Tâm Sự Tình Yêu

Friends With Benefits (FWB): nguồn gốc và sự lạm dụng thuật ngữ ở Việt Nam

Thế giới đã gần 8 tỷ người, với đủ kiểu quan điểm và phong cách sống khác nhau, không phải ai cũng thích chọn những kịch bản này. Và đó là khi Friends with Benefits (FWB) xuất hiện.

nhận định, tình yêu, friends with benefits (fwb): nguồn gốc và sự lạm dụng thuật ngữ ở việt nam

Nguồn: Monster Box

– Friend With Benefits (FWB): đối tác tình dục phát triển từ tình bạn, đặc trưng bởi việc không đi kèm tình yêu, và thường không liên quan đến tiền bạc.

– Benefit: lợi ích.

Dù là loài mang tính xã hội với xu hướng kết nối cố hữu, mối quan hệ giữa các cá thể Homo sapiens nói chung vẫn là điều hết sức phức tạp.

Chúng ta có thể bóc tách và soi chiếu chúng dưới góc nhìn của khoa học thần kinh, qua lăng kính tâm lý học hoặc bằng cách đo đạc nồng độ các hormone bao nhiêu tùy thích; nhưng tất cả vẫn không giúp thay đổi sự thật rằng việc bắt đầu, duy trì và phát triển một mối quan hệ lành mạnh chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Những gì khoa học chỉ ra như bản năng sinh học và các cơ chế tâm – sinh lý đều dưới dạng phổ quát, nhưng đó chỉ là “phần cứng” mà tạo hóa cung cấp để chúng ta thực hiện chức năng xã hội của mình. Khi nói về con người, đặc biệt ở những hành vi xã hội, thật thiếu sót khi không đề cập đến “phần mềm” là các yếu tố xã hội.

Vì như đã nói rất nhiều lần trong các bài đăng trước, chúng ta là con người, không phải bởi số lượng nhiễm sắc thể, mà bởi sự công nhận của những con người khác.

Xã hội không chỉ là tập hợp những con người được trang bị bộ não đơn lẻ; mà là mạng lưới những kết nối và tương tác đan cài lẫn nhau giữa người – người, khiến mọi thứ trở nên cực kỳ phức tạp.

Thiếu đi tính xã hội, mỗi cá nhân chỉ là một mảnh ghép rời rạc, nằm lọt thỏm giữa vô số những mảnh ghép rời rạc khác. Mặc dù ai cũng cần các kết nối xã hội để “nên người”, việc xây dựng các kết nối ấy lại không hề đơn giản. Chúng ta buộc phải tuân theo những quy tắc và chuẩn mực xã hội (social norm) cụ thể. Vì thế lời than phiền về việc “làm người thật mệt mỏi” hay “ước gì có thể sống như một con chó”, không phải vì nhiệm vụ sinh học, mà vì sự nặng nề và phức tạp trong xu hướng xã hội ngày càng phát triển.

Để dễ hình dung, ngay cả những việc thuộc về bản năng như ăn, ngủ, ị, làm tình… con người là loài vật duy nhất phải “làm chúng cho đúng”, cho chuẩn đạo đức, đúng lề thói. Việc này dễ, chúng ta đều biết thế. Nhưng với những thứ phức tạp khác?

Cụ thể trong trường hợp quan hệ tình yêu, một mối quan hệ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố xã hội hơn chỉ là “rung động giữa hai cá thể mang 46 NST”. Sơ bộ, để bắt đầu, cả hai cần có sự tương đồng về quan niệm sống, mối quan tâm chung, địa vị, học vấn hoặc thu nhập. Những mối quan hệ của người yêu cũng quan trọng không kém, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và những thứ tương tự vậy.

Sự phức tạp này khiến không phải ai trong chúng ta, dù đều rất muốn, cũng tìm được tình yêu cho riêng mình.

Nhưng ngay cả khi tìm được, sự rắc rối trong các mối quan hệ (kể cả thành công lẫn thất bại) đều có thể khiến bất kỳ ai tin tưởng vào tình yêu nhất cũng có chút ngần ngại.

Trong tình huống khả quan, cả hai sẽ tiến tới hôn nhân, kèm theo đó là cam kết về sự chia sẻ trách nhiệm, tài chính chung, nuôi dạy con cái và duy trì mạng lưới quan hệ thân sơ. Nếu tình cảm biến mất, cam kết này vẫn được đảm bảo bởi định chế pháp luật phía sau. Một khả năng khác là xung đột, đổ vỡ và chia ly, đi cùng với cảm xúc tiêu cực và những thương tổn tinh thần. Xã hội hiện tại khiến hai kịch bản này diễn ra phổ biến và dường như được xem là hiển nhiên cho cái kết của tình yêu. Vì bạn không thể cứ yêu nhau mãi được, đúng không?

Thế giới đã gần 8 tỷ người, với đủ kiểu quan điểm và phong cách sống khác nhau, không phải ai cũng thích chọn những kịch bản này.

Và đó là khi Friends with Benefits (FWB) xuất hiện.

1. Bối cảnh xã hội đã sản sinh ra hiện tượng “ngoài luồng xã hội”.

(Phần này chủ yếu phân tích FWB ở người dị giới).

FWB có thể được hiểu là mối quan hệ giữa hai người có quan hệ bạn bè, có bao gồm quan hệ tình dục nhưng không được thừa nhận là mối quan hệ tình cảm lãng mạn. Nói cách khác, đó là mối quan hệ không có sự ràng buộc về trách nhiệm, không gắn kết về tình cảm lãng mạn, nhưng có chứa yếu tố tình dục tự nguyện từ hai phía dựa trên nền tảng bạn bè thân quen từ trước.

Theo những mô tả vừa nêu, đây dường như là mối quan hệ khá “có lợi” trong bối cảnh đời sống hôn nhân và việc xây dựng mối quan hệ lãng mạn gặp nhiều khó khăn và rủi ro hơn. Thực tế thống kê cho thấy, FWB là hiện tượng khá thường gặp trong khoảng 3 thập kỷ trở lại đây. Tại Mỹ, giữa những năm 1988-1996 trong nhóm đối tượng sinh viên đại học, có đến gần 55.7% từng quan hệ tình dục với một người bạn, và con số này tăng lên 68.6% trong giai đoạn 2002-2010. Đến năm 2011, kiểu quan hệ này thậm chí còn được khắc họa trong bộ phim cùng tên, biến FWB trở thành một thuật ngữ phổ biến trong văn hóa đại chúng. Vì vậy, đừng bất ngờ khi có nghiên cứu cho thấy một vài đối tượng trên 50 tuổi cũng có mối quan hệ FWB.

Xét về bối cảnh và mốc thời gian, sự thịnh hành của trào lưu FWB nổi lên sau thời điểm của làn sóng nữ quyền lần thứ ba ở phương Tây. Phong trào này đã cởi trói cho sự tự do về nhu cầu tình dục của nữ giới khỏi những định kiến và sự bó buộc truyền thống. Hòa cùng quan niệm cởi mở và lối sống thoáng hơn về tình dục ở giới trẻ, ví dụ sự thịnh hành của văn hóa “hook-up” (hẹn hò nhằm mục đích tình dục hơn là tình cảm phổ biến ở nam giới). Xu hướng phóng khoáng ở cả hai giới giải thích lý do tại sao mối quan hệ FWB lại được chấp nhận bởi cả nam lẫn nữ giới.

Ngoài ra, một số lý thuyết về tâm lý và quan hệ xã hội còn cho thấy sự thịnh hành của dạng quan hệ này là một xu hướng hợp lý. Vì tình bạn khác giới dễ khiến nảy sinh tình cảm. Ví dụ, dù không bác bỏ việc giữa nam và nữ có thể tồn tại tình bạn đơn thuần; nhưng nghiên cứu vẫn cho biết trong mối quan hệ này, người nam dễ bị hấp dẫn về mặt tình dục với người kia hơn và cũng có xu hướng đánh giá cao mối quan tâm về tình cảm lãng mạn mà người bạn khác giới dành cho mình.

Hay theo thuyết tự chủ (tạm dịch từ Self-determination theory), con người có xu hướng liên tục tìm kiếm và bị hấp dẫn bởi những thử thách, những điều mới lạ. Nhiều người quyết định dấn thân vào mối quan hệ FWB do sự hấp dẫn của một mối quan hệ phóng khoáng và không ràng buộc. Thuyết này còn đề ra việc xác định các mục tiêu trong từng hành động và cách để tập trung vào hoặc tránh xa khỏi chúng. Trong trường hợp FWB, thứ mà các cặp đôi hướng đến có thể là tình dục, cùng lúc là sự tránh né những sai lầm khả dĩ của một mối quan hệ nghiêm túc bình thường.

Còn với Thuyết Trao đổi Cảm xúc (tạm dịch từ Affection Exchange Theory), “các cá nhân cần có sự cho đi và nhận lại tình cảm để có thể tồn tại và sinh sôi”. Dù cho ngay từ đầu, nguyên tắc của FWB là không để phát sinh tình cảm lãng mạn; nhưng những cử chỉ và hành vi sau khi quan hệ tình dục, ví dụ trò chuyện, ôm hoặc hôn nhau, một cách vô tình, lại mang đến cho cả hai những trạng thái cảm xúc tích cực. Ngoài ra, khi đã trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến, các nghiên cứu sau đó cũng chỉ ra thêm nhiều động lực khác thúc đẩy những người bạn bước vào mối quan hệ FWB hơn là yếu tố tình dục đơn thuần. Nó còn xuất phát từ nhu cầu kết nối cảm xúc (muốn gia tăng sự thân mật, gần gũi, thường là ở nữ giới), hoặc thậm chí còn có những người dùng FWB như bước đệm để tiến tới một mối quan hệ lãng mạn thực sự.

Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy tần suất và mức độ hài lòng về hoạt động tình dục các cặp đôi FWB nhìn chung đạt trên mức trung bình, và chỉ kém hơn một chút so với các cặp đôi yêu nhau. Không ràng buộc, không trách nhiệm, và thỏa mãn tình dục trên mức trung bình; liệu đó có phải giải pháp thay thế tối ưu cho những người muốn tránh né cam kết và trách nhiệm hoặc dè dặt trước thương tổn tâm lý?

Hóa ra, lối tắt để tránh đi những rắc rối trong quan hệ và những rào cản xã hội, cuối cùng lại là ngõ cụt chẳng dẫn tới đâu, chưa kể một loạt những vấn đề rắc rối bên lề.

Ngay từ đầu, ai cũng có thể ý thức được rằng đây là kiểu quan hệ cực kỳ thiếu sự chắc chắn (thực ra họ tìm đến FWB chính vì sự thiếu chắc chắn này). Kể cả khi có những người xác định FWB là bước đệm cho mối quan hệ nghiêm túc, con số thực sự đến được giai đoạn này chỉ chiếm một phần nhỏ. Khảo sát trên 125 đối tượng có quan hệ FWB, chỉ 9.8% có thể phát triển lên mức quan hệ lãng mạn; trong khi có tới 28.3% tiếp tục duy trì mối quan hệ như cũ. Ngoài ra, 35.8% ngừng việc quan hệ tình dục nhưng vẫn duy trì tình bạn; 25.9% còn lại cho biết đã chấm dứt hoàn toàn mọi quan hệ với người kia.

Một nghiên cứu khác trên các đối tượng đã từng có quan hệ FWB lại chia thành hai nửa. Một bên cho biết tình bạn sau đó bị giảm bớt độ thân mật hoặc kết thúc, trong khi nửa còn lại cho biết tình bạn giữa họ vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí bền chặt hơn trước. Sự không chắc chắn này hóa ra cũng chẳng khác biệt những kịch bản có thể xảy đến với một mối quan hệ nghiêm túc thực sự là mấy; ngoại trừ việc có rất ít những yếu tố đảm bảo một “kết thúc có hậu” sẽ xảy ra, kèm theo nguy cơ rất cao sẽ đánh mất một tình bạn.

Thật vậy, một trong những nhân tố liên quan đến sự phát sinh FWB chính là việc sử dụng rượu bia. Nó làm giảm khả năng kiềm chế cũng như phá vỡ sự giao tiếp rõ ràng và việc đưa ra các quyết định cẩn trọng của cả hai, khiến họ bước vào một mối quan hệ không được suy xét thấu đáo.

Riêng với nữ giới, như đã nói khi bước vào mối quan hệ FWB thường mang tâm thế chú trọng đến tình cảm và đặt nhiều kỳ vọng về sự tiến triển hơn; cũng sẽ trở thành người thiệt thòi và đau khổ nhiều hơn. Lý do là, dù đều cùng tiết ra hormone oxytocin sau khi quan hệ tình dục, người nữ lại chịu tác động nhiều hơn, dễ phát sinh sự thân mật và gắn bó về mặt tình cảm hơn.

2. FWB ở Việt Nam, hay sự biến tướng của hàng loạt thuật ngữ du nhập từ nước ngoài.

Hiện tượng xã hội cần gắn với bối cảnh xã hội. Một trái táo không thể tự dưng mọc ra từ cây xoài, cũng như các trào lưu tình dục ở Mỹ tất nhiên không thể cứ thế trồi lên ở một xã hội rất khác là Việt Nam. Hoặc là, “FWB” mọi người hay nói ở Việt Nam sẽ cần một định nghĩa khác, thay vì dùng chung với từ chỉ hiện tượng gốc vốn xuất phát từ bối cảnh phương Tây. Nhưng cá nhân tôi cho rằng khi đi sâu vào xem xét các hiện tượng ở Việt Nam, sẽ nhận ra sự thật trần trụi rằng đó chỉ là hiện tượng cũ (hoặc biến tướng từ hiện tượng cũ) được khoác lên mình chiếc áo mới vừa “ăn cắp” được.

Chẳng hạn, sugar dating (thường được biết đến thông qua các thuật ngữ “sugar daddy”, “sugar baby”, đôi lúc cũng được xếp cùng nhóm với FWB) ở Mỹ xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, học phí cao và truyền thống gia đình hạt nhân đặc trưng của quốc gia này. Cụ thể, bài báo của Atlantic đưa ra các thống kê cho thấy phần lớn “sugar baby” là sinh viên và phân tích sự xuất hiện của hiện tượng này trùng khớp với gánh nặng từ học phí, chính sách cắt giảm học bổng và vấn nạn nợ sinh viên vốn rất đặc trưng khi nhắc đến Mỹ. Một khảo sát của Đại học bang California dựa trên dữ liệu từ các website tìm kiếm sugar dating cũng cho thấy sự gia tăng nhanh chóng người tham gia là các sinh viên nữ.

Cũng theo dữ liệu từ Seeking Arrangement (một nền tảng sugar dating), 36% số “quà tặng” các thành viên nữ trên nền tảng này nhận được dùng để chi trả học phí, 23% cho nhà ở và phần còn lại chi cho sách vở, quần áo, đi lại và các vật dụng khác. Website này cũng có đến 1.4 triệu thành viên nữ là sinh viên, với khoảng 1 triệu sinh viên đến từ Mỹ (số liệu năm 2015).

Để hiểu hơn về hiện tượng này, bạn cần tìm hiểu thêm về văn hóa Mỹ, để biết về việc gia đình không có nghĩa vụ chu cấp học phí cho con cái sau 18 tuổi, cũng như mức học phí đắt đỏ và truyền thống vay ngân hàng đi học ở đây. Bên cạnh đó là góc nhìn phóng khoáng, sự đề cao chủ nghĩa cá nhân và nhiều yếu tố phức tạp khác về mặt văn hóa, pháp luật.

Nhưng điều này làm gì tồn tại ở Việt Nam, một quốc gia có học phí đại học vừa phải, truyền thống bố mẹ chu cấp cho con học đại học và hệ thống common sense (tạm dịch: lẽ thường) lẫn pháp luật xoay quanh “thuần phong mỹ tục”?

Vì vậy, mặc dù vấn nạn học sinh/sinh viên tham gia các hoạt động *** ở Việt Nam vốn chẳng còn mới, nhưng số lượng, mức độ lẫn tính chất đều khác với sugar dating ở Mỹ. Tất nhiên, như đã nói ở phần đầu, hiện tượng này cũng phát sinh và ăn sâu bén rễ trên bối cảnh xã hội Việt Nam và sẽ rất phức tạp nếu phân tích. Nhưng trong phạm vi bài viết, dường như cụm từ “sugar baby” đang được du nhập vào Việt Nam như một nhãn mác mới để gái *** tự gắn lên mình và nâng giá (cũng như nâng cao giá trị bản thân khi tự nhìn nhận mình), thay vì một hiện tượng xã hội nguyên bản.

Tương tự, FWB gần đây cũng được lạm dụng trên các trang mạng xã hội như Tinder, hay thậm chí Facebook, bởi những thành viên muốn tìm đối tác tình dục. Nhưng nguyên bản của FWB là một mối quan hệ có nền tảng dựa trên tình bạn, sau đó mới phát sinh những cam kết về tình dục. Khi bạn tìm kiếm đối tác tình dục là người lạ, ngay cả khi các cuộc gặp diễn ra lặp đi lặp lại, đó lại là một hiện tượng xã hội đã rất cũ, không thể gọi là FWB. Nên việc treo dòng mô tả “tìm FWB” trên Tinder dường như khá… vô nghĩa.

Bản thân FWB cũng liên quan mật thiết với chủ nghĩa cá nhân, làn sóng nữ quyền thứ 3 cũng như bối cảnh xã hội chuyên nghiệp hóa dưới thời chủ nghĩa tư bản. Những xã hội ấy quả thực đã tồn tại những người bạn, với suy nghĩ và ý định khởi phát một cách tự nhiên khi họ đề nghị trở thành FWB của nhau. Sự phổ biến của nó có thể được nhìn thấy thông qua số liệu từ phần 1.

Còn chúng ta, ở xã hội Việt Nam, có lẽ đây vẫn là một điều “xa lạ” và “khó chấp nhận”. Hiện tượng này tuy vẫn tồn tại, nhưng tương đối hiếm, chỉ là chúng bị khuếch đại lên bởi những câu chuyện truyền miệng trên mạng xã hội, cũng như cách dùng vô tội vạ bởi những thành viên trong các hiện tượng xã hội cũ, khi họ tìm được từ nào đó hay ho “trông giống giống mình” từ Reddit hay 4chan.

3. Tự do cá nhân hiếm khi đi cùng ưu ái xã hội.

Nhưng bất kể ở xã hội nào, việc đi theo những lối sống “ngoài vòng xã hội” cũng chứa đầy rủi ro. Vì chúng ta là con người, dựa trên sự đánh giá của những con người khác (điều này thật phiền phức, nhưng tiếc là chẳng thể khác đi được). Vì thế, việc lựa chọn đi theo mong muốn cá nhân có thể đi kèm với những rắc rối về mặt xã hội, đặc biệt ở bối cảnh Việt Nam.

Chẳng hạn, ngay cả Mỹ cũng đã ban hành Đạo luật Ngừng cho phép hoạt động buôn bán tình dục (SESTA) vào năm 2018 khiến nhiều website sugar dating buộc phải đóng cửa (tức là sugar dating hay môi giới cho hoạt động này được xếp vào hoạt động ***). Bối cảnh xã hội Việt Nam trước nay ngay cả pháp luật lẫn đạo đức đều không đánh giá cao cả sugar dating lẫn FWB, đặc biệt khi hai dạng thức này ở đây thường gắn liền với các hoạt động ***.

Cá nhân tôi không có vấn đề gì với sugar dating, FWB hay thậm chí ***, dường như chẳng quan tâm, nhưng số người giống tôi trong xã hội có lẽ rất ít. Biết rằng số đông luôn là thứ quyết định cách xã hội hoạt động. Mặc dù dưới góc nhìn sinh học, không có gì sai khi tìm cách thỏa mãn cảm xúc cá nhân, nhưng hành vi “dùng tiền, hoặc dùng các mối quan hệ xã hội để thỏa mãn nhu cầu cá nhân” lại là một hành vi xã hội, và phải chịu sự ràng buộc bởi các quy định xã hội (bao gồm cả luật pháp, đạo đức).

Khi bạn vẫn đang hưởng lợi từ một xã hội, kiếm tiền từ các gia đình hạt nhân một vợ một chồng, được bao bọc bởi gia đình với những truyền thống nề nếp lễ giáo, được công nhận bởi các công dân khác đề cao sự chung thủy… và bạn đưa ra những hành vi trái với mong muốn của họ, cần phải tính toán trước rủi ro về việc họ ngừng cung cấp hoặc thậm chí tước đi danh tiếng, năng lực tài chính và nhân dạng bản thân của bạn.

Việc sống một mình, độc lập trong xã hội tự tạo ra là một câu chuyện khác; hoặc sống trong xã hội cho phép các hoạt động này; hoặc ít nhất là duy trì chúng dưới dạng thức âm thầm và không cần được công nhận. Còn để giải quyết hoàn toàn những mâu thuẫn như vừa đề cập, cách duy nhất có lẽ là tạo ra cách mạng, hoặc trông chờ vào thời gian và những phong trào xã hội, sao cho số đông đồng ý với những gì bạn làm.

Nhưng xét ở thời điểm hiện tại, những người tham gia vào sugar dating hay FWB rất dễ rơi vào ngõ cụt, vì sớm hay muộn, nhiều khả năng họ vẫn sẽ tìm cách lập gia đình dưới áp lực từ xã hội đang sống. Nghĩa là, sự thoát ly này không hoàn hảo, nên người tham gia các hoạt động tưởng chừng “benefit” trong quá khứ, có thể vẫn phải trả một cái giá nào đó trong tương lai.

Tất nhiên, suy cho cùng, trong một xã hội chưa đủ lý tưởng, sẽ khó tránh khỏi việc rơi vào những vị thế, hoàn cảnh oái ăm. Vì xã hội ấy thậm chí còn sinh ra chính bạn, rồi để bạn phải sống trong những mâu thuẫn được nó tạo ra.

Chẳng hạn như các sugar baby, tôi không thể nghĩ ra nổi nếu họ độc lập tài chính, đâu là lý do để họ đi theo các ông già thay vì những thanh niên cùng tuổi (bỏ qua yếu tố fetish)?

Hoặc với những người theo đuổi FWB, nếu họ có một cuộc sống dễ thở hơn, có nhiều thời gian để hẹn hò hơn, trách nhiệm đặt vào các cặp đôi ít hơn, lý tưởng về một hôn nhân (và bạn tình) hoàn hảo ít đi… đâu là lý do để phải tìm một đối tác chỉ để gắn bó chuyện tình dục vốn đầy rủi ro và nhiều khả năng dẫn đến kết cục không mấy tốt đẹp?

Vậy phải chăng do chính trật tự và áp lực của xã hội này đã sinh ra những hiện tượng ấy, đồng thời sinh ra sự phán xét khắc nghiệt lên chúng?

Hãy tự đi tìm câu trả lời của riêng bạn.

Đăng bởi: Sèn Ngọc Lăm

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก