Ẩm Thực Trung Quốc

Vương Chiêu Quân - "trầm ngư Lạc nhạn" trong lịch sử Trung Hoa

Vương Chiêu Quân (51 – 15 TCN) là một mỹ nhân thời nhà Hán, một trong Tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc thời bấy giờ. Về sau do kiêng húy của Tư Mã Chiêu, nàng được đổi gọi là Minh phi.

Với sắc đẹp được ví là Trầm ngư Lạc nhạn, Họa công kí thị, câu chuyện về nàng trở thành một đề tài sáng tác phổ biển của thi ca, nghệ thuật. Vương Chiêu Quân đi vào lịch sử Trung Quốc như một sứ giả hòa bình.

Nàng là một trong Hai đại mỹ nhân của lịch sử nhà Hán cùng với một mỹ nhân khác tên Triệu Phi Yến.

Vương Chiêu Quân tên thật là Vương Tường, tự là Chiêu Quân, là con gái của một gia đình thường dân ở Tỉ Quy, Nam Quận, nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Vương Chiêu Quân được trời phú nhan sắc tuyệt trần, cử chỉ phong nhã, lời ăn tiếng nói dịu dàng thanh cao, mắt ngọc mày ngài không có tỳ vết và trí thông minh.

Năm Kiến Chiêu nguyên niên (38 TCN), do thông thạo đàn tỳ bà và tứ nghệ gồm: cầm, kì, thi, họa, Vương Chiêu Quân được tuyển vào nội cung vào đời Hán Nguyên Đế. Trong thời gian ở hậu cung, nàng chưa bao giờ được gặp mặt Hoàng đế và vẫn chỉ là một cung nữ. Theo truyền thuyết, vì số phi tần trong hậu cung của Hán Nguyên Đế quá đông, nên hoàng đế ra lệnh cho họa sĩ Mao Diên Thọ phải vẽ hình các cung phi để hoàng đế chọn. Các cung phi thường lo lót tiền cho họa sĩ để được vẽ cho đẹp, mong hoàng đế để ý tới. Chiêu Quân từ chối đút lót cho Mao Diên Thọ, hậu quả bức chân dung nàng thật xấu xí nên nàng không được Hán Nguyên Đế để mắt tới.

Cuộc hôn nhân nhằm dàn xếp hoà bình

Năm 33 TCN, thủ lĩnh Hung Nô là Hô Hàn Tà đến kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán và đề nghị được trở thành con rể của Hán Nguyên Đế. Vì không muốn gả cô công chúa độc nhất vô nhị của mình, vua Hán Nguyên Đế quyết định để Hô Hàn Tà chọn một cung nữ tuỳ thích trong cung.

Hán Nguyên Đế còn hùng hổ tuyên bố rằng: “Bất cứ mỹ nhân nào lọt vào mắt xanh của Hung Nô đây thì ta sẽ xem cô gái đó như công chúa con của ta”. Thời đó xứ Hung Nô xa xôi cách trở, người dân Hung Nô lại sống du cư trên các vùng hoang mạc, vì thế các cung nữ đều e dè không dám chấp nhận lời hứa hôn. Duy chỉ có Vương Chiêu Quân bước ra tình nguyện lấy Hô Hàn Tà.

Đến ngày hôn lễ giữa Hô Hàn Tà và Chiêu Quân, Nguyên Đế thấy nàng xinh đẹp nên sinh ra hối tiếc. Ông bèn hạ lệnh mang bức tranh nàng ra xem, thì thấy bức tranh do họa sĩ Mao Diên Thọ vẽ không giống chân dung thật, bèn sai xử trảm Thọ. Nhưng Nguyên Đế vẫn đành phải để Vương Chiêu Quân đi đến vùng Hung Nô như đã hứa.

Cuộc sống của mỹ nhân Vương Chiêu Quân ở miền đất Hung Nô xa xôi, lạ lẫm khiến nàng chưa bao giờ có được hạnh phúc thật sự, dù rằng Hô Hàn Tà rất si mê Chiêu Quân và luôn chiều chuộng nàng hết lòng. Bởi một lẽ, vua Hung Nô nay đã quá tuổi, qua cái tuổi phong độ ngời ngời của thanh niên trai tráng. Hơn thế, người Hung Nô có lối sống du cư nên thân thể vua Hung Nô không mấy thơm tho cho lắm. Tuy cuộc hôn nhân không hề hạnh phúc, nhưng nàng vẫn một mực cắn răng chịu đựng để giữ hoà hiếu giữa đôi bên.

Sau khi chồng lâm chung, theo hủ tục “phu tử tòng tử” của người vùng Hung Nô, Chiêu Quân trở thành phi tần của Phục Chu, con trai lớn của Hô Hàn Tà. Vốn trước đó Phục Chu – con trai vua Hô Hàn Tà đã say mê nhan sắc của Vương Chiêu Quân, vì vậy khi vua cha vừa mất, hắn đã cưới luôn Chiêu Quân làm vợ. Điều này đi ngược với tập tục của Trung Quốc dưới thời nhà Hán – người phụ nữ goá phụ sẽ thủ tiết để giữ gìn cái danh “tiết hạnh khả phong” của mình. Tuy nhiên, Vương Chiêu Quân vẫn chấp nhận điều này để giữ mối bang giao giữa hai đất nước láng giềng.

Sai lầm cứu rỗi hàng vạn sinh linh

Cuộc đời của nàng chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc. Vương Chiêu Quân sống ở vùng Hung Nô suốt quãng đời của mình và đã kiến tạo hoà bình giữa Hung Nô và Trung Quốc. Cô thuyết phục chồng mình là Hô Hàn Tà phải duy trì mối quan hệ hoà bình với triều đại nhà Hán. Thêm vào đó, nàng còn mang cả văn hoá và tập tục của Trung Quốc đến vùng đất Hung Nô khô cằn và trơ trọi này.

Trái với tính hiếu thắng và muốn chinh phục tất cả bằng vũ lực và chiến tranh, vua Hán Nguyên Đế trọng hai chữ nhân đạo. Ông coi trọng hoà bình và sự từ bi, điều này được thể hiện qua cuộc hôn nhân hoàng tộc được sắp đặt trước đó giữa Hô Hàn Tà và Vương Chiêu Quân.

Chính điều này đã vô tình hay hữu ý cứu rỗi hàng vạn sinh linh, tránh cho dân lành kiếp nạn binh đao. Quyết định của vị vua Nguyên Đế và sự hy sinh thầm lặng của Chiêu Quân đã tạo ra nền hoà bình kéo dài 60 năm giữa hai đất nước.

Tôn vinh vẻ đẹp của đức hạnh

Sau khi Vương Chiêu Quân qua đời, những người vùng Hung Nô đã cho xây dựng một đền thờ tưởng niệm nàng. Qua nhiều thế hệ, ngôi đền được trùng tu bởi cả người Hung Nô và người Hán. Không những thế, Vương Chiêu Quân còn được tôn sùng bởi dù đã qua đời, nhưng những gì mà Chiêu Quân đã làm cho cả hai dân tộc đều khiến đời đời lưu nhớ và kính phục.

Tương truyền rằng, sau khi mất đi, một người phụ nữ sở hữu nhan sắc tuyệt mĩ và đức hạnh sẽ được hưởng sung sướng sau khi qua đời, đặc biệt là khi Vương Chiêu Quân đã phải sống cam chịu bao nhiêu năm chỉ để duy trì mối bang giao giữa hai sắc tộc. Tâm hồn của nàng được ví như một đoá hoa luôn toả ngát hương cho người đời. Kể từ đó, Vương Chiêu Quân trở thành nữ thần của loài hoa mẫu đơn. Trong văn hoá Trung Hoa, hoa mẫu đơn là biểu trưng của sự thanh lịch, quý phái và thịnh vượng. Nhiều người Trung Quốc rất thích loài hoa này và thậm chí còn xem đây là quốc hoa của Trung Quốc.

Hình ảnh Vương Chiêu Quân trong thi ca nghệ thuật

Những tác phẩm thơ ca viết về Chiêu Quân xuất hiện vào khoảng từ đầu thế kỷ 7 đến cuối thế kỷ 13, thường dựa trên những dị bản của Ngô Quân. Đa số đều nói về sự ra đi cùng nỗi oán hận của nàng. Chiêu Quân thường xuất hiện với một vẻ đẹp u buồn, choàng khăn đỏ, mặc áo lông, ôm đàn tỳ bà, cùng với một con bạch mã.

Nhà thơ Lý Bạch viết hai bài thơ về Chiêu Quân:

Vương Chiêu Quân kỳ 1

Xứ Tần trăng sáng tỏ,Dõi bóng chiếu Minh Phi.Một lên đường ải Ngọc,Bên trời biền biệt đi.Trăng Hán vẫn mọc ngoài Đông Hải,Minh Phi sang Hồ không trở lại.Lạnh lùng hoa tuyết núi Yên Chi,Cát bụi bay mù ngập thúy mi.Sống thiếu cân vàng tranh vẽ nhọ,
Chết phơi nấm đất cỏ xanh rì.

…Vương Chiêu Quân kỳ 2Chiêu Quân phủi yên ngọc,Lên ngựa, đấng má hồng nức nở.Hôm nay là người trong cung Hán,
Sáng mai đã thành tì thiếp ở đất Hồ

Thi thánh Đỗ Phủ cũng để lại những bình phẩm sâu sắc qua bài “Vịnh hoài cổ tích”:

Vịnh hoài cổ tích ngũ thủ chi tam

Nghìn non vạn suối tới Kinh MônQuê quán Minh Phi vẫn hãy cònĐài tía bước ra nơi sóc mạcNấm mồ gửi lại bóng hoàng hônVẻ xuân tranh cổ phôi pha nétGót ngọc đêm trăng phảng phất hồnĐàn phổ tiếng Hồ muôn thuở đó
Tỳ bà oán hận mạch sầu tuôn.

Thi sĩ Bạch Cư Dị làm về Chiêu Quân:

Chiêu Quân từ (bản dịch của Tản Đà)Cát Hồ đầy mặt, gió đầy tai,Mực nhạt mày xanh, má đỏ phai.Khổ sở lo buồn tiều tuỵ thế,
Mới là tranh vẽ giống như ai.

Quá Chiêu Quân thôn

Linh châu sản vô chủng, thải vân xuất vô căn.Diệc như bỉ xu tử, sinh thử hà lậu thôn.Chí lệ vật nan yểm, cự tuyển nhập quân môn.Độc mỹ chúng sở tật, chung khí xuất tắc viên.Duy thử hi đại sắc, khởi vô nhất cố ân.Sự bài thế tu khứ, bất đắc do chí tôn.Bạch hắc kí khả biến, đan thanh hà túc luận.Cánh mai đại bắc cốt, bất phản ba đông hồn.Thảm đạm vãn vân thủy, y hi cựu hương viên.Nghiên tư hóa dĩ cửu, đãn hữu thôn danh tồn.Thôn trung hữu di lão, chỉ điểm vi ngã ngôn.Bất cảm vãng giả giới, khủng di lai giả oan.
Chí kim thôn nữ diện, thiêu chước thành ban ngân.

Nhà cải cách thời Tống là Vương An Thạch đã viết hai bài thơ về Chiêu Quân, đưa ra những cách nhìn nhận khá độc đáo. Một trong hai bài đó:

Minh phi oán kỳ 1

Từ ấy nàng xa chốn Hán cung,Tóc mai gió thổi lệ xuân nồng.Dung nhan nhìn lại bơ phờ quá,Thiên tử muôn trùng luống khổ tâm!Oán trách nhầm tay họa sĩ hèn,Sắc đẹp xưa nay chẳng thấy quenThần thái trời sinh ai vẽ nổi?Mao Diên Thọ chết vẫn còn oan.Một đi đi mãi, đáng thương thay!Áo Hán cung xưa vẫn mặc dàyPhương nam thư gửi về quan ảiChỉ thấy năm dài cánh nhạn bay.Người nhà muôn dặm nhắn tin cùngỞ lại chiên thành chớ ngóng trôngNàng chẳng thấy đó sao:A Kiều khóa chặt Trường Môn đó
Nam bắc nào ai được thỏa lòng?

Không chỉ Trung Hoa, những nhà thơ Việt Nam cũng cảm thán cho số phận của Vương Chiêu Quân. Ta có thể thấy qua bài Chiêu Quân của Quang Dũng:

Tuyết lạnh che mờ trời Hán QuốcTì bà lanh lảnh buốt cung ThươngTang tình năm ngón sầu dâng lệChiêu Quân sang Hồ xừ hồ xangĐây Nhạn Môn Quan đường ải vắngTrường Thành xa lắm Hán Vương ơi!Chiêu Quân che khép mền chiên bạchGió bấc trời Phiên thấm lạnh rồiNgó lại xanh xanh triều Hán ĐếTừng hàng châu lệ thấm chiên nhungQuân vương chắc cũng say và khócÁi khanh! Ái khanh! Lời nghẹn ngùngHồ xang hồ xang xự hồ xangChiêu Quân nàng ơi lệ dâng hàngLã chã trời Phiên mưa tuyết xuống
Chiêu Quân sang Hồ, xừ hồ xang.

Tế Chiêu Quân của Tản Đà:

Cô ơi, cô đẹp nhất đờiMà cô mệng bạc, thợ trời cũng thuaMột đi, từ biệt cung vuaCó về đâu nữa, đất Hồ nghìn năm!Mả xanh còn dấu còn căm,Suối vàng lạnh lẽo cô nằm với ai?Má hồng để tiếc cho ai,Đời người như thế có hoài mất không!Khóc than nước mắt ròng ròngXương không còn vết, giận không có kì.Mây mờ trăng bạc chi chiHôi tanh thôi có mong gì khói nhang,Ới hồng nhan, hỡi hồng nhan!Khôn thiêng cũng chẳng ai van ai mời.Trời Nam thằng kiết là tôi.Chùa Tiên đất khách khóc người bên Ngô.Cô với tôi, tôi với cô,Trước sân lễ bạc có mồ nào đây.Hồn cô có ở đâu đây,
Đem nhau đi với lên mây cũng đành.

Trong lĩnh vực sân khấu, từ thế kỷ 13 đã xuất hiện nhiều tác phẩm kịch nghệ về Chiêu Quân. Kịch tác gia nổi tiếng Mã Trí Viễn (1252-1321) dẫn đầu với vở kịch Hán Cung Thu, tập trung vào chủ đề bảo vệ đất nước.

Khi người Hung Nô đe dọa biên cương nhà Hán, triều đình, đứng đầu là Hán Nguyên Đế, không tìm được một phương sách hiệu quả nào. Chiêu Quân được miêu tả như một người phụ nữ thông minh tuyệt đỉnh, luôn hết lòng vì hòa bình và sự bảo tồn giang sơn nhà Hán. Nàng hoàn toàn tương phản với vị hoàng đế kém cỏi và hèn nhát, viên thừa tướng thối nát bất tài, và tên thợ vẽ tư lợi Mao Diên Thọ. Tiếc thay, vở kịch có chỗ còn chưa đạt. Hai phần ba nội dung của kịch được dành để nói về chuyện tình giữa hoàng đế và người cung phi, làm giảm đi hình ảnh anh hùng của Chiêu Quân.

Vào thời hiện đại, học giả Quách Mạt Nhược (1892-1978) đã sáng tác một vở kịch mang tên “Vương Chiêu Quân”, miêu tả bi kịch của Chiêu Quân như là hậu quả của mâu thuẫn giữa tinh thần dũng cảm và khao khát tự do của nàng và những âm mưu đen tối của Nguyên Đế và Mao Diên Thọ.

Thăm khu lăng mộ Vương Chiêu Quân

Nằm ở ngoại ô thành phố Hoi Hot, thủ phủ khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, khu lăng mộ của Vương Chiêu Quân to lớn đồ sộ hơn người ta tưởng. Ngoài bia mộ thờ linh hồn Vương Chiêu Quân nằm trên ngọn núi nhỏ còn có những khu vực như nhà bảo tàng phục dựng lại câu chuyện tình của nàng, ngôi dinh thự mà vua Hung Nô xây tặng nàng, nhà biểu diễn ca nhạc, hai bên quảng trường dẫn vào lăng mộ là những khối kiến trúc biểu tượng của nhà Hán và triều đại Hung Nô phục chế gần như nguyên bản… và không thể thiếu nhà bán đồ lưu niệm theo đúng truyền thống thương mại của người Hoa.

Vùng đất này được người Mông Cổ gọi là “thanh trủng” – nấm mồ xanh. Và cũng giống như Thành Cát Tư Hãn, mộ của nàng chỉ là mộ gió, không có thi hài, được dựng lên để thờ linh hồn.

Giữa quảng trường lăng mộ là hai bức tượng đá cao lớn thể hiện nàng sánh đôi cùng Hô Hàn Tà trên đôi ngựa Mông Cổ cao to, ngay cổng vào là bức tượng đá trắng đặc tả nét đẹp của nàng Vương Chiêu Quân.

Cho dù nằm xa xôi ở vùng Nội Mông, nhưng hàng năm có đến hàng trăm ngàn lượt người Trung Hoa và Mông Cổ tìm đến Hoi Hot chỉ để thắp cho nàng nén hương và chiêm ngưỡng nhan sắc nàng…

Đăng bởi: Quỳnh Trần

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก