Miền Tây Tây Bắc

Tứ đại đỉnh đèo miền Tây Bắc và ý nghĩa thú vị đằng sau những cái tên huyền thoại!

Tứ đại đỉnh đèo miền Tây Bắc bao gồm: Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Pha Đin, Mã Pí Lèng – những cái tên huyền thoại khoác lên mình sự kỳ vĩ của núi rừng cùng vẻ đẹp mê hồn của thiên nhiên hùng vĩ và cũng không kém phần hiểm trở. Chúng mình hãy cùng khám phá xem ý nghĩa thú vị sau những cái tên huyền thoại ấy là gì nhé!

Với dân đam mê du lịch bụi, cung đường 4 con đèo ở vùng núi phía Bắc, nơi mà vẫn được gọi bằng cái tên huyền thoại “Tứ đại đỉnh đèo” vẫn luôn là một trong những dấu mốc chinh phục nhất định phải đi trên hành trình khám phá của mình.

  • Đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai, Lai Châu)
  • Đèo Khau Phạ (Yên Bái)
  • Đèo Pha Đin (Điện Biên, Sơn La)
  • Đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang)

du lịch, việt nam, tứ đại đỉnh đèo miền tây bắc và ý nghĩa thú vị đằng sau những cái tên huyền thoại!

Những cung đường đèo là địa điểm lý tưởng cho dân phượt đam mê khám phá (Ảnh: Internet).

Đèo Ô Quy Hồ

  • Vị trí: Quốc lộ 4D, nối liền hai tỉnh Lào Cai – Lai Châu
  • Độ cao: 2.073m so với mực nước biển
  • Chiều dài: 50km

du lịch, việt nam, tứ đại đỉnh đèo miền tây bắc và ý nghĩa thú vị đằng sau những cái tên huyền thoại!

Ô Quy Hồ cũng được gọi là đèo Hoàng Liên do cung đường chạy qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hay đèo Mây do đỉnh đèo mây phủ trắng xóa quanh năm (Ảnh: Internet).

Truyền thuyết kể rằng, thần núi Ai Lao có một người con trai tên là Ô Quy Hồ. Do quá say mê cảnh sắc núi rừng và ham mê thổi sáo nên chàng không muốn nối nghiệp cha, bị cha hóa phép làm người thường và sống bằng nghề tiều phu.

Nàng tiên thứ 7 đem lòng say mê tiếng sáo của chàng và hàng ngày nàng trốn cha mẹ hạ phàm để nghe tiếng chàng thổi sáo. Tình yêu giữa chàng tiều phu và nàng tiên vừa chớm nở thì Ngọc Hoàng biết chuyện, người ban lệnh cấm con gái không được xuống trần và hóa phép chàng tiều phu Ô Quy Hồ thành con rùa đen trên đỉnh núi gần thác Tình Yêu, bắt chàng ngàn năm phải câm nín, không bao giờ được cất tiếng sáo nữa.

Nàng tiên nữ vì thương nhớ chàng Hồ mà ngày đêm u sầu, lâu dần sinh bệnh. Sau khi nàng qua đời liền biến thành chim phượng thương nhớ chàng Hồ và bay về đỉnh đèo nơi chàng bị hóa phép, ngày đêm cất tiếng gọi đau thương: Ô Quy Hồ, Ô Quy Hồ. Cảm động trước tình yêu sâu đậm ấy, người dân nơi đây lấy tên chàng tiều phu đặt tên cho đỉnh đèo hùng vĩ.

du lịch, việt nam, tứ đại đỉnh đèo miền tây bắc và ý nghĩa thú vị đằng sau những cái tên huyền thoại!

Ô Quy Hồ hùng vĩ (Ảnh: Internet).

Với chiều dài gần 50km, Ô Quy Hồ là “anh cả” trong những cung đường đèo ở Tây Bắc và độ hùng vĩ, hiểm trở cũng được các phượt thủ đánh giá top đầu. Ô Quy Hồ còn được mệnh danh là “Vua đèo vùng Tây Bắc” bởi những khúc cua thuộc dạng khó đi bậc nhất. Trước đây người dân bản địa cũng không dám đi qua đoạn đèo này bởi câu chuyện về những chú thổ thần rình bắt người qua lại, mất tích giữa chốn đại ngàn hoang dại.

Đèo Khau Phạ

  • Vị trí: nằm trên Quốc lộ 32 đoạn qua tỉnh Yên Bái, nối giữa hai huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải
  • Độ cao: Khoảng 1.200 – 1.500m so với mực nước biển
  • Chiều dài: Hơn 30km

du lịch, việt nam, tứ đại đỉnh đèo miền tây bắc và ý nghĩa thú vị đằng sau những cái tên huyền thoại!

Cung đường núi Khau Phạ nhìn từ trên cao (Ảnh: IG tam_le_van_0906).

Trong tiếng của người Thái, Khau Phạ có nghĩa là “Sừng Trời”, ý chỉ chiếc sừng cao dài nhô lên tận trời xanh, cũng là từ hình dạng những chóp núi cao vút của dãy Khau Phạ nhấp nhô giữa biển mây trắng xóa xung quanh như những chiếc sừng khổng lồ.

Khau Phạ là đỉnh núi cao nhất ở Mù Cang Chải. Đèo Khau Phạ với độ dài khoảng 35km mỗi năm thu hút rất đông khách du lịch với lễ hội “Bay trên mùa vàng” tổ chức vào tháng 9, tháng 10.

du lịch, việt nam, tứ đại đỉnh đèo miền tây bắc và ý nghĩa thú vị đằng sau những cái tên huyền thoại!

Lễ hội “Bay trên mùa vàng” vào mùa lúa chín hàng năm (Ảnh: IG 2 lechamp.vn).

Được đánh giá là dễ chinh phục chơn 3 đèo còn lại trong Tứ đại đỉnh đèo, nhưng không vì thế mà cung đường này thiếu đi sự ngoạn mục hay mạo hiểm vốn có của những cung đường miền núi cao. Chinh phục Khau Phạ, bạn sẽ đi qua những địa danh nổi tiếng của Yên Bái như Tú Lệ, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Mù Cang Chải…

Những tấm váy áo thổ cẩm sặc sỡ giữa mênh mông biển vàng lúa chín trên ruộng bậc thang trải dài miên man giữa vùng núi non hùng vĩ sẽ khiến bạn mê mẩn và thấy những cung đường núi bỗng chốc như nở hoa.

du lịch, việt nam, tứ đại đỉnh đèo miền tây bắc và ý nghĩa thú vị đằng sau những cái tên huyền thoại!

Nơi đây là địa điểm check in của các phượt thủ mê du lịch bụi (Ảnh: IG b.maianhh_).

Đèo Pha Đin

  • Vị trí: Quốc lộ 6, nối liền hai tỉnh Sơn La và Điện Biên.
  • Độ cao: 1.648m so với mực nước biển
  • Độ dài: 32km

du lịch, việt nam, tứ đại đỉnh đèo miền tây bắc và ý nghĩa thú vị đằng sau những cái tên huyền thoại!

Khung cảnh đẹp tựa như tranh vẽ (Ảnh: Hùng Đoàn Mạnh/Flickr).

Cũng xuất phát từ tiếng dân tộc Thái bản địa, đèo Pha Đin trong tiếng Thái cổ phát âm chuẩn là “Phạ Đin”, có nghĩa là “Trời – Đất”. Vùng núi non trập trùng quanh năm mây phủ giống như đường chân trời, là nơi tiếp giáp giữa trời và đất.

Truyền thuyết xa xưa vẫn kể lại về cuộc đua ngựa vượt đèo Pha Đin để phân định ranh giới giữa hai tỉnh Điện Biên và Sơn La thời còn chưa phân định rõ. Hai dũng sĩ cưỡi trên tuấn mã chọn điểm xuất phát là dốc đèo địa phận tỉnh mình, bên nào chạy nhanh hơn thì diện tích lớn hơn. Điểm gặp nhau sẽ là ranh giới phân chia. Tuấn mã bên phía Điện Biên phi nhanh hơn một chút nên phần đèo về phía Điện Biên vì thế cũng dài hơn một chút so với Sơn La.

du lịch, việt nam, tứ đại đỉnh đèo miền tây bắc và ý nghĩa thú vị đằng sau những cái tên huyền thoại!

Tuyến đường huyết mạch trong chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại (Ảnh: Imax-73/Flickr).

“Dốc Pha Đin anh gánh chị thồ – Đèo Lũng Lô anh hò chị hát” là những câu ca được mọi người truyền tai nhau trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đèo Lũng Lô là một trong những cung đường vận chuyển nhu yếu phẩm và vũ khí quan trọng nhất tiếp tế cho tiền tuyến trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại.

Hơn 8.000 thanh niên xung phong với lời thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, đánh đổi xương máu và tuổi trẻ của mình giành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Đèo Pha Đin cùng những khúc cua tay áo, cua chữ Z chữ A đã trở thành chứng nhân lịch sử.

Đèo Mã Pí Lèng

  • Vị trí: Quốc lộ 4C, nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
  • Độ cao: 1.200m so với mực nước biển
  • Chiều dài: 20km

du lịch, việt nam, tứ đại đỉnh đèo miền tây bắc và ý nghĩa thú vị đằng sau những cái tên huyền thoại!

Đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ (Ảnh: Idan R/Flickr).

Mã Pí Lèng trong tiếng Quan Hoả có nghĩa là “Sống mũi con ngựa”. Bạn tưởng tượng ra hình sống mũi của một chú ngựa chưa? Dốc thẳng đứng, tựa như sự hiểm trở của những dốc núi nơi đây.

Người H’Mông ở Hà Giang cũng gọi con đèo này là Mả Pí Lèng hoặc Mã Pì Lèng và vẫn thường truyền tai nhau câu chuyện về những con dốc cao và hiểm trở đến mức những chú ngựa chưa leo lên đến đỉnh đã tắt thở mà chết, gục ngã trước đại ngàn.

du lịch, việt nam, tứ đại đỉnh đèo miền tây bắc và ý nghĩa thú vị đằng sau những cái tên huyền thoại!

Nắng sớm trên Mã Pí Lèng (Ảnh: Phạm Xuân Quý).

Những cung đường ngoằn ngoèo uốn lượn của ngọn đèo này kéo dài khoảng 20km, nhìn trên cao hệt như dải lụa khổng lồ trải dài từ ngọn đồi này sang đỉnh núi khác. Đèo Mã Pí Lèng nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc, nơi mà hàng vạn thanh niên xung phong của khắp 8 tỉnh miền Bắc cùng nhau xây dựng trong suốt 6 năm.

Có những đoạn thậm chí phải treo mình trên vách núi vì phương tiện máy móc không thể vào tới. Trước khi thông đèo Mã Pí Lèng, người dân ở các huyện phía sau những dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không dám nghĩ đến chuyện đi qua đỉnh Mã Pí Lèng. Rừng già cao vút nhấp nhô như chạm trời xanh cùng lởm chởm những vách đá tai mèo cản bước cả những người dân bản địa can trường nhất.

du lịch, việt nam, tứ đại đỉnh đèo miền tây bắc và ý nghĩa thú vị đằng sau những cái tên huyền thoại!

Dải lụa mỏng manh vắt ngang những dãy núi ngút ngàn (Ảnh: Phạm Xuân Quý).

Giờ đây, giao thông đã thông suốt, Mã Pí Lèng được ví như “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ được thiên nhiên ưu ái ban tặng như dòng Nho Quế biếc xanh, ruộng bậc thang, hoa tam giác mạch và nhịp sống hồn hậu của người dân tộc, đèo Mã Pí Lèng thu hút đông đảo du khách đến với Hà Giang trải nghiệm.

Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc với những truyền thuyết thú vị về những cái tên huyền thoại đã đủ thôi thúc bạn xách ba lô lên và đi chưa? Đi để trải nghiệm, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Để biết và thêm yêu quê hương Việt Nam.

Đừng quên chia sẻ với chúng mình những chuyến đi của bạn nhé!

Đăng bởi: Tô Ngọc

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก