩu về khả năng lan tỏa đã được khắc phục bởi các thuật toán của internet và mạng xã hội, trong khi những đặc tính tiêu cực của nó vẫn giữ nguyên: thông tin bị biến đổi liên tục, sự chú ý là phần thưởng mọi người hướng tới và sự cả tin khó hiểu của con người trước tin đồn.

Tin tức ngày nay len lỏi đến khắp mọi ngóc ngách, không chừa qua bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào hay ở bất kỳ đâu. Một người đang đi toilet có thể nhanh chóng bị kéo vào cuộc tranh luận đạo đức đầy căng thẳng xoay quanh vấn đề ăn thịt chó, bảng tin Facebook của một nhân viên trong văn phòng vào giờ trưa có thể tràn ngập tin tức về phát ngôn gây sốc của người nổi tiếng nào đó cách đó vài giờ hay thậm chí một đứa trẻ có thể dành cả đêm để theo dõi tranh luận về ma túy trên Reddit với ý kiến từ tài khoản ẩn danh trên khắp mọi nơi trên thế giới. Bản năng xã hội khiến chúng ta bị kéo vào chúng và bị thôi thúc phải thể hiện quan điểm, phải chọn phe trong hàng loạt vấn đề ta thiếu kiến thức. Thậm chí đó còn là những lĩnh vực chúng ta không có thẩm quyền để lên tiếng phán xét.

Tất cả chúng ta đều đang bị buộc phải trở thành người tốt, hoặc những kẻ tai hại đối với hàng loạt vấn đề trên thế giới.

Cancel Culture – Văn hóa tẩy chay hiện đại

Điều gì sẽ xảy ra khi chúng tôi bị tẩy chay? Bất kể sự thật phía sau động cơ tẩy chay là gì, kết cục của việc bị tẩy chay luôn là điều rất tệ hại. Đã có rất nhiều bài học trên thế giới chỉ trong thời gian rất ngắn từ khi internet ra đời. Chúng ta có người nổi tiếng, công ty nổi tiếng, người không nổi tiếng, tổ chức vô danh… bị hủy hoại hoàn toàn dưới tay đám đông, bất kể họ làm sai hay chỉ xuất phát từ hiểu lầm.

Việc bị hủy hoại dưới áp lực dư luận này còn được gọi là “cancel culture” (tạm dịch: văn hóa tẩy chay hiện đại), là “một thông lệ rút lại sự ủng hộ (canceling) đối với nhân vật và công ty đại chúng sau khi họ đã làm hoặc nói điều gì đó bị coi là phản cảm hoặc xúc phạm”. Định nghĩa này vẫn chưa được thống nhất, mọi người vẫn tranh cãi xem liệu nó có tồn tại hay không, có phải hiện tượng mới mẻ, hay liệu có đủ lớn để gọi là “culture” hay không. Nhưng có một sự thật song song khác, đây là hiện tượng bị lên án bởi gần như toàn bộ phe phái, từ quan điểm chính trị tả hay hữu, từ Đảng Dân chủ cho đến Đảng Cộng hòa, từ Obama cho đến Trump, từ người nổi tiếng cho đến các tờ báo lớn. Tất cả mọi người đều cảm thấy “cancel culture” như một căn bệnh ung thư của nhân loại, và nó đang hủy hoại gần như tất cả mọi thứ.

Cancel culture gắn chặt với thời đại internet, với lực lượng là đám đông vô danh bị thu hút bởi tin tức và các sự kiện nổi bật. Cancel culture không có ý thức hệ, không có người lãnh đạo và không thực sự tồn tại dưới định nghĩa về “tồn tại”. Đôi lúc đám đông muốn “cancel” một chính trị gia của đảng bảo thủ nào đó, đôi lúc họ lại kêu gọi tẩy chay các ngôi sao Hollywood vốn đặc trưng mang màu sắc cánh tả, đôi lúc họ tức giận với một streamer dám cư xử mạnh tay với chó mèo trên sóng trực tuyến, đôi lúc phẫn nộ trước hành vi bất lịch sự ngẫu nhiên quay được trên đường phố.

Về cơ bản, khi một nhóm người muốn “cancel” cá nhân/công ty nào đó, họ thường tạo áp lực để kêu gọi một sự trừng phạt nhắm vào cá nhân/công ty đó. Nghĩa là, những nạn nhân của cancel culture thường vô tội, không vi phạm bất kỳ quy định nào về mặt luật pháp hay điều khoản đã được đặt ra từ đầu; nhưng hành vi của họ tạo ra sự khó chịu, và những người khác muốn tạo ra sự trừng phạt.

Chúng ta vốn đã làm điều này từ lâu, và vẫn luôn như thế, nhưng trong phạm vi hạn chế của thế giới thực. Mọi người vốn vẫn thường tẩy chay các cá nhân trong cộng đồng và cô lập họ, nhưng quy mô thường nhỏ và cục bộ.

Ngày nay, tin tức tràn đến tận toilet của bất kỳ căn nhà kiên cố nào, và sự phiền nhiễu của đám đông cũng tràn vào tâm trí của bất kỳ ai đã có sẵn chiến lược để phòng thủ. Áp lực dư luận trong quá khứ là một thứ vũ khí đáng sợ đến mức các chính trị gia cũng phải dè chừng, hàng loạt Tổng thống Mỹ đã bị hủy hoại sự nghiệp bởi chúng, nhưng ngày nay mọi người đang dần phải tập làm quen với nó. Bạn có thể đóng cửa, nhưng không thể chặn được hàng nghìn lời phỉ báng trực tiếp được gửi vào hòm thư điện tử. Bạn có thể đóng mạng xã hội, nhưng không thể chạy trốn sự thật rằng đám đông đang điên cuồng gào thét tên bạn trên internet. Nhưng không chỉ tồn tại ở đó, cancel culture ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thực, và đó là lý do mọi người căm ghét nó.

Mới đây, vụ án thầy giáo ở Pháp đã khép lại, với lời thú nhận “bịa chuyện” từ một nữ sinh trung học. Thầy Samuel Paty bị sát hại chỉ vì nữ sinh 13 tuổi bịa chuyện với bố của cô rằng thầy đã phỉ báng đạo Hồi trong tiết giảng của mình. Thầy Samuel nhanh chóng trở thành nạn nhân của cancel culture, chịu làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ bởi cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp, kể từ sau khi bố của nữ sinh kia đăng tải câu chuyện bịa của con gái mình lên internet. Sự việc leo thang cho đến khi thầy Samuel bị chặt đ** ở ngay tại cổng trường, bởi một thanh niên 18 tuổi mộ đạo.

Có hàng loạt câu chuyện tương tự về cancel culture. Ở mức độ nhẹ hơn, rất nhiều người nổi tiếng đã bị hủy hoại sự nghiệp bởi những lời buộc tội vô căn cứ của cộng đồng mạng. Rất nhiều lần, sau khi mọi thứ đã vụn vỡ đến mức không thể cứu vãn, sự thật lộ ra rằng đám đông đã “hiểu nhầm”. Nhưng đám đông là ai, khi tất cả những thành viên vô danh nhiệt thành của hội hiệp sĩ mạng xã hội đã ai về nhà nấy kể từ sau khi sự kiện bớt nhiệt và có rất nhiều người trong số đó đang chuẩn bị buổi tối cho gia đình của mình, sau khi đã hủy hoại một ai đó?

Sức mạnh của đám đông đang tạo ra bầu không khí vô cùng căng thẳng, mà theo nhiều học giả, điều này sẽ khiến hàng loạt người tốt phải im lặng trong khi kẻ xấu thỏa sức phô diễn sức mạnh chi phối đám đông của mình. Chủ nghĩa tự do đang giết chết chính mình, khi rất nhiều người cho mình quyền tự do đưa ra phán quyết ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng loạt quyền tự do cơ bản của người khác.

Nền dân chủ phương Tây bất ngờ đến mức cảm thấy như bị xúc phạm trước cancel culture. Họ chưa bao giờ nghĩ rằng việc thể hiện quan điểm sẽ bị kiểm duyệt gay gắt như hiện tại, vì sự tự do đã là một niềm tự hào của họ ngay từ khi các tập đoàn truyền thông vẫn còn nắm giữ vai trò quan trọng. Nếu ai đó làm bất kỳ điều gì sai trái, cần dựa trên hiến pháp, pháp luật, đạo đức, điều khoản hay ít nhất là hợp đồng để xử phạt. Còn lại đều hợp pháp, và vậy thì không cần phải quan tâm. Có lẽ lúc ấy cần xem lại luật?

Chẳng hạn, các diễn viên sẽ chỉ bị chấm dứt hợp đồng nếu vi phạm điều khoản, chính trị gia chỉ bị truy tố nếu làm trái hiến pháp, phóng viên chỉ bị kỷ luật khi vi phạm nguyên tắc báo chí… nhưng tất cả bây giờ đang chịu áp lực nếu nói ra điều gì đó trái với quan điểm của “cộng đồng mạng”. Sự nghiệp, danh tiếng hay thậm chí mạng sống của một người sẽ gặp nguy hiểm chỉ vì họ đưa ra tuyên bố nào đó không phổ biến.

Điều này thật tệ, cho bất kỳ thành viên nào bên trong xã hội. Mọi người quên mất rằng tất cả chúng ta đều không hoàn hảo và bất kỳ ai cũng có lúc mắc sai lầm. Xã hội đã thiết đặt hàng loạt quy định để đối phó với những sai lầm này một cách hiệu quả nhất, điều này có lý do của riêng nó. Đừng bao giờ cho phép sự trừng phạt được thực hiện một cách cảm tính, điều tệ hại ở nhiều cấp độ này đã và đang diễn ra ở gia đình, trường học, cơ quan và ngày nay là toàn xã hội. Tôi nghĩ bạn đã từng trải qua những đau khổ và uất ức chỉ vì bố mẹ, sếp hay giáo viên của bạn đưa ra các quyết định một cách hoàn toàn cảm tính, khó đoán. Họ thậm chí còn không nhận thức được việc mình làm là sai, chỉ riêng nạn nhân của nó là bạn nhìn thấy rõ sự thật, nhưng hoàn toàn bất lực. Đám đông và nạn nhân của nó cũng có mối quan hệ tương tự như vậy.

Nhiều người đặt niềm tin vào “bàn tay vô hình” và “khả năng tự điều tiết của thị trường” hay “trí tuệ đám đông” đã không biết hoặc quên mất rằng nền kinh tế đã từng điêu đứng chính vì niềm tin ngây thơ ấy. Kinh tế học cổ điển, hay lý thuyết về bàn tay vô hình đã vụn vỡ cách đây nhiều thập niên, chỉ còn là một phần lịch sử “học để biết” trong kinh tế học. Còn đám đông bị dẫn dắt hầu như xuyên suốt chiều dài lịch sử.

Trước những vấn đề phức tạp thiên về đạo đức và chính trị với hàng loạt quan điểm trái ngược nhau, ai sẽ có quyền đưa ra phán quyết cuối cùng? Đám đông lớn nhất, hay một vị CEO quyền lực nhất? Hiến pháp được tạo ra, ngay từ đầu, vốn đã nhằm mục đích hạn chế quyền định đoạt sự thật rơi vào tay đám đông hay một cá nhân quyền lực, ngày nay trật tự đang bị đảo ngược, và hiến pháp đang bị thách thức.

Cancel culture sinh ra trong bối cảnh các hệ thống cũ chưa kịp thích nghi với thế giới mới. Chúng ta có luật dành cho báo chí, nhưng không ngờ rằng ở thế kỷ 21, bất kỳ ai cũng có thể trở thành phóng viên tự do, và họ không chịu bất kỳ ràng buộc nào, ngay cả khi thiếu kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề. Chúng ta có hệ thống luật pháp chặt chẽ cực kỳ phức tạp để tuyên bố ai đó có tội hay không, nhưng không ngờ rằng ở thế kỷ 21, bất kỳ ai cũng có thể góp tiếng nói như một bồi thẩm đoàn được mời tham dự, thậm chí giữ luôn vai trò điều tra của cảnh sát, quyền tuyên án của thẩm phán và đôi khi đóng vai cả người thi hành án.

Xã hội không cần lòng nhiệt thành của đám đông, chỉ cần sự tử tế của số ít chuyên gia và các hệ thống được xây dựng chặt chẽ, hợp lý. Nếu chẳng may tôi bị án oan, sẽ tốt hơn nếu tuyên bố đó đến từ tòa án và quyết định của bồi thẩm đoàn, thay vì của một đứa nhóc trung học phổ thông nào đó nấp sau một avatar chó mèo, hay của một phụ nữ đứng tuổi vốn chẳng biết phân biệt sự khác nhau giữa lập pháp hành pháp và tư pháp. Vì xác suất của cái đầu tiên là cực thấp, chưa kể sẽ có người chịu trách nhiệm cho nó.

Nếu quan điểm của ai đó không vi phạm pháp luật, vậy hãy phản đối họ, bạn được quyền tự do phát biểu ý kiến (giống như họ), nhưng không được phép “cancel” họ bằng cách kêu gọi tẩy chay, kêu gọi đuổi việc, khủng bố hay bất kỳ hành vi nào ảnh hưởng đến cuộc sống thực. Hãy để mọi người tranh cãi một cách tự do. Vì trái với những bộ quy tắc được xây dựng ngay từ đầu, chúng ta không thể lường trước được đám đông về sau cùng sẽ ủng hộ điều gì. Không thể biết được rốt những cuộc đứa trẻ 10 tuổi với khát khao đem lại thế giới cho công lý qua phim siêu nhân rồi sẽ bị lừa phỉnh bởi những kẻ láu cá nào. Chẳng ai muốn đặt số phận của bản thân và của xã hội vào tay đứa trẻ này cả.

Cancel culture nguy hiểm vì đại chúng chỉ dùng chúng để triệt hạ các cá nhân chứ không phải ý thức hệ, đơn thuần chỉ là sự căm ghét hay sự thỏa mãn cảm xúc cá nhân có hại. Đó thậm chí chẳng phải trí tuệ đám đông, chỉ là sự căm ghét được tạo ra, đôi khi còn bị chi phối bởi cá nhân, tổ chức nào đó. Đó cũng không phải cơ chế của nền dân chủ nơi người dân bỏ phiếu bầu ra chính phủ. Các nhóm nhỏ kêu gọi tẩy chay đã gián tiếp che mờ đi sự tồn tại của những nhóm lớn hơn phản đối hoặc không quan tâm điều ấy. Chẳng hạn, việc “10.000 người kêu gọi tẩy chay MB” đã che mờ đi sự hiện diện của “1.000.000 người không đồng ý với điều đó” và rất nhiều người khác vốn chẳng quan tâm. Nhưng 10.000 người kia không cần quan tâm, từ đầu họ đã cho mình quyền được làm bất kỳ điều gì họ muốn.

Trong thời đại của cancel culture, nơi đám đông cho mình quyền thanh lọc xã hội, tự xưng về khả năng “sửa chữa lỗ hổng của luật pháp”, mọi người còn mặc nhiên rằng những thứ chưa bị cancel là đúng đắn, mặc dù không phải như vậy.

Xét theo logic, chính những người theo đuổi cancel culture – văn hóa tẩy chay, với mục đích nhằm giúp thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn, lẽ ra nên cancel bản thân ngay từ đầu.

Tôi nghĩ bạn nên cẩn thận. Nhưng không phải vì khả năng trở thành nạn nhân của cancel culture, mà vì khả năng trở thành một phần của nó.

Đăng bởi: Huyền Nguyễn Thị

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก