Khám Phá Trải Nghiệm

Cân bằng ‘Tâm’ để tận hưởng niềm vui sống

Tâm lực còn quá yếu, mà gặp những cú sốc do vô thường mang tới, nếu quá nặng đô thì dễ sập nguồn.

Nhiều anh em vào phòng tập, chưa nâng tạ lần nào thì quất luôn 20kg mỗi bên cho bài ngực đầu tiên… kết quả là gì? Tất nhiên là không nâng nổi, còn cố thử thì tạ đè và dễ xảy ra chấn thương không đáng.

Rèn luyện sức bền hay sức mạnh cho Thân thì phải cần thời gian, từ nhẹ đến nặng, cường độ phải tăng từ từ, chứ không phải chuyện 1-2 ngày là body như Thor. Giai đoạn đầu thì phát triển cơ rất nhanh, nhưng từ từ sau vài năm (nếu tập đều, tập đúng, ăn ngủ khoa học) thì bắt đầu chạm đến những mức giới hạn trong mã gen.

Nó kiểu như chơi game nhập vai, từ level 1 đến 60 thì tốn 6 tháng, nhưng level 60-80 thì tốn 8 tháng, rồi từ 80 trở đi thì cứ 1 tháng mới tăng 1 cấp… đến mức 95 thì mỗi năm tăng được 0.1, 0.2.

Đó là về Thân, còn về Tâm thì sao? Nó cũng tương tự như vậy. Không phải 1 ngày mà tỉnh thức ngay 100% được.

Anh em đang say mê cái A, đam mê cái B… tự nhiên sau 1 đêm ngủ dậy cái, không còn mê cái nào nữa. Đó là chuyện hiếm khi xảy ra. Có nhưng không dành cho tất cả.

“Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”, chính là ý này. Tâm chúng ta tích lũy biết bao ‘tập khí’ (thói quen, niềm tin, nhận thức) sâu dày bên trong… muốn gỡ bỏ từng nhận thức sai lầm thì cũng như tập tạ vậy, phải từ từ, phải cậm cụi, phải tinh tấn.

Nói nôm na, thói quen của chúng ta như những đoàn tàu đang phóng nhanh, muốn phanh nó lại thì cũng phải từ từ mới dừng hẳn được. Chứ tàu giảm tốc được tý rồi lại bồi hàng thêm thì không bao giờ dừng lại, thế gian luân hồi là thế.

Nên 1 người đang Tham dữ dội mà bắt không tham ngay lập tức là tạ đè ngay, vì quá sức của tâm lực, tôi hay gọi là “ức chế Tâm” – hay tâm bị tạ đè.

phát triển bản thân, top stories, cân bằng ‘tâm’ để tận hưởng niềm vui sống

Ảnh: Chewy Stoll.

Ức chế Tâm sẽ xảy ra, khi hàm lượng tham, sân, si, mạn, nghi, còn quá sâu dày mà ta rút máy thở của nó nhanh quá thì chúng nó sẽ quậy tới bến. Nhiều người còn bị loạn thần, hay thần kinh, vì cắt bỏ quá nhanh mà tâm lực chưa đến mức đó.

Kiểu xưa giờ thích ăn ngọt, giờ bác sĩ bảo bị tiểu đường rồi, bớt ăn ngọt lại nhé,

Kiêng 1 cái rụp là mình bị ức chế cả thân và tâm ngay, nên đa phần ai mới phát hiện ra bệnh thì mặt mũi khổ lắm, về không dám ăn đường nữa dù thèm vkl. Sụt ký nhanh trong 1 năm đầu tiên rồi sau đó mới bình tâm lại, từ hoảng loạn, đến than trách, rồi đến giai đoạn chấp nhận bệnh, cuối cùng là sống hòa bình với nó.

Bệnh tiểu đường thường có nhiều mức độ thì các bệnh về Tâm như ‘bệnh tham’, ‘bệnh sân’, ‘bệnh si’ cũng có hàm lượng và tầng bậc khác nhau.

Gặp ai đang có hàm lượng tham sân si rất cao mà chúng ta lại phán: “oh, đời này là vô thường, không có gì mãi mãi” là họ không chấp nhận được đâu. Vì họ đang cố giữ, cố tích lũy nhiều thứ trong tay, mình bảo ‘chết là hết’ thì sao người đó sống nổi. Tầm này mà có phá sản hay người tình phản bội thì rất dễ bị loạn thần hay ali man man (thần kinh nhẹ).

Gần công ty đầu tiên tôi làm, có 1 ông tầm 50 tuổi bị thần kinh nhẹ sống quanh khu đó, cứ trưa trưa tôi đi bộ ra quán cơm gần đó ăn mà ổng thấy tôi đi ngang là cứ gầm gừ “trả bồ cho tao, trả bồ cho tao!”. Hỏi cô bán cơm thì biết nhà ổng gần đây, khá giả, cách đây 5-6 năm ly dị vợ để quen 1 em trẻ hơn, thương yêu và say mê em ấy lắm, sắm nhà, sắm xe, trang sức… rồi chạy cả giấy tờ để em ấy đi Mỹ định cư. Vì 2 người chưa có kết hôn, ẻm bảo em qua Mỹ trước, sau đó về bảo lãnh anh qua. Sau cú đó, em ấy mất tăm bên Mỹ, ổng chỉ mất ½ tài sản thôi nhưng ông bị thần kinh luôn, giờ nhà cửa thì do họ hàng chăm sóc giùm, lo cơm nước cho ổng rồi thả ổng đi vòng vòng chơi.

Tâm lực còn quá yếu, mà gặp những cú shock do vô thường mang tới, nếu quá nặng đô thì dễ sập nguồn. Ức chế tâm vừa thì trầm cảm, ức chế quá nặng thì có thể tự tử.

Nhiều anh em ra nhà sách, quất mấy cuốn sách tâm lý, tâm linh về đọc, hoặc tham gia các hội nhóm thức tỉnh gì đấy, được mấy hôm là loạn não ngay vì tâm lực chưa sẵn sàng. Có vài người sống và nói chuyện như bị thần kinh, lơ mơ, oh… đời như mộng, thế giới này không thật, ta chỉ sống trong ma trận… nó cũng một dạng ali man man nhẹ rồi đó.

Phải từ từ anh em ạ.

phát triển bản thân, top stories, cân bằng ‘tâm’ để tận hưởng niềm vui sống

Luyện Thân khỏe, đẹp, bền có khi 5-10 năm, rồi sau đó phải duy trì mỗi ngày, lơ là là body xuống ngay. Tập đúng thì phải nâng tạ từ từ. Còn luyện Tâm khỏe, trật tự, trong sáng thì sao tính bằng ngày, bằng tháng được. Chưa kể còn phải duy trì từng giờ từng phút nữa.

Từ 1 người sống rất bản năng, chẳng có nhận thức gì về bên trong thì cần ít nhất 3 năm (theo cá nhân tôi) để bắt đầu Tâm lực tương đối có chút ‘võ công’ để bắt đầu nhận biết hạm lượng tham sân si của mình như thế nào.

Chứ 1-2 năm tôi nghĩ không ăn thua, vì để bớt đi hay xóa đi 1 nhận thức sai lầm trong vô thức thì chúng ta phải có trải nghiệm đủ sâu sắc để nhìn thấy rõ ra bản chất của sự việc rồi mới điểu chỉnh nhận thức lại từ từ được.

Nói dễ hiểu nhất, hành trình thức tỉnh của mỗi người sẽ diễn ra tương đối như thế này:

  • Tầng 1: tham sân si 100%
  • Tầng 2: tham sân si 75%
  • Tầng 3: tham sân si 25%
  • Tầng 4: tham sân si 10%…
  • Tầng X: tự do khỏi bản ngã hay tham sân si.

Nói tương đối để anh em có điểm tựa, nhưng đừng chấp vào câu chữ quá.

Với người ở tầng 1, thì phương tiện hay công cụ để chuyển hóa phải phù hợp, nhẹ nhàng, đủ nặng chứ không quá nặng. Nặng quá là bị tạ đè, mà nhẹ quá thì không ăn thua, nên khi tiếp xúc với ai, chúng ta cần nhận ra được tầng bậc nhận thức của họ ở đâu, hàm lượng tham sân si của họ bao nhiêu %.

Đừng phán xét họ xấu hay tốt, vì cốt lõi là họ chưa nhận ra mình thế nào để chuyển hóa thôi, chúng ta cũng thế, có ai hơn ai đâu.

Tùy tầng bậc thì thuốc trị sẽ khác, mức tạ sẽ khác.

Tham tý không sao nhưng đừng tham quá, vì cắt hẳn mà khi tâm lực chưa tới thì ức chế tâm, sống thế cũng khổ vl. Sân tý cũng không sao, con người mà, nhưng đừng sân quá mức, biết điểm dừng hoặc sửa lỗi kịp thời là được.

Người bị tiểu đường, không phải là không được ăn đường mãi mãi, mà là ăn đường hợp lý, đúng hàm lượng thì vẫn enjoy cuộc sống thôi.

Với tôi, đến hiện tại, bệnh tham sân si không thành vấn đề, nhưng quan trọng là hàm lượng bao nhiêu và cân bằng nó thế nào.

Anh em có quyền tham tý, mê tý, sân tý nhưng nhớ hạn chế tổn thương hay gây hại cho người khác. Gây hại thì phải trả giá, nếu lỡ tay thì đứng ra chịu trách nhiệm. Có chơi có chịu.

Tôi thì cũng mê nhiều thứ lắm nhưng bỏ hết thì ức chế Tâm quá, với không còn niềm vui sống nữa, quan trọng là cân bằng giữa Đời và Đạo thôi.

Vì có tỉnh thức 100%, hay vô ngã, thì cũng phải sống như bao người thôi, chẳng qua là hàm lượng tham sân ít đi thì anh em bớt khổ và dòng nhân quả nhẹ đi dần. Nghiệp nhẹ đi thì có nhiều không gian và thời gian để enjoy game đời hơn.

Sức ở đâu, thì mức tạ ở đó, không quá nặng, mà cũng không quá nhẹ. Thân hay tâm cứ theo cơ chế đó mà rèn!

Đăng bởi: Thắm Dương

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก