Ẩm Thực Huế Nhà Hàng

Quán ăn của “Mụ” – tinh hoa ẩm thực chốn kinh kỳ

Mới tháng trước, cộng đồng facebook hỏi nhau tiếng Huế “mụ” nghĩa là chi? Nghe hỏi mà giật mình. Ui chao, giọng Huế thì ai cũng thích nghe, nhưng quả có nhiều ngữ nhiều từ người nghe nơi khác không tài nào hiểu hết. Cùng chúng mình tìm hiểu chi tiết nghĩa của từ này qua bài viết dưới đây bạn nhé!

“Mụ” là chi rứa?

Từ này có nhiều nghĩa:

– Phần lớn người Huế dùng từ “Mụ” đề chỉ người chị gái hay em gái của ôn mệ (ông bà) nội, ngoại. Hò Huế có câu “Đây vốn thiệt là con mụ chị, cháu gọi thiếp bằng dì/ lẽ chi cháu nằm cháu khóc mà mụ dì lại không ru?”. Lại gọi “mụ o” chỉ bà cô – người phụ nữ là chị hay em của bố.

-“Mụ gia”: từ chỉ tên gọi bà sui gia (bà sui), mẹ chồng hay mẹ vợ. Ca dao Huế: “Mụ gia ba bảy mụ gia/ Thương chồng phải khóc mụ gia, gẫm tui với mụ có bà con chi!”.

– “Mụ vợ”, từ để chỉ bà vợ. Tức là “người vợ của tôi”, một số nơi gọi là “nhà tôi”. “Mụ mi” từ dùng để chồng gọi vợ. Các vùng trong Nam gọi là “mình ơi”.

– “Mụ mối”: từ chỉ người làm mai làm mối cho người ta nên vợ nên chồng thưở xưa. Là người có danh phận đàng hoàng trong xã hội cũ.

– “Mụ tra”: chỉ người phụ nữ lớn tuổi.

– “Bà Mụ”, là tên gọi nữ thần phù hộ cho con nít mới sinh, thường trẻ em tròn 1 tháng tuổi người Huế tổ chức cúng đầy tháng, gọi là “Cúng Mụ”.

– Mụ (Mệ): Ngày xưa trong dòng hoàng phái, bên cạnh việc gọi người đàn bà là “mệ”, đôi khi cũng gọi là “mụ”.

– Mụ nớ: chỉ người phụ nữ ngôi thứ 3. (ví dụ: Mụ nớ thiệt thà lắm).

Vậy, từ “mụ” trong tiếng Huế đa phần là đại từ chỉ người phụ nữ có quan hệ thân thiết trong gia đình. Khi dành để gọi người phụ nữ ngoài xã hội cũng là cách gọi trân trọng. Cũng có những từ ghép để chửi rủa, miệt thị… Từ “này” nhiều khi được dùng như từ “bà” ở các nơi khác (mụ nớ, bà kia)…

Vài “mụ” nổi tiếng trong dân gian Huế

Liếc

quán ăn của “mụ” – tinh hoa ẩm thực chốn kinh kỳ

Bà Liếc đi vào trong tâm thức dân gian Huế là người phụ nữ mập mạp, to lớn hơn người. Có lẽ bà là người nặng nhất Huế xưa nay. Bà làm nghề thầu bến đò Thừa Phủ, chuyên ngồi trên bến thâu tiền chứ không dám xuống đò vì sợ đò… chìm. Xưa có câu đố: “Người chi vóc dáng đẫy đà/ Khuôn trang đầy đặn thịt thà nở nang/ Ăn làm răng nói làm răng/ Xích lô sợ chạy, đò ngang sợ chìm?”. Trả lời: “Mụ Liếc vóc dáng đẫy đà/ Nặng gần hai tạ ngó mà sướng ghê/ Phần trên phía dưới đề huề/ Ngồi xe, xe xẹp, ngồi ghe, ghe chìm”.

Rớt

quán ăn của “mụ” – tinh hoa ẩm thực chốn kinh kỳ

Mụ Rớt là danh nghệ chủ nhân món bún bò giò heo Huế nổi tiếng những năm 1960,1970 ở vùng Gia Hội. Hồi đó qua cầu Gia Hội, về sau lưng chùa Diệu Đế có một căn nhà nhỏ bán bún bò. Quán không đề tên bảng hiệu, vậy mà lúc nào cũng đông người tìm đến ăn bởi “tiếng lành đồn xa”.

Bún bò bà nấu rất khéo, tô bún ở hàng ngon nhất trần gian. Tô bún ý nhị với những sợi bún trắng, miếng giò heo đầy đủ da, nạc, xương, cộng thêm vài lát thịt bò xắt mỏng nổi bật những đường gân trắng ngà, ớt đỏ, hành ngò xanh, chan thêm vá nước dùng trong vắt mà rất thấm đượm. Tô bún không quá lớn đúng kiểu ăn thanh cảnh của người Huế, dễ cho người ăn vừa bưng, vừa húp, vừa và xì xà xì xoạp, miệng hít hà ớt cay, vô cùng khoái khẩu.

Cửu

quán ăn của “mụ” – tinh hoa ẩm thực chốn kinh kỳ

Mụ Cửu Ới nổi tiếng cái món thuốc lá Cẩm Lệ những năm 1960. Không chỉ dân Thừa Thiên đều hút thuốc của bà pha chế. Ngay dân các tỉnh lân cận như Quảng Trị. Quảng Nam cũng gởi mua cho được thuốc Cẩm Lệ của bà. Có điều thú vị là thuốc lá Cẩm Lệ lại do làng Cẩm Lệ thuộc tỉnh Quảng Nam sản xuất. Bà Cửu Ới đưa ra Huế “phù phép” thành thứ thuốc khiến người ta ghiền. Dễ đến nửa thế kỷ, thuốc Cẩm Lệ đã gắn bó với sinh hoạt nhiều gia đình người Huế từ những năm 1960…

Đợi

quán ăn của “mụ” – tinh hoa ẩm thực chốn kinh kỳ

Bánh canh Mụ Đợi, khách tự nêm nếm gia vị cho riêng mình

Nhưng Huế đương đại thì hiện vẫn còn “Bánh canh Mụ Đợi”. Quán nguyên thủy nằm ở con hẻm nhỏ ở đường Đào Duy Anh – Huế. Quán cũng không bảng hiệu. Ấy nhưng có gần 35 năm tồn tại, lại là nơi dừng chân của đông đảo thực khách. Tô bánh canh ở đây được nấu riêng cho từng khách. Khi khách đến quán mới bắt đầu nấu nước và thả bột, lấy chả. Bóc tôm để đảm bảo cho tô bánh canh luôn tươi nóng.

Làm vậy nên thời gian chế biến rất lâu. Chờ lâu nên cái tên “Đợi” được hình thành và được truyền miệng. Ngoài việc tô bánh canh chỉ có mấy sợi bột theo kiểu hương hoa. Muốn ăn thêm thì phải kêu trước thêm tô nữa. Nó còn có điểm khác biệt là muốn thưởng thức thật ngon thì thực khách tự mình phải thật chi ly trong vấn đề thêm gia vị. Thực khách tự mình nêm muối, bột ngọt, tiêu, tương ớt. Hành ngò sao cho hợp với khẩu vị, vô cùng dân chủ, tự do.

Hiện nay thì bánh canh nơi đây đã được rất nhiều người biết đến. Hiện tại đã mở thêm vài chi nhánh ở đường Nguyễn Trãi và đường Ngô Gia Tự. Thế nhưng nhiều người vẫn muốn tìm về con hẻm nhỏ ngày xưa.

Đăng bởi: Việt Tel'annas

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก