Gia Đình Tâm Sự

[Photo Story] The kiss of life: nụ hôn mang sự sống

Có những nụ hôn rất đặc biệt, nụ hôn của cuộc sống, bởi nó đem đến sự sống cho con người.

Ngày 6/7 được gọi là “International Kissing Day” (Ngày hôn quốc tế). Và khi nhắc đến hôn, chúng ta hay nghĩ đến nụ hôn của tình yêu, khi môi chạm môi.

Nhưng cũng có những nụ hôn rất đặc biệt, nụ hôn của cuộc sống, bởi nó đem đến sự sống cho con người. Có một nụ hôn như thế, xảy ra cách đây đúng 55 năm ở Mỹ. Dưới đây là câu chuyện về nụ hôn ấy.

Câu chuyện về bức ảnh The kiss of life – Nụ hôn cuộc sống

Tấm ảnh này đã gây chấn động nước Mỹ và thế giới cách đây hơn nửa thế kỷ. Nó có tên “Nụ hôn cuộc sống” (The kiss of life) và mô tả khoảnh khắc một người công nhân điện lực đang hô hấp nhân tạo cho người đồng nghiệp bất tỉnh vì bị điện giật.

Đó cũng là tấm ảnh nói lên những vất vả và cả sự hy sinh của những người thợ đường dây ở Mỹ, khi tháng 4 hàng năm, có một ngày lễ đặc biệt để ghi nhận những đóng góp của hơn 100 nghìn công nhân đường dây của ngành điện lực nước này.

câu chuyện cảm động, nhiếp ảnh, photo story, [photo story] the kiss of life: nụ hôn mang sự sống

Hôm ấy, ngày 17/7/1967, Rocco Morabito, một phóng viên ảnh của nhật báo địa phương Jacksonville Journal (ở Jacksonville, bang Florida) được cử đi làm tin ảnh về một cuộc đình công của công nhân đường sắt thì bất ngờ chứng kiến một bi kịch trên đường.

Công nhân Randall G. Champion đang làm việc trên một cột điện thì vô tình chạm vào dây điện. Luồng điện 4 nghìn volt chạy qua người Champion, khiến ông bất tỉnh tại chỗ, người treo lơ lửng trên thắt lưng an toàn độ cao 6 mét. Đồng nghiệp J.D. Thompson, đang làm việc cách đó hơn 100 mét, nhìn thấy thế ngay lập tức đến cứu Champion.

Morabito chứng kiến cảnh ấy, bèn chạy về ô tô để gọi xe cấp cứu, sau đó lắp phim vào chiếc máy ảnh Roleiflex và chạy ra hiện trường.

Khi Thompson tiếp cận với Champion, ông nghĩ đồng nghiệp của mình đã chết. “Cậu ấy không còn thở nữa và mặt cậu ấy tái nhợt. Không hề có dấu vết của sự sống”, sau này, Thompson nói trong bộ phim tài liệu có tên “Kiss of life” như thế. Và ông bắt đầu các động tác hô hấp nhân tạo cho bạn mình.

Chính lúc ấy, Morabito bắt đầu chụp và thu lại được khoảnh khắc quý giá ấy trong tấm ảnh đã giúp ông giành giải Pulitzer cho ảnh báo chí năm 1968. “Nụ hôn cuộc sống” cũng được coi là một trong những tấm ảnh giá trị nhất của thế kỷ 20.

Một lúc sau, Thompson thấy Champion bắt đầu có mạch và thở lại. Ông đưa bạn mình xuống dưới đất và đợi xe cấp cứu đến chở Champion đi. Lúc ấy, Champion đã tỉnh táo trở lại.

Nhiều năm sau khi cứu mạng Champion, Thompson vẫn khẳng định rằng, ông chỉ làm những điều ông cần phải làm lúc ấy với tư cách một đồng nghiệp, một con người. “Không, tôi không phải là một người hùng”, ông nói trong phim “Kiss of life”.

Nhưng ông thừa nhận rằng, chính tấm ảnh đã cho ông và những người khác hiểu cuộc sống quý giá đến nhường nào.

Sau này, con gái của Champion kể lại:

“Bố tôi luôn hôn tạm biệt chúng tôi mỗi sáng trước khi đi làm. Hôm ấy, ông ấy nằm trên giường bệnh và tất cả những gì bố tôi nhớ được là ông đã không hề hôn tạm biệt chúng tôi vào buổi sáng của tai nạn, và suýt nữa ông đã không bao giờ có cơ hội để làm điều đó một lần nữa. Ông cảm thấy điều ấy thật nặng nề”.

Vào năm 1991, Champion gặp tai nạn một lần nữa. Lần này, dòng điện chạy qua người ông lên đến 26 nghìn volt, cao gấp 6 lần tai nạn 24 năm trước đó. Ông bị bỏng độ 3 ở mặt và tay, và nằm viện trong 6 tháng.

Ông gần như bất động trong một thời gian dài, nhưng rồi bằng nghị lực, ông đã tập để đi lại được mà không cần nạng hay xe lăn.

Champion qua đời vì đau tim vào năm 2002, ở tuổi 64. Còn Morabito, người trở nên nổi tiếng nhờ tấm ảnh “Kiss of life”, đã nghỉ hưu năm 1982 sau nhiều năm làm việc cho tờ Jacksonville Journal. Ông qua đời năm 2009, thọ 89 tuổi.

Thompson làm việc cho Sở điện lực Jacksonville (JEA) cho đến năm 1994 thì nghỉ hưu. Ông hiện vẫn đang sống ở bang Florida.

Tấm ảnh của Morabito và câu chuyện về việc sơ cứu hôm ấy của Thompson vẫn được JEA sử dụng để đào tạo nhân viên mới.

Mùa xuân hàng năm, Hiệp hội các nhà cung cấp điện Mỹ thường tổ chức một cuộc thi đặc biệt cho các công nhân đường dây. Người thắng cuộc là người trèo lên một cột điện cao 12 mét trong thời gian ngắn nhất và cấp cứu một công nhân bị thương…

“Mona Lisa chết đuối”, gương mặt được hôn nhiều nhất trong lịch sử

Cái chết của một cô gái vô danh tự tử trên sông Seine ở Paris, Pháp, khoảng những năm 1880, cũng đã vô tình giúp cứu sống được hàng triệu người nhờ phương pháp hô hấp nhân tạo.

Một nhân viên khâm liệm của nhà xác Paris, có lẽ vì thần thái của gương mặt được cho là chỉ tầm mười sáu tuổi và đôi môi như đang cười một cách hạnh phúc khi được vớt từ dưới sông lên ấy, đã lấy thạch cao để đắp lên mặt, làm mặt nạ người chết.

Sau đó, người ta tạo ra không biết bao nhiêu chiếc mặt nạ chết của cô gái ấy. Cô gái thậm chí được nhắc đến trong thơ ca, nhạc hoạ thời ấy. Người ta gọi cô là “Mona Lisa chết đuối”.

câu chuyện cảm động, nhiếp ảnh, photo story, [photo story] the kiss of life: nụ hôn mang sự sống

Vào những năm 1960, một kỹ sư người Thuỵ Điển đã dựa vào mặt nạ chết ấy để tạo nên khuôn mặt của con búp bê nhằm thực tập việc sơ cứu người đuối nước và đặt tên nó là “Resusci Anne” (Anne cấp cứu).

Thế là “Mona Lisa chết đuối” trên sông Seine đã trở thành gương mặt được hôn nhiều nhất trong lịch sử, bởi khi tập, người ta phải thực hiện các biện pháp hô hấp trên gương mặt bằng nhựa này.

Theo: nhà báo Trương Anh Ngọc
Ảnh: Rocco Morabito

Đăng bởi: Chiến Hà

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก