Tâm Sự

Hiệu ứng Zeigarnik: vì sao chúng ta chỉ nhớ những thứ dở dang?

Hiệu ứng Zeigarnik sẽ giải thích cho chúng ta biết tại sao có những chuyện ta nhớ rất kỹ, nhưng có những thứ lại rất nhanh quên.

hiệu ứng zeigarnik, khoa học, tâm lý học, hiệu ứng zeigarnik: vì sao chúng ta chỉ nhớ những thứ dở dang?

Hiệu ứng Zeigarnik là gì?

Bluma Zeigarnik là nhà tâm lý học Xô Viết. Bà đã khám phá ra một hiện tượng liên quan đến trí nhớ của con người.

Khi quan sát bồi bàn chỉ nhớ chi tiết các món order của những khách chưa trả tiền (*), Zeigarnik đã quyết định tiến hành một chuỗi thí nghiệm. Ví dụ, bà cho những người tham gia cùng thực hiện từ 18 đến 22 nhiệm vụ như nặn đất sét, giải toán, xếp hình. Một số người được yêu cầu dừng lại khi đang làm dở. Sau đó, Zeigarnik đặt câu hỏi về nhiệm vụ được giao và bà phát hiện những người chưa hoàn thành nhớ tốt hơn 90% những người đã hoàn thành.

Từ đó, hiệu ứng Zeigarnik nhằm giải thích chúng ta có xu hướng nhớ đến những thứ chưa hoàn thiện, chưa kết thúc hơn là những thứ mà chúng ta đã giải quyết xong.

Sau này, hiệu ứng Zeigarnik cũng được tiến hành trong một số thí nghiệm khác. Ví dụ như thí nghiệm của nhà nghiên cứu về trí nhớ John Baddeley vào những năm 1960. Ông cho những người tham gia chơi trò đảo chữ. Khi nhận được đáp án, họ có xu hướng nhớ những chữ mà họ chưa giải được hơn là những chữ mà họ tìm ra. Có lẽ hiệu ứng này cũng giải thích một phần nào đó vì sao cứ thi xong là chữ thầy trả thầy nhỉ.

Bên cạnh đó, Zeigarnik cũng lưu ý không phải lúc nào chúng ta cũng đều nhớ những thứ dở dang. Vẫn có một số yếu tố khác tác động đến trí nhớ của chúng ta như thời gian ngắt quãng giữa các nhiệm vụ, động lực hoàn thành công việc, mong muốn đạt được thành công, độ khó của nhiệm vụ, tình trạng thể chất và tâm lý khi thực hiện, v.v… Điều đó cũng giải thích vì sao một số thí nghiệm liên quan đến hiệu ứng Zeigarnik gặp thất bại.

Ứng dụng hiệu ứng Zeigarnik vào cuộc sống

Dựa vào hiệu ứng Zeigarnik, chúng ta có thể áp dụng khéo léo vào trong cuộc sống hàng ngày:

– Các tập của phim truyền hình thường dừng đúng chỗ để người xem nhớ chi tiết dở dang của bộ phim. Muốn người đọc nhớ nội dung truyện qua các chương, tác giả sẽ biết điểm dừng và đế thêm “muốn biết sự thể thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ”.

– Thay vì chờ đến trước ngày thi mới cắm đầu vào học, hãy chia nhỏ kiến thức và bài tập để ôn mỗi ngày. Như vậy, kiến thức sẽ chuyển từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn.

– Trong công việc, biết cách chia nhỏ đầu việc sẽ làm bạn luôn nghĩ về nó, tìm thêm cách giải quyết, sửa chữa, bổ sung và bớt trì hoãn.

Cá nhân mình nghĩ dù đã hoàn thành xong thì cứ cách một thời gian, mình vẫn cần xem lại. Học xong mà lâu lâu không mở sổ ra xem thì đúng là chữ thầy trả thầy rồi. Với cả, đây còn gọi là “ôn cố trí tân”, nghĩa là xem lại những điều cũ để biết thêm điều mới.

(*) Việc quan sát bồi bàn, có trang ghi là Zeigarnik ghi chép lại, có trang ghi là Zeigarnik đọc được từ ghi chép của giáo viên sau đó mới tiến hành thí nghiệm.

Đăng bởi: Quỳnh Đặng

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก