Gia Đình Tâm Sự

Trí thông minh là gì? Những đứa trẻ thông minh sướng hay khổ?

Đã làm cha làm mẹ, ai mà không mong muốn con cái mình lớn lên khỏe mạnh và thông minh. Một đứa trẻ thông minh lanh lợi luôn được những người thân đặc biệt là ông bà và cha mẹ yêu quý như vàng như ngọc. Và gần như mặc định, xã hội chúng ta luôn cho rằng những người thông minh thì thế nào cũng sẽ thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng có nhiều sự thật về trí thông minh cũng như cuộc đời của một người được xem là thông minh mà phần lớn mọi người chưa thực sự hiểu hết.

giáo dục, nuôi dạy con, trí thông minh là gì? những đứa trẻ thông minh sướng hay khổ?

I. Định nghĩa “truyền thống” về trí thông minh và chỉ số IQ.

“Thông minh” là một từ ghép Hán Việt với hàm ý “tai nghe rõ” (thông) và “mắt nhìn tỏ” (minh). Như vậy nếu xét theo nghĩa gốc thì “thông minh” có nghĩa là các giác quan sắc bén nhanh nhạy trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin: mắt nhìn qua là thấy rõ, tai nghe qua là đã hiểu. Trong nền giáo dục phong kiến mang nặng truyền thống học thuộc lòng những gì thầy dạy của Nho giáo, một người được ngợi ca là thông minh là người có trí nhớ tốt, đọc đâu nhớ đấy, đọc qua một lần là có thể thuộc làu làu từ đầu tới cuối và giỏi trong việc nhớ các điển xưa tích cũ hoặc dùng chữ để đối lại trong việc làm thơ ngâm vịnh hoặc làm câu đối. Tuy nhiên nếu xét thông minh dựa trên việc thuộc lòng nhiều và giỏi việc dùng chữ lắt léo để bắt bẻ người khác thì khá là phiến diện.

Trước khi tâm lý học phát triển, phương Tây cũng có cách đánh giá trí thông minh khá đơn giản dựa trên các khả năng tiếp nhận thông tin (khả năng tiếp thu), ghi nhớ thông tin (trí nhớ) và xử lý thông tin (giải quyết vấn đề như thế nào). Những người được xem là thông minh thường sẽ có những đặc điểm chung như sau:

  • Có khả năng tiếp nhận và phân tích thông tin nhanh chóng và nhạy bén.
  • Có khả năng nhớ nhiều và nhớ lâu.
  • Có khả năng dùng những thông tin lưu trữ để giải quyết những vấn đề phức tạp.
  • Có khả năng kết hợp nhiều thông tin để tạo ra cái mới.

Chính vì thế, những đứa trẻ có trí nhớ kém, chậm biết đọc hoặc không làm tốt các phép tính cộng trừ nhân chia đều được xem là kém thông minh hơn những đứa trẻ khác.

Để đánh giá trí thông minh của một người, những nhà tâm lý học sử dụng bài kiểm tra chỉ số thông minh (Intelligence Quotient Test-IQ Test) gồm những câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra tư duy logic toán học và ngôn ngữ của người đó. Tiêu chí đánh giá trí thông minh theo IQ có thể mô tả đơn giản như sau: một người được xem là có trí thông minh bình thường khi IQ của họ là 100 với biên độ dao động 15 (có nghĩa là những người có IQ từ 85 đến 115 cũng được xếp vào nhóm những người có trí thông minh bình thường). Nếu IQ dưới 85 thì được xem là trí thông minh thấp và trên 115 được xem là trí thông minh cao. Chỉ số thông minh của một người có thể cải thiện hoặc bị giảm sút dưới tác động của những điều kiện khách quan bên ngoài. Ví dụ một người có thể qua những bài tập rèn luyện tư duy để giúp mình tăng IQ và ngược lại cũng có thể khiến IQ mình bị giảm sút nếu không tiếp tục học hỏi hoặc lạm dụng các chất gây tổn hại đến hoạt động của não (thuốc men, rượu, ma túy…)

Tỉ lệ chỉ số IQ trên thế giới dựa trên thống kê năm 2010 như sau:

  • Những người có IQ dưới 85 (IQ thấp) chiếm khoảng 14% dân số thế giới. Đây là những người được xem là kém thông minh, chậm tiếp thu.
  • Những người có IQ từ 85-115 (IQ trung bình) chiếm khoảng 68% dân số thế giới. Đây là nhóm người có trí thông minh bình thường.
  • Những người có IQ trong khoảng 116-130 (IQ cao) chiếm khoảng 14% dân số. Đây là những người được xem là thông minh.
  • Những người có IQ từ 130-145 (IQ rất cao) chiếm khoảng 2% dân số. Đây là nhóm người cực kỳ thông minh.
  • Những người có IQ vượt quá 145 (IQ siêu cấp) chỉ chiếm 0.001% dân số thế giới. Đây là những người được xem là thiên tài.

Những bài test chỉ số IQ trong một thời gian dài được xem như thước đo chuẩn mực để đánh giá trí thông minh của một người được đại đa số tin tưởng. Tuy nhiên từ thập niên 1990 trở đi một số nhà tâm lý học đã đánh giá các bài test này là phiến diện và không chính xác vì chúng bỏ sót quá nhiều khía cạnh tư duy và năng khiếu mà chỉ chú trọng vào hai phạm trù tư duy toán học logic và tư duy ngôn ngữ, hai loại tư duy vốn được mặc định là trí thông minh truyền thống của một người. Đồng thời từ thập niên 1980, các nhà khoa học phương Tây đã nỗ lực nghiên cứu nhiều khía cạnh hoạt động của não bộ trên các phương diện xử lý thông tin khác nhau để đưa ra một bảng phân loại đa dạng và chính xác hơn cho trí thông minh để thay thế chỉ số IQ.

II. Có bao nhiêu loại trí thông minh khác nhau?

Từ năm 1983 trở đi, khái niệm “các dạng trí thông minh” dần dần được công nhận và cạnh tranh với khái niệm “chỉ số thông minh IQ” truyền thống. Theo các nghiên cứu khoa học, con người có thể có 1 hoặc nhiều hơn các dạng trí thông minh sau đây:

1. Trí thông minh thiên nhiên (naturalist)

Đây là khả năng cảm nhận và thích nghi với thiên nhiên nhạy bén. Người có loại trí thông minh này rất nhạy trong việc nhận biết và phân biệt các loài động thực vật và các hiện tượng tự nhiên như có thể dự đoán được mưa bão, động đất, núi lửa phun. Người sở hữu loại trí thông minh này thích hợp với những nghề như thợ săn, người đi rừng, nông dân, ngư dân, kiểm lâm, nhà động vật học hoặc bác sĩ thú y.

2. Trí thông minh âm nhạc (musical)

Là sự nhạy cảm trong việc cảm thụ giai điệu, tiết tấu, cao độ, trường độ và những đặc trưng về mặt âm học do các loại nhạc cụ khác nhau tạo nên. Ở mức độ thấp, những người có trí thông minh âm nhạc là những người được xem là có cảm thụ âm nhạc tốt, có gu trong việc nghe nhạc và dễ học chơi một loại nhạc cụ nào đó. Ở mức độ cao hơn, họ là những người có khả năng diễn tấu hoặc sáng tác âm nhạc hoặc phê bình âm nhạc.

3. Trí thông minh logic/toán học (mathematical/logical)

Là khả năng tính toán nhanh nhạy cũng như giải quyết những vấn đề mang tính logic cao. Đây là những người học giỏi những môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa hoặc những môn đòi hỏi tính suy luận. Họ thích hợp để trở thành nhà toán học, nhà khoa học, nhân viên tài chính kế toán hoặc thám tử điều tra.

4. Trí thông minh tư duy triết học (existential/philosophical)

Đây là dạng trí thông minh của những nhà triết học, tư tưởng học, tôn giáo và tâm lý học với những vấn đề liên quan đến sự hiện hữu và tồn tại của con người, ý nghĩa của sự sống, con người trước khi sinh ra ở đâu và sau khi chết sẽ đi về đâu. Họ là những người khởi xướng và phát huy những chủ nghĩa và học thuyết để định hướng xã hội cũng như những quy chuẩn đạo đức của con người.

5. Trí thông minh đối nhân xử thế (interpersonal)

Người sở hữu loại trí thông minh này rất nhạy cảm với các mối quan hệ giữa người với người hay nói một cách khác, họ là những người hiểu được tâm lý của người khác. Họ biết cách cư xử như thế nào để không mất lòng người khác, tránh xung đột va chạm và có khả năng hóa giải những xung đột cá nhân một cách hiệu quả. Ở một mức độ cao hơn, họ có thể điều khiển tâm lý và hành vi của người khác theo ý của mình hoặc dùng ý chí của mình khuất phục người khác. Ngành nghề thích hợp cho họ là nhà tâm lý học hoặc nhà ngoại giao hoặc nhân viên tiếp thị.

6. Trí thông minh thể chất (bodily/kinesthetic)

Đây là loại trí thông minh của những người có năng khiếu thể dục thể thao, võ thuật, khiêu vũ và biểu diễn. Nghề nghiệp thích hợp của họ là vận động viên, huấn luyện viên thể dục, võ sĩ, nghệ sĩ múa hoặc diễn viên sân khấu, điện ảnh.

7. Trí thông minh ngôn ngữ (linguistic)

Đây là loại trí thông minh nhạy bén đối với các vấn đề về ngôn ngữ: phát âm, từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, vần điệu…Những người sở hữu loại trí thông minh này học chữ rất nhanh, khả năng đọc hiểu và ghi nhớ tốt và có năng khiếu về ngoại ngữ. Nghề nghiệp thích hợp của họ là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ học, diễn thuyết, dịch thuật…

8. Trí thông minh nội tâm (intrapersonal)

Loại trí thông minh này giúp người sở hữu nó điểu khiển và chế ngự cảm xúc nội tại theo ý muốn của mình. Họ biết cách kiềm chế cảm xúc không bộc lộ ra những trạng thái quá mức như giận dữ, phấn khích, kích động. Họ cũng là những người biết cách giải quyết những mâu thuẫn nội tâm không để chúng trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến lý trí cũng như người khác. Họ có một ý chí mãnh liệt và khả năng tự tạo động lực cho mình để đạt được mục đích mong muốn. Nghề nghiệp thích hợp với họ là chuyên viên tâm lý, nhà tư tưởng hoặc lãnh tụ tôn giáo.

9. Trí thông minh định vị hình học (spatial)

Đây là loại trí thông minh liên quan tới việc định vị trên cơ sở hình học không gian hai chiều và ba chiều. Người sở hữu loại trí thông minh này có khả năng xác định phương hướng cũng như ước tính đoạn đường xa gần khá chính xác. Họ cũng có thể là những người có khiếu thẩm mỹ cao. Nghề nghiệp thích hợp với họ là kiến trúc sư, thiết kế nội thất, hoa tiêu, thủy thủ, phi công, họa sĩ, nhà điêu khắc…

10. Trí thông minh vị giác và khứu giác

Gần đây có những ý kiến bổ sung thêm hai loại thông minh nữa là trí thông minh vị giác và trí thông minh khứu giác tức là những người có vị giác tinh tế, có gu ẩm thực. Họ là những chuyên gia ẩm thực, đầu bếp, người thử rượu…

Một người có thể có ít nhất là một dạng trí thông minh cũng có thể sở hữu từ hai dạng trí thông minh kể trên trở lên. Các cấp bậc của các loại trí thông minh này được sắp xếp từ thấp lên cao bao gồm bốn bậc: a. có sở thích, b. có năng khiếu, c. có tài năng và d. thiên tài. Sự thật này khiến cho việc đánh giá trí thông minh của một người theo kiểu truyền thống không còn giá trị vì một đứa trẻ không có trí thông minh toán học logic có thể rất yếu kém trong việc tính toán nhưng lại có thể là một nhà soạn nhạc kiệt xuất trong tương lai hoặc là một nhà tâm lý học giỏi khi nó sở hữu các dạng trí thông minh âm nhạc hoặc trí thông minh đối nhân xử thế cao.

Việc phân loại trí thông minh theo hướng hiện đại đã giúp cho rất nhiều phụ huynh hiểu rõ hơn về thiên hướng năng khiếu của con em mình để định hướng nghề nghiệp cho con mình từ bé cũng như không tùy tiện xem con mình là ngu dốt hay vô dụng nếu nó không giỏi được một môn học mũi nhọn nào đó theo định hướng chung của xã hội.

III. Những người thông minh kiệt xuất có thực sự sung sướng hơn người bình thường?

Một ngộ nhận nữa về trí thông minh là người thông minh thường được xem là thành công và có cuộc sống tốt hơn những người kém thông minh. Chính vì vậy, cha mẹ thường có kỳ vọng con cái mình là thần đồng hoặc sau này trở thành nhà bác học hay người nổi tiếng. Trên thực tế, ngoại trừ những người sở hữu loại trí thông minh đối nhân xử thế và trí thông minh nội tâm tức là những người giỏi trong việc cân bằng cảm xúc cũng như thấu hiểu người khác, những người sở hữu một trong những loại trí thông minh còn lại vượt trội thường gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và gặp phải rất nhiều vấn đề tâm lý.

1. Việc ý thức được sự nổi trội của mình ở một phương diện nào đó cũng như cảm giác được người khác ngưỡng mộ thần tượng khiến cho những đứa trẻ thông minh có cảm giác tự cao tự đại, coi thường người khác. Điều này cản trở chúng trong việc phát triển các mối quan hệ thông thường với bạn bè và trong xã hội.

2. Vì tư duy của những đứa trẻ thông minh vượt trội hơn những người khác ở một hoặc nhiều lĩnh vực, chúng thường cảm thấy bạn bè cùng trang lứa không hiểu được chúng nên thường sẽ có ít bạn hơn . Những người thông minh có khuynh hướng trở nên cô độc vì họ để dành phần lớn thời gian chìm đắm trong thế giới riêng suy tư của mình hơn là giao tiếp bên ngoài.

3. Người thông minh khó thỏa mãn và đạt được hạnh phúc hơn người bình thường vì mục tiêu của họ đặt ra thường quá cao hoặc thậm chí gần như là không tưởng. Ngược lại, khi thất bại họ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm và dằn vặt bản thân nhiều hơn người bình thường. Nói một cách khác, người thông minh thường khó chấp nhận thất bại và sẽ dễ bị thất bại đánh gục hơn người bình thường.

4. Người thông minh lại là những người dễ sa vào tình trạng nghiện ngập bê tha vì sự thông minh của họ luôn thôi thúc họ thử những cảm giác mới mẻ với suy nghĩ lúc đầu là mình có thể chiến thắng được chúng, không bị lệ thuộc. Đồng thời các chất kích thích có tác dụng giải phóng họ về mặt cảm xúc hoặc suy nghĩ khiến họ đạt được những giới hạn bình thường họ không đạt được. Tuy nhiên sự cô độc trong cuộc sống sẽ khiến họ trở nên lệ thuộc vào các chất kích thích dẫn đến nghiện ngập.

5. Người thông minh khó giữ được những mối quan hệ tình cảm nghiêm túc lâu bền vì thứ nhất họ rất dễ chán khi đã hiểu về người kia trong khi đối với người kia, họ vẫn là một ẩn số khó đoán. Đồng thời người thông minh luôn có một sức hấp dẫn với người khác và chính bản thân họ ý thức được điều đó. Chính vì vậy, một khi đã chán trong một mối quan hệ, họ sẽ tìm cách để dùng sức hấp dẫn của mình để chinh phục một mối quan hệ khác.

6. Trong công việc, người thông minh dễ có cảm giác bất mãn với cấp trên và đồng nghiệp. Họ luôn cần một sự kích thích và thử thách về mặt trí tuệ và dễ dàng cảm thấy công việc họ đang làm là nhàm chán và vô vị. Họ hay coi thường đồng nghiệp và cả sếp của mình. Họ ngấm ngầm bất phục tùng hoặc ra mặt chê bai dè bỉu hoặc đối đầu khiến cho họ trở nên cái gai trong mắt của người khác.

7. Nhiều nghiên cứu cho thấy, não bộ của những thiên tài có rất nhiều điểm tương đồng với những kẻ tâm thần phân liệt hoặc hoang tưởng vì họ nhìn cuộc sống qua lăng kính hoàn toàn khác biệt so với người bình thường. Rất nhiều những thiên tài tỏa sáng trong lĩnh vực của họ nhưng khi lên tới đỉnh cao, họ bắt đầu tự hủy hoại bản thân mình, thậm chí tự sát. Cái chết đối với họ dường như là một sự giải thoát khỏi cuộc sống bình thường mà họ không thể nào có thể hòa nhập được.

Trên thực tế, trong mắt những người bình thường, những người có một số tài năng vượt trội là những người đáng ngưỡng mộ nhưng cũng là những kẻ gàn dở, hợm hĩnh, tự cao tự đại, coi thường người khác và khó gần. Những đứa trẻ thông minh nếu không được sự giáo dục uốn nắn đúng đắn mà ngược lại được cha mẹ cưng chiều hoặc tôn sùng quá đáng sẽ trở nên kiêu căng ích kỷ và ảo tưởng giá trị bản thân.

IV. Những thử thách trong việc nuôi dạy một đứa trẻ thông minh

Nuôi dạy một đứa con bình thường nên người đã là một khó khăn. Đối với những đứa trẻ thông minh, thử thách đối với cha mẹ còn lớn hơn thế nhiều lần. Một đứa trẻ thông minh cần nhiều sự chăm sóc và quan tâm đặc biệt cũng như điều kiện và môi trường thích hợp để có thể phát huy được trí thông minh cũng như năng khiếu của mình. Nếu con bạn là một đứa trẻ thông minh hoặc có những tài năng vượt trội, hãy lưu ý những điều sau khi dạy con:

1. Những đứa trẻ thông minh luôn cần sự thử thách không ngừng vì chúng rất dễ cảm thấy chán với những điều lặp đi lặp lại hoặc những thử thách mà chúng đã vượt qua được. Vì thế, cha mẹ nên thường xuyên tìm những phương pháp khác nhau để kích thích sự ham học của trẻ.

2. Những đứa trẻ thông minh không có nghĩa là sẽ giỏi hết tất cả mọi môn hoặc có khả năng nhồi nhét thật nhiều kiến thức vào đầu cùng một lúc. Việc ép con mình học giỏi toàn diện với một chương trình học nặng nề quá tải sẽ có tác dụng ngược khiến cho trẻ cảm thấy ức chế và căm thù việc học.

3. Những đứa trẻ thông minh học tốt nhất khi chúng cảm thấy hứng thú với việc học và cảm thấy những gì chúng học có ích. Việc bắt những đứa trẻ thông minh học thuộc lòng những kiến thức vô bổ có thể khiến chúng chán ghét và sao nhãng việc học hành.

4. Những đứa trẻ thông minh sẽ đòi hỏi rất cao ở những người dạy chúng. Đối với những người thực sự giỏi và hiểu biết, chúng sẽ rất kính trọng và vâng lời, nhưng ngược lại không chấp nhận thầy cô hoặc cha mẹ yếu về kiến thức. Để dạy những đứa trẻ thông minh, người dạy phải không ngừng nâng cao kiến thức và luôn sẵn sàng trả lời những câu hỏi hóc búa mà chúng đặt ra.

5. Những đứa trẻ thông minh đặc biệt nhạy cảm với những lời nói qua loa, hời hợt hoặc không đúng sự thật vì chúng xem đó là một sự xúc phạm trí thông minh của chúng. Cha mẹ nên cẩn trọng vì một lời nói dối tưởng chừng như vô thưởng vô phạt cũng có thể khiến cho con cái đánh mất sự kính trọng đối với cha mẹ.
6. Những đứa trẻ thông minh thường sẽ rất tò mò đối với những thứ xung quanh. Việc cấm đoán hoặc nói dối sẽ càng khiến chúng quyết tâm tìm hiểu bằng mọi cách. Hãy chuẩn bị tinh thần và kiến thức để trả lời những câu hỏi của chúng về tình dục, ma túy hoặc những vấn đề xã hội.

7. Những đứa trẻ thông minh thường sẽ cảm thấy cô đơn nếu không nhận được sự quan tâm đúng mực của cha mẹ. Ngược lại chúng sẽ cảm thấy bị gò bó và áp lực nếu bị cha mẹ nhắc nhở hoặc chăm sóc từng li từng tí nhất là ở độ tuổi dậy thì. Hãy cho con mình sự quan tâm cần thiết và sự tự do thích hợp.

8. Những đứa trẻ thông minh sẽ dễ trở nên kiêu ngạo, háo thắng và ngông cuồng nhất là khi chúng được người lớn ca ngợi tâng bốc quá lố. Hãy dạy con rằng núi cao còn có núi cao hơn và tập cho bé tính nhẫn nại và khiêm tốn. Nếu có dịp, cứ để cho con thất bại vài lần để bé hiểu rằng mình phải cần cố gắng nhiều.

9, Nếu con bạn muốn tham gia những cuộc thi tài năng để thử sức mình thì đó là một điều tốt. Tuy nhiên, đừng quá quan trọng thắng thua mà hãy dạy con rút ra những kinh nghiệm cho dù thắng hay thua. Một đứa trẻ chỉ có thắng mà không biết thua sẽ trở nên tự mãn và không thể chịu được những cú shock nếu sau này thất bại.

10. Những đứa trẻ thông minh sẽ dễ học những thói hư tật xấu như dối trá, lừa gạt và khôn lỏi. Hãy sống trung thực và tử tế để làm gương cho con vì con cái thường học những thói hư tật xấu trực tiếp từ cha mẹ và người thân trong gia đình.

Có một đứa con thông minh là một niềm tự hào nhưng đồng thời trách nhiệm nuôi dạy con của người làm cha làm mẹ cũng khó khăn và thử thách hơn rất nhiều. Đừng nghĩ đơn giản rằng con mình thông minh thì chúng sẽ tự động thành công và hạnh phúc. Một đứa trẻ sau này lớn lên có thành công và hạnh phúc hay không không chỉ dựa vào trí thông minh mà còn do nhiều nhân tố khác quyết định, trong đó sự nuôi dạy đúng cách của cha mẹ đóng vai trò chủ đạo.

Xem thêm:

Đăng bởi: Thảo Lương

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก