Lễ Hội Nghệ An

Nghệ An có lễ hội gì?

Nghệ An vốn là vùng đất cổ với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, mảnh đất Nghệ An có hàng chục lễ hội trải dài từ miền xuôi lên miền ngược. Đây là dịp để người dân gửi gắm ước nguyện tâm linh và vui chơi giải trí, cũng là dịp du khách gần xa đến đây khám phá những nét đẹp mang đậm văn tính bản sắc dân tộc. Nghệ An có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Nghệ An mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Lễ hội Đền – Chùa Gám – Nghệ An

Đền – Chùa Gám nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh sinh thái rú Gám – một trong những công trình tín ngưỡng tôn giáo mang tính độc đáo. Di tích còn có tên gọi là Đền – chùa Xuân Nguyên vì hiện nay di tích thuộc làng Xuân Nguyên, xã Xuân Thành. Ngoài ra, di tích đền Gám được xem là lớn nhất vùng Kẻ Gám nên còn có tên gọi là đền Cả, còn chùa Gám có tên chữ là Chí Linh Tự.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội Đền – Chùa Gám – Nghệ An

Đền Gám được nhân dân xây dựng vào giao đoạn cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, là nơi thờ các vị nhân thần, nhiên thần có công “ Hộ quốc tý dân ”, được nhân dân lập đền thờ cở nhiều nơi trên đất nước như Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Tứ vị Thánh nương… Chùa Gám là công trình kiến trúc tôn giáo, được nhân dân xây dựng để thờ Phật Thích ca mâu ni, Tam Thế, Quan thế âm. Từ khi xây dựng đến nay, di tích đã gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân làng Xuân Nguyên. Hàng năm, từ ngày 13-15/2 âm lịch, địa phương tổ chức lễ hội truyền thống, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của quê hương, đồng thời đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.

Năm nay lễ hội tổ chức theo quy mô cấp xã. Ở phần Lễ có các nội dung: Lễ Khai Quang, Lễ rước, Tân lễ, Lễ Yết Cáo, Lễ Đại Tế, Lễ Tạ. Song song với phần lễ là phần hội. Năm nay, phần hội diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như: Biểu diễn chèo tuồng; giải bóng chuyền nam; biểu diễn võ Nhất Nam,…Cùng với đó là các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy; cờ thẻ; bịt mắt đập niêu đất và bắt heo… Thông qua lễ hội, nhân dân và du khách thập phương có dịp tập trung viếng thăm đền chùa, gặp gỡ giao lưu, tham gia các sinh hoạt văn hoá hướng về nguồn cội.

Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào – Nghệ An

Nhiều nét mới đặc sắc được diễn ra trong lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào ược tổ chức vào ngày 20, 21, 22 tháng Giêng âm lịch.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào – Nghệ An

Khác với những năm trước, năm nay tại đền Vạn – Cửa Rào UBND huyện Tương Dương không tổ chức cắm trại mà thay vào đó cho dựng 6 ngôi nhà tượng trưng cho 6 dân tộc sinh sống trên địa bàn: Kinh, Mông, Thái, Khơ mú, Ơ Đu và Tày Poọng. Đặc biệt trong phần hội, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm với các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, đi cà kheo…và những người đạt thành tích sẽ có một phần thưởng nhỏ nhỏ động viên.

Đến với lễ hội đền Vạn năm nay, nhân dân và du khách được chiêm bái ngôi đền mới được phục dựng khang trang nhưng cũng không kém phần thâm nghiêm cổ kính được toả bóng mát dưới tán cây Đa di sản 700 năm tuổi… Lễ hội đền Vạn – Cửa Rào vốn nổi tiếng linh thiêng thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự trong dịp đầu xuân.

Lễ hội Đền Đức Hoàng – Nghệ An

Đền Đức Hoàng (xã Phúc Thành, huyện Yên Thành) được xây dựng trên vị trí đắc địa, có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đền được ví là một trong “Đông Thành bát cảnh” (tám cảnh đẹp nhất đất Đông Thành) bởi phong thủy uy nghi, cổ kính bao quanh. Đền được xây dựng từ thời nhà Trần để thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn. Tương truyền, Hoàng Tá Thốn vốn là một chàng trai thông minh, tuấn tú, có tài bơi lội. Khi nước nhà bị quân Nguyên Mông xâm lược, Hoàng Tá Thốn nghe theo tiếng gọi của triều đình lên đường đi đánh giặc. Ông đã được tiến cử lên gặp Hưng Đạo Vương và được Hưng Đạo Vương truyền cho vào đội quân thủy thiện chiến và còn chiêu ông về làm nội gia đồng tử và huấn luyện thêm về binh thư, binh pháp. Cuối năm 1287, khi giặc Nguyên Mông trở lại mở cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ 3, Hoàng Tá Thốn được giao thống lĩnh hàng vạn thủy binh và tàu thuyền; nhờ sử dụng chiến thuật tài tình, ông đã chỉ huy đội quân phục kích đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Với chiến tích lẫy lừng đó, ông được nhà Vua phong “Sát Hải chàng lai Đại tướng quân” và giao nhiệm vụ thống lĩnh quân đội phòng giữ vùng duyên hải.

Thế nhưng, trong một lần đi tuần thủ đường biển Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa, không may ông bị lâm bệnh rồi đột ngột qua đời. Triều đình sau khi nghe tin đã vô cùng thương tiếc, cho thuyền rồng chở linh cữu ông về an táng và lập đền thờ tại quê nhà; đồng thời truy phong cho ông tước hiệu “Trung dũng bảo dực trung hưng hộ quốc tỉ dân Sát Hải Đại tướng quân Thiên Bồng Nguyên soái chi thần” và ra sắc lệnh cho nhiều địa phương cùng lập đền thờ ông. Đền được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 95/QĐ-BVHTT ngày 24/1/1998.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội Đền Đức Hoàng – Nghệ An

Lễ hội Đền Đức Hoàng năm nay diễn ra trong 4 ngày, bắt đầu từ ngày 28 tháng Giêng đến ngày 2 tháng 2 âm lịch với nhiều hoạt động đậm bản sắc văn hóa vùng, an toàn, tiết kiệm, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương tham gia. Về với Lễ hội Đền Đức Hoàng, du khách còn được tham quan đền thờ Trần Đăng Dinh, đền Đình Hương, đền Cả, đền Đệ Tam, đền Quang, đền Lèn, đền Vũ Kỳ, mộ Mạc Phúc Thanh, chùa Thiên Tảo; sinh thái Quả Nài nằm giữa đồng quê có rừng nguyên sinh…

Lễ hội đền Bạch Mã – Nghệ An

Đền Bạch Mã, nơi thờ thần Phan Đà, vị tướng trẻ lập công lớn trong kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV. Theo truyền thuyết Phan Đà sinh ra trong một gia đình sống bằng nghề chài lưới ven sông Lam, ở thôn Chí Linh, xã Võ Liệt, huyện Thổ Du (nay là thôn Khai Tiến, huyện Thanh Chương) . Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn, Phan Đà đã đem lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân và cùng dân binh Võ Liệt tham gia nhiều trận chiến. Trong một lần bị phục kích, ngài bị thương nặng và tạ thế tại Công Trung, Lai Thành ( nay là thôn Trung Thành, xã Thanh Long ). Sau khi mất, thần rất linh ứng, đã cứu giúp nhân dân ra khỏi thiên tai, dịch bệnh và phù trợ các triều vua, tướng lính đánh thắng kẻ thù.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao của ngài đã cấp tiền của, giao cho dân làng Võ Liệt dựng ngôi đền bề thế tòng tiền phụng sự. Đồng thời ban sắc phong thần “ Đô thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần ”. Về sau, các triều đại phong kiến gia phong “ Thượng – thượng – thượng đẳng tối linh thần ”.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội đền Bạch Mã – Nghệ An

Tưởng nhớ công lao to lớn của thần với dân với nước. Hàng năm, lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 8 – 10 tháng 2 âm lịch. Lễ hội đền Bạch Mã  thu hút nhân dân và du khách thập phương đến thăm viếng, chiêm bái tưởng nhớ công đức của “ Thần Bạch Mã ” và cùng tham gia các trò chơi truyền thống tại đền, như bóng đá, bóng chuyền, vật cù, đập niêu… Đặc biệt còn có phần thi xướng hoạ, bình thơ về thần Bạch Mã.

Lễ hội Đền Hoàng Mười – Nghệ An

Hàng năm, vào tháng 10 âm lịch, nhân dân và du khách thập phương khắp cả nước lại nô nức hành hương về làm lễ tạ và tham dự lễ hội Đền Hoàng Mười từ ngày 09 đến 10 tháng 10 âm lịch.

Ông Hoàng Mười là một “Đức Thánh Minh” trong hàng các ông quan Hoàng của tín ngưỡng Đạo Mẫu, được nhiều người ngưỡng mộ và được thờ ở nhiều địa phương trong nước. Ông được giao cai quản về tâm linh – trấn giữ một vùng non nước dọc sông Lam, nên những nơi thờ Tứ Phủ theo Đạo Mẫu Nghệ An đều thờ ông, nhưng chỉ là phối thờ. Còn đền thờ chính ông Hoàng Mười có tên gọi là đền Xuân Am (hay Mỏ Hạc Linh Từ), tọa lạc ở xã Hưng Thịnh – Hưng Nguyên.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội Đền Hoàng Mười – Nghệ An

Lễ hội Quan Hoàng Mười gồm có 02 phần. Phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng với đầy đủ các nội dung như: Lễ Khai quang, Yết cáo, Lễ rước, Đại tế và Lễ tạ. Phần hội luôn luôn được đổi mới bằng nhiều hoạt động thể thao hấp dẫn, sôi nổi, thu hút sự tham gia và chú ý của đông đảo quần chúng nhân dân, du khách như đua thuyền, bóng chuyền nam và các trò chơi dân gian. Đặc biệt lễ hội Đền Hoàng Mười được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đây là niềm vinh dự của huyện Hưng Nguyên nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng.

Lễ hội Bươn Xao – lễ hội Trăng tròn – Nghệ An

Trong 3 ngày tức ngày từ ngày 18 – 20/08 âm lịch hàng năm tại xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ tổ chức lễ hội Bươn Xao – lễ hội Trăng tròn được đánh giá là lễ hội có nhiều điểm độc đáo, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham dự.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội Bươn Xao – lễ hội Trăng tròn – Nghệ An

Lễ hội Bươn Xao (tiếng Thái gọi là ngày hai mươi), đây là dịp để nhân dân xã Tiên Kỳ nói riêng và huyện Tân Kỳ nói chung tưởng nhớ công lao to lớn của vua Lê Lợi và tướng sỹ cùng các bậc tiền nhân tham gia đánh đuổi nhà Minh xâm lược, đem lại nền độc lập, thái bình, thịnh trị cho nước ta.

Tương truyền, cách đây 595 năm về trước đây là nơi nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi làm chủ tướng chọn làm hậu phương chiến lược chuẩn bị cho các trận đánh mang tính quyết định. Đến với lễ hội Bươn Xao du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cùng các trò chơi dân gian đặc trưng của miền Tây xứ Nghệ.

Lễ hội Đền Cửa – Nghệ An

Đền Cửa thuộc xóm Khánh Đền, xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc là di tích lịch sử cấp tỉnh được xếp hạng năm 2009. Hàng năm cứ đến ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, du khách thập phương và nhân dân trong vùng lại về tại đền Cửa để tham dự lễ giỗ Mẫu, phần lễ diễn ra với các nghi thức như lễ khai quang, lễ yết cáo và lễ đại tế.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội Đền Cửa – Nghệ An

Ngoài hoạt động tế lễ tại đền Cửa còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như chơi cờ tướng, kéo co, bóng chuyền và thi diễn văn nghệ giữa các xóm của xã Nghi Khánh thu hút đông đảo du khách và nhân dân tham dự.

Lễ hội Làng Vạc – Nghệ An

Hàng năm, như đã thành thông lệ, nhân dân khắp nơi trong vùng Phủ Quỳ lại được dịp hội tụ về Thị xã Thái Hòa để nô nức trẩy hội Làng Vạc. Lễ hội Làng Vạc diễn ra trong 03 ngày từ ngày 09,10,11 tháng 03 âm lịch hàng năm) .

Làng Vạc là di chỉ khảo cổ học được các nhà khảo cổ học phát hiện và tiến hành khai quật trong những năm 1972,1973, 1980,1981, 1990, với diện tích khai quật gần 1000m 2 , đến nay số lượng hiện vật thu được tăng lên 6.000 hiện vật.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội Làng Vạc – Nghệ An

Trong lễ hội Làng Vạc gồm có 02 phần: Phần lễ được mở màn với nét đẹp truyền thống là rước Vạc chín quai và lễ tế thần tại đền làng Vạc để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Phần hội diễn ra nhộn nhịp với các trò chơi dân gian như: cồng chiêng, kéo co, ném còn, cờ thẻ, đẩy gậy…, xen kẽ với các trò chơi mới nhằm tăng tính đa dạng, phong phú cho lễ hội như: thi văn nghệ, thi người đẹp, ẩm thực, bóng chuyền… mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo nhân dân và đồng bào các dân tộc tham gia.

Lễ hội Làng Vạc trở thành một nét văn hóa tốt đẹp, là dịp để đồng bào các dân tộc trên đất Phủ Quỳ hội tụ, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, hướng về với cội nguồn, giáo dục ý thức bảo vệ giữ gìn di tích, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử truyền thống mà ông cha ta để lại.

Lễ hội đền Thanh Liệt – Nghệ An

Lễ hội đền Thanh Liệt hay còn gọi là lễ hội rước hến, đây là tập tục lâu đời làng Thanh Liệt, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Lễ hội mang tính chất cầu ngư giàu bản sắc vùng miền, đã gắn bó từ lâu đời của cư dân sông nước nơi hạ nguồn sông Lam.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội đền Thanh Liệt – Nghệ An

Lễ hội đền Thanh Liệt được tổ chức từ ngày mồng 04 – 06 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đặc biệt năm nay, bên cạnh phần lễ hội truyền thống còn diễn ra lễ công bố Quyết định công nhận Lễ hội đền Thanh Liệt là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Phần lễ năm nay gồm: Khai quang, yết cáo, lễ rước trên sông, đại tế, lễ tế thần và lễ tạ. Ngoài ra, lễ hội Đền Thanh Liệt còn tổ chức 01 số môn thể thao và trò chơi dân gian như: Bóng chuyền, đua thuyền, nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu…

Lễ hội Đền Cờn – Nghệ An

Đền Cờn thuộc là một trong 4 ngôi đền cổ xưa và linh thiêng nhất xứ Nghệ. Mùa lễ hội đền Cờn hàng năm được tổ chức vào các ngày 19, 20, 21 tháng Giêng Âm lịch, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự.

Đây đã là một lễ hội truyền thống thuộc loại cổ xưa nhất của xứ Nghệ, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự. Lễ hội mang đậm nét văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của người dân biển Quỳnh. Đền Cờn tọa lạc trên gò Diệc, bên bờ Mai Giang, sát cửa biển Lạch Cờn thuộc làng Phương Cần, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội Đền Cờn – Nghệ An

Trước đây, lễ hội Đền Cờn được nhân dân tổ chức hàng năm cầu mong một năm trời yên, biển lặng, đánh bắt nhiều hải sản, cầu lộc, cầu yên; là một sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm sắc thái địa phương của các làng ven biển ở Quỳnh Lưu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, lễ hội không được tổ chức và đến năm 1999 mới được phục hồi. Với những giá trị to lớn đó, ngày 29/1/1993 Bộ Văn hóa – Thông Tin (nay là Bộ VHTTDL) ra Quyết định số: 68/QĐ – BVHTT công nhận đền Cờn là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia, đi kèm với đó nhiều hạng mục của đền được tái tạo và khôi phục lại khang trang thêm.

Năm 2013, thị xã Hoàng Mai được thành lập, đền Cờn, xã Quỳnh Phương theo quyết định của Chính phủ nằm trong địa giới hành chính của thị xã. Mặc dù thị xã Hoàng Mai vừa được thành lập và trải qua đợt lũ lụt lịch sử với nhiều tổn thất, khó khăn, tuy nhiên, với sự cố gắng, quyết tâm của lãnh đạo thị xã, người dân, Lễ hội Đền Cờn năm nay vẫn được duy trì, tổ chức với những trò chơi mới, đặc sắc và hoành tráng. Theo chủ trương của thị xã Hoàng Mai: Lễ hội Đền Cờn vẫn là một lễ hội nông nghiệp, chủ yếu là cầu ngư và với việc tổ chức các hoạt động sôi nổi, hướng tới bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cũng như tạo điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch, mời gọi du khách về tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các điểm du lịch biển.

Lễ hội đền Nguyễn Xí – Nghệ An

Đền thờ Nguyễn Xí, thuộc xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An – là một ngôi đền cổ, quy mô, có giá trị kiến trúc, được xây dựng cách ngày nay 547 năm. Trải qua bao nhiêu biến cố thời gian, lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được các giá trị kiến trúc cổ.

Đền là nơi thờ tự Nguyễn Xí một danh tướng thời Lê. Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) ở làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, ( nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ) . Ông là người có công lớn trong việc đánh tan quân Minh, giúp vua Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, là một trong những vị khai quốc công thần triều Lê. Một điều đặc biệt, trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Xí đã phụng sự 4 triều đại vua Lê: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng của triều đình lúc bấy giờ.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội đền Nguyễn Xí – Nghệ An

Lễ hội Nguyễn Xí được diễn ra trong thời gian 03 ngày, từ ngày 28 tháng Giêng đến ngày 01/02 hàng năm. Lễ hội được được diễn ra 02 phần: Phần lễ truyền thống gồm: Lễ Khai quang, lễ Rước, lễ Yết cáo và lễ Đại tế. Phần hội tổ chức thi đấu các môn thể thao và trò chơi dân gian: Cắm trại, bóng chuyền nữ, đánh cờ người, trình diễn vở ca kịch “Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí”…

Lễ hội Hang Bua – Nghệ An

Hang Bua (Thẳm Bua) nằm trong dãy núi Phà Én, thuộc bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Đây là di tích lịch sử, danh thắng có nguồn gốc lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành bản mường của đồng bào Thái ở mường Chiềng Ngam nói riêng và Quỳ Châu nói chung.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội Hang Bua – Nghệ An

Lễ hội Hang Bua  diễn ra từ ngày 20, 21, 22 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội có hai phần gồm phần lễ tâm linh (diễn ra tại đền Chiêng Ngam) và phần hội (diễn ra tại sân Hang Bua) .

Lễ hội được tổ chức theo phong tục của đồng bào Thái, luôn đảm bảo tính trang nghiêm, an toàn tiết kiệm. Đến với Hang Bua ngày lễ hội, hàng vạn du khách đã được thưởng ngoạn những cảnh đẹp thơ mộng và thực sự được sống cùng những thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hóa độc đáo của cư dân đã và đang sinh sống ở vùng đất này thông qua các hoạt động tâm linh, hoạt động văn hóa đặc sắc mang tính truyền thống, riêng biệt của đồng bào Thái như dân ca, dân nhạc, dân vũ, các môn thể thao, trò chơi dân gian, ẩm thực…

Lễ Hội Đền Quả Sơn – Nghệ An

Đền Quả Sơn là một trong đệ tứ danh thiêng của xứ Nghệ “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Hàng năm, vào ngày 18 – 20 tháng Giêng (âm lịch), nhân dân huyện Đô Lương và du khách thập phương lại nô nức trẩy hội Đền Quả Sơn – lễ hội truyền thống tưởng nhớ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Đền Quả Sơn tọa lạc dưới chân núi Quả, nay thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương. Nổi tiếng bởi giá trị nghệ thuật, quy mô lớn, ngôi đền có tuổi thọ gần một nghìn năm nổi tiếng linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ này là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – Tri châu Nghệ An, người có công lao to lớn xây dựng quê hương xứ Nghệ và mở mang, bảo vệ bờ cõi cho quốc gia Đại Việt dưới triều đại nhà Lý.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ Hội Đền Quả Sơn – Nghệ An

Về với lễ hội Đền Quả Sơn, mỗi người sẽ được sống không gian linh thiêng và tham gia các hoạt động lễ hội mang đặc trưng của vùng đất “địa linh”. Bên cạnh nghi thức tế lễ cổ truyền (lễ cúng thủy thần, lễ xuất thuyền, lễ hạ thủy, lễ yết cáo, lễ xuất thần, lễ chiêu nghinh thánh giá hồi cung), nét đặc sắc của lễ hội là lễ rước ngài lên tạ ơn Bà Bụt ở Chùa Bà Bụt (cách đền 4 km về phía Tây thuộc xã Lam Sơn). Tương truyền, Bà Bụt là người thường xuyên linh ứng phù giúp Lý Nhật Quang trong việc kinh bang tế thế.

Năm nay, các hoạt động văn hóa, thể thao trong khuôn khổ lễ hội diễn ra từ ngày 16 tháng Giêng âm lịch, sôi nổi, phong phú hơn, như: giải bóng chuyền nữ, bóng chuyền nam, trò chơi dân gian (giải vật truyền thống, đẩy gậy, bắt vịt, bắt lợn, đi cầu khỉ); hát diễn xướng, giao lưu dân ca, đêm hội hoa đăng trên sông Lam… Trong không gian lễ hội còn tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, đặc sản Đô Lương, trưng bày ảnh truyền thống của các kỳ lễ hội.

Lễ hội đền Phu Nhạ Thầu – Nghệ An

Lễ hội đền Phu Nhạ Thầu được tổ chức vào 3 ngày từ ngày 22 – 25 tháng giêng âm lịch đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách gần xa về trẩy hội.

Di tích được xây dựng trên núi Phu Nhạ Thầu, thuộc bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Lễ hội được tổ chức vào dịp mùa xuân với ý nghĩa tạ ơn Mẫu Thượng Ngàn và tướng quân Đoàn Những Hài, những vị thần đã luôn phù hộ độ trì cho dân bản để mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội đền Phu Nhạ Thầu – Nghệ An

Lễ hội đền Phu Nhạ Thầu được tổ chức trang trọng, linh thiêng trong đền với các nghi thức lễ truyền thống như: Lễ Khai Quang, Lễ Yết Cáo, Lễ rước, Lễ đại tế, Lễ tạ. Ngoài ra phần hội được tổ chức sôi động với các hoạt động văn nghệ thể thao và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng miền Tây Nghệ An (ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, chọi ngụ).

Mùa xuân về với lễ hội đền Phu Nhã Thầu nhân dân và du khách không chỉ thắp nén tâm hương dâng lên những vị thần linh thiêng mà còn có thể tham gia trải nghiệm các trò chơi dân gian cùng với bà con vùng núi Kỳ Sơn như: kéo con, ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, tò mạc lẻ, thi trang phục người đẹp, thi văn hóa ẩm thực, múa lăm vông, đốt lửa trại và các trò chơi văn hóa dân gian.

Lễ hội đền Vua Mai – Nghệ An

Lễ hội đền Vua Mai là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, diễn ra từ ngày 13 – 15 tháng Giêng tại Lăng mộ vua Mai, xã Vân Diên và Đền vua Mai Hắc Đế, Thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, đây là một trong những lễ hội mở đầu cho các hoạt động lễ hội trong năm của tỉnh Nghệ An.

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội đền Vua Mai – Nghệ An

Về với lễ hội, nhân dân và du khách thập phương sẽ được hòa mình trong những hoạt động mang đậm bản sắc vùng “địa linh nhân kiệt” như lễ rước nước, lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương tưởng niệm vua Mai, lễ đại tế, lễ tạ…

Ngoài ra, nhân dân và du khách thập phương sẽ được tham gia các trò chơi dân gian như đấu vật, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đu quay, kéo co, hội thi hát dân ca Ví Giặm và lễ thả đèn hoa đăng…

Lễ hội đền Cả – Nghệ An

Đền Cả được nhân dân xây dựng dưới thời Hậu Lê để thờ các vị nhân thần, nhiên thần có công “ Hộ quốc tý dân ”, được nhân dân lập đền thờ cở nhiều nơi trên đất nước là: Cao Sơn – Cao Các, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Bạch Y Công chúa… Bên cạnh đó, đền Cả còn là nơi thờ Quận Công Phan Cảnh Quang, một nhân vật lịch sử ở thế kỷ XVI đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp Trung hưng của nhà Lê, phục hưng đất nước, được nhiều tài liệu, sử sách ghi nhận và được nhân dân và con cháu dòng họ lập đền thờ – đền thờ Phan Cảnh Quang ( nay thuộc xóm Trung Phú, khối 1, thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành ).

nghệ an có lễ hội gì?

Lễ hội đền Cả – Nghệ An

Từ khi xây dựng đến nay, đền đã gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân làng Tràng Thành. Hàng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, nhân dân địa phương và các làng phụ cận thường tổ chức lễ hội long trọng, hiến dâng lễ vật để tưởng nhớ các vị Thành hoàng đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ hội tại đền Cả diễn ra từ ngày 14-16 tháng giêng âm lịch hàng năm, nhưng cứ 3 năm 1 lần tổ chức cấp huyện. Ở phần Lễ có các nội dung: Lễ Khai quang tẩy uế: vào sáng ngày 13 tháng giêng; Lễ Yết Cáo: từ tối ngày 15 tháng giêng. Lễ rước băt đầu từ sáng ngày 16 tháng giêng ( rước Kiệu và Bài vị của các võ tướng, danh thần nhà thờ của các dòng họ ở trong xã Hoa Thành về hợp tế ở đền Cả ); Lễ đại tế diễn ra từ 10 – 11h ngày 16 tháng giêng. Lễ tạ : 11h – 11h 30 ngày 16 tháng giêng.

Song song với phần lễ là phần hội, gồm các các nội dung: Bóng chuyền nữ, đẩy gậy, đánh cờ tướng, kéo co, đua thuyền, đu tiên, nhảy bao bố, bắt lươn trong chum, thi đánh trống tế giữa các dòng họ tham gia lễ rước. Thông qua lễ hội, nhân dân và du khách thập phương có dịp tập trung viếng thăm đền thờ, gặp gỡ giao lưu, tham gia các sinh hoạt văn hoá hướng về nguồn cội.

Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Nghệ An mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Nghệ An có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Nghệ An vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.

Đăng bởi: Hoàng Văn

YOLO! Khám phá các huyện ở Nghệ An

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก