Tâm Sự

Vì sao người giàu bị ghét?

Nguyên nhân người giàu bị ghét với số liệu khảo sát và phân tích tâm lý dưới góc độ cá nhân.

Năm 2020, bộ phim “Parasite” của đạo diễn Hàn Quốc, Bong Joon-ho, đã làm nên lịch sử vào đêm tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 92 khi trở thành bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên từng đoạt giải Oscar cho Phim hay nhất (Best Pictures). Nội dung bộ phim kết hợp chính kịch, hài kịch đen tối, kinh dị và bình luận xã hội đối với chủ đề về sự xung đột giai cấp giàu nghèo. The Guardian (Mỹ) đã gọi Parasite là “sự châm biếm nhức nhối về một gia đình đang chiến tranh với những người giàu có” và bộ phim này đã chứng kiến ​​sự nổi tiếng bất ngờ tại các rạp chiếu ở Mỹ. Với một đất nước có sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc và mối quan hệ giữa giới thượng lưu và các tầng lớp khác trong xã hội luôn ở trạng thái bấp bênh, căng thẳng, không quá ngạc nhiên khi mà Parasite được đặc biệt yêu thích tại đây.

Mặc dù ngày nay người ta nói nhiều về “bất bình đẳng thu nhập” với hy vọng bằng một cách nào đó có thể cân bằng lại sự phân phối tài sản, thông qua các chương trình của chính phủ chẳng hạn, những lo lắng về “sự phân hóa giàu nghèo” thực chất đã được nghĩ đến rất lâu về trước, bắt đầu từ lúc nhân loại xuất hiện ý tưởng đầu tiên về trao đổi hàng hóa.

lối sống, nhận định, tâm lý học, vì sao người giàu bị ghét?

Những hình dung về một xã hội căng thẳng do phân hóa tài sản từ lúc xã hội còn sơ khai.

Một lần nữa, những suy tư về bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội được khơi gợi bởi các triết gia Hy Lạp cổ đại như một vấn đề triết học. Khởi đầu với Plato và nhà nước lý tưởng của ông, nơi mà tầng lớp thống trị gồm binh lính, nhà vua, và các triết gia không được phép sở hữu tài sản tư nhân vì cho rằng vàng bạc và của cải sẽ tha hóa họ. Plato đơn giản là không đề cao việc theo đuổi vật chất, ông cho rằng việc quá quan trọng sự giàu có sẽ dẫn đến những đố kị và ganh ghét giữa các tầng lớp trong xã hội. Vì thế, những người sống chung trong nhà nước lý tưởng của Plato phải cùng nhau chia sẻ tất cả mọi thứ. Tiếc là, xã hội lý tưởng của Plato vẫn hỗn loạn khi người dân tiếp tục tranh cãi và xung đột với nhau về quyền sở hữu của cải, vật chất.

Aristotle – một học trò xuất sắc của Plato – đã nhìn ra sự bất hợp lý trong mô hình nhà nước lý tưởng của thầy mình và không ngần ngại chỉ trích nó. Mặc dù đồng ý với quan điểm việc chia sẻ tư sản có thể tránh được sự ghen tị và xung đột giàu nghèo, nhưng Aristotle tin rằng người dân sẽ đấu tranh kịch liệt hơn nữa để chứng minh ai là người đóng góp nhiều nhất cho khối tài sản chung. Do đó, tốt nhất vẫn là để mọi người tự sở hữu của cải, hàng hóa mà họ làm ra.

Theo Aristotle, sự phân hóa giàu nghèo xảy ra khi người dân bắt đầu thực hiện những hoạt động mua bán “phi tự nhiên” như tích lũy hàng hóa để kiếm lợi nhuận (dựa trên sự chênh lệch giữa giá bán hàng hóa và chi phí tạo ra chúng) thay vì để trao đổi tương đương cho nhu cầu tiêu dùng của gia đình. Hoặc tệ hơn nữa là việc kiếm tiền bằng cách cho người khác vay vốn với một mức lãi suất nhất định để “tiền đẻ ra tiền”. Aristotle cho rằng sẽ không có giới hạn nào cho hành vi tích lũy tài sản theo những cách trên ngoài những ràng buộc về đạo đức. Do đó, giải pháp của ông cho vấn đề giàu nghèo là những chỉ dẫn nhằm hạn chế các hoạt động thương mại “phi tự nhiên”.

Tuy nhiên, dù có những đề xuất hợp lý hơn người thầy Plato của mình, kết quả mà Aristotle nhận được vẫn không như ông mong đợi. Các hoạt động thương mại vẫn trở nên phổ biến và thịnh vượng trong xã hội Hy Lạp cổ đại với dòng chảy hàng hóa mở rộng trên khắp vùng Địa Trung Hải. Và những người Hy Lạp luôn bị bao phủ bởi tình yêu với tiền bạc cho đến lúc nền văn minh của họ lụi tàn.

Trong nhiều thế kỷ sau đó, Châu u theo Cơ đốc giáo coi trọng việc lên án nạn cho vay nặng lãi này của người Hy Lạp đến mức Nhà thờ Công giáo cấm cho vay nặng lãi và cho đến đầu thế kỷ 11, giáo hoàng vẫn nói với các thương nhân rằng họ không thể lên thiên đàng với hai cảnh báo đáng chú ý và thường được trích dẫn nhiều nhất: Chúa Giêsu cung cấp điều thứ nhất, “Con lạc đà chui qua lỗ kim thì dễ hơn người giàu vào nước Đức Chúa Trời”, và Thánh Phaolô đã thêm vào ý thứ hai, “Lòng ham mê tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác”. Nhưng dần dần, những lời giảng của nhà thờ cũng không thể ngăn được thương nhân ở thời kỳ này làm giàu bằng cách cho vay tiền với mức lãi suất hợp lý đủ để các ngân hàng hoạt động.

Cho đến khi chủ nghĩa tư bản chiến thắng vào thế kỷ 18 và bùng nổ vào giữa thế kỷ 19 với sự tích lũy tư bản chưa từng có, khi những người đàn ông như Cornelius Vanderbilt, J.P. Morgan và John D. Rockefeller kiếm được hàng trăm triệu đô-la bằng cách xây dựng các đế chế độc quyền và sự cạnh tranh hùng mạnh, trong lúc tầng lớp nông dân và công nhân phải vật lộn với cuộc sống.

Trong bối cảnh chênh lệch kinh tế-xã hội giữa các giai cấp trong giai đoạn này, gia đình giàu có của Bradley Martin đã quyết định tổ chức một cuộc tụ họp dành riêng cho giới tài chính ưu tú của đất nước với ý tưởng về một vũ hội hóa trang trong khách sạn Waldorf mà họ hy vọng sẽ là bữa tiệc xa hoa nhất trong lịch sử quốc gia. Bradley Martins được cho là đã chi 400,000 đô-la cho bữa tiệc này. Sau đó, ông bị báo chí trong nước chỉ trích mạnh mẽ về sự phô trương (có phần ngu ngốc) của mình. Tạp chí hàng tháng của Brotherhood of Locomotive Engineers cho biết “số tiền này có thể khiến hàng ngàn người nghèo ở New York vui mừng, nhưng đã được sử dụng hết trong khoảng năm hoặc sáu giờ của cuộc triển lãm, thể hiện tổng quát nhất về sự kiêu ngạo của sự giàu có mà nước Mỹ từng chứng kiến​”.

Khi các tầng lớp thấp phải vật lộn với những phức tạp trong giai đoạn chủ nghĩa Victoria thoái trào, một từ vựng để lên án sự xa hoa của người giàu đã hình thành. Năm 1899, Thorstein Veblen viết Lý thuyết về giai cấp nhàn rỗi (The Theory of the Leisure Class), một tập sách đột phá về phê bình kinh tế và xã hội giải thích sự xa hoa đã xuất hiện, cũng như hiện tượng “tiêu dùng xa xỉ” trong các xã hội công nghiệp.

Sự phẫn nộ với người giàu (Resentment against the rich) từ đó nổi lên như một mối quan tâm toàn cầu khi sự bất bình đẳng về thu nhập dường như đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới.

Sự phẫn nộ dành cho người giàu luôn phổ quát và chiếm đa số.

Năm 2009, trong chuyên mục “Wealth Matters” (td: “Các vấn đề về sự giàu có”) của tờ The New York Times, Sullivan đã viết một bài báo mô tả việc những người giàu nhất ở Mỹ cũng không tránh khỏi sự lo lắng trước bối cảnh tình hình tài chính chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc Đại Suy thoái như những người khác. Bài báo của Sullivan nhanh chóng nhận được những phản hồi tiêu cực đến từ người đọc, khi họ không chỉ từ chối đồng cảm mà còn tức giận với những điều anh viết. Sullivan sau đó liên tục phải nhận những tin nhắn chỉ trích gửi đến hòm thư của mình, một số người thậm chí còn đe dọa sử dụng bạo lực vì những quan tâm dư thừa của anh dành cho giới nhà giàu. Những phản ứng kịch liệt này khiến Sullivan cảm thấy ngạc nhiên và khó hiểu vì sao sự tức giận lại sâu sắc đến như vậy.

10 năm sau đó…

Ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11 năm 2019, những khán giả xem đài CNBC đã không khỏi bất ngờ khi chứng kiến khoảnh khắc bùng nổ cảm xúc của tỷ phú người Mỹ, nhà đầu tư và người sáng lập Quỹ phòng hộ Omega Advisors, Leon Cooperman, khi được hỏi về cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 và những tranh cãi với thượng nghị sĩ Elizabeth Warren liên quan đến chính sách thuế tài sản mới dành cho giới siêu giàu mà Warren đang theo đuổi.

Cụ thể, thượng nghị sĩ của bang Massachusetts đã chỉ trích các tỷ phú và đề xuất các chính sách về thuế tài sản để gây quỹ cho một loạt chương trình mới của chính phủ. Theo đó, Warren đưa ra mức thuế 2% đối với các gia đình có giá trị tài sản ròng – bao gồm cổ phiếu, bất động sản, và quỹ hưu trí – từ 50 triệu USD và mức 3% đối với các hộ gia đình có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên (sau đó Warren đã đề xuất tăng lên 6% đối với tài sản trên 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho chương trình Medicare-for-All, tức bảo hiểm y tế toàn dân). Khoản thu thuế này sẽ được sử dụng để chi trả cho các dịch vụ công như phổ cập chăm sóc trẻ em, xóa nợ cho sinh viên, đầu tư vào các trường học và đại học công lập nhằm hướng đến sự phát triển của tầng lớp trung lưu và, như Warren phát biểu trên Twitter, “đảm bảo mọi đứa trẻ đều có được những cơ hội mà Leon đã nhận để thành công”.

Ở chiều ngược lại, mặc dù tuyên bố “tin tưởng vào cơ cấu thuế thu nhập lũy tiến” và “tin rằng người giàu nên trả nhiều hơn”, Leon Cooperman – người đã cam kết quyên góp phần lớn tài sản của mình cho tổ chức từ thiện – vẫn bức xúc cho rằng chính sách của Warren đang xem ông và các tỷ phú Mỹ khác như “những đứa trẻ vô ơn” và đã trích lời Winston Churchill nhằm khẳng định cho quan điểm của mình, rằng “Bạn không thể làm cho người nghèo trở nên giàu có bằng cách khiến cho người giàu nghèo đi” (“You don’t make poor people rich by making rich people poor”). Những dòng tweet qua lại đã “leo thang” cảm xúc của người trong cuộc, dẫn đến đỉnh điểm là khoảnh khắc đầy nước mắt của Cooperman trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình với đài CNBC, như đã được nhắc đến ở đầu bài.

Tất nhiên, không có vấn đề gì với việc khóc trên truyền hình hay thể hiện cảm xúc cá nhân một cách chân thật. Nhưng, nhân vật chính trong câu chuyện này là Leon Cooperman, một nhà đầu tư tỷ phú, và vấn đề xoay quanh khoản thuế được tính trực tiếp lên tài sản ròng của hội người giàu, hay hiểu một cách trực diện hơn là tài sản của chính Leon Cooperman.

Mặc dù câu trả lời của Cooperman, như ông nhận định, là vì sự quan tâm đối với nước Mỹ, sự chế giễu dường như xuất hiện ngay lập tức. Giới truyền thông liên tục gọi ông là “crying billionaire” trên dòng “tít” của các bài báo được đăng sau đó. Elizabeth Warren và những chính trị gia ủng hộ chính sách của cô cũng đáp trả chỉ trích từ Cooperman và mỉa mai “những giọt nước mắt” của ông. Warren thậm chí cho bán những cốc cà phê trị giá 25 đô-la với dòng chữ “Billionaire Tears” trong chiến dịch tranh cử của mình vào năm 2019. Sự phản đối và cười nhạo Cooperman không chỉ dừng lại ở những bên liên quan mà còn đến từ công chúng qua nhiều bài viết công kích quan điểm của ông được đăng trên các trang báo hoặc mạng xã hội.

Cũng không khó để hiểu được những phẫn nộ của đại chúng dành cho Sullivan và Cooperman, cũng như sự ủng hộ chính sách thuế dành cho người giàu của Warren dù nó chưa chứng minh được tính hiệu quả một cách rõ ràng. Với đại đa số người dân, đóng góp của giới siêu giàu cho cộng đồng chưa bao giờ là đủ và mặc định phải có trách nhiệm với xã hội thông qua những khoản hỗ trợ, đặc biệt là về tài chính. Và bất kỳ ai, dù thuộc tầng lớp siêu giàu như Leon Cooperman hay chỉ là người viết về nó như Paul Sullivan, nếu đi ngược với những quan điểm trên đều phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng.

Đối với một nước có sự phân hóa giàu nghèo đặc biệt rõ rệt như Mỹ, sự phẫn nộ này đa phần đến từ những người trẻ. Trong một khảo sát quốc gia về phúc lợi, công việc, và sự giàu có được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Cato năm 2019 với 1,700 người dân Mỹ, hai quan điểm chính được đa số những người trẻ dưới 30 tuổi ở Mỹ ủng hộ là “Hầu hết những người giàu đều trở nên giàu có bằng cách lợi dụng người khác” (52%) và “Của cải nên được lấy từ người giàu và chia cho người nghèo” (53%). Những quan điểm này không phải mới xuất hiện trong xã hội Mỹ, bằng chứng là một cuộc khảo sát xã hội với nội dung tương tự đã được thực hiện vào năm 1978 với kết quả cho thấy vào thời điểm đó, 54% người trẻ dưới 30 tuổi ủng hộ chính phủ “giảm chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo” bằng cách “tăng thuế đối với các gia đình giàu có hoặc bằng cách hỗ trợ thu nhập cho người nghèo.”

Có một điều thú vị là sau 30 năm, những người trẻ dưới 30 tuổi vào năm 1978 – nay đã trở thành nhóm 45-54 tuổi – đã thay đổi quan điểm của mình khi kết quả khảo sát cho thấy chỉ 34% ủng hộ việc “lấy của người giàu chia cho người nghèo”. Những dữ liệu này cho thấy người Mỹ có thể thay đổi suy nghĩ về việc đánh thuế người giàu khi họ già đi, hay đúng hơn, là khi họ giàu lên và trở thành tầng lớp mà ngày xưa họ từng “phẫn nộ” (?). Dễ dàng nhận ra sự phẫn nộ của các chủ thể (object) bên trong cấu trúc (structure) không được giải quyết, mà nó chỉ chuyển từ người này qua người khác và các chủ thể vẫn diễn đúng vai mình được phân ở bên trong cấu trúc được định sẵn.

Sự phẫn nộ đối với người giàu không chỉ xảy ra ở quốc gia tư bản như Mỹ mà có thể xuất hiện ở bất kỳ đất nước nào xảy ra sự bất bình đẳng lớn giữa thu nhập của hai tầng lớp giàu và nghèo. Ngay cả với một đất nước theo đường lối của “chủ nghĩa xã hội” như Trung Quốc. Do những cải cách và các chính sách mở cửa đã được thực hiện từ cuối những năm 1970, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa từng có đã đi kèm với sự gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo giữa các khu vực ở Trung Quốc. Theo trích dẫn của Financial Times từ một cuộc khảo sát xã hội, 1% hộ gia đình giàu nhất sở hữu 1/3 tài sản của cả nước, trong khi 25% nghèo nhất chỉ sở hữu 1%. Sự chênh lệch về mức thu nhập đã đẩy Trung Quốc đến tình thế phải đối mặt với những xung đột xã hội chính bao gồm tranh chấp lao động, tranh chấp đất đai và tái định cư, tranh chấp ô nhiễm và cả xung đột sắc tộc.

Một thống kê quen thuộc mà có thể bạn đã từng nghe, vào năm 2016 một báo cáo từ nhóm chống đói nghèo Oxfam đã chỉ ra rằng 1% dân số thế giới kiểm soát nhiều của cải hơn 99% còn lại. Bất bình đẳng kinh tế cao được cho là nguyên nhân dẫn đến Hiệu ứng Matthew (tức là người giàu sẽ ngày càng giàu hơn trong khi người nghèo ngày càng nghèo hơn), dẫn đến nhận thức và phân biệt giai cấp trở nên sâu sắc hơn. Các nhóm yếu thế trong xã hội có nhiều nguy cơ hình thành cảm giác thiếu thốn, ghen tị, và tức giận với các nhóm có nhiều ưu thế hơn. Cảm giác đối kháng, oán giận, và thù địch được cảm nhận rõ ràng hơn khi cho rằng những người giàu đạt được sự giàu có dựa trên sự bất công, như đặc quyền thông qua các mối quan hệ đặc biệt, lợi dụng hay bóc lột sức lao động của người khác, và tham nhũng.

Năm 2012, một khảo sát trên 44 quốc gia được thực hiện bởi R. Andersen và J. Curtis đã cho thấy rằng các công dân thuộc tầng lớp lao động có nhiều khả năng ủng hộ bình đẳng thu nhập hơn và “mọi người chỉ có thể giàu lên từ chi tiêu của người khác”. Một báo cáo khác từ Forbes Insight năm 2013 chỉ ra rằng người dân ở các thị trường mới nổi như châu Phi, Trung và Đông u, hay Trung Đông coi người giàu là “những kẻ quanh co, tham nhũng, và trục lợi từ sự vất vả của người lao động”.

Ngoài ra, một số người giàu hoặc siêu giàu sẽ có ít sự hào phóng hơn, họ có thể thích phô trương sự giàu có của mình với những bữa tiệc xa hoa và tiêu xài phung phí hơn là đóng góp cho xã hội thông qua công tác từ thiện. Những hành vi này càng làm trầm trọng hơn sự phẫn nộ của công chúng đối với tầng lớp thượng lưu, cũng là một trong những động lực chính dẫn đến các cuộc xung đột xã hội, điển hình như Phong trào Chiếm phố Wall ở Hoa Kỳ (the Occupy Wall Street Movement), tình trạng bất ổn ở Thái Lan vào tháng 12 năm 2010, Cách mạng Tunisia dẫn đến “Mùa xuân Ả Rập”, hay cuộc nội chiến giữa các nhóm Hutu và Tutsi ở Burundi.

Nhìn chung, khi mức độ bất bình đẳng thu nhập ngày càng gia tăng, sự phẫn nộ của tầng lớp xã hội thấp càng trở nên phổ biến, biểu hiện qua thái độ thù hận, ganh tị đối với tầng lớp giàu hơn. Những cảm xúc tiêu cực này xuất hiện do nhận thức về sự bất công trong phân phối nguồn lực xã hội, khi những người nghèo hơn phải trải nghiệm những điều kiện phúc lợi xã hội thấp kém hơn.

Nhưng sự phẫn nộ dành cho người giàu có đơn giản chỉ là những cảm xúc tiêu cực?

Lý giải về mặt tâm lý, từ trong nhìn ra.

Về mặt định nghĩa, sự phẫn nộ (Resentment) là một khái niệm quan trọng trong triết học đạo đức và chính trị phương Tây, ít nhất kể từ khi Friedrich Nietzsche nhắc đến nó trong công trình “Phả hệ của Đạo đức” (Genealogy of Morals). Một số mô tả cơ bản của sự phẫn nộ như là cảm giác phẫn uất khi bị đối xử bất công, hay “cảm xúc của những suy nghĩ ác ý”, hoặc tâm trạng “khi mọi người nhận ra rằng họ không nhận được sự chia sẻ công bằng, trong khi những người khác có được nhưng không xứng đáng.” Những định nghĩa trên về cơ bản diễn tả sự phẫn nộ như một cảm xúc hình thành dựa trên bối cảnh xã hội cụ thể. Tuy nhiên, những mô tả này vẫn chưa đầy đủ.

Quay trở lại với nhà báo Paul Sullivan của tờ The New York Times, sau khi nhận sự chỉ trích kịch liệt từ độc giả, đa phần đến từ nhóm những-người-chưa-giàu, Sullivan đã hợp tác với tiến sĩ tâm lý Bradley T. Klontz thực hiện ngay một dự án nghiên cứu chuyên sâu nhằm lý giải sự giận dữ mà theo anh là không có lợi cho sức khỏe này. Sullivan và Klontz đã tuyển dụng hơn 1.000 đối tượng nghiên cứu đến từ các công ty lập kế hoạch tài chính và đánh giá những định kiến phổ biến thường dành cho giới nhà giàu và xác định những khác biệt về tâm lý giữa những người siêu giàu và đại chúng trong mẫu nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu sau đó được công bố trên một bài báo với tiêu đề “Sự giàu có: Hồ sơ tâm lý tài chính” (The Wealthy: A Financial Psychological Profile”), xuất bản trên Tạp chí Tâm lý học Tư vấn, và trong cuốn sách năm 2016 của Sullivan, “The Thin Green Line: The Money Secrets of the Super Wealth”.

Về tổng quan, nhóm nghiên cứu đã xác định được ba cấu trúc tâm lý chính giúp giải thích cảm giác phẫn nộ hay bực bội thường thấy đối với những người giàu có hơn: (1) sự mâu thuẫn về tiền bạc và sự bất đồng về nhận thức (money ambivalence and cognitive dissonance); (2) tâm lý đố kị (the psychology of envy); và (3) lý thuyết về sự thiếu hụt tương đối (the theory of relative deprivation).

Trong đó, với cấu trúc tâm lý đầu tiên, sự mâu thuẫn về tiền bạc và bất đồng nhận thức chỉ những cá nhân vừa ghét những người giàu có và vừa mong muốn trở nên giàu có. Những niềm tin hoàn toàn trái ngược nhau xảy ra đồng thời sẽ dẫn đến mâu thuẫn và tạo ra sự khó chịu về tâm lý đối với những đối tượng này. Do đó, để giảm bớt sự giằng co về tinh thần, họ có xu hướng chọn khía cạnh đơn giản hơn của vấn đề và giảm bớt niềm tin vào vế còn lại. Trong trường hợp này, trở nên giàu có sẽ khó khăn hơn việc tiếp tục giữ những quan điểm tiêu cực về người giàu. Thế nên, nếu việc chê bai và coi thường người giàu có thể cho phép những người này cảm thấy thoải mái hơn, thì sẽ không có lý do gì để họ thay đổi quan điểm của mình.

Cấu trúc tâm lý thứ hai là cảm giác ghen tị khi nhìn người khác tận hưởng lợi thế của sự giàu có trong khi cảm thấy bản thân luôn là thành phần bị xã hội bỏ rơi.

Đố kị (envy) được các nhà nghiên cứu định nghĩa là “một cảm xúc khó chịu, thường đau đớn, đặc trưng bởi cảm giác thấp kém, thù địch, và oán giận do nhận thức về một người hoặc một nhóm người khác được tận hưởng quyền sở hữu, vị trí, thuộc tính, hoặc chất lượng cuộc sống mơ ước”. Họ cũng chỉ ra rằng “chúng ta thường ghen tị với những người được hưởng lợi thế trong một lĩnh vực liên quan đến giá trị bản thân của chúng ta”. Do đó, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thấy ghen tị với những cá nhân có các đặc điểm tương đồng với mình, đặc biệt là đối với những ai bắt đầu ở cùng một tầng lớp kinh tế xã hội nhưng sau đó được nâng cao vị thế xã hội hơn chúng ta. Sự so sánh này đã được ghi nhận rõ ràng qua lý thuyết so sánh xã hội.

Cấu trúc tâm lý thứ ba là lý thuyết về sự thiếu thốn tương đối, giả định rằng mức độ hài lòng của một cá nhân không nhất thiết dựa trên thực tế khách quan của họ mà dựa trên sự so sánh chủ quan hoàn cảnh sống của họ và trải nghiệm của những người xung quanh. Lý thuyết này giúp giải thích tại sao người dân ở các nước nghèo hơn nhiều và đôi khi bị chiến tranh tàn phá vẫn có thể có chỉ số hạnh phúc cao hơn đáng kể so với người dân Mỹ bình thường. Tuy nhiên, khi công nghệ thông tin bùng nổ, đặc biệt là sự phát triển của internet, cảm giác thiếu thốn tương đối gia tăng khi chúng ta dễ dàng tiếp cận với cuộc sống thượng lưu của những người có mức độ giàu có cao hơn thông qua các phương tiện thông tin – truyền thông, dẫn đến sự thù địch, giận dữ, và thậm chí xu hướng bạo lực đối với những cá nhân này cũng tăng theo.

Những cấu trúc tâm lý trên đã hỗ trợ giải thích cảm giác tiêu cực mà nhiều người trải qua đối với những người giàu có hơn. Nghiên cứu của Sullivan và Klontz đã ủng hộ quan điểm cho rằng việc giữ quan điểm tiêu cực về tiền bạc và những cá nhân giàu có hơn có liên quan đến mức thu nhập thấp hơn, giá trị tài sản ròng thấp hơn, và sự hình thành một loạt các hành vi tự hủy hoại tài chính. Bên cạnh đó, lòng đố kỵ là một yếu tố dự báo quan trọng cho việc những người có thành tích cao trở thành nạn nhân (victimization) của các thành viên trong nhóm làm việc.

Các nghiên cứu về nhận thức sự thù ghét dành cho người giàu giúp các nhà quản lý xác định các động lực cơ bản của thái độ và hành vi tại nơi làm việc và hướng tới các giải pháp có mục tiêu hơn, dù không thể hoàn toàn giải quyết vấn đề này vì nguyên nhân gốc rễ của nó – sự bất bình đẳng thu nhập – cần đến sự can thiệp của nhà nước và chính phủ. Đối với cá nhân, như Sullivan đã cảnh báo trong bài viết của mình trên tờ The New York Times, sự tức giận đối với người giàu thường không có lợi cho sức khỏe.

Vì nếu bạn giàu có và không ai thích bạn, ít ra thì bạn vẫn có rất nhiều tiền để tận hưởng cuộc sống, và luôn nhìn thấy bản thân vượt trội khi tự tham chiếu với các thước đo xã hội hiện tại. Nhưng nếu bạn không giàu và dành phần lớn thời gian của mình để cảm thấy bức bối vì người giàu, khả năng cao là bạn sẽ càng trở nên thua kém hơn, về cả vật chất lẫn tinh thần.

Tuy vậy, những lý giải này được thực hiện dựa trên giả định từ bối cảnh thực tế về phân hóa giàu nghèo và không liên quan gì đến việc thay đổi cấu trúc này. Do vậy, có thể dễ dàng nhận thấy là người nghèo không chỉ bị đẩy vào tình thế thiếu thốn về mặt vật chất mà còn bị đẩy vào tình trạng sống cùng với những cảm xúc tiêu cực phát sinh từ cấu trúc vĩ mô họ không thể tự thay đổi.

Có vẻ như sự căm ghét giữa các nhóm xã hội sẽ chỉ biến mất khi cấu trúc xã hội thay đổi. Câu hỏi phức tạp hơn là, bao giờ?

Theo Monster Box

Đăng bởi: Đàm Hiếu

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก