Gia Đình Tâm Sự

Đừng bao giờ hỏi “con yêu mẹ hơn hay yêu bố hơn?”

Đừng bao giờ hỏi một đứa trẻ câu gì đó chỉ để làm cho ta vui lòng, hoặc chờ đợi một câu trả lời nghe có vẻ thú vị.

Chứng kiến nhiều bà mẹ hỏi con mình: “con yêu mẹ hơn hay yêu bố hơn?”, nhà báo Trương Anh Ngọc đã có những chia sẻ hết sức đáng chú ý về việc giao tiếp của ông bà, cha mẹ với con trẻ trong gia đình.

Ngồi cà phê, mình thấy một bà mẹ dắt con đi qua, vừa đi vừa hỏi: “Con yêu mẹ hơn hay yêu bố hơn?”. Đứa trẻ, chắc chỉ khoảng 4 tuổi, không biết phải trả lời thế nào.

Nói thật là mình không bao giờ hỏi con mình như thế, cũng không bao giờ hỏi con hay cháu người khác như thế.

Cái câu ấy nghe thấy mọi người nói với trẻ con nhiều lắm, có khi chỉ là một câu cửa miệng không có ý gì xấu, nhưng theo mình nghĩ, nó thực sự không hay, không nên hỏi, vì đừng bắt đứa trẻ phải lựa chọn, kể cả khi đấy chỉ là một sự lựa chọn để đùa cho vui.

Không nên vô tình buộc một đứa trẻ còn chưa nhận thức được nhiều về xã hội và các quan hệ nhằng nhịt trong đó phải đứng trước một sự lựa chọn và so sánh về việc ai hơn ai, bố hay mẹ, ông hay bà, rộng hơn là nhiều việc khác, chẳng hạn tại sao nhà nó có nhiều đồ chơi còn mình thì không.

Đứa trẻ khó trả lời, bởi nếu nó trả lời là yêu mẹ mà thực ra nó yêu bố hoặc yêu cả hai, nó sẽ chỉ làm cho bà mẹ vui lòng.

Đừng bao giờ hỏi một đứa trẻ câu gì đó chỉ để làm cho ta vui lòng, hoặc chờ đợi một câu trả lời nghe có vẻ thú vị, trong khi trên thực tế, có thể đứa trẻ buộc phải nói dối ngay từ khi nó còn quá bé.

Sự giả dối và cố gắng sống cho tròn mình, làm hài lòng người khác đã được nhen nhóm từ tuổi nhỏ có khi là từ những câu hỏi đại loại như “Con yêu mẹ hay yêu bố hơn?”.

Đừng bao giờ biến trẻ con thành những người như thế.

nuôi dạy con, đừng bao giờ hỏi “con yêu mẹ hơn hay yêu bố hơn?”

Mình lại nhớ là rất hay gặp những ông bố, bà mẹ hoặc ông bà của một đứa trẻ nào đó thường bảo “Chừa đất nhé, đất làm em đau” khi con/cháu của họ chạy trên hè hoặc trên sân ngã mà khóc.

Đứa bé ngã hoặc là vì nó đi hoặc chạy quá nhanh, hoặc nó còn đi chưa vững, và ngã là chuyện đương nhiên chứ không phải vì đất làm cho nó ngã.

Đổ lỗi cho đất “làm em đau” để làm “em” thôi khóc lúc ấy thực ra là một hình thức vô tình đổ trách nhiệm cho khách quan chứ không phải lỗi của chính mình.

Những đứa trẻ lớn lên rồi cũng sẽ hiểu rằng nó ngã đôi khi không phải vì người khác làm cho nó ngã, mà chính nó mắc sai lầm và ngã.

Nhưng khi ấy, có thể nó đã phải trả một cái rất đắt nào đó về trách nhiệm cá nhân của mình, do ngay từ bé, nó không được dạy và học về những kĩ năng sống cơ bản.

Một câu nói với một đứa trẻ có thể là vô hại với người lớn và đôi khi người lớn nói chỉ như một thói quen, nhưng có thể sẽ làm hại nó sau này mà người lớn không hề biết…”.

Đọc nhiều hơn những bài viết giúp bạn trở thành cha mẹ tốt trong chuyên mục: Nuôi dạy con.

Đăng bởi: Huyền Bá

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก