Khám Phá Trải Nghiệm

Mình bị trầm cảm nhưng bố mẹ nghĩ mình “đỏng đảnh”

bệnh trầm cảm, nuôi dạy con, mình bị trầm cảm nhưng bố mẹ nghĩ mình “đỏng đảnh”

Mình ngất đi, lúc tỉnh lại vẫn nằm trên sàn, không một ai trong gia đình để ý đến mình cả.

Gần như cả cuộc đời của mình đã gắn liền với những ký ức bị bạo lực. Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, và cả bạo lực tình dục.

Người ta vẫn hay bảo những câu kiểu như “Nhà là nơi để về, gia đình là nơi mọi bão giông dừng sau cánh cửa”, nhưng với mình, “nhà” – hay “gia đình” chưa bao giờ là chốn bình yên.

Mình rất ghen tị với những ai có thể trò chuyện hay tâm sự với bố mẹ như những người bạn và nhận được sự lắng nghe, thông cảm từ gia đình. Đó là những điều mình khao khát nhưng chưa từng có được.

Hiện tại mình đang bị trầm cảm giai đoạn 2. Mình đã nói chuyện với bố mẹ rằng mình đang không ổn và cần được đi khám, nhưng tất cả những gì mình nhận được chỉ là sự thờ ơ và thản nhiên đến không tưởng.

“Mày chẳng bị cái gì cả.”

“Mày đừng có hoang tưởng.”

“Mày đang làm quá vấn đề lên đấy.”

Bố mẹ hoàn toàn phủ nhận tình trạng sức khỏe tinh thần của mình và cho rằng mình không gặp bất cứ vấn đề tâm lý nào, tất cả chỉ là do mình “đỏng đảnh”, “nghĩ quá nhiều” và “quan trọng hóa vấn đề lên”.

Nhưng bố mẹ không phải là mình. Mình chỉ có thể nói về tình trạng của bản thân, chứ không có cách nào để chứng minh hay bắt ép bố mẹ phải tin mình được.

Từ bé đến lớn, em trai mình là người đã chứng kiến rất nhiều lần mình bị bố mẹ bạo hành hoặc đuổi ra khỏi nhà.

Em mình nhiều lần phản đối bố mẹ để bảo vệ mình nhưng không được, vì rốt cuộc chúng mình đều là những đứa trẻ không có tiếng nói trong gia đình, chỉ biết âm thầm chịu đựng tất cả mọi tổn thương tâm lý và thể chất đó thôi.

Lâu dần, chính em trai mình cũng có vấn đề về tâm lý – em bị tự kỷ.

Câu chuyện này là bí mật không ai biết ngoài chị em mình, kể cả bố mẹ. Bởi bố mẹ mình luôn luôn mặc định rằng những người có vấn đề tâm lý là những người phải vào viện tâm thần, những người điên điên dở dở không tỉnh táo.

Họ sẽ chẳng bao giờ tin rằng chính những đứa con của họ cũng đang mắc bệnh tâm lý, mà giả như có biết, có lẽ bố mẹ mình sẽ chỉ nghĩ rằng bọn mình “đang làm quá vấn đề lên” thôi.

Mình nhớ một lần khi căn bệnh của mình lên đến đỉnh điểm, nó phát tác và mình hoàn toàn không thể kiểm soát bản thân được nữa.

Hôm ấy mình và bố lại cãi nhau rất to. Bố định đánh mình. Và chính lúc đó mình đã mất kiểm soát.

Mình gào thét và ném đồ đạc lung tung về phía bố, đầu mình đau dữ dội và hoàn toàn không nghĩ được gì, chỉ biết rằng trong mình có một nguồn năng lượng tiêu cực muốn thoát ra và phá hủy mọi thứ xung quanh thôi.

Mình ngất đi, lúc tỉnh lại vẫn nằm trên sàn, mọi người đã lên phòng hết cả và chỉ có một mình mình nằm dưới sàn thôi. Không có ai để ý đến mình cả. Và mình nhớ như in cảm giác bất lực và tủi thân ngày hôm đó.

Tâm sự chia sẻ từ Inside the Box.

Hạnh phúc và ý nghĩa tồn tại của dự án Inside the Box là khơi dậy tình yêu, sự kết nối, sự đồng cảm giữa con người với con người thông qua những câu chuyện đời chân thật, những kiến thức gợi mở sự suy tư.

Đăng bởi: Vũ Mến

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก