Huế Thừa Thiên Huế

Ăn gì khi đến Huế?

Nói về Huế, ta nói về mảnh đất cố đô đẹp hữu tình với non xanh nước biếc. Nơi có Sông Hương và Núi Ngự Bình. Tuy nhiên, đến Huế mà chỉ thưởng cảnh đẹp thôi thì có lẽ chưa đủ, muốn trọn vẹn, ta phải thưởng thức cả những thức quà đặc sản Huế. Vì là kinh đô của nhà nước phong kiến cuối cùng của nước ta nên những món ăn của Huế vẫn phảng phất nhiều hương vị của cung đình. Khi đã đến Huế, nếu như chưa tìm hiểu trước về ẩm thực nơi đây, có thể các bạn sẽ ngỡ là mình bị lạc vào thời xưa với các món ăn có tên gọi rất đậm chất cung đình. Tuy nhiên hiện nay, những món ăn cung đình ấy đã được biến tấu để phù hợp với du khách đến đây. Ngoài ra còn rất nhiều các món ăn độc đáo với hương vị đặc biệt không thể lẫn vào đâu được. Ăn gì khi đến Huế? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn ngon nổi tiếng của Huế khi có dịp ghé thăm vùng đất này nhé!

Cơm hến và các món từ hến – Huế

ăn gì khi đến huế?

Cơm hến – Huế

Khi đến Huế chúng ta không thể bỏ qua cơ hội được thưởng thức một bát cơm hến vốn là món ăn nổi tiếng và đặc sắc của nơi đây. Có chút ngọt thanh của hến, có chút cay cay của mắm ruốc, thêm chút hăng hăng của rau thơm, bắp chuối, giá đỗ, và ngậy ngậy của lạc vừng… Tất cả làm nên món cơm hến giản đơn nhưng đã làm say lòng bao du khách khi đến đây và thưởng thức nó. Món ăn này được bán rất nhiều ở các quán và gánh hàng rong khắp Huế. Giá rẻ và ăn khá lạ miệng.

ăn gì khi đến huế?

Mì hến – Huế

Mì hến chính là một món ăn được biến tấu từ cơm hến, bởi nguyên liệu để làm món ăn này cũng tương tự, chỉ khác là thay vào đó bằng mì sợi.

Bên cạnh đó, các món khác từ hến như bún hến, hến xào xúc bánh tráng, canh hến, bánh đập hến xào,… ở Huế cũng được khách du lịch yêu thích. Mỗi món ăn đều mang một phong vị riêng, nhưng cái vị của hến vẫn đọng lại trên đầu lưỡi, khó quên. Muốn ăn cơm hến và các món từ hến ngon ở Huế, du khách có thể tìm đến cồn Hến – Vĩ Dạ hay các quán trên đường Hàn Mặc Tử, từ từ cảm nhận hết hương vị ngọt dai và cay nồng của hến Huế.

Cơm trái dừa – Huế

Chỉ nghe tên thôi là đã thấy rất độc đáo rồi, Món cơm trái dừa sẽ dùng nguyên liệu chính là Trái dừa xiêm to đã rám (không nên lấy dừa quá non hoặc dừa già) và gạo ngon. Dừa gọt vỏ và vạt lấy nước đem đi nấu cơm và giữ lại cùi dừa. Khi cơm chín được trộn với hỗn hợp tôm khô, lạp xường, đậu hà lan, thịt heo và chả Huế ( hỗn hợp được xào xơ).

ăn gì khi đến huế?

Cơm trái dừa – Huế

Sau đó cho cơm thập cẩm trộn sẵn vào trong trái dừa còn cùi và đem hấp cách thủy, cho nóng lên và khói bốc nghi ngút, phải để lại cùi dừa để làm cho cơm thơm ngon và béo hơn. Khi ăn có thể cho thêm tương ớt và xúc trực tiếp vào trái dừa để ăn.

Khi thưởng thức nên nhai thạt chậm để cảm nhận được tất cả mùi vị của món ăn cung đình này. Điều thú vị là ăn trực tiếp trên trái dừa chứ không phải bằng chén, bạn sẽ trãi nghiệm món ăn với mùi thơm đặc trưng của nước dừa xiêm, hạt cơm bóng mượt vị ngọt, béo từ dừa thấm vào và vị ngon từ chả, thịt, tôm, đậu rất ngọt ngon. Sự kết hợp khéo léo và cầu kỳ trong chế biến, nên dù chỉ là món ăn đơn giản nhưng vẫn tạo ra hương vị hấp dẫn thật khó cưỡng.

Nếu đi du lịch Huế, chỉ ghé thăm các danh lam thắng cảnh đẹp mà không được thưởng thức món cơm trái dừa thì thật tiếc, bởi với Huế thưởng thức món ăn cũng chính là thưởng thức nét đẹp văn hóa nơi đây.

Bún bò – Huế

Bún bò Huế là một món ăn được xem như là đặc sản Huế. Không những thế mà nó mang trong mình “cái hồn của xứ Huế”. Chính vì điều đó mà nó mang một cái tên luôn gắn liền với Huế đó là bún bò Huế.

ăn gì khi đến huế?

Bún bò – Huế

Với xứ Huế, bún bò được xem là một món tuy bình dị, giản đơn nhưng thực sự đây là món ăn đầy sự thanh tao, cầu kỳ, tỉ mỉ đến từng món gia vị, từng nguyên liệu chế biến. Từ đó mà tạo ra hương sắc riêng, tạo ra một nét “rất Huế” trong từng tô bún bò.

Bún bò Huế là một món ăn có mặt ở khắp nơi trên đất Huế. Dù cho có đi đến nơi đâu thì bạn cũng sẽ bắt gặp những hàng quán bán bún bò Huế với hương vị thơm ngon khó cưỡng.

Hơn hết, bún bò Huế là một món ăn thể hiện tinh thần của con người xứ Huế. Điều đó được thể hiện ở nét cầu kỳ trong vẻ đẹp của món ăn. Thật vậy, với một tô bún bò Huế bạn sẽ thấy sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc, hương liệu, nguyên liệu bên trong nó.

Húp thử một muỗng nước lèo bạn sẽ thấy có vị ngọt của xương, vị beo béo và đằm thắm của những gia vị mang lại, miếng thịt bò mềm nhừ như tan ra trong miệng. Không những thế mà tô bún còn phá màu trắng của bún, của giá đỗ. Thêm tí ớt và vắt tí chanh bạn sẽ thấy thú vị hơn khi cảm nhận được vị cay the the, vị chua, hòa quyện với vị ngọt của nó.

Quả thật, thưởng thức được một tô bún bò Huế mà cảm thấy nao lòng. Hương vị ấy một khi đã thử thì thật khó mà có thể quên được. Nhờ món ăn đặc sản Huế này đã đủ khiến các thực khác đủ thấy lòng xuyến xao khi ở trên đất Huế này rồi.

Bánh canh – Huế

Có thể nói bánh canh là món ăn nổi tiếng ở khu vực miền Trung, nhưng không phải chỗ nào cũng giống nhau. Ở mỗi tỉnh, món ăn này lại được thay đổi chút ít cho phù hợp với khẩu vị người dân hoặc thay đổi nguyên liệu sẵn có của vùng đất đó. Bánh canh ở Huế cũng vậy, mang hương vị đặc trưng của nước lèo màu đỏ từ gạch cua và tôm, khi nấu trộn lẫn với hạt điều để có màu sắc đẹp hơn. Sợi bánh canh cũng rất đặc biệt, trong suốt, dai mềm mà không nát. Nhắc đến bánh canh ở Huế thì người ta hay nhắc đến bánh canh Nam Phổ và bánh canh Bà Đợi.

ăn gì khi đến huế?

Bánh canh – Huế

Tại sao được gọi là bánh canh Nam Phổ chính bởi vì đây là món ăn đặc trưng của người Nam Phổ, huyện Phú Vang, được bán ở những gánh hàng rong các buổi sáng hoặc xế chiều.

Còn bánh canh Bà Đợi chính là nhắc tới quán bánh canh rất nổi tiếng ở cuối một con hẻm nhỏ trên đường Đào Duy Anh. Quán của gia đình nên ít người phục vụ, khách thường phải đợi lâu hơn nên gọi luôn là quán bà Đợi.

Ngoài bánh canh cua thì ở Huế còn có cả bánh canh cá lóc, cũng rất đáng để thử. Cá lóc được luộc chín, tách lấy thịt rồi nêm gia vị ướp cho ngấm. Xương cá được giã nhuyễn, lọc lấy nước nấu cùng nước luộc cá để làm nước dùng. Đây chính là cách tạo ra thứ nước dùng có vị ngon ngọt, tự nhiên.

Bánh chưng Nhật Lệ – Huế

Bánh chưng Nhật Lệ là món ăn nổi tiếng ở Huế và có xuất xứ từ con phố Nhật Lệ trong thành Nội, nơi tập trung hàng chục lò làm bánh. Bánh thơm dẻo, ăn rất khoái khẩu do sự kết hợp nhuần nhuyễn mùi vị giữa nhân đậu, thịt (mỡ và nạc) với gạo nếp và các loại gia vị như tiêu, hành. Người ăn quen lâu ngày thành nghiện, thành thèm.

ăn gì khi đến huế?

Bánh chưng Nhật Lệ – Huế

Ăn bánh chưng Nhật Lệ khi nguội ngon hơn khi nóng. Bóc lớp lá chuối ra, màu bánh xanh thơm. Cắn một miếng, nhân đậu thịt mỡ màu nâu trắng béo bùi ngập chân răng. Một chuyên gia gói bánh của phố Nhật Lệ cho biết: “Nếp là phải nếp tốt, không lẫn tẻ, hạt phải tròn đều. Thịt là loại tươi nóng mới mổ ra. Nấu thì phải nấu cho bánh chín đúng độ, không nhão nát, không sống…”. Du khách đến Huế ai cũng tìm ăn bánh chưng Nhật Lệ.

Bánh bèo – Huế

Bánh bèo gồm có ba phần chính là bánh làm từ bột gạo, nhân để rắc lên bánh làm bằng tôm xay nhuyễn, và nước chấm, một hỗn hợp mà nước mắm là thành phần chính và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Thành phần phụ của bánh bèo thường là mỡ hành, đậu phộng rang giã nhỏ. Tuỳ theo địa phương, có những cách thêm bớt khác nhau cho món bánh này, ví dụ ở Sài Gòn thường bỏ đậu xanh, đồ chua, lại cho ăn kèm bánh đúc, bánh ít, bánh bột lọc.

Bánh bèo – Huế

Tại miền Trung, bánh bèo thường được phân ra làm hai loại là bánh bèo Quảng Nam và bánh bèo Huế. Bánh bèo Quảng Nam thường thì bánh to, dày, ăn với nhân là bột nấu nhão gồm có thịt, tôm băm, hẹ, khi ăn bỏ thêm ít hành phi, ớt băm. Bánh bèo Huế có khác chút ít, bánh mỏng hơn, có bột tôm sấy, khi ăn kèm theo da heo chiên giòn.

Bánh lọc – Huế

Bánh lọc là loại bánh rất nổi tiếng của xứ Huế. Có thể nói đây là một nét đặc sản Huế góp phần thể hiện nền ẩm thực phong phú của mảnh đất cố đô này.

ăn gì khi đến huế?

Bánh lọc – Huế

Đặc biệt đó là bánh lọc gói. Sự kết hợp hoàn hảo giữa bột lọc, tôm, thịt, gói trong lá chuối và sau đó hấp lên, tạo ra những chiếc bánh lọc thơm ngon nức nở. Điều đặc biệt của một chiếc bánh lọc đó là sự thơm ngon, dẻo dai của lớp bột lọc cùng với nhân là tôm và thịt đã rim mặn kết hợp với nước mắm chấm tạo nên một hương vị ngon khó cưỡng.

Vì thế mà với món bánh lọc này tạo cho thực khách một cảm giác đặc trưng, khó lòng mà cưỡng lại được. Có người khi rời xa Huế, vẫn nhớ mãi hương vị của món bánh lọc ấy. Có khi thèm đến nỗi chỉ muốn đi Huế ngay để thưởng thức món bánh lọc gói thơm ngon này.

Bánh Nậm – Huế

ăn gì khi đến huế?

Bánh Nậm – Huế

Món bánh nậm là một món ăn ngon ở Huế vốn đã trở thành đặc sản gắn liền với vùng đất này. Bánh nậm được chế biến từ bột làm bánh cùng với đó là một chút tôm băm nhỏ bên trên. Một điểm không thể thiếu của món bánh nậm chính là lá dong. Đây cũng chính là điểm làm nên sức hấp dẫn và sự khác lạ trong món bánh nậm của người dân Huế. Món ăn thôn quê giản dị này có thể được dùng làm bữa chính hoặc ăn vặt hết sức thơm ngon và bổ dưỡng. Bạn có thể tìm ăn ở khắp các nẻo đường của Huế một cách đơn giản dễ dàng. Một vài địa chỉ nổi tiếng có thể kể đến như số 71 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phủ Cát hay 14 Võ Thị Sáu, Phú Hội.

Bánh ram ít – Huế

ăn gì khi đến huế?

Bánh ram ít – Huế

Ở Huế có một thứ bánh kết hợp hai loại bánh khác nhau, ăn vào vừa giòn vừa dẻo, béo nhưng không ngấy bởi được chấm với thứ nước mắm chua ngọt, đó là bánh ram ít. Tưởng như bánh ram và bánh ít là hai thứ bánh không ăn nhập gì với nhau nhưng qua bàn tay tài hoa của người phụ nữ Huế, bánh ram ít đã trở thành một món ăn dân dã của Huế được du khách gần xa biết tiếng. Bánh ram ít có hai phần tách bạch rõ ràng: phần bánh ram và phần bánh ít. Tuy cách thức chế biến khác nhau nhưng cả hai phần bánh đều được làm từ gạo nếp.

Bánh khoái – Huế

Bánh khoái đổ bằng bột gạo xay đánh sệt với nước và lòng đỏ trứng, sau đó thêm tiêu, hành, mắm, muối, tôm bóc vỏ, thịt bò (hoặc chim) nướng thái lát, mỡ thái lát nhỏ, giá sống. Khuôn bánh khoái làm bằng gang hình tròn, to bằng hai bàn tay trẻ con có cán cầm. Khi nào có khách ăn, nhà hàng mới bắc khuôn lên lò đổ bánh. Múc một muôi bột trứng đổ vào khuôn nóng đã tráng mỡ. Tiếng bột bén mỡ xèo xèo bốc lên quyến rũ, bột chín vàng rơm thì gắp một miếng thịt bò nướng, lát mỡ nhỏ, một vài con tôm, ít giá bỏ vào một nửa phần bánh, dùng đũa lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt lật bánh cho vàng đều hai bên, xong bày ra đĩa.

ăn gì khi đến huế?

Bánh khoái – Huế

Bánh ngon một phần nhờ nước lèo, thứ nước chấm chỉ các đầu bếp giỏi mới chế được. Ðây là bí quyết gia truyền, quyết định chất lượng, tạo nên hương vị thượng hạng của bánh khoái. Nước lèo Huế được chế biến rất cầu kỳ với hàng chục nguyên liệu như bột báng, gan lợn, mè (vừng), lạc rang… Quán bánh khoái Thượng Tứ tồn tại gần ba bốn chục năm nay, đã trở thành văn hoá ẩm thực Huế, làm say lòng du khách, thân thuộc với người Cố Ðô chẳng khác gì cơm hến, tiếng chuông chùa Thiên Mụ, con đò sông Hương.

Bánh ép – Huế

Đến Huế, du khách tò mò khi bắt gặp tấm biển có hai chữ “bánh ép” tại nhiều hàng quán. Bánh này là bánh gì, có ngon hay không, tại sao lại có tên này… là những thắc mắc của du khách.

ăn gì khi đến huế?

Bánh ép – Huế

Bánh ép là đặc sản không thể bỏ qua nếu có dịp thăm cố đô. Món ăn này có nhiều cách chế biến đa dạng nhờ sự sáng tạo của người bán. Bánh được làm từ những nguyên liệu đơn giản là bột lọc, thịt heo, trứng, hành lá… Trước khi ép, chủ quán đã viên sẵn bánh thành từng cục bột nhỏ, phía trên điểm thêm một ít thịt lợn rim, ớt và hành lá. Sau khi khách gọi món, cục bột được chủ quán đặt vào giữa hai tấm gang nóng đỏ rực đã được bôi dầu, đóng lại và dùng hai tay ép khuôn thật chặt trong khoảng 5 – 6 giây. Tiếp đó, họ mở khuôn ra, thêm 1 quả trứng cút sống rồi tiếp tục ép lần 2 trong khoảng vài giây nữa. Trong quá trình ép bánh, chủ quán sẽ lật tấm gang khoảng 2 – 3 lần để bánh được chín đều.

Những chiếc bánh nóng hổi khi chín được đặt vào chiếc đĩa nhựa màu xanh. Sau đó, khách tùy ý thêm chút rau răm, đu đủ chua ngọt, dưa leo, cuộn tròn bánh lại rồi chấm vào bát nước mắm chua cay. Bánh nóng, ai ăn cũng phải vừa thổi vừa xuýt xoa. Chiếc bánh nhỏ xíu nhưng chứa đầy đủ hương vị: vị béo ngậy của dầu mỡ, dai của bánh, chua giòn của đu đủ ngâm thêm vào đó là mùi thơm của hành lá, của thịt, trứng… Tất cả hòa lẫn tạo một hương vị rất riêng của bánh ép. Món ăn “gây nghiện” đến mức khách chưa ăn hết cái này đã phải gọi cái khác, rồi họ xếp chồng những chiếc đĩa xanh lên thật cao. Khi thanh toán, chủ quán chỉ việc đếm số đĩa rồi tính tiền. Việc đếm dĩa, so sánh với bạn bè xem ai ăn được nhiều hơn cũng là thú vui của người ăn bánh ép.

Bánh ướt thịt nướng Kim Long – Huế

Bánh ướt là loại bánh tráng được làm bằng bột gạo có pha bột lọc, tráng mỏng hơn và dùng liền (nên gọi là bánh ướt chứ không phơi khô như bánh tráng). Thịt để nướng thường là thịt heo ba chỉ thái mỏng, ướp tiêu, hành, nước mắm, ngũ vị hương, mè (vừng). Thịt ướp sau vài giờ thì đem kẹp, nướng trên bếp than đỏ hồng cho đến khi đủ độ chín, dậy mùi thơm. Lấy thịt nướng này kẹp với rau thơm, giá, xà lách làm nhân để cuốn bánh ướt (Món này gần tương tự như kiểu món phở cuốn ở Hà Nội, có điều ở Hà Nội là cuốn với thịt bò).

ăn gì khi đến huế?

Bánh ướt thịt nướng Kim Long – Huế

Bánh ướt thịt nướng Kim Long ngon, hấp dẫn là nhờ chấm với loại nước chấm hết sức đặc biệt, được các chủ hàng chế biến từ nước mắm nguyên chất, đường, chanh, tỏi, ớt… như một bí quyết được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Chính nhờ hương vị nước chấm rất đặc trưng mà món ăn bình dân này của Kim Long được nhiều du khách biết đến, tạo thêm nét chấm phá trong bức tranh ẩm thực đa sắc màu của Huế.

Bánh ngũ sắc – Huế

Bánh ngũ sắc hay còn gọi là bánh in, họ nhà bánh này rất nhiều chủng loại: bánh măng, bánh bột nếp, bánh bột huỳnh tinh, bánh đậu xanh, bánh sen tán… mỗi loại bánh mang đúng loại bột như tên gọi của nó. Bánh được gói bằng giấy gương đủ màu sắc nhưng có quy định cụ thể, ví như màu xanh hy vọng là bánh đậu xanh, màu tím hoàng là bánh bột nếp… và được ép, đức thành khuôn, mặt đáy của bánh khó khắc các hình chữ Thọ, Phúc, Lộc và gói trong giấy ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách. Do giá trị rẻ nên được rất nhiều người ưa chuộng.

ăn gì khi đến huế?

Bánh ngũ sắc – Huế

Hiện nay, ở Huế có hai tiệm bán bánh in ngon nổi tiếng là tiệm Hồng Phúc ở đường Phan Đăng Lưu, tiệm Bà Bốn ở đường Nguyễn Thiện Thuật, đặc biệt vào các ngày rằm, mồng một tiệm bánh Bảo Thạnh ở đường Trần Hưng Đạo cũng có bán loại bánh này.

Nem lụi – Huế

Nem lụi được bán ở rất nhiều nơi. Tuy nhiên, nem lụi ở Huế vẫn được coi là món ngon độc nhất vô nhị. Nem lụi Huế có cách ăn giống với nem nướng Nha Trang, nhưng hình thức của nem thì khác. Thịt sau khi xay, giã nhỏ được trộn đều cùng các loại gia vị cho vừa ăn rồi bọc vào đầu cây xả. Sau đó những cây nem được nướng chín tới trên than hoa có màu vàng ươm bắt mắt.

ăn gì khi đến huế?

Nem lụi – Huế

Món nem lụi Huế có vị thơm đặc trưng từ cây xả tiết ra, và do được nướng trên than hoa nên thấm mùi thơm của than. Những xiên nem được nướng béo, ngậy kết hợp cùng với bún, rau thơm và một số loại rau củ khác tạo nên hương vị vô cùng tuyệt vời. Để có món nem lụi hoàn hảo không thể bỏ qua món nước chấm thần thánh. Mỗi quán ở Huế đều có công thức làm nước chấm riêng để tạo sự đặc trưng cho quán, nhưng điểm trung là đều ngon. Nước chấm đậm đà, đặc sánh đủ vị chua, cay, mặn, ngọt càng làm tôn thêm hương vị của món ăn. Nem lụi nướng chắc chắn là một món ngon tại Huế mà bạn phải thử khi đến đây

Cơm Âm Phủ – Huế

Một món ăn ngon ở Huế mà có cái tên khá lạ, gây nhiều tò mò cho khách du lịch với câu nói “Muốn ăn cơm dĩa trữ tình, có quán Âm phủ ma rình phía sau” là món Cơm Âm phủ. Nhưng có thể nói món ăn này hấp dẫn từ hình thức cho tới hương vị. Nguồn gốc của món ăn này bắt nguồn từ quán cơm có tên Âm phủ trên đường Nguyễn Thái Học, gần sân vận động Huế. Quán đã mở cửa gần trăm năm nay và trước chỉ mở vào đêm khuya, dùng đèn dầu leo lét nên mới thành tên như vậy.

ăn gì khi đến huế?

Cơm Âm Phủ – Huế

Một đĩa cơm Âm Phủ bưng ra bạn sẽ được thưởng thức bằng mắt trước tiên bởi đĩa cơm có đủ cả 7 màu, được bày biện hết sức nghệ thuật, hết sức rực rỡ. Cơm trắng được nấu bằng gạo An Cựu ở giữa, xung quanh có thịt ba chỉ, chả lụa Huế, tôm, nem nướng, trứng tráng, rau thơm, dưa leo… Khi ăn, các bạn nhớ rưới một ít nước mắm lên trên, trộn đều và thưởng thức thôi. Cơm Âm Phủ hiện nay được phục vụ từ ở những quán cơm bình dân tới những nhà hàng sang trọng.

Vả trộn – Huế

Món ngon xứ Huế tiếp theo là một món ăn đặc sản Huế mà nhiều người thậm chí còn chưa nghe đến tên bao giờ, đó chính là món vả trộn. Món ăn được làm từ nguyên liệu chính là quả vả dân dã nhưng qua bàn tay chế biến của người dân Huế trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng. Trái vả được đem luộc chín và thái ra thành từng lát mỏng. Kết hợp cùng một số loại nguyên liệu khác như tôm thịt, cà tím, lạc rang… đem xào là đã có ngay một đĩa vả trộn hấp dẫn.

ăn gì khi đến huế?

Vả trộn – Huế

Vả trộn thường được ăn cùng với bánh đa nướng giòn tan. Vị chát chát của vả hòa trộn cùng vị ngọt của tôm thịt, bùi bùi của lạc rang khiến ai chưa từng ăn món này đều cảm thấy bất ngờ, không nghĩ rằng loại quả này có thể chế biến thành món ngon như vậy. Đây là món ngon Huế quen thuộc quen thuộc, thường xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày của nhiều gia đình Huế.

Tôm chua – Huế

Tôm chua là một món đặc sản Huế bình dị mà bạn khó có thể thấy ở những tỉnh thành khác. Bản thân tôm đã có vị thanh mát, ngọt dịu nay được pha với cay nồng từ các loại gia vị chẳng những không át được vị mát lành vốn có của tôm mà còn thật hài hòa và quyến rũ khi ăn cùng với các món ăn kèm khác.

ăn gì khi đến huế?

Tôm chua – Huế

Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy đây là một món đặc sản Huế đại diện cho nét tính cách cầu kỳ và tỉ mẫn của người dân nơi đây. Khi chế biến, họ đặc biệt không sử dụng loại tôm biển to mà chỉ chọn tôm nước ngọt, tôm sông, tôm đất nhỏ. Lý do là vì tôm nhỏ thì dễ thấm đều gia vị hơn và khi bày biện lên dĩa, chén hay xếp trong hũ trông cũng đẹp mắt hơn.

Tôm chua Huế thường được ăn kèm như gỏi cuốn với thịt luộc, bánh tráng cùng các loại rau sống. Ngoài ra, nếu bạn không có nhiều thời gian để cuốn bánh tráng, bạn cũng có thể ăn tôm chua với cơm nóng.

Nem & Tré – Huế

ăn gì khi đến huế?

Nem – Huế

Nem Huế khác với nem miền Bắc và nem miền Nam ở cách nêm gia vị. Không bao giờ ta gặp một lọn nem Huế lại có một hạt tiêu tròn ở giữa. Trong lọn nem có đủ mùi vị của thịt nạc lên men chua, da heo xắt nhỏ, thính, nước mắm kho, đường phèn, muối…

ăn gì khi đến huế?

Tré – Huế

Tré là món ăn đại diện cho sự riêng biệt của ẩm thực Huế. Tré có hai loại: Tré bò màu nâu thơm mùi thính và có vị ngọt đậm. Tuy gọi là tré bò nhưng vẫn phải có thịt ba chỉ rán vàng, thái sợi, trộn riềng, tỏi, thính, bọc lá ổi, gói bằng lá chuối như nem chua. Còn tré heo màu đỏ nâu cũng thơm mùi thính, tỏi, vị ngọt hơi đậm, hơi chua, làm bằng thịt ba rọi rán vàng thái chỉ trộn riềng, tỏi, thính, bọc lá đinh lăng và cũng gói bằng lá chuối.

Món chay – Huế

Theo một số liệu thống kê không đầy đủ, ở Huế có tới 125 món ăn chay, điều đó đã nói lên sự phong phú và đa dạng về ẩm thực của mảnh đất Thần Kinh này. Ẩm thực Huế có nhiều phong cách khác nhau, được chia ra làm nhiều loại như: Ẩm thực Cung đình, ẩm thực dân gian… Trong đó còn một loại phong cách ẩm thực khá đặc biệt nơi đây đó là Ẩm thực chay. Sở dĩ ở Huế ẩm thực chay rất phát triển là do nơi đây chính là trung tâm văn hóa Phật giáo của cả nước.

ăn gì khi đến huế?

Món chay – Huế

Người Huế cho rằng ăn chay là lành tính, điềm đạm cho nên ai cũng muốn ăn chay để dưỡng tâm tính. Thoạt đầu ăn chay chỉ được giới hạn trong phạm vi những ngôi chùa, hoặc những gia đình theo đạo Phật, nhưng ngày nay cơm chay không còn là “di sản” của nhà chùa nữa mà nó đã lan truyền ra dân gian và trở thành một sản phẩm du lịch. Trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, Huế có nhiều đổi thay nhưng tục ăn chay vẫn được lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong phần lớn cư dân Huế.

Đậu hủ – Huế

Đậu hũ (còn có tên gọi là tàu hủ non hay tào phớ) là món ăn bình dị, quen thuộc và được rất nhiều người ưa chuộng. Đậu hủ ngoài hương vị thơm ngon, hấp dẫn thì cũng rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt ở món ăn này là thường được bán dọc trên đường đi, trên đôi quang ghánh nhưng đậu hủ luôn được giữ nóng.

ăn gì khi đến huế?

Đậu hủ – Huế

Khi gọi một bát đậu hũ thì người bán mới múc đậu ra chén, một muỗng đường cát, một ít chanh, ít gừng giã nhuyễn. Khi ăn bạn trộn cho tan đường mà chén đậu hũ vẫn còn ấm, vậy mà ăn vào là nhớ mãi không thôi. Đậu hủ ở Huế luôn luôn nóng hổi vì được đựng trong chum sành còn được bọc một lớp xốp và ni lông bên ngoài để giữ cho đậu luôn được nóng.

Khi ăn đậu hủ mềm tan trong miệng, vị ngọt thanh của đường, vị thơm đặc trưng của chanh gừng kết hợp lại giúp cho món ăn trở nên ngon lạ lùng. Khi đi xa quê, chắc ai cũng sẽ nhớ da diết gánh đậu hũ mỗi chiều, nhất là khi thời tiết trở lạnh lại thèm đến kì lạ một chén đậu hũ nóng của Cố đô Huế.

Cơm rượu nếp Kiều – Huế

Một trong những món ẩm thực dân gian của Huế rất nổi tiếng đó là cơm rượu nếp kiểu Huế (còn gọi là Cơm rượu), được làm từ phương pháp lên men truyền thống để tạo nên thức uống đạm đà hương vị đặc trưng xứ Huế. Là một món ăn có cồn nhưng không qua chưng cất, vị ngon là, thanh mát, dễ tiêu hóa và được rất nhiều người yêu thích và chọn lựa.

ăn gì khi đến huế?

Cơm rượu nếp Kiều – Huế

Để làm được 1 mẻ cơm rượu nếp ngon thì nếp phải chọn là loại nếp cái hoa vàng, loại nếp này khi nấu lên sẽ có độ dẻo và thơm, ngọt hơn các loại nếp khác. Nếp sau khi được vo sạch đem ngâm nước trong 8 giờ rồi vớt ra để ráo. Đem hấp nếp lần 1 trong một tấm vải màn cho đến khi hạt nếp có độ trong, lấy ra và nhúng gói nếp vào thau nước pha muối loãng rồi để ráo trong 3 phút.

Hấp nếp thêm 1 lần cho đến khi chín hoàn toàn. Khi nếp đã chín xong đem gói nếp ra trải trên mặt phẳng có lót giấy bọc thức ăn. Sau đó, giả men cho thật mịn và đem rải men lên trên mặt nếp và trộn đều. Cho nếp đã trộn men vào một cái hộp rồi nén cho nếp dẹp xuống rồi hoặc đậy nắp kín. cất giữ ở nơi khô ráo khoảng 3 ngày để cơm nếp lên men.

Khi thấy xôi lên men thành tảng mịn thì lấy đem ra cắt thành từng khối vuông nhỏ ( hoặc có thể vo viên tròn nhỏ từ trước), rồi xếp vào một lọ sạch. Tiếp theo là cho nước đường vào (nước đường nấu theo tỷ lệ o,5l nước : 0,2 kg đường). khi thấy cơm rượu nổi lên trên là có thể dùng được. Rượu nếp vừa là món ăn giải nhiệt mùa hè vừa có tác dụng rất tốt cho sứ. Nếu có dịp đến Huế, bạn hãy thưởng thức món ăn đậm đà hương vị Huế này nhé!

Các món chè – Huế

Các món chè – Huế

Quả không ngoa khi gọi Huế là kinh đô của các loại chè và chè hẻm là một trong những đặc trưng của xứ Huế. Cứ đi chừng vài bước, bạn sẽ lại bắt gặp một tiệm hoặc gánh chè rong trong hẻm. Chính vì thế, chè trở thành một món đặc sản Huế không thể thiếu trong danh sách những món cần thử của bạn được.

Chè bột lọc heo quay – Huế

ăn gì khi đến huế?

Chè bột lọc heo quay – Huế

Chè bột lọc có hình thức viên tròn nhỏ, làm bằng bột năng, khi luộc chín, viên bột từ màu trắng đục thành màu trắng trong, ăn với nước đường và đây là món chè luôn được ăn nguội hay nóng ấm chứ không bao giờ ăn lạnh. Chè bột lọc thịt quay được chế biến từ những miếng thịt heo quay, cắt vuông bằng quân súc sắc nhỏ (có cả bì lợn, cả thịt) bọc ngoài là màng bột nếp, rồi cho vào nước đường đun thành chè. Chè này có lẫn cả vị ngọt và mặn nên ăn không ngấy.

Chè bắp – Huế

ăn gì khi đến huế?

Chè bắp – Huế

Ở Huế có món Chè bắp Cồn Hến ngon chẳng nơi nào có được. Vùng đất này có bãi bồi vài chục ha, người dân trồng bắp gần như quanh năm. Bắp ở Cồn Hến thơm ngon vì được trồng trên lớp phù sa dầy được bồi đắp qua mỗi trận lụt.

Chè hạt sen – Huế

ăn gì khi đến huế?

Chè hạt sen – Huế

Là loại chè thanh cao, được chế biến từ hột sen hồ Tịnh Tâm. Chè sen nấu theo kiểu Huế được đem hấp chín, sau đó nấu chung với nước đường cát trắng hay đường phèn trong vắt cho đến khi sôi nhẹ. Vị ngọt của đường đủ thấm vào hột sen là bắc ra ngoài bếp. Để được nồi chè ngon, người nấu phải túc trực canh chừng để lửa cháy vừa phải, tay khuấy, trộn thật nhẹ nhàng, thời gian cũng chỉ vừa đủ để hạt sen “không già, không non”. Nấu già, hột sen sẽ mất hương thơm tự nhiên. Nấu non, hương sen sẽ không tỏa ngát.

Chè khoai tía – Huế

ăn gì khi đến huế?

Chè khoai tía – Huế

Chè khoai tía được rất nhiều vị khách ưa thích vì màu sắc và hương vị. Chè được nấu từ khoai môn tím, rồi nấu chung với nước dừa và để nhỏ lửa đến khi vừa sánh là được. Thêm đường sao cho vừa nhưng không để mất đi mùi thơm của nước dừa. Chè có vị thơm và ngọt thanh.

Chè đậu ngự – Huế

Chè đậu ngự Huế là một món chè thơm ngon nổi tiếng của Huế với hương vị thanh mát, ngọt nhẹ, hạt đậu bùi ngậy rất ngon. Đối với mọi người nơi đây, chè đậu ngự là một món ăn tráng miệng có hương vị cực kỳ thanh tao, rất giàu dinh dưỡng mà lại rất tốt cho sức khỏe, rất thích hợp dùng để đãi khách. Món chè với các hạt đậu mềm, màu trắng, vị ngọt thanh mát, có công dụng giải nhiệt rất hiệu quả.

ăn gì khi đến huế?

Chè đậu ngự – Huế

Chè đậu ngự có thể ăn nóng hoặc ăn lạnh bằng cách cho thêm đá để thưởng thức, đặc biệt vào những ngày tiết trời nắng nóng khó chịu. Hương chè thanh tao quyện lẫn hương trầm thoang thoảng trong quán thường tạo nên một phong vị rất riêng cho Huế, góp phần làm phong phú thêm món ngon, món đặc sản của vùng đất Cố đô Huế.

Ăn gì khi đến Huế? Trên đây là những món ăn đặc sản Huế nổi tiếng nhất. Có những món rất dễ ăn nhưng cũng có những món với nhiều người tương đối khó ăn. Tuy nhiên, nếu thử ăn thêm vài lần có thể bạn sẽ rất thích đấy. Nếu bạn có dịp du lịch Huế thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Huế nổi tiếng mà chúng tôi giới thiệu trên đây nhé.

Đăng bởi: Đức Lý Minh

YOLO! Khám phá các huyện ở Thừa Thiên Huế

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก