Huế Thừa Thiên Huế

Ốc xứ Huế – Đậm đà hương vị quê nhà

Ốc xứ Huế lâu nay đã trở thành món ăn phổ biến và nổi tiếng trong lòng người dân. Ở thành phố này mưa không phải tính theo từng cơn, từng giờ hay từng ngày mà phải tính từng tuần, từng tháng. Mưa không lớn nhưng rả rích và dai dẳng, kèm theo cái lạnh ẩm ướt. Vậy mà, kể cũng lạ, nhiều người sống tại Huế thì ghét vô cùng những ngày mưa dài lê thê, thế nhưng khi xa quê lại thương nhớ.

ốc xứ huế – đậm đà hương vị quê nhà

Ốc xứ Huế

Vào những ngày mưa lạnh như thế này, người ta lại tìm đến những món ăn cay, nóng hổi để tìm một chút hơi ấm trong lòng. Đó là tô bún bò bốc khói nghi ngút vào lúc sáng sớm hay là xì xụp húp tô bánh canh cá lóc cay xè trong góc phố vào cuối buổi chiều tà. Và nếu còn có thời gian, người ta lại đến với phố ốc Trường An để thưởng thức những đĩa ốc luộc vừa cay, vừa nóng.

Nếu bạn đến Huế vào những ngày mưa lạnh này, chắc sẽ không ngạc nhiên tại sao người Huế lại có thói quen ăn cay đến vậy, cay đến cháy ruột, trào nước mắt, hai tai ù ù nhưng vẫn thấy ngon. Ốc xứ Huế là một món ăn như thế. Mỗi lần ăn ốc xong, ai nấy đều hít hà vì cay và nóng. Người nào người nấy môi đỏ lên, mồ hôi lấm tấm nhưng vẫn ăn ngon lành. Có người ăn đến chảy nước mắt, nước mũi nhưng vẫn ăn đến cùng và cảm giác “tuyệt cú mèo”. Còn đối với những ai không phải là người Huế, khi thưởng thức món này, nên gọi kèm bát nước chấm không cay, nếu không là phải “bỏ của chạy lấy người” đấy.

Chỉ riêng Huế có

Không như ốc ở những nơi khác, ốc Huế có đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, nồng. Một chút cay của tiêu ớt, một chút nồng và thơm của gừng sả, một chút mặn mà của nước mắm, một chút vị ngọt toát ra từ thịt ốc. Tất cả làm nên một món ăn vừa ngon vừa thơm. Chỉ cần nhìn thấy đĩa ốc nóng hổi bốc khói ngùn ngụt và mùi thơm ngào ngạt là chúng ta có cảm giác “thèm” và bị quyến rũ ngay.

“Muốn ăn cơm hến sang cồn.

Muốn ăn ốc hút lên phường Trường An”

Đó là câu nói mà người Huế vẫn luôn truyền cho nhau nghe, bởi lẽ các quán ốc hút tập trung trên phường Trường An, chính xác hơn đó là con đường Phan Bội Châu với những dãy quán san sát nhau như quán ốc Minh Nghĩa, quán ốc Vườn Dừa…nhưng lại luôn tấp nập khách. Đến đây bạn có thể thưởng thức đủ món nghêu, sò, ốc, hến…nhưng cái chính vẫn là tha hồ ngồi hút ốc, thưởng thức vị cay xé nơi đầu lưỡi.

ốc xứ huế – đậm đà hương vị quê nhà

Nơi hình thành:

Quá khứ:

Ngược thời gian trên hai mươi năm về trước khu vực này vẫn còn là một nghĩa trang rộng lớn, chạy dài tít tắp cho đến tận chân núi Ngự Bình. Hồi ấy bọn con nít chúng tôi vẫn thương chạy nhảy, đá bóng xung quanh những ngôi mộ, đến khi chán thì kéo nhau leo đến tận đính Ngự Binh, đứng trên đó có thể nhìn thấy toàn bộ thành phố, thậm chí còn thấy cả những dãi cát trắng tận cửa biển Thuận An. Sau này, khoảng vào năm 1993, Thành phố được mở rộng hơn về phía tây và nghĩa trang được di dời ra khỏi thành phố.

Tại chỗ đó, chính quyền đã dùng để cấp đất định cư cho các hộ dân vạn đò sống trôi nổi trên dòng sông An Cựu, bên cạnh chợ Bến Ngự và chợ An Cựu, đưa họ lên bờ để ôn định cuộc sống, trả lại cảnh quang cho dòng sông. Khu vực dân cư mới Trường An bắt đầu hình thành từ đó. Do hồi ấy đa số nơi đây là dân vạn đò lên bờ sinh sống,tuy vậy nghề nghiệp của họ vẫn gắn liền với sông nước, với cái nghề mò cua, bắt ốc. Và có lẽ cũng từ đó bắt đầu hình thành những quán ốc đầu tiên trên con đường này.

Hiện tại:

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ lần đầu tiên đến với quán ốc cách đây cũng đã gần 15 năm. Cũng vào một buổi chiều mưa, mưa rả rích, quán hồi ấy còn rất nhỏ, chỉ khoảng chừng chục mét vuông và lèo tèo vài bộ bàn ghế, cả ba đứa chúng tôi quây quần quanh một chiếc bàn nhựa, vừa khều từng con ốc nhỏ xíu, nhâm nhi với xị rượu trắng, uống đến đâu biết đến đó.

ốc xứ huế – đậm đà hương vị quê nhà

Đĩa hến xào

Bây giờ thì khác, các quán ốc rộng rãi hơn, quy mô hơn. Không chỉ có ốc mà còn có nhiều món khác nữa, cách phục vụ cũng đàng hoàng hơn. Và một điều nữa là ăn ốc xứ Huế thì không thể dùng bia được. Thay vào đó bây giờ là những chai rượu Shochu được hâm nóng đúng theo kiểu Nhật.

Một thú vui tao nhã:

Cái thú của việc ăn ốc là giết thời gian. Giống như người ta ngồi nhâm nhi café hay xị đế vậy. Việc ăn ốc không thể vội vàng được. Phải thật sự thảnh thơi, không bận tâm về quỹ thời gian quá hạn hẹp.

Có hai loại ốc, ốc hút và ốc bươu mà người Huế thường gọi là ốc nhỏ và ốc to. Ốc thường được ăn kèm với chén nước mắm ớt tỏi cay và chua. Đĩa rau sống tươi ngon có thêm vài lát vả và chuối chát. Thêm vào đó là món bánh tráng hoặc bánh phông tôm chiên giòn. Để giảm bớt vị cay từ ốc Huế, thường thì quán sẽ kèm luôn cho bạn một ca trà đá. Nước chắm ốc thường là nước mắm gừng hoặc là nước chắm lấy từ nước xào ốc. Nếu bụng yếu bạn chỉ nên ăn một ít. Vì ốc là loại thức ăn mát nên khi nấu thường thêm nhiều gừng để món ăn đươc điều hòa.

ốc xứ huế – đậm đà hương vị quê nhà

Sơ lược cách chế biến:

  • Ốc mua về rửa sạch bùn rồi ngâm vào nước để ốc nhả những chất bẩn ra ngoài.
  • Ngâm từ 1-2 ngày và thay nước thường xuyên là có thể đem ra chế biến món ăn.
  • Tuy nhiên ngâm ốc càng lâu thì ốc càng chết nhiều do đó gây nên sự hao phí.
  • Vì vậy chỉ cần rửa sạch bùn đất bám bên ngoài vổ ốc sau đó ngâm trong nước vo gạo. Cho thêm một nắm ớt thật cay giã nhuyễn.
  • Thường xuyên dùng đũa quậy đều để ốc nhả hết chất dơ. Chỉ cần ngâm từ 1 – 2 tiếng là được.
  • Ốc sau khi ngâm rửa sạch bỏ ráo.
  • Bắt chảo dầu lên, khi dầu nóng cho từng tép sả đã đâm dập vào. Cho thêm ớt cay, ớt xắt sợi và gừng xắt sợi vào, trộn đều, sau đó mới cho ốc vào.
  • Nêm muối, bột ngọt cho vừa ăn, cho thêm lá chanh, lá sả vào trộn đều rồi đậy vung lại.
  • Xào ốc khoảng 15 phút, ốc chín tới vừa thấm là ăn được.
  • Ốc xào xong múc ra đĩa. Khói bốc lên nghi ngút lại thơm lừng mùi lá chanh, lá sả. Nghe vị cay nồng của ớt sộc lên tận đầu mũi. Chưa ăn đã thấy dịch vị tiết ra đầy miệng.

Dạo quanh Huế từ 5h chiều đến 10h tối. Dọc đường Phan Bội Châu bạn sẽ thấy bóng dáng nhiều người ngồi ăn ốc và trò chuyện.

Đăng bởi: Mỹ Lung

YOLO! Khám phá các huyện ở Thừa Thiên Huế

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก