Lễ Hội Tây Ninh

Tây Ninh có lễ hội gì?

Nằm ở phía tây nam của vùng Đông Nam Bộ, đóng vai trò là cửa ngõ giao lưu quan trọng giữa Việt Nam và nước bạn Cam-pu-chia, Tây Ninh vốn được biết đến là vùng đất của văn hóa và tôn giáo với nhiều điểm đến mang dấu ấn tín ngưỡng đặc sắc. Tây Ninh có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Tây Ninh mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Hội yến Diêu Trì cung – Tây Ninh

Hội yến Diêu Trì cung có xuất xứ xa xưa, theo một tích cổ Trung Hoa, nói về việc vua Hán Vũ Đế tiếp đón đức Phật Mẫu trong đêm rằm tháng 8, sau được đạo Cao Đài đón nhận, nâng cao thành một phần quan trọng trong giáo lý và nghi lễ.

tây ninh có lễ hội gì?

Hội yến Diêu Trì cung – Tây Ninh

Nếu như phần lễ mang tính thiêng liêng, trầm mặc thì phần hội biểu hiện chính ở trong đám rước cộ bông Phật Mẫu lại phóng khoáng và hồn nhiên, gần gũi với tín ngưỡng dân gian, dễ tiếp nhận đối với tâm hồn mộc mạc của người dân Nam bộ.

Đạo Cao Đài Tây Ninh, một năm có hai kỳ đại lễ là lễ vía đức Chí tôn ngày 9 tháng Giêng và Hội yến Diêu Trì ngày 15 tháng 8 âm lịch. Xem ra, lễ Hội yến có sức hút mạnh hơn và người đến dự cũng đông hơn. Phải chăng Hội yến là dành để tôn vinh Phật Mẫu, gần gũi với tập tục thờ Mẫu trong tín ngưỡng dân gian người Việt? Nếu như nghi thức Hội yến vào lúc nửa đêm nặng về phần lễ thì nghi thức đám rước cộ bông Phật Mẫu vào lúc 19 giờ lại thiên về phần hội nhiều hơn. Trăng rằm chưa kịp lên hàng ngàn người đã nêm chặt vòng quanh sân Đại Đồng Xã để xem đám rước. Rồi cũng tới lúc đoàn rước cộ hiện ra với cờ phướn, biểu tượng, lọng đỏ tàn vàng. Đèn nến lung linh. Dàn nhạc lễ ngân lên réo rắt. Có cả nhạc dân tộc với chiêng và trống Xa-dăm Khmer. Chững chạc chức sắc áo dài khăn đóng. Long lanh hạt cườm trên trang phục Tà Mun. Và cộ Mẫu hiện ra giữa hai hàng đồng nhi áo dài tha thướt. Rồi đoàn múa tứ linh tưng bừng trong tiếng trống, tiếng chiêng trong chập chờn ánh sáng đuốc đèn. Đám rước cứ thế mà đi vòng quanh sân giữa những háo hức mắt nhìn và những tiếng trầm trồ thán phục.

Nghi lễ chính bắt đầu vào lúc 22 giờ và kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ. Sau đám cúng đức Phật Mẫu lúc 18 giờ, người ta mới sắp đặt bàn ghế, dùng cho Hội yến trong nội điện của Báo Ân Từ. Ở giữa, trước bàn thờ Phật Mẫu và sau bàn nội nghi là một chiếc bàn dài, trên phủ khăn trắng thêu hoa, chung quanh là 9 ghế dựa có bọc nệm, thứ tự tính theo ngược chiều kim đồng hồ. Phía đầu bàn, ngoảnh vào trong bàn thờ là 3 cái ghế khác kiểu. Theo quan niệm của đạo Cao Đài, 9 ghế là dành cho cửu vị tiên nương, còn 3 ghế khác kiểu là dành cho 3 vị: đức Hộ Pháp, đức Thượng Phẩm và đức Thượng Sanh. Trên bàn, trước mỗi ghế đều có đặt một bình hoa tươi, một ly để rót rượu và một tách để dâng trà. Trên bàn thờ cũng đặt 3 món như vậy. Hoa, rượu, trà, theo quan niệm của đạo chính là tam bửu- tượng trưng cho Tinh, Khí, Thần của con người để dâng lên Phật Mẫu.

tây ninh có lễ hội gì?

Hội yến Diêu Trì cung – Tây Ninh

Không như các đàn cúng bên đền thánh, chức sắc tín đồ đạo Cao Đài tham dự lễ cúng trong Hội yến tất cả đều mặc đạo phục màu trắng, bởi họ quan niệm tất cả đều là con của Mẹ (Phật Mẫu). Với Mẹ, họ như nhau.

Đúng 22 giờ, các chức sắc Hiệp Thiên Đài tiến vào chính điện, bái lễ cầu nguyện, thỉnh đức Phật Mẫu và cửu vị tiên nương về chứng lễ, sau đó trở lại phía bàn nội nghi. Một vị chức sắc cao cấp nhất của Hiệp Thiên Đài, nay là Phó hội trưởng Hội đồng Chưởng quản đi lên, nâng lư trầm đang nghi ngút khói hương lên xá, rồi đem xuống xông hương trên từng chiếc ghế quanh bàn Hội yến. Thế rồi ban nhạc bắt đầu trổi lên những thanh âm hòa tấu các bài cổ nhạc gồm 5 bản – gọi là nhạc tấu quân thiên.

Xong phần tấu nhạc là tới phần hiến lễ, dâng tam bửu. Ở mỗi tuần dâng, các giáo nhi đều hát đủ 13 bài thài. Mỗi bài là một bài thơ làm theo lối song thất lục bát, tứ tuyệt hoặc thất ngôn bát cú. Trong ánh đèn nến lung linh, giữa hương trầm và hương hoa thơm ngát là những gương mặt thành kính. Hội yến cứ thế diễn ra cho đến nửa đêm.

Hội yến Diêu Trì cung có xuất xứ xa xưa, theo một tích cổ Trung Hoa, nói về việc vua Hán Vũ Đế tiếp đón đức Phật Mẫu trong đêm rằm tháng 8, sau được đạo Cao Đài đón nhận, nâng cao thành một phần quan trọng trong giáo lý và nghi lễ. Nếu như phần lễ mang tính thiêng liêng, trầm mặc thì phần hội biểu hiện chính ở trong đám rước cộ bông Phật Mẫu lại phóng khoáng và hồn nhiên, gần gũi với tín ngưỡng dân gian, dễ tiếp nhận đối với tâm hồn mộc mạc của người dân Nam bộ.

Tôn nghiêm Đại lễ vía Đức Chí Tôn – Tây Ninh

Vốn là mảnh đất khởi sinh ra đạo Cao Đài, Tây Ninh từ lâu đã trở thành thánh địa của hàng vạn tín đồ trên cả nước. Hàng năm, cứ nhằm ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch, Đại lễ vía Đức Chí Tôn lại được tổ chức tại nội ô Tòa thánh Tây Ninh (xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành) thu hút một lượng cực lớn người tham gia. Đây cũng là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất trong tín ngưỡng bản địa.

tây ninh có lễ hội gì?

Tôn nghiêm Đại lễ vía Đức Chí Tôn – Tây Ninh

Các tín đồ đạo Cao Đài quan niệm rằng, Đức Chí Tôn là Thượng đế, đấng tạo hóa sinh ra vạn vật trong vũ trụ. Đại lễ vía Đức Chí Tôn là dịp để ôn lại truyền thống, nhắc nhở các tín đồ về công ơn của đấng sinh thành và cùng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Trong trang phục áo dài truyền thống, các tín đồ đạo Cao Đài thành kính dâng hương, cầu kinh. Sau đó, không khí lễ hội rực rỡ sắc màu với những màn thi đấu võ thuật dân tộc, trò chơi dân gian, điệu múa dân tộc… tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng sôi động, ấn tượng.

Đặc biệt, ngoài trải nghiệm lễ hội, chuyến hành hương về “đất thánh” còn là dịp để khám phá Tòa thánh Cao Đài – một công trình kiến trúc tôn giáo nguy nga, độc đáo bậc nhất ở Nam Bộ.

tây ninh có lễ hội gì?

Tôn nghiêm Đại lễ vía Đức Chí Tôn – Tây Ninh

Đạo Cao Đài vốn là một tôn giáo có sự dung hợp của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Đạo giáo, Kitô giáo… Bởi thế, công trình có sự giao thoa của nhiều trường phái kiến trúc Á-Âu nhưng vẫn toát lên vẻ huyền bí phương Đông với những dấu ấn khác biệt đặc trưng.

Tòa thánh được xây dựng bằng bê tông cốt tre với khoảng 100 hạng mục lớn nhỏ. Bên trong tòa thánh, phần trần được chia thành 9 khuông xanh lơ với những đám mây trắng nhẹ bay, tượng trưng cho 9 tầng trời trong đạo Phật. Trong khi đó, họa tiết rồng quen thuộc cũng xuất hiện nhưng không bay lên trời như thường thấy, mà từ trên cao hạ mình xuống thấp, ngự trên tòa sen để phù độ chúng sinh.

Đáng ngạc nhiên hơn, công trình bề thế này không phải do những kiến trúc sư tài ba xây dựng, mà do chính người dân và chức sắc Cao Đài tạo nên. Không có bất cứ một bản vẽ nào trước, những người thợ vừa xây đắp vừa mường tượng về không gian tiếp theo.

Lễ vía Bà – Tây Ninh

Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm, mang đậm sắc màu văn hóa bản địa của vùng đất phương Nam trù phú. Lễ hội vía Bà diễn ra từ ngày mùng 4 – 6 tháng Năm âm lịch hàng năm tại Linh Sơn Tiên Thạch Tự, tọa lạc giữa lưng chừng núi. Nơi đây quần tụ những ngôi chùa cổ nhất Tây Ninh như chùa Bà, chùa Hang, chùa Trung…

tây ninh có lễ hội gì?

Lễ vía Bà – Tây Ninh

Lễ hội gắn với những huyền tích kỳ bí về vị Linh Sơn Thánh Mẫu trên non thiêng Bà Đen, thể hiện rõ những đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu nơi miền Đông Nam Bộ. Sự kết hợp hài hòa giữa những nghi thức Phật giáo truyền thống và tín ngưỡng, nghi lễ dân gian mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Nếu chưa từng thưởng thức hát bóng rỗi chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài địa nàng, múa dâng bông…, bạn hãy đến núi Bà vào mùng 4 tháng Năm âm lịch. Sau đó, mùng 5 tháng Năm là ngày lễ vía chính thức. Ni trưởng, các ni sư và Phật tử thập phương hoan hỉ thực hiện những nghi thức truyền thống lễ tắm Bà và thay áo mão, lễ hưng tác cung thỉnh Thành hoàng Bổn Cảnh, lễ niệm hương, lễ nghinh Thần, lễ vía… Lễ vật dâng Bà thường gồm hương, đèn, hoa trái, bánh, trà, rượu… Việc cúng cô hồn được thực hiện trong ngày cuối cùng – mùng 6 tháng Năm âm lịch.

tây ninh có lễ hội gì?

Lễ vía Bà – Tây Ninh

Cùng với đó, nhiều hoạt động trống hội, múa sen… đặc sắc cũng được tổ chức tại khu vực ga đi cáp treo Bà Đen và khu vực đỉnh, mang đến cho du khách chuyến hành hương nhiều cảm xúc.

Với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc biệt, riêng có, năm 2018, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài ra, Núi Bà Đen tại Tây Ninh còn là điểm hẹn của đông đảo du khách, Phật tử bốn phương vào các mùng một, 15 âm lịch. Rằm trung thu năm nay, Núi Bà Đen hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn với cảnh quan mới mẻ, căng tràn nhựa sống và không khí Trung thu tưng bừng.

Hội xuân núi Bà Đen – Tây Ninh

Hội xuân núi Bà Đen được diễn ra tại khu di tích danh thắng núi Bà Đen, thuộc phường Ninh Sơn, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 11km về phía tây Bắc, cũng là một lễ hội Tây Ninh quan trọng mà bạn không nên bỏ qua.

tây ninh có lễ hội gì?

Hội xuân núi Bà Đen – Tây Ninh

Mặc dù ngày hội chỉ diễn ra vào đêm 18 và kéo dài đến hết ngày 19 tháng Giêng nhưng trong suốt cả tháng 1 và tháng 2 âm lịch thì núi Bà lúc nào cũng đắm chìm trong khung cảnh đông vui, nhộn nhịp của đoàn khách thập phương tấp nập kéo về.

Muốn trẩy hội xuân núi Bà thì du khách phải dùng chính sức mình chinh phục ngọn núi – nóc nhà Nam Bộ, để thể hiện lòng thành kính. Rồi trong quá trình di chuyển, du khách có thể ghé vào thăm đền Linh Sơn Thánh Mẫu nằm lưng chừng núi, hoặc ngôi miếu Sơn Thần ngay gần đỉnh núi để dâng hương lễ Thần bái Phật.

Núi Bà Đen được xem là chốn tâm linh rất linh thiêng, vì vậy, du khách hành hương khi đến đây cúng bái thường hoan hỉ xin về những gói giấy đỏ bọc một nhúm gạo hoặc tiền lẻ bên trong tượng trưng cho nhận lộc Bà đầu năm, với hy vọng một năm làm ăn suôn sẻ, phát lộc, phát tài…

tây ninh có lễ hội gì?

Hội xuân núi Bà Đen – Tây Ninh

Không chỉ có các nghi thức trang nghiêm của Phật giáo, lễ hội Tây Ninh này còn hấp dẫn du khách bởi các hoạt động văn hóa dân gian vui tươi, đặc sắc như ca hát, múa lân…Vậy nên, những người về đây với mong muốn hòa chung niềm vui của đất trời cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ đâu nhé.

Hơn nữa, khi tham gia hội xuân núi Bà Đen, du khách sẽ được đắm chìm vào khung cảnh thiên niên tươi trẻ, rực rỡ sắc xuân cùng những đám mây trắng bồng bềnh đẹp tựa chốn thần tiên, xa xa là vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của hồ Dầu Tiếng – công trình thủy lợi đẹp và lớn nhất nhì Việt Nam, ôi, còn gì tuyệt vời hơn nữa đây.

Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Tây Ninh mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Tây Ninh có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Tây Ninh vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.

Đăng bởi: Thảo Thảo

YOLO! Khám phá các huyện ở Tây Ninh

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก