Cao Bằng Lễ Hội

Cao Bằng có lễ hội gì?

Cao Bằng là một vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc. Cao Bằng ngày nay còn được biết đến là “mỏ vàng du lịch” của Việt Nam với vô vàn thắng cảnh tuyệt đẹp như suối Lê-nin, hang Pác Bó, Thác Bản Giốc, núi Các Mác,… Không chỉ có vậy, Du lịch cao Bằng còn trở nên hấp dẫn hơn bởi những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi dịp đầu xuân. Cao Bằng có lễ hội gì? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Cao Bằng nhé.

Lễ hội du lịch thác Bản Giốc – Cao Bằng

Thác Bản Giốc là một trong những thác nước tự nhiên đẹp hùng vĩ được xếp vào top 10 những thác nước hùng vĩ nhất thế giới được tạp chí Touropia bình chọn, và top 5 thác nước mang nhiều huyền thoại do tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn. Lễ hội du lịch thác Bản Giốc đã được tổ chức nhằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất cũng như con người Cao Bằng, đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương, thu hút khách du lịch đến với thác Bản Giốc.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội du lịch thác Bản Giốc – Cao Bằng

Đến với lễ hội, du khách không chỉ được nghe giai điệu ngọt ngào đắm say lòng người của các vần thơ, làn điệu hát Then, các làn điệu dân ca của các dân tộc Tày, Nùng huyện Trùng Khánh mà còn được trải nghiệm, ngắm nhìn những đồi dẻ trĩu quả, ruộng lúa vàng óng ả, dòng sông Quây Sơn xanh biếc chảy hiền hòa uốn lượn, cùng thác Bản Giốc tung bọt trắng xóa. Khung cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây níu giữ chân du khách gần xa.

Thưởng ngoạn cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng, du khách còn được hòa mình, tham quan 23 gian hàng ẩm thực đến từ 20 xã, thị trấn của huyện Trùng Khánh; Công ty cổ phần Du lịch Cao Bằng; huyện Ba Bể (Bắc Kạn); Sở Khoa học và Công nghệ; Công ty Sài Gòn – Bản Giốc, trưng bày các sản vật như: lú nếp Ong, hạt dẻ, xôi đỗ đen, bánh khảo, đậu phụ chao, thạch trắng, tương “Mẹc Cảng”… Các sản vật được chế biến hoàn toàn bằng nguyên liệu sẵn có của địa phương nhằm giới thiệu đến du khách, bạn bè gần xa cùng thưởng thức.

Các gian hàng được dựng bằng những vật liệu gần gũi thân thiện với thiên nhiên và môi trường như cỏ gianh, rơm, tre, vầu nứa…

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội du lịch thác Bản Giốc – Cao Bằng

Đến với Trùng Khánh, du khách không chỉ được trải nghiệm cảm giác bình an, thư thái, tĩnh tâm trong không gian trầm tĩnh của chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc mà còn đắm mình trong vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của Lễ hội ánh sáng thác Bản Giốc.

Những ánh đèn lung linh sắc màu tạo nên không gian huyền ảo, rực rỡ. Lễ hội ánh sáng được dàn dựng công phu, hoành tráng với thủ pháp kể chuyện sân khấu hóa sống động, tái hiện hình ảnh bằng công nghệ âm thanh và hệ thống chiếu sáng đèn Led hiện đại. Để trình chiếu, Công ty Cổ phần giải trí HCC sử dụng hàng nghìn bóng đèn Led chiếu sáng từ mặt đất tới không gian, bao trùm toàn bộ thác nước và hệ thống dàn phun mưa được gắn đèn Led.

Lễ hội ánh sáng được đan xen chương trình nghệ thuật đặc với những điệu múa uyển chuyển của các chàng trai, cô gái Tày, Nùng tái hiện một cách sinh động gồm tổ hợp những truyền thuyết, sự tích dân gian truyền miệng của người Cao Bằng kết hợp thủ pháp sân khấu hóa kể lại câu chuyện tình yêu thần thoại của thác Bản Giốc. Vẻ đẹp hùng vỹ của thác Bản Giốc được tái hiện hòa quyện bằng giai điệu của âm nhạc và ánh sáng. “Trên dòng suối Then” mang dấu ấn văn hóa được cô đọng trong màn trình diễn ấn tượng thông qua hình thức kể chuyện đan xen. “Sắc chàm miền non nước” phản ánh vẻ đẹp tâm hồn của người vùng cao, thông qua những câu chuyện lịch sử, huyền thoại của các vị thần, nhân vật lịch sử gắn với Non nước Cao Bằng.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội du lịch thác Bản Giốc – Cao Bằng

Lễ hội ánh sáng thác Bản Giốc tạo nên không gian nghệ thuật đa sắc màu, mang đến một trải nghiệm thú vị, ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.

Thông qua Lễ hội ánh sáng thác Bản Giốc, khán giả hình dung về hình ảnh, con người Cao Bằng – ẩn chứa bao huyền tích của một vùng đất lịch sử với những di sản văn hóa phi vật thể từ ngàn đời.

Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân các dân tộc của huyện; khuyến khích, động viên cán bộ, nhân dân hăng hái thi đua lập thành tích trong lao động, sản xuất. Tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương Trùng Khánh với các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch thực sự ấn tượng, độc đáo đến với bạn bè trong và ngoài nước, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thu hút du khách, nhất là khách nước ngoài đến với Trùng Khánh. Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, láng giềng với huyện Đại Tân và thành phố Tịnh Tây (Trung Quốc), xúc tiến việc triển khai Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) mà chính phủ hai nước đã ký kết.

Ngoài giá trị tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương Trùng Khánh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tiến tới xây dựng tuyến tham quan du lịch trọng điểm của tỉnh Cao Bằng và trở thành sản phẩm tour du lịch đặc thù, có sức hấp dẫn cao đối với du khách.

Lễ hội đền Vua Lê – Cao Bằng

Đã thành thông lệ, vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân dân địa phương và đông đảo du khách thập phương lại rộn ràng, nô nức về trẩy hội đền Vua Lê ở xóm Làng Đền, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An – lễ hội mở đầu cho mùa lễ hội đền chùa tỉnh Cao Bằng.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội đền Vua Lê – Cao Bằng

Ngay từ sáng sớm, trên các ngả đường, những dòng người nườm nượp, những cụ ông, cụ bà, chàng trai, cô gái và cả trẻ nhỏ vận trang phục đẹp nhất đến chung vui ngày hội. Nhân dân và du khách thập phương đến thắp hương, vui hội với ý niệm cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt bội thu, nhà nhà khoẻ mạnh, cũng là dịp tỏ bày đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Năm nay, hai tuyến đường chính dẫn vào đến đã được đầu tư đổ bê tông, mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan vãn cảnh đền. Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội xã Hoàng Tung đã phối hợp với Công an huyện Hòa An đặc biệt chú trọng đến công tác tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự. Lượng người đổ về lễ hội rất đông nhưng năm nay ít thấy cảnh tắc đường, chen chúc, thắp hương tràn lan, không có hiện tượng “chặt chém”, “hét giá” tại các điểm trông giữ xe…

Tham dự lễ hội, khách thập phương còn được chơi các trò chơi dân gian như: bịt mắt đập bóng, cờ tướng, nhảy bao bố, đẩy gậy, kéo co,… và được thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương như: bánh cuốn, phở vịt, thịt lợn quay…

Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của Ban chỉ đạo huyện, Ban tổ chức lễ hội xã Hoàng Tung, lễ hội đền Vua Lê mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc đã thực sự thu hút đông đảo du khách đến cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa, trừ tà, mong muốn cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Lễ hội đền Kỳ Sầm – Cao Bằng

Hàng năm, ngay sau Tết cổ truyền, các lễ hội mùa xuân nối tiếp nhau diễn ra từ mùng 6 đến 15 tháng Giêng âm lịch ở hầu hết các đền, chùa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng . Nổi bật có Hội đền Kỳ Sầm – lễ hội cúng thần, cúng Phật, cầu phúc, cầu may, tưởng nhớ thánh nhân Nùng Trí Cao – người đã có công đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước và nhân dân trong vùng.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội đền Kỳ Sầm – Cao Bằng

Đền Kỳ Sầm thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao ở xã Tượng Cần, huyện Thạch Lâm nay là Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, huyện Hoà An, cách trung tâm thị xã Cao Bằng 5km. Đền được xây dựng để thờ danh nhân lịch sử Nùng Trí Cao, người Dân tộc Tày, một nhân vật lịch sử có công trong sự nghiệp mở nước ở thời Lý (vua Lý Thái Tông thế kỷ XI). Ông là con của thủ lĩnh Nùng Tôn Phúc và bà A Nùng. Vốn thông minh, lại được về kinh đô Thăng Long theo học, Nùng Trí Cao trở thành người có tài thao lược.

Chính vì vậy, vua Lý đã nhiều lần cử người lên thuyết phục Nùng Trí Cao không theo nhà Tống. Sau này ông còn đánh tan giặc Tống xâm lược nước ta, được vua phong Thái Bảo và cho trấn giữ châu Quảng Nguyên và được nhân dân kính trọng. Sau khi ông mất vua lại phong cho là Khâu Sầm Đại Vương. Câu chuyện về Nùng Trí Cao đã trở thành huyền thoại. Công lao của ông đã được người đời sau tưởng nhớ và lập đền thờ. Liên quan đến nhân vật Nùng Trí Cao hiện nay ở Cao Bằng vẫn còn nhiều di tích như: Thành Nà Lữ nơi ông đóng quân, đền Sóc Giang, đền Quảng Uyên, Hội pháo hoa…

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội đền Kỳ Sầm – Cao Bằng

Lễ hội đền Kỳ Sầm được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng giêng Âm lịch, đây là một lễ hội lớn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đến trẩy hội, vui xuân, với nhiều trò chơi như: Tung còn, đá bóng, múa lân,… lLễ hội cũng là dịp để mọi người đi vãn cảnh và hái lộc đầu xuân. Ở nhiều địa phương khác trong tỉnh nhân dân cũng lập đền thờ ông.

Nhiều năm qua, công tác quản lý lễ hội được tăng cường, tập trung và diễn ra an toàn, vui vẻ, tiết kiệm, lành mạnh, thông qua lễ hội là dịp tốt để giáo dục những truyền thống lịch sử, văn hoá của quê hương, đất nước, ghi nhớ công lao của các anh hùng trong quá khứ, để nhân dân hướng về cuội nguồn, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh trên địa bàn, kịp thời động viên nhân dân phấn khởi đón xuân, hăng hái sản xuất, tăng cường giao lưu văn hoá, coi trọng, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá trong các lễ hội dân gian, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc ở tỉnh Cao Bằng.

Hàng năm, trước khi vào mùa lễ hội, Sở Văn hoá, thể thao và du lịch đã ban hành các văn bản hướng dẫn công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Đồng thời có sự phối, kết hợp chặt chẽ cùng các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương để triển khai tổ chức lễ hội. Các hoạt động văn hoá – thể thao được tổ chức vào các lễ hội truyền thống và các ngày kỷ niệm lịch sử của dân tộc với nhiều nội dung phong phú đa dạng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, khách thập phương về tham dự.

Lễ hội mời Mẹ Trăng – Cao Bằng

Lễ hội Mời Mẹ Trăng hay còn gọi là lễ hội Nàng Hai là lễ hội lớn của người Tày tại huyện Phục Hòa, Cao Bằng. Được tổ chức trong khoảng thời gian từ 30 tháng Giêng đến hội chính vào ngày 22/3 âm lịch. Mặc dù tiến hành riêng theo từng bản nhưng khách đi du lịch thác bản Giốc vẫn có thể hòa mình vào không gian lễ hội đặc sắc này.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội mời Mẹ Trăng – Cao Bằng

Với ý nghĩa rước Mẹ Trăng về ban phước lành cho bản làng để ngày mùa mới mùa màng bội thu. Vì vậy, hàng năm dân làng sẽ cử một người phụ nữ trung niên, có cuộc sống hạnh phúc và được mọi người yêu quý làm Mẹ Trăng. Đồng thời tuyển chọn khoảng 20 cô gái xinh đẹp trong bản hóa thân thành nàng tiên. Ngoài ra, còn chọn hai thanh niên trai tráng nhất mở đường cho Mẹ Trăng và các nàng tiên về trời.

Lễ hội Mời Mẹ Trăng xuất phát từ tín ngưỡng dân gian của người Tày Cao Bằng. Trước đây điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn, lạc hậu nên người dân chỉ biết cầu trời ban phước cho thời tiết, khí hậu thuận lợi. Bây giờ dù kĩ thuật đã phát triển nhưng lễ hội cầu mùa này vẫn được giữ gìn và trở thành tín ngưỡng văn hóa đặc sắc vùng miền.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội mời Mẹ Trăng – Cao Bằng

Trước khi diễn ra người Tày Cao Bằng đã phải chuẩn bị hết sức công phu để lễ hội suôn sẻ. Sử dụng các thẻ cắm ở 4 góc sân nơi diễn ra lễ cầu để tránh tà ma xâm nhập. Đồng thời mâm lễ vật dâng lên Thổ địa và các nàng Trăng cũng phải chuẩn bị chu đáo, trang trí đẹp mắt. Điều này thể hiện sự tôn kính của người dân đến thần linh – người cho họ bình an, cuộc sống sung túc.
Trong quá trình làm lễ Mẹ Trăng mặc quần áo chàm, buộc vải đỏ vắt chéo khăn trên đầu. Đi trên đường sẽ cầm ngọn mía có treo túi trầu nhỏ, một chiếc khăn mùi xoa, một bát nước có một lá bưởi. Bát nước và ngọn mía này mang ý nghĩa tẩy uế theo phong tục của người dân tộc Tày.

Khi tham gia vào lễ hội Mời Mẹ Trăng, bạn sẽ tận mắt thấy những con thuyền được đẽo bằng gỗ do chính tay người dân địa phương làm ra. Với ý nghĩa chứa đựng của cải dâng lên Mẹ Trăng và 12 bó hoa tượng trưng cho 12 đêm làm lễ, biểu trưng sự kính trọng của dân làng dành cho người.

Du khách đi đúng ngày lễ hội còn có cơ hội chiêm ngưỡng điệu múa dân tộc ấn tượng trong ngày lễ tiễn Mẹ Trăng và các nàng Tiên về trời. Lời hát được cất lên từ chính những người nông dân nhưng nghe rất hay, thiết tha với hy vọng mùa tới bội thu hơn để tổ chức lễ lớn hơn đón các nàng về. Đây chắc chắn là kỷ niệm bạn sẽ ghi nhớ mãi trong kỳ nghỉ này.

Lễ hội Lồng Tồng – Cao Bằng

Lễ hội Lồng tồng (còn gọi là lễ xuống đồng) là lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức trong các bản làng để cầu cúng thần nông – vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, làng bản cho được cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, mọi người no ấm, bản làng yên lành.Lễ hội Lồng tồng đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc – Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và một số tỉnh Tây Bắc. Lễ hội của dân tộc Tày – Nùng ở Cao Bằng diễn ra từ ngày 2 đến 30 tháng giêng âm lịch để mở mùa gieo trồng mới (tùy theo từng địa phương).

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội Lồng Tồng – Cao Bằng

Hội tổ chức ngoài trời, trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống đồng. Vẫn theo lệ từ ngàn xưa, Hội chia thành hai phần: Phần lễ có tạ thiên địa, cầu thần Nông, thần Phục Hy độ trì cho mưa thuận gió hoà, gia cầm sinh sôi, bản làng bình yên no ấm… Chủ trì hội là ông thại đinh (người coi đình) hay người coi việc thờ cúng Thần Nông của bản.

Tất cả gia đình tham dự hội đều mang theo cỗ để làm lễ vật cúng thần đất, thần núi, Thần Nông và Thành Hoàng : đó là những mâm cỗ thịnh soạn, trình bày đẹp. Mâm lễ thường có xôi nếp, thịt lợn, rượu trắng và các loại bánh như khẩu sli, khẩu slec, bánh khảo, bánh dày, chè lam…Ở một số hội qui mô lớn, người chủ trì còn cho tổ chức lễ hiến tam sinh (trâu, heo, gà hay heo, dê, gà).

Trên thửa ruộng xuống đồng đàn tế Thần Nông và các thần khác được trần thiết. Lễ hội bắt đầu khi chiêng trống nổi lên, rồi các bô lão và tráng đinh rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng, còn các gia đình thì rước cỗ bày ra trên bãi hội. Người chủ trì hội xướng bài mo cúng chư thần rồi tuyên bố phá cỗ . Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm.

Có nơi các vị bô lão được mời đi thưởng cỗ , có thanh niên gái trai đi theo múa hát, chúc cho từng gia đình vạn sự tốt lành. Ăn cỗ xong, mọi người tiếp tục ca hát và tham gia các trò chơi dân gian : cuớp còn (như người Mường, người Việt vùng trung du chơi cướp nõn nường ), ném còn, kéo co, đánh quay, đánh yến, đánh đu, múa kỳ lân, múa sư tử, múa võ, múa giáo, bịt mắt bắt dê, hát giao duyên(hát lượn), thi sản vật địa phương, cờ tướng…

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội Lồng Tồng – Cao Bằng

Ném còn là trò chơi vui nhất, đông người tham gia nhất, người dân quan niệm rằng, trong hội phải có người tung được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm thì năm đó bản làng mới có thể làm ăn thuận lợi. Gái trai chia làm hai phe để hát sli, lượn, là hai hình thức đối ca giao duyên nam nữ, thể hiện tục cầu mùa, còn trò chơi kéo co giữa các cô gái chàng trai Tày Nùng vừa mang tính chất cầu mùa, cầu mưa, cầu nước như một nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp lâu đời.

Đặc biệt các điệu hát Sli ( Nùng ) , Lượn ( Tày ) quen thuộc được biểu diễn một cách tự nhiên trong làng , ở khe suối hay ở các cánh rừng. Là lễ hội quan trọng nhất của vùng Đông Bắc nên mọi người đều mặc y phục sắc tộc đẹp nhất, các bà, các cô được tô điểm bằng đồ trang sức quí nhất. Điệu múa tiêu biểu của hội lồng tồng là múa sư tử . Những điệu múa lễ hội khác của người Tày Nùng là xòe chiêng , múa then.

Khi trời tối cũng là lúc không khí hội chuyển sang sự hấp dẫn khác. Lửa trại được nhóm bùng lên. Những là hát cọi vang lên. Câu ca “Gốc cọi ở mường trời, tổ cọi ở xứ tiên” từ miệng hoa của người con gái thường được mở đầu cho các làng hát cọi đối đáp nhau. Ngoài ra, hội còn tổ chức thi hát lượn, hát sli, thu hút đông người tham gia.

Trong những năm gần đây đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà Nước lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tày diễn ra càng sôi nổi, phong phú hơn, đảm bảo các yếu tố văn hoá dân gian, đã thu hút du khách cả nước đến thăm quan, dự hội ngày một đông.

Lễ hội “kiêng gió” – Cao Bằng

Tại xã Thái Học (Nguyên Bình), nơi 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao đỏ sinh sống, hằng năm diễn ra ngày hội “Kiêng gió” vào ngày 20/1 âm lịch gắn với ngày hội xuân, trở thành một nét văn hóa độc đáo.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội “kiêng gió” – Cao Bằng

Đồng bào dân tộc Dao đỏ ở xã Thái Học có nhiều phong tục, tập quán giàu bản sắc. Trong năm có những ngày kiêng kị theo âm lịch, như: Ngày 20/1 có tục “Kiêng gió”; ngày 21/2 kiêng không làm việc để tránh động vật phá hoại mùa màng; ngày 1/3 kiêng không cầm dao, cuốc, xẻng để tránh sấm sét; ngày 5/5 kiêng không mang lá cây xanh vào nhà để không cho rắn xanh vào nhà…

Ngày hội “Kiêng gió” của người Dao đỏ nơi đây bắt nguồn từ việc mọi người sau một năm bận rộn cấy hái không có dịp gặp gỡ, tâm tình nên muốn trong tiết xuân ấm áp tụ họp nhau lại múa ca vui vẻ, cầu mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no.

Họ quy ước lấy ngày 20/1 âm lịch để “tự thưởng” cho mình một ngày nghỉ trọn vẹn, không ai ra đồng hay lên nương, rẫy làm việc vì đây là ngày phải “Kiêng gió” để tránh gió lùa cây hoa màu, nhà cửa, tránh thiên tai…, nếu lao động trong ngày này sẽ gặp những điều không may. Do đó, vào ngày hội “Kiêng gió”, tất cả già, trẻ, gái, trai đều tham gia ngày hội trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ, tạo nên không khí nhộn nhịp, sôi nổi.

Qua thời gian, cùng với sự biến thiên thăng trầm của lịch sử nhưng ngày “Kiêng gió” vẫn được bà con nơi đây duy trì. Những năm gần đây, ngày hội “Kiêng gió” được tổ chức gắn với hội xuân đầu năm mới và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nên thu hút đông đảo người dân không chỉ ở xã Thái Học mà cả các xã lân cận đến tham dự.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội “kiêng gió” – Cao Bằng

Trong ngày hội, những người phụ nữ khoác trên mình bộ trang phục truyền thống dân tộc đẹp nhất, hoa văn rực rỡ do chính bàn tay mình tự thêu thùa, may vá trong cả năm để đi hội. Mọi người, nhất là những nam thanh nữ tú hát đối, thổi sáo, uống rượu, tham gia các trò chơi dân gian… nhằm giải tỏa mọi lo toan, vất vả trong cuộc sống, lao động sản xuất để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, tăng cường tinh thần đoàn kết dân tộc.

Để ngày hội trở nên ý nghĩa, những năm gần đây xã thành lập Ban tổ chức lễ hội “Kiêng gió” gắn với hội xuân. Nhằm tạo sân chơi cho mọi lứa tuổi, ngày hội tổ chức nhiều hoạt động múa, hát dân ca với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, do học sinh, giáo viên và người dân đến từ các xóm trong xã thể hiện.

Có các trò chơi, như: cờ tướng, đẩy gậy, chạy điền kinh, bóng chuyền nam, nhảy bao tải, bịt mắt đập trống, đi cà kheo… thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đặc biệt, trong ngày hội không thể thiếu điệu múa Ba ba đặc trưng của người Dao đỏ để cầu lộc, cầu tài, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà có sức khỏe, hạnh phúc. Ngày hội là một trong những hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Dao đỏ.

Lễ hội chọi bò – Cao Bằng

Lễ hội trọi bò được tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng, tại thị trấn Pác-Miều, huyện Bảo Lâm. Đến đây người xem bị cuốn hút bởi những trận đấu đầy kịch tính và quyết liệt do những “đấu sĩ bò” trình diễn.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội chọi bò – Cao Bằng

Từ bao đời nay, miền đất chon von trên vách đá dựng trời, với dòng sông Gâm trong xanh, hùng vĩ ấy vẫn rất nổi tiếng với giống bò U quý hiếm và bí quyết nuôi bò danh bất hư truyền. Cũng chính truyền thống nuôi bò giỏi ấy đã tạo ra một hội chọi bò độc đáo, thu hút hàng ngàn người xem mỗi dịp đầu xuân.

Tham dự sàn đấu chỉ có bò U, một giống bò độc nhất vô nhị, thân hình vạm vỡ, u vai nhô cao như bò tót, cơ bắp cuồn cuộn to hơn bất cứ giống bò nội địa nào của Việt Nam.

Với người Mông ở Bảo Lâm con bò được yêu quý đến độ nó là đồ trang sức, là biểu trưng sức mạnh và sự giàu có cho “thân chủ.” Chẳng thế mà người ta vẫn bảo vào nhà người Mông ở đây nhìn chuồng bò còn đẹp hơn chính nhà ở của họ.

Vào ngày hội vùng biên Pắc Miều hàng ngày vốn thanh bình, vắng vẻ, bỗng trở nên náo nhiệt đến lạ kỳ. Ngay từ sáng sớm từng tốp người với đủ loại trang phục Mông, Dao, Lô Lô sặc sỡ đổ về khu vực chợ bò của thị trấn. Sân đấu bò là một thung lũng tròn và rộng như một sân bóng đá nằm cạnh dòng sông Gâm xanh mát.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội chọi bò – Cao Bằng

Sau giờ khai mạc, mọi người từ khắp ngả đều đổ về đứng quanh sân đấu bò. Khi tiếng trống khai hội được nổi lên, hàng ngàn đôi mắt đều đổ dồn vào những chú bò lừng lững bước ra đấu trường.

Vừa được chủ bò tháo dây buộc mũi, hai chú bò lao thẳng vào nhau như tên bắn, tiếng va chạm của sừng, của đầu bôm bốp. Như hiểu ý chủ, những “đấu sĩ bò” thi triển hết mọi miếng đánh, miếng ghì, miếng móc, cả sân chọi bụi mịt mù.

Bên ngoài, khán giả lúc nín thở, lúc lại sôi nổi bởi những miếng đánh quá hay. Đáng sợ nhất là những chú bò với những miếng đánh “cảm tử,” lùi xa rồi bất ngờ lao cả thân mình vào đối thủ, cặp sừng sắc nhọn cắm phập vào mắt, vào cổ đối phương.

Hội chọi bò ở đây không chỉ mang tính giải trí mà nó còn cổ vũ phong trào chăn nuôi bò giỏi của đồng bào dân tộc Mông, thông qua cuộc thi để chọn ra những con giống tốt nhất, khỏe nhất nhằm nhằm giữ gìn nguồn gen bò quý hiếm này.

Bên cạnh đó, Hội chọi bò hàng năm của dân tộc H’mông ở Bảo Lâm còn mang đến cho mọi người niềm vui hứng khởi để bước vào năm mới, đồng thời cũng là dịp để cầu mong mưa thuận gió hòa để mọi người ổn định an cư lập nghiệp.

Từ năm 2007, UBND huyện Bảo Lâm đã đứng ra tổ chức Hội thi chọi bò nhằm khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi, xây dựng thương hiệu thịt bò và quảng bá du lịch lễ hội.

Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên

Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên là lễ hội truyền thống độc đáo với màn tranh pháo hoa đầu xuân của các xã tại thị trấn Quảng Uyên, Cao Bằng để cầu mong cho một năm mới may mắn, phát tài, phát lộc. Hàng năm, cứ vào ngày 2/2 âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức về Quảng Uyên trảy hội.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên

Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân huyện Quảng Uyên, gắn với các yếu tố về lịch sử, tâm linh của miếu Bách Linh. Miếu được xây từ thời Lý dưới chân núi Cốc Bó, đến thời nhà Nguyễn được xây dựng lại hoàn toàn theo kiến trúc thời Nguyễn. Trước cổng có tam quan, sân tiền đường, hậu đường và hậu cung, hoành phi, câu đối. Trên cổng khắc 3 chữ “Bách Linh miếu”, có đắp nổi con rồng uốn khúc, xây bằng gạch vồ (gạch thời Mạc), có bức trạm rồng ngậm ngọc, bên cạnh có chim phượng cùng long ly tụ hội.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên

Phần đặc sắc nhất trong phần lễ là màn “khai quan” cho rồng mở mắt. Rồng được khai quan từ một mỏ nước (người dân địa phương gọi là bó Cốc Chủ – mỏ nước ở dưới gốc cây cổ thụ). Lễ do một cụ cao tuổi, có uy tín làm chủ lễ và một đội rồng gồm 15 người (3 người đánh trống, một người cầm quả cầu và 11 người múa rồng) làm lễ tại mỏ nước. Khi ra mỏ nước, rồng không được múa, không được đánh trống mà được bịt mắt bằng giấy bản, đến mỏ nước, rồng nằm phục ở đó. Người chủ lễ thắp hương vái thiên địa, cầu xin thần linh phù hộ cho người dân địa phương một năm làm ăn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc và xin được mở mắt cho rồng.

Cúng xong, chủ lễ cắt tiết con gà trống, lấy máu xoa vào hai mắt rồng rồi bỏ giấy ở mắt rồng ra, lúc này rồng đã được mở mắt, sau ba hồi trống nổi lên để đánh thức, rồng bắt đầu cử động từ đầu đến thân rồi đuôi. Sau đó, người ta đánh trống thúc giục và rồng từ từ bay lên, rồng bay quanh mỏ nước ba lần rồi đi vào miếu Bách Linh; trong miếu đã được đặt lễ và thắp hương, rồng vào miếu vái ba lần, sau đó đi trong miếu một vòng rồi ra ngoài.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên

Lễ vật dâng lên tế lễ gồm 2 con lợn quay, 1 mâm xôi, 1 mâm trứng nhuộm phẩm đỏ, 1 mâm hoa quả. Phần lễ diễn ra long trọng với 4 đoàn rước kiệu, mỗi kiệu có 4 người khiêng, mặc lễ phục. Đầu tiên là kiệu rước ảnh Bác Hồ, thứ hai là kiệu rước thần, thứ ba là kiệu pháo hoa, cuối cùng là kiệu rước một con lợn quay, là phần thưởng cho đội thắng cuộc trong trò chơi cướp đầu pháo. Theo sau đoàn rước kiệu là đoàn rước rồng, sau khi làm thủ tục thắp hương tại miếu, đoàn rước rồng xuất phát đến Đền thờ Nùng Trí Cao, Đền thờ Trần Hưng Đạo, sau đó đi khắp phố tới từng nhà. Đi tới đâu rồng cũng được người dân tiếp đón rất nồng nhiệt, trang trọng.

Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian và biểu diễn văn nghệ, như: múa rồng, múa lân, tung còn, hát lượn, tranh đầu pháo… Trò chơi tiêu biểu của lễ hội là trò cướp đầu pháo, đầu pháo làm từ chiếc vòng sắt trang điểm tua ngũ sắc sặc sỡ, pháo được đặt trên một đài cao, sau khi đốt pháo, chờ cho đầu pháo rơi xuống, các đội bắt đầu tranh cướp, đội nào cầm được đầu pháo mang đến cho Ban Tổ chức là đội thắng cuộc.

Gần đây, khi có lệnh cấm đốt pháo, Ban Tổ chức đã tiến hành trò chơi bằng cách đứng trên đài cao rồi tung vòng sắt (đầu pháo) ra cho các đội tranh cướp như thường lệ. Theo quan niệm của người dân địa phương thì ai bắt được vòng lộc pháo thì cả năm sẽ gặp may mắn, phát tài, phát lộc và đem lại vinh dự lớn cho xã mình. Xã nào thắng cuộc sẽ được phần thưởng là một con lợn quay trên kiệu trong lễ rước thần, cỗ kiệu cũng được để lại cho xã đó hương khói cầu lộc một năm đến lễ hội pháo hoa năm sau, địa phương này lại chuẩn bị một con lợn quay để lên kiệu, đoàn rước rồng sẽ đến lấy làm lễ rước thần, đồng thời làm phần thưởng cho đội thắng cuộc thi năm đó.

Theo thời gian, lễ hội pháo hoa Quảng Uyên đã tồn tại trong tâm thức nhiều thế hệ người dân Quảng Uyên và trở thành nét đẹp tinh thần không thể thiếu mỗi dịp xuân về.

Lễ hội chùa Sùng Phúc – Cao Bằng

Theo sách Đại Nam nhất thống chí và sách Việt Nam dư địa chí: Chùa Sùng Phúc thuộc tổng Lệnh Cấm nay là xã Thanh Nhật huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng. Hội Chùa Sùng Phúc hàng năm mở vào ngày Rằm tháng giêng thu hút đông đảo khách thập phương trẩy hội cầu may. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của huyện.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội chùa Sùng Phúc – Cao Bằng

Chùa Sùng Phúc được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông thế kỷ XIII, ban đầu có tên là Sùng Khánh tự, thờ Phật và thờ các nhân vật có công trấn ải vùng biên giới. Năm Cảnh Hưng thứ 43, thời nhà Lê, chùa được trùng tu và đổi tên là chùa Sùng Phúc, chùa thờ Đức Phật Quan Âm Bồ Tát ở hậu cung có tượng Phật Bà. Bên trái thờ vị Thành Hoàng, người có công chiêu dân khẩn hoang lập bản làng- ông Nguyễn Thành Vương tức Nguyễn Đình Bá (1678) tri châu Tư Lang, ông quê ở thôn Bình Dân, phủ Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, sau làm Đốc đồng ở Cao Bằng.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội chùa Sùng Phúc – Cao Bằng

Chùa Sùng Phúc còn thờ vi đồ là bà Nguyễn Thị Duệ, người làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh, Hải Dương. Bà theo cha lên Cao Bằng thời vua Mạc Kính Cung. Năm 20 tuổi, bà cải trang là nam thi đỗ tiến sĩ đầu bảng ở trường quốc học Bản Thảnh Cao Bằng. Khi thi đỗ bà được mời về ly cung Đống Lân để dạy học cho hoàng tử, công chúa. Vua Mạc lấy bà làm vợ và đặt tên là Tinh Phi (Sao sa). Năm 1625 nhà Lê cử tướng Trịnh Kiền lên Cao Bằng bắt được vua Mạc Kính Cung đem về Thăng Long trị tội. Bà Duệ chạy về Hạ Lang đi tu ở chùa Sùng Phúc. Bà tài cao học rộng mở lớp dạy học, giảng về giáo lý nhà phật. Bà được quan châu Nguyễn Đình Bá mến mộ, truyền cho nhân dân ngoài vùng “Lệnh Cấm” không cho ai được lai vãng đến chùa để che dấu tung tích bà đang bị nhà Lê truy tìm. Nhưng, nhà Lê biết tin bà Duệ ở Hạ Lang đã đón bà về Thăng Long. Sau, người dân tưởng nhớ người thầy nghèo Nguyễn Thị Duệ, đưa bài vị vào Chùa để thờ. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 29/1/1993

Lễ hội chùa Sùng Phúc ngày nay không còn như dù vậy ban tổ chức vẫn cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của người xưa. Lễ hội có tổ chức rước kiệu Quan Âm Bồ Tát, kiệu Thành Hoàng, khôi phục các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca dân tộc, công tác tổ chức lễ hội ngày càng chu đáo hơn nên lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu trẩy hội đầu xuân của du khách thập phương.

Lễ hội Chùa Phố Cũ – Cao Bằng

Chùa Phố Cũ là ngôi chùa cổ kính lớn có kiến trúc cổ còn nguyên vẹn nằm ở tổ dân phố số 1, phố Cũ phường Hợp Giang, Thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Lễ hội Chùa Phố Cũ diễn ra vào ngày mồng 2/2 Âm lịch hàng năm là hoạt động văn hóa sôi nổi, được coi là ngày hội đoàn kết của bà con nhân dân trên địa bàn phường. Đồng thời thông qua đó nhằm giới thiệu và quảng bá đến nhân dân, đông đảo du khách thập phương về giá trị lịch sử – văn hóa của di tích.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội Chùa Phố Cũ – Cao Bằng

Theo sách xưa, Chùa Phố Cũ được xây dựng vào năm Vĩnh Trị thứ 3, có tên gọi là Quan Đế Miếu, là nơi thờ Quan Vân Trường, vị võ tướng có tài mưu lược, khí phách anh hùng và hết mực trung nghĩa của lịch sử Trung Hoa thời Tam Quốc. Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, chùa Phố Cũ còn là di tích cách mạng, nơi Mặt trận Việt Minh tỉnh Cao Bằng do đồng chí Văn Tư (tức Hoàng Đình Giong) lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay quân Nhật. Cũng tại ngôi chùa này, vào ngày 22/8/1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh và Thị xã tổ chức mít tinh, chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh và thị xã Cao Bằng ra mắt trước đông đảo nhân dân. Chùa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hoá ngày 31/12/2002.

cao bằng có lễ hội gì?

Lễ hội Chùa Phố Cũ – Cao Bằng

Hàng năm lễ hội Chùa Phố Cũ được tổ chức rất quy củ, đông vui. Nhân dân tổ chức rước kiệu, mổ lợn, dâng hương, tế lễ,… không khí ngày hội tưng bừng, náo nhiệt, bà con nhân dân chúc phúc cho nhau cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, những năm gần đây, công tác tổ chức, an ninh trật tự được tăng cường. Trong ngày hội, diễn ra chương trình văn nghệ đặc sắc với các tiết mục dân ca dân tộc như: Dá hai, hát quan họ, chầu văn… Nhiều trò chơi dân gian vẫn được duy trì: cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố,… thu hút sự tham gia của đông đảo các Đội văn nghệ, đội thể thao các xã, phường trên địa bàn.

Cao Bằng có lễ hội gì? Trên đây là danh sách những lễ hội Cao Bằng đặc sắc mà bạn nên tham gia khi du lịch tới miền đất này. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cuộc sống, những phong tục, tập quán của con người nơi đây. Chúc các bạn có những chuyến du lịch trải nghiệm Cao Bằng thật thú vị nhé.

Đăng bởi: Đào Xuân Thắng

YOLO! Khám phá các huyện ở Cao Bằng

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก