Khám Phá Trải Nghiệm

Hãy cho mình một đường lui, để không bao giờ phải bán rẻ lương tâm mình

Chọn nơi để làm là một việc vô cùng quan trọng, môi trường làm việc thế nào, tập khí của sếp và đồng nghiệp ra sao, nó còn quan trọng hơn cả việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền từ công việc đó. Hãy đọc bài Tâm thế khi đi làm trước khi đọc bài này các bạn nhé.

Làm việc trong một môi trường toxic lâu ngày thì bạn sẽ bị nhiễm tính hoặc bị lây cái tập khí xấu từ môi trường. Chưa kể, nếu cả tổ chức cùng đồng lõa làm việc không đúng tốt, thì cũng phải mắt nhắm mắt mở để tiếp tay thôi, vì lỡ lên thuyền rồi, bước ra thì sẽ ảnh hưởng đến chén cơm. Nan giải phải không?

Mất tiền thì xem như đời chưa mất gì, mất sức khỏe thì xem như có mất gì đó, nhưng mất nhân phẩm thì gần như mất tất cả. Các bạn hãy khắc ghi điều đó.

Nhân phẩm thế nào, thì tập khí thế đó, quen tay làm gì rồi thì sẽ gieo các ‘nhân’ tương tự, rồi sẽ có ‘quả’ tương ứng sinh ra trong tương lai. Giữ gìn nhân phẩm, chính là biết thương mình và biết giữ gìn 1 dòng nghiệp lực tốt cho chính mình bây giờ và tương lai. Nhân quả là tuyệt đối, làm sai hôm nay dù là lý do gì thì cũng đều phải trả quả cả. Dù đó là làm sai để lo cho gia đình đi nữa.

Để không phải rơi vào các tình huống tiến thoái lưỡng nan thì bạn phải có sự chuẩn bị. Đó là luôn chuẩn bị cho mình một con đường lui. Đường lui ở đây chính là sự lựa chọn dự phòng (back-up) nếu có nghỉ ngang bất kỳ lúc nào.

Ví dụ bạn đang có 1 tỷ trong ngân hàng, nếu thằng sếp ép bạn làm gì xấu, hoặc vô lý với bạn thì bạn có phải nhắm mắt cho qua không?

Tất nhiên, bạn có quyền say NO (nói không) với những cái thấy không đúng tốt, dù kết quả cuối cùng là mất việc. 1 tỷ kia chính là đường lui, vì không làm gì trong 1-2 năm cũng không quá áp lực về tiền.

Còn nếu bạn không có 1 tỷ thì phải có những năng lực xịn và các mối quan hệ chất lượng ở đằng sau, vì bất kỳ khi nào bạn bước ra khỏi chỗ đó thì sẽ luôn có một chỗ khác lót thảm đỏ đón bạn về làm.

Tóm lại, tiền không mạnh thì lực phải mạnh, lực ở đây là năng lực, kinh nghiệm và kiến thức đủ dày.

nghề nghiệp, phát triển bản thân, top stories, hãy cho mình một đường lui, để không bao giờ phải bán rẻ lương tâm mình

Vừa có tiền dự phòng, vừa có năng lực xịn thì khi đi làm, không ai dám khịa và cũng không thể ép bạn làm cái gì mà bạn không muốn nữa. Đó là tại sao, khi bắt đầu làm việc ở bất kỳ nơi nào thì ngay trong tâm trí phải luôn để ý đến đường lui của mình ở đây là gì, nếu có biến xảy ra.

Tôi nói thế, không phải kêu các bạn không cố gắng trong công việc. Đường lui ở đây không phải né tránh những thử thách khó, mà để né những việc không đúng với lương tâm mình. Khi chạm đến phần nhân phẩm và đạo đức thì phải dứt khoát trong việc này. Còn không thì phải trả giá thôi, nhân quả mà.

Việc khó, sếp khó, đồng nghiệp khó, không sao cả, vì đó là cơ hội để rèn Tâm lực và năng lực. Nhưng tình huống bắt bạn phải làm xấu thì không nên thỏa hiệp.

Tôi cũng ghi vài lần rồi, đừng bao giờ bỏ rơi chính mình, dù có thể cả nhà không biết sẽ ăn gì vào tháng sau nếu bạn mất việc. Mà thế kỷ 21 rồi, chẳng có ai chết đói đâu, chẳng qua sẽ bớt đi vài tiện nghi trong một thời gian ngắn thôi, nếu chịu được thì mọi thứ cũng tốt trở lại. Cái khó là chúng ta quen cái mức sống đó rồi, bắt sống tiêu chuẩn thấp hơn thì không chịu được.

Đi ra đời kiếm ăn, cũng như chiến đấu với ma quỷ vậy, ma quỷ trong tha nhân, cũng như ma quỷ bên trong mình. Không khéo quan sát thì rất dễ rơi vào vòng lẩn quẩn thôi, khó thoát đấy, tao đá mày 1 cái, mày đá tao 1 cái, cứ trùng trùng duyên khởi không hồi kết.

Việc giữ gìn nội tâm, luôn là việc cốt lõi nhất mà chúng ta nên ưu tiên hàng đầu, còn lại chuyện kiếm tiền chỉ là phương tiện để chúng ta tìm về với chính mình mà thôi. Thiếu ăn tý cũng chẳng chết đâu, tin tôi đi.

Quy lại, để chuẩn bị một đường lui tốt thì cứ hườm hườm thế này. Một là chuẩn bị một sức khỏe tốt bằng việc tập thể thao, để thân khỏe và tinh thần minh mẫn. Hai là quan sát xem những năng lực nào mình cần tập trung cho cái nghề hiện tại của mình (mà khi bước ra là thị trường cần ngay), rồi trao dồi những kỹ năng đó để hàng họ mình ngon lên.

Đi làm thì nhớ để dành, mục tiêu là dù có nghỉ làm 12 tháng thì cũng bị ảnh hưởng đến mức sống hiện tại. Chuẩn bị tầm 12 tháng lương là ngon rồi, còn 24 tháng thì quá tốt luôn.

Làm tốt và làm đúng trách nhiệm được giao. Tiền trao cháo múc, họ trả 10 đồng thì cố làm thêm để xứng đáng 12 đồng. Vì bước ra là bạn sẽ có mức lương cao hơn ngay.

Tiền để dành ngoài việc saving, thì song song đốt vào thân này (cho thân khỏe), rồi đốt vào não này (cho trí khỏe), đi học ngoài giờ làm việc đều có ích cả, học cả đúng chuyên môn và cả ngoài chuyên môn.

Còn bạn mới đi làm, tiền không có, nghề không có, thì cần hiểu là mình phải cố gắng hơn người đi làm khác rất rất nhiều, vì đằng sau mình không có gì cả. Nhưng cũng không phải vì thế mà bán rẻ mình nhé.

Hãy luôn trong tâm thế sẵn sàng, vì có thể ngày mai bạn và cả tôi đều có thể đổi công việc bất kỳ lúc nào.

Không chỉ người đi làm, mà cả người làm chủ, thì chủ doanh nghiệp cũng nên có đường lui cho mình, thị trường thay đổi, chính sách thay đổi, công nghệ thay đổi, thói quen tiêu dùng thay đổi, lúc nào cũng sẵn sàng quay mặt với chúng ta cả, không có sự chuẩn bị thì toang thôi.

Đời mà, vô thường luôn sát bên chúng ta, chẳng có gì mãi mãi đâu, chúng ta chỉ có thể mạnh lên cả nội và ngoại lực mà thôi. Không làm cái này thì làm cái khác, game đời mà, sao lại giới hạn mình chỉ trong một nghề.

nghề nghiệp, phát triển bản thân, top stories, hãy cho mình một đường lui, để không bao giờ phải bán rẻ lương tâm mình

Ảnh: Liubolin.

Tôi có quen một người, anh này ra trường, cố gắng 5-6 năm thì lên vị trí trưởng phòng kinh doanh cho 1 hãng mỹ phẩm khá nổi tiếng, so với mặt bằng thì thu nhập cũng cao nhưng không đủ cao để mua nhà mua xe hơi nên ảnh lại tìm kiếm những cơ hội mới.

Duyên số thế nào, có 1 công ty ‘kem trộn’ rất rất thành công trên thị trường, mời ảnh về làm giám đốc kinh doanh. Vậy mà mới 2 năm, ảnh mua nhà quận 2 và chạy Merc thật các bạn ạ, lên như diều gặp gió. Kem này bán thị trường miền Tây rất thịnh, rất nhiều bạn kinh doanh đổi đời nhờ tham gia phân phối kem này.

Mà đời mà, chuyện đâu ai ngờ, đang ở đỉnh cao về sự nghiệp thì ảnh phát hiện ra, trong sản phẩm kem trộn đó có nhiều hoạt chất cao quá mức quy định (dù pháp luật không cấm), nếu dùng thời gian dài (5-10 năm) sẽ không tốt và mòn da từ từ, dù dùng ngắn thì ra kết quả rất vi diệu, đó là tại sao sản phẩm bán ào ạt. Biết mình đang bán sản phẩm ‘không tốt’ nhưng giờ, nhà to, xe đẹp, vợ con ấm êm… thì anh đấy phải phóng theo lao thôi, nếu bạn trong tình huống đó, có bỏ được không?

Mà cái gì đến cũng phải đến, công ty đó bị cạnh tranh, rồi thị trường có nhiều loại kem trộn khác ra, vẫn ra tiền nhưng không còn ngon nữa. Tuy nhiên, cái quả phải trả không phải là sự nghiệp, mà là anh ấy bị bệnh huyết áp mãn tính kèm với bệnh gút (chân đau), rồi gia đình ly dị, liên tiếp nhiều cái quả ‘xấu’ trổ ra.

Nếu ngay khúc anh đấy biết sản phẩm đó có vấn đề mà có một ‘đường lui’ thì hay biết mấy. Lẽ ra trong 3 năm thịnh vượng trước đó, nếu ảnh có sự chuẩn bị thì có lẽ mọi thứ đã khác rồi.

Các bạn hãy nhớ nhé, luôn cho mình một đường lui, để không bao giờ phải bán rẻ lương tâm mình!

Đăng bởi: Thắm Vũ

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก