Tâm Sự

Từ áp lực đến thần lực

Càng đầy đủ, yên bình thì càng sinh ra những thế hệ bạc nhược, nó đang diễn ra cực kỳ mạnh! Còn ngược lại, càng cùng cực, đau khổ tột cùng, đó là lúc những vĩ nhân xuất hiện!

Hồi năm ngoái, khi đang ngồi nghĩ vu vơ về cuốn sách đầu tay, dù lúc đó cũng chưa có cái sườn outline bài viết cụ thể nào, nhưng tự nhiên đầu tôi hiện ra một cái tựa sách, nghe rất lạ lùng: ‘Đời là bể sướng !’ Nó là mệnh đề ngược lại với ‘đời là bể khổ’, mà người đời hay than. Cũng không rõ tại sao đầu tôi lúc đấy lại nghĩ ra mệnh đề như thế. Tôi để yên đấy, vì tôi luôn có niềm tin, mọi thứ đều sẽ được kết nối lại vào một thời điểm cụ thể nên không có gì phải gấp cả. Cứ để mọi thứ tự nhiên và trong sáng nhất, thậm chí là không ra sách cũng chẳng sao. Đủ duyên thì viết, không thì thôi.

phát triển bản thân, tâm lý học, triết học, từ áp lực đến thần lực

Chuyện là vài tháng gần đây, tiêu đề đó lại hiện lên vài lần nữa, trong lúc tôi chạy xe từ công ty về nhà, nhưng khác các lần trước là nó hiện ra thêm 1 mệnh đề khác kèm theo… đó là: ‘Khổ là phước lành tối thượng!’. Mệnh đề nghe chói tai vl, vì cơ bản ngoài game đời, người ta còn đang thi nhau ‘tu tập’ để diệt khổ, thoát khổ, thoát khỏi luân hồi hay thoát khỏi nhị-nguyên… vậy mà đầu tôi lại ra một mệnh đề hoàn toàn ngược lại. Hai mệnh đề trên nó đến với tôi rất tự nhiên, rõ nhất là 1 năm nay, tôi đặt lưng xuống là ngủ ngay.

Bước ra game đời thì tôi thấy cũng không có nhiều xung đột hay bất mãn gì với thực trạng nữa. Nói chuẩn nhất, tôi thấy mọi thứ trong thực tại đang diễn ra vô cùng tuyệt vời và hoàn hảo, kể cả ‘khổ’. Đời là bể sướng, là vì trong tâm tôi, cái ‘khổ’ nó không hiện diện nhiều nữa.

Lâu lâu, tôi tua lại những nỗi khổ niềm đau trong quá khứ, tôi thấy mắc cười, sao lúc đó mình tự làm khổ mình thế nhỉ. Nhưng phần nhiều là tôi biết ơn những cái khổ đấy và cả những ai đã làm tôi đau khổ, vì nó đã giúp tôi tiến bước rất nhiều trên hành trình hiểu về chính mình hơn, vững chãi hơn, kiên nhẫn hơn, và thảnh thơi hơn.

Càng khổ thì càng level up. Càng khổ thì người ta càng dễ tìm về chính mình. Càng khổ thì người ta mới chịu buông cái tâm tạo tác và buông cái ý niệm – bắt mọi thứ theo ý mình…

Càng khổ thì người ta mới ngộ được, vũ trụ vẫn diễn ra, ngày mai mọi thứ vẫn ổn, dù không có ta ở đó nữa. Càng khổ thì người ta mới gần hơn với vị ‘Thần’ bên trong mình hơn. Và càng khổ thì bản ngã này mới thực sự bất lực, mới chịu đầu hàng, và chấp nhận cúi đầu trước sự vận hành hoàn hảo của vũ trụ. Chẳng ai kiểm soát được gì cả, ta chỉ thấy và học rồi bước ra khỏi game đời này mà thôi.

Nói khổ là phước lành hay món quà thì nhiều người chẳng thèm nhận. Nhưng nếu anh em bình tâm ngẫm lại những đau khổ mà anh em đã trải qua trong quá khứ, có đúng phải, sau mỗi nỗi khổ niềm đau nào, nó luôn giúp anh em tỉnh táo lên, sáng mắt ra một tý, đồng thời cũng có vài phẩm chất mới được kích hoạt hay không?!

Anh em cứ khắc ghi, chẳng ai đi tìm Sen ở nơi không có Bùn cả, vì sen chỉ nở từ bùn ra mà thôi. Tương tự như anh em đi tìm ‘hạnh phúc’ ở nơi không có ‘đau khổ’ vậy… đó là vô minh. Vì chính ngay đau khổ đấy là lối đi đến hạnh phúc đích thực của anh em. Nên đừng sợ khổ, đừng né khổ. Hãy đón nhận tất cả những gì vũ trụ gửi đến để thử thách anh em, sống trong nó và chuyển hóa nó, chứ đừng tìm cách thoát khỏi nó.

Càng hiểu lẽ đời, hành động thuần thục và dung hòa được với cả khổ đau và sung sướng mà game đời mang tới cho anh em, thì đấy gọi là hiểu Đạo. Còn anh em nào tự nhận mình đã hiểu ‘Đạo’, nhưng bước ra game đời, vẫn lúng túng, vẫn tiêu cực, vẫn tâm phân biệt, vẫn phóng dật đầy đủ thì đó chỉ là cái đạo trong tưởng tượng mà thôi… hoặc chỉ mới sờ tới lớp vỏ.

Nên nói, đời là bể khổ cũng chuẩn, mà nói đời là bể sướng cũng chuẩn luôn… Vì khổ cũng chính là sướng! Cái khổ đó sẽ dẫn anh em đến cái sướng bất diệt, cái an lạc không còn phụ thuộc vào bất kỳ biến số nào khác nữa, hoàn toàn tự tại trong game đời.

Nói đến đây, làm tôi nhớ một câu của văn hào Nga, Dostoievsky, ông bảo rằng: “điều quan trọng nhất của đời người, mà không ai được phép lấy đi, chính là sự đau khổ. Khổ nạn là món quà nhân sinh mà thượng đế ưu ái giành cho nhân loại.” Bởi vì, nếu con người sống trong một môi trường lý tưởng không còn khổ, không còn áp lực, thì tự nhiên sẽ đổ đốn ngay.

Tại sao môi trường càng thuận lợi thì phẩm chất con người càng dễ đi xuống?

Xin trích lại kết quả một thí nghiệm của bác John Calhoun, vào năm 1962, ông muốn nghiên cứu xem, nếu cho một sinh vật sống trong một môi trường vô cùng đầy đủ và thuận lợi, cụ thể là không cần phải lo về vấn đề sinh tồn nữa, tối ngủ, sáng dậy có đồ ăn, vui chơi thoải mái… đại loại thế… thì sau một thời gian thì điều gì sẽ phát sinh?

Chi tiết nguyên thí nghiệm thì rất dài, anh em google thêm, nhưng có thể tóm lược như sau: Ổng thí nghiệm trên chuột, thời gian đầu thì đám chuột cứ ăn rồi đẻ, hết đẻ rồi ăn, nói chung một không gian vô cùng hòa bình và an lạc như thiên đường. Dân số chuột cứ sinh sôi, đồ ăn và mọi thứ tiện nghi được cung cấp đầy đủ. Tưởng chừng mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, thì đến ngày thứ 300, số lượng chuột tăng chững lại và có vài tình huống mới bắt đầu xảy ra:

  • Xuất hiện bạo lực giữa các con chuột với nhau… (nhàn vi cư bất thiện là thế)
  • Bạo lực leo thang… xuất hiện các nhóm chuột ‘đại ka’… rồi nhóm chuột tự kỷ… xã hội chuột lúc đấy bắt đầu phân cấp rõ ràng.
  • Ăn no, ngủ khỏe thời gian quá lâu, sinh ra lười, chỉ lo chăm sóc cơ thể, ăn và ngủ… lười đến mức không muốn đẻ nữa… thậm chí đẻ con ra cũng không chăm con luôn, nên số lượng con sinh ra chết khá nhiều.

Dù trong thí nghiệm, ông John đã thiết kế một không gian sống lý tưởng đầy đủ cho 3,000 con, nhưng cứ đến tầm 2,000 là nó giảm xuống. Cái ghê của thí nghiệm này là ở cuối thí nghiệm… tất cả chuột đều chết hết. Một là do chết già, hai là do bị cắn chết, tỷ lệ chết với sinh không tương xứng, chết nhanh hơn sinh, nên cứ chết từ từ đến số 0. Nghe ớn chưa hả các anh em thiện lành.

Tuy thí nghiệm này chỉ mới dừng ở chuột, một sinh vật với nhóm kỹ năng khá sơ khai, nhưng nếu đổi lại là con người chúng ta thì sao?

Anh em tua lại lịch sử sẽ thấy, ít khi nào chúng ta được sống trong hòa bình được thời gian lâu. Cứ yên thời gian là lại có chiến tranh, tất nhiên chiến tranh ở nhiều hình thái khác nhau. Rất nhiều triều đại tưởng chừng không bao giờ sụp đổ thì cũng không còn nữa.

Chúng ta thì không như chuột, vì chúng ta là sinh vật được Tạo hóa ưu ái hơn nhiều, nên game dành cho chúng ta cũng phức tạp và cao cấp gấp triệu lần so với cái game của chuột ở trên. Tuy nhiên cốt lõi vẫn tương tự… chúng ta sẽ luôn đối đấu với nhau đến chết!

Nên không bao giờ có chuyện trong game đời tương đối này, chúng ta cùng dắt tay nhau đi đến một thế giới bình yên hoàn toàn cả. Chỉ có 1 thứ giúp anh em bình yên thôi, đó là chấp nhận! Chấp nhận, không phải là buông xuôi, mà là biết luật chơi, hiểu sâu sắc quy luật vận hành…

Cứ mỗi lần áp lực, khổ, hay bế tắc, anh em cứ tự nhắc mình, có lẽ mình đang suy nghĩ và hành động gì đó sai sai hay trái ngược lại với quy luật vận hành chung. Từ đó, thay đổi nhận thức và hành vi, đó là cách để anh em làm chủ game đời.

Một game đời không áp lực, không khổ thì anh em chẳng học được gì cả, những phẩm chất ‘thần lực’ trong anh em cũng chẳng bao giờ chạm tới được.

Để huấn luyện 1 con vật, thì người huấn luyện phải cho nó đói đói, nó làm được thì thưởng đồ ăn. Đó là cách con vật trở nên ngoan hiền và thiện lành.

Còn để giáo huấn con người thì tạo hóa phải cho chúng ta khổ khổ, làm được thì cho sướng tý rồi lại cho khổ tiếp! Đó là cơ chế.

Quy chung lại, càng áp lực, thì anh em phải càng trụ lại, vì ngay chính nơi thống khổ đấy, anh em sẽ tìm thấy lối ra. Không cần thay đổi ai cả, thế giới này đã hoàn hảo rồi. Khi nhận ra được điều đó, sống được với nó thì anh em đã chạm đến được ‘Thần lực’ đã có sẵn bên trong mình.

Xem thêm:

    Đăng bởi: Thúy Hoàng

    ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก