Gia Đình Tâm Sự

Vẻ đẹp của cái chết

Mỹ học về cái chết đẹp như Bỉ Ngạn Hoa, thể hiện sự bất lực, trầm mặc trước bi hoan li hợp của cuộc đời.

Tư duy mỹ học về cái chết khiến người ta phải suy nghĩ lại, hiểu sâu hơn ý nghĩa, vẻ đẹp của cái chết và sự sống.

Mỹ học của cái chết

Tại bảo tàng Metropolitan Museum of Art thành phố New York có một bức tranh sơn dầu tuyệt vời “Death of Socrates – Cái chết của Socrates” (La Mort de Socrate, 1787), đây là họa phẩm của Jacques-Louis David, một họa sĩ người Pháp theo trường phái Tân cổ điển.

hội họa, nghệ thuật, phát triển bản thân, tâm linh, top stories, vẻ đẹp của cái chết

Bức tranh vẽ lại giây phút cuối cùng của cuộc đời Socrates. Ông bị toà án Athens kết án với lý do: “gieo rắc nghi ngờ các thần linh mà chính thể Athens thời đó tôn thờ, kêu gọi nhân dân tôn thờ các thần linh ngoại lai và làm hư hỏng thanh thiếu niên”. Họ ép ông phải tự tử bằng một bát thuốc độc.

Nhưng Socrates đã không hề run sợ. Trong bức tranh Jacques-Louis David vẽ Socrates hiện lên như một vị Thần, xung quanh là những môn đệ đau đớn, gục ngã khi phải chứng kiến bi kịch của thầy. Socrates vừa nói vừa giơ tay trái lên trời, phong thái hùng hồn, tự tin. Tay phải ông dửng dưng với lấy chén thuốc độc không hề run sợ. Trước cái chết, Socrates vẫn điềm tĩnh lạ thường. Bức tranh của David không chỉ là một tác phẩm hội hoạ kiệt xuất, nó còn là sự ca tụng dành cho những người kiên trì chân lý, tận hưởng vẻ đẹp của cái chết, thậm chí xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Vẻ đẹp của cái chết

Một nhà hiền triết phương Tây có nói:

“Cuộc đời có rất nhiều bất công nhưng có hai thứ mà Thượng đế chia đều cho tất cả mọi người. Đó là thời gian trong một ngày và cái chết trong một đời”.

Chúng ta thường quan niệm rằng, việc sinh tử của mỗi người đều do số mệnh sắp đặt. Trong đời, có cái chết nhẹ tựa lông hồng, cũng có cái chết nặng tựa Thái Sơn. Cái chết của Socrates tuy ông coi nó như đi về nhà, nhưng lại nặng như Thái Sơn bởi ông để lại cho đời những triết lý đầu tiên của con người. Ông được coi là một trong những người đã sáng tạo ra nền triết học phương Tây, và là nhà triết gia đạo đức đầu tiên của nền tư tưởng đạo đức phương Tây.

Ví dụ về những vĩ nhân chết đi để lại cho đời một di sản phi vật thể thì vô vàn. Nhưng, chúng ta những kẻ phàm trần, ăn no rồi ngủ, được rỗi chém gió, nói róc, tán bậy thì cũng đừng ngậm ngùi sợ hãi bởi chết chỉ nhẹ như lông hồng, vì chúng ta chẳng để lại cho đời điều gì, nhẹ nhàng bay đi vào hư không. Tức là chúng ta phải nắm được triết lý của sự ra đi, coi nó như lông hồng. Coi chuyện sinh tử nhẹ tựa khói mây. Xuân đến rồi đi, hoa nở lại tàn, việc đời nhiều hay ít, ta cứ buông tay mà đi, đừng có bận tâm.

Khi còn sống, chúng ta tận hưởng cuộc sống, hưởng thụ cảm xúc của thế giới, hơi ấm của tình yêu, nụ cười và nước mắt, niềm vui khi ở bên nhau, và nỗi đau lúc chia tay. Khi chúng ta nhìn thấy mặt trời mọc và biển xanh vô tận, chúng ta sẽ không khỏi xúc động. Ngay cả một cơn gió nhẹ của mùa xuân, một tia nắng giữa mùa đông khắc nghiệt và hương thơm của tách trà chiều cũng sẽ khiến hồn ta nhẹ nhàng đung đưa.

Đấy là sự sống. Sự ấm áp của tất cả những khoảnh khắc cảm động, tất cả niềm vui của thành công và sự vương vấn của tình yêu thương, khiến chúng ta tạm quên đi nỗi sợ hãi về cái chết, hoặc chúng ta không nghĩ về nó. Nhưng một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ chết, và không ai trong chúng ta thoát khỏi bàn tay thần chết.

Với sự huỷ hoại cơ thể con người, mọi thứ về sinh mệnh đều mất đi ý nghĩa, bất kể đó là ai. Chính vì vậy, mỗi khi nói về chủ đề cái chết, chúng ta không khỏi run lên sợ hãi. Tuy nhiên, nếu để lão luận về cái chết chắc rằng lão sẽ lấy màu sắc của Cường Tuse, lấy thơ của Phan Thị Thanh Nhàn, và tiếng hát trong như nước Thánh của ca nương Thuý Hoàn để ca ngợi sự kỳ bí, vi diệu, và lộng lẫy của cái chết. Lão sẽ vạch bóng đen dưới tầng địa ngục để các bạn nhìn thấy được những viên ngọc trai tỏa ánh hào quang trên vương miện của Diêm Vương, và một trong những viên ngọc trai ấy là chính linh hồn đã chết. Chúng ta sẽ làm đẹp cho sự chết, chúng ta sẽ hội tụ trên vương miện của Diêm Vương.

Khi thấu đáo vấn đề này, bạn sẽ mê mẩn với cái chết, chúng ta sẽ chẳng còn sợ hãi khi nhắc đến cái chết, chúng ta sẽ biết được vẻ đẹp của cái chết, mới hiểu về ý nghĩa của sự sống và cái chết, và chúng ta sẽ cảm thấy rằng cái chết thực sự không khủng khiếp như vậy.

Giả sử Chúa sẽ ban sự sống vĩnh cửu cho loài người. Một trăm năm trôi qua, năm trăm năm trôi qua, chúng ta sẽ thấy gì? Chúng ta sẽ thấy hành tinh này bị bao phủ bởi những hình hài người già nua như những cây gỗ mục chưa kịp vứt bỏ. Các cụ già hói đầu hoặc rụng sạch tóc, hoặc phơ phơ hai ba cọng, răng đã rụng sạch, mồm trệu trạo với hàm răng giả, da dẻ nhăn nheo, mắt mờ tay run, đi lại trên xe lăn hoặc nằm bẹp trên giường chờ thằng con Tạ Trí cũng đã trăm hơn trăm tuổi bơi ở sông Hồng xong về bón cho ăn. Chưa kể hàng trăm thứ bệnh hành hạ các cụ, các cụ đau, các cụ rên, khắp nơi mọi chốn, từ công viên đến những bãi biển du lịch, từ các nhà hàng, trên xe buýt, tầu điện hay chợ búa nhà hàng, đâu đâu cũng nhìn thấy những thân hình khô cong, hôi hám, nghe thấy những tiếng ho, tiếng rên thảm thiết. Lão chắc chắn rằng, khi ấy, bạn chỉ mong chết để trốn khỏi cái địa ngục trần gian này.

Đúng vậy, cái chết là phi lý, nhưng bất tử lại càng phi lý. Một người cứ sống mãi mãi, sẽ không có sự cám dỗ mới trong cuộc sống của anh ta, anh ta sẽ chịu đựng sự đơn điệu vô tận này mãi mãi, và nếu vậy, chúng ta thà chấp nhận về sự tồn tại thần bí của sự sống và cái chết, còn hơn là ta cứ sống, sống, không chết và đầy rẫy những sự tàn khốc của mùa đông cuộc đời hiển hiện. Chưa nói chúng ta vẫn cứ sinh sôi nẩy nở và trái đất chật cứng những người. Từ đó chúng ta ngộ ra rằng, bất tử là vô lý, nếu không có cái chết, sinh mệnh không còn ý nghĩa gì nữa.

Giống như cuộc sống có ý nghĩa cao hơn bản thân của sinh mệnh, cái chết cũng có ý nghĩa siêu việt hơn cả chính bản thân của cái chết. Hầu hết mọi người sẽ bi quan khi đối mặt với cái chết, và không tránh khỏi thất vọng.

Thực ra, hãy nghĩ xem, loài người trên hành tinh này, cũng giống như cây cỏ, tự sinh tự diệt, chúng ta thật sự là nhỏ bé. Tất cả mọi người đều chỉ là sự tồn tại ngẫu nhiên và chúng ta gần như số không trước thế giới. Nhưng nếu chúng ta không tồn tại, thì trái đất vẫn quay, không hề bận tâm vì thiếu mất chúng ta. Niềm vui và nỗi buồn của chúng ta quá đỗi bình thường, chẳng hề làm rung động thế gian. Tuy rằng cái chết là sự thật mà ai cũng không thể thoát khỏi và phải chấp nhận, nên chúng ta cũng phải lạc quan đối mặt với nó. Đối mặt và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cái chết, mọi đau khổ của thế gian thực ra chẳng là gì cả.

hội họa, nghệ thuật, phát triển bản thân, tâm linh, top stories, vẻ đẹp của cái chết

Hoa Bỉ Ngạn là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp của cái chết.

Mỹ học về cái chết đẹp như Bỉ Ngạn Hoa, thể hiện sự bất lực, trầm mặc trước bi hoan li hợp của cuộc đời. Trên thực tế, điểm khác biệt lớn nhất giữa con người là thái độ đối với cái chết, thứ quyết định thái độ của họ đối với cuộc sống. Từ góc nhìn này, Mỹ học về cái chết khiến người ta phải suy nghĩ lại, hiểu sâu hơn ý nghĩa của cái chết và sự sống.

Có ai không sợ chết? Có ai không muốn ngày mai thức dậy để ngắm nhìn mặt trời mọc? Ngắm nhìn những người thân thương và đi tiếp chặng đường đời hầu như đã quá đỗi thân thương và ràng buộc.

Đức Phật nói rằng cuộc đời có bốn nỗi khổ: sinh, lão, bệnh, tử. Tu hành làm thế nào để thoát khỏi đau khổ và đạt được hạnh phúc là điều cần thiết.

Người phàm tục sợ chết, bởi không biết con đường sau khi chết ra sao, đứng trước bóng tối vô tận, và sự im lặng vô biên, kinh hãi là có thật. Nếu lão nói cho bạn biết, con đường này tuyệt đẹp, bạn trôi theo dòng chảy, đôi bờ nở đầy Bỉ Ngạn Hoa và những bản nhạc thầm lặng, ly kỳ rung lên, mang đến cho bạn sự thanh thản, du dương và ấm áp, hoàn toàn khiến bạn đê mê, khiến bạn quên đi những nỗi buồn thế gian một cách nhanh chóng và háo hức đi tìm cội nguồn của những bản nhạc đang khiến bạn rung động. Bạn chắc chắn sẽ thốt lên :”Không sợ, tôi chưa chết, tôi cũng chưa từng có trải nghiệm cận kề cái chết”.

Tặng các bạn một bài thơ “Ở điểm cuối cuộc đời”, đọc và nghiệm thêm cái đẹp của sự chết mà lão đã sáng tác vào một đêm ngộ ra sự chết.

Ở điểm cuối cuộc đời: bài thơ về vẻ đẹp của cái chết

Ta mang theo tấm thân tàn mệt mỏi Cùng giọt dầu cuối cùng của sinh mệnh Lê xác đến gần bên một cánh cửa Nơi đây dẫn đến hành lang dài hun hút Hành lang đen, như trong giấc mộng ta thường gặp Vứt bỏ thân xác bên ngoài Linh hồn ta bước qua ngưỡng cửa Tan trong bóng đêm ta bắt đầu một hành trình mới lạ Ta không ngừng ngoảnh đầu như còn chút vấn vương Trần gian kia còn bao điều yêu ghét… Nhưng rồi chân ta nhẹ tênh Ta đi, ta bay, vun vút không gian Ở nơi tận cùng của sinh mệnh Cái chết đến nhanh hoặc chậm Cuộn phim cuộc đời chiếu lại lần cuối Khi tiếng máy khựng lại Một màn đen buông xuống Hư vô ập về Cánh cửa đường hầm khép lại Ta hoảng sợ vùng vằng muốn quay trở lại Nhìn thêm một lần những người thân yêu Nhìn lại biển – nơi chứa bao nước mắt cuộc đời… Nhưng ánh sáng huyền hoặc loé lên phía cuối đường hầm Như thúc giục, như đón chào, như vẫy gọi Địa ngục hay thiên đường đang chờ đợi? Bí mật muôn đời nấp sau cánh cửa Chỉ có linh hồn ta một mình câm lặng Đi thám hiểm đêm đen, thám hiểm địa đàng Thám hiểm thiên đàng nếu như ta vinh hạnh Hỡi những người bạn đã đọc tên ta suốt những canh trường Xin đừng hoảng hốt, bi ai, than khóc Ta đến nhẹ nhàng, và đi cũng nhẹ nhàng Chẳng muốn phiền ai, chẳng muốn lụy ai Trút bỏ thân tàn, ta bay trong hư ảo Tận hưởng cái chết Tận hưởng tự do
Tận hưởng Vĩnh hằng…

Theo tác giả: Peter Pho.

Đăng bởi: Nguyễn Sơn Nam

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก