Lễ Hội Yên Bái

Yên Bái có lễ hội gì?

Yên Bái – điểm đến được biết tới là cửa ngõ của vùng Tây Bắc Tổ Quốc, nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà hùng vĩ. Nhắc tới Yên Bái là người ta nhớ tới những triền ruộng bậc thang trùng điệp xứ Mù Cang Chải, cung đường đèo Lũng Lô ngoạn mục trên vách núi sừng sững, những con người thân thiện, mến khách đến từ 30 dân tộc anh em khác nhau với những nét lễ hội văn hóa đặc trưng riêng biệt… Yên Bái có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Yên Bái mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Lễ hội bưởi Đại Minh – Yên Bái

Huyện Yên Bình mảnh đất phía Đông Nam của tỉnh Yên Bái, tạo hóa đã ban tặng cho con người nơi đây không chỉ cảnh đẹp “Sơn thủy hữu tình” mà còn được lưu truyền là vùng đất trù phú, giàu truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội, trong đó có lễ hội Bưởi Đại Minh, một lễ hội độc đáo nhằm tôn vinh sản vật nổi tiếng đó là Bưởi Đại Minh – “Bưởi tiến vua”.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội bưởi Đại Minh – Yên Bái

Lễ hội Bưởi Đại Minh được gắn với hoạt động đua thuyền trên Hồ Thác Bà được tổ chức với các động đặc sắc chính diễn ra tại sân vận động xã Đại Minh và thị trấn Thác Bà bao gồm: Lễ dâng hương tại đình Khả Lĩnh; lễ khai mạc lễ hội “Bưởi Đại Minh” tại sân vận động xã Đại Minh; cùng với đó các hoạt động: Phiên chợ quê; hội thi bóc Bưởi, trình bày Bưởi, các sản phẩm từ quả Bưởi; thi đấu thể thao: Môn kéo co, nhảy bao bố; thi trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số huyện Yên Bình; liên hoan các câu lạc bộ Nghệ thuật dân gian các dân tộc của huyện; đua thuyền trên hồ Thác Bà, biểu diễn lướt ván trên hồ Thác Bà, thi bơi thuyền nan; triển lãm ảnh nghệ thuật “Đất và người Yên Bình”; các tour du lịch tham quan vườn bưởi và các điểm du lịch trên hồ Thác Bà.

Điểm nhấn của Lễ hội Bưởi Đại Minh là Hội chợ quê trưng bày trái bưởi và cây bưởi giống Đại Minh với các gian hàng của 25 xã, thị trấn (mỗi xã 1 gian hàng có từ 20 sản phẩm nông, lâm, thủy sản), riêng xã Đại Minh có thêm các gian hàng trưng bày trái bưởi và cây bưởi giống to và ngon nhất hái trên những cây bưởi hàng trăm năm tuổi, được gắn nhãn mác để trưng bày và giới thiệu với du khách.

Hội thi Thôn nữ duyên dáng vùng bưởi trình diễn trang phục các dân tộc huyện Yên Bình đã thu hút nhiều thí sinh từ 16 đến 25 tuổi, được chọn từ các xã, thị trấn trên địa bàn. Hội thi là màn trình diễn sắc màu từ những trang phục độc đáo, đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Mông, giúp người xem cảm nhận rõ nét độc đáo, đặc trưng trên những nét hoa văn, chất liệu, nguồn gốc ra đời của từng trang phục, thể hiện bản sắc văn hóa, phản ánh sinh động giá trị đời sống vật chất lẫn tinh thần của từng dân tộc.

Hội thi bóc bưởi với những trái bưởi mùa thu vàng dịu, hương thơm quyến rũ mời gọi của vùng miền được trang trí trên mâm ngũ quả cùng với các sản vật đặc trưng của vùng hồ Thác Bà, dưới bàn tay khéo léo của những người dân nơi đây tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo, đẹp mắt, cùng với đó là Hội thi ẩm thực “Hương vị vùng hồ Thác Bà” với các món ăn được chế biến từ cá hồ Thác Bà đã thu hút du khách đến dự Lễ hội.

Lễ khai mạc hội đua thuyền được tổ chức tại chân đền Mẫu Thác Bà và địa điểm đua thuyền diễn ra tại bến cảng thuộc khu phố 7, thị trấn Thác Bà với sự tham gia của các vận động viên đến từ các xã, thị trấn trong huyện, tranh tài ở 3 nội dung đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ. Những người tham gia dự thi là những người giỏi chèo thuyền và có khả năng chinh phục sông nước, gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống. Lễ hội đua thuyền huyện Yên Bình tổ chức không chỉ là dịp để quảng bá những tiềm năng, thế mạnh và các sản vật địa phương mà còn thể hiện đặc sắc một nét sinh hoạt rất đời thường của những người dân hồn hậu, chất phác và mến khách vùng quê Đông Hồ Thác Bà. Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra triển lãm ảnh “Đất và người Yên Bình”, thi đấu thể thao, liên hoan các Câu lạc bộ văn nghệ dân gian…

Du khách đến với Yên Bái trong dịp này sẽ được tham quan vùng bưởi, các di tích lịch sử và khám phá hồ Thác Bà qua các tour du lịch sinh thái. Tham quan cây bưởi tổ và mô hình hộ gia đình trồng bưởi có thu nhập cao tại các thôn của xã Đại Minh, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn như: đình Khả Lĩnh, chùa Nổi, đền Cửa Ngòi, đình chùa Phúc Hòa, đền Mẫu Thác Bà…

Lễ hội Bưởi Đại Minh được tổ chức là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và nét độc đáo của thiên nhiên, con người đồng bào các dân tộc huyện Yên Bình nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung là cơ hội quảng bá, tuyên truyền tiềm năng thế mạnh của huyện đồng thời tạo điểm nhấn thu hút du khách, giới thiệu sản phẩm Bưởi Đại Minh đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Lễ hội quế huyện Văn Yên – Yên Bái

Văn Yên được biết đến là thủ phủ của cây quế với tổng diện tích trên 40 nghìn ha được trồng ở 27/27 xã, thị trấn của huyện. Ai đã một lần đặt chân đến mảnh đất Văn Yên sẽ không thể nào quên hương quế, tình người nơi đây. Nói đến cây quế là nói đến đồng bào dân tộc Dao, cây quế gắn liền với đời sống tinh thần, phong tục, tập quán, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Dao cũng như các dân tộc khác cùng chung sống nơi đây.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội quế huyện Văn Yên – Yên Bái

Từ xưa đến nay, cây quế đã gắn bó rất khăng khít, thủy chung với người dân Văn Yên từ trong tâm tưởng, ký ức đến đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất. Cây quế không những đem lại giá trị tinh thần mà còn góp phần giúp người dân nơi đây giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói, giảm nghèo mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhiều gia đình đã coi quế là thứ “vàng ròng” quý giá, là của để dành cho con cháu đời sau. Lễ hội quế được tổ chức nhằm quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm của quế, tiếp tục khẳng định giá trị cây quế, tôn vinh những người nông dân bao đời thủy chung, gắn bó với cây quế, tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong ngành quế. Lễ hội quế cũng là dịp để giới thiệu hình ảnh miền đất, con người Văn Yên đến với bạn bè gần xa, thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế, văn hóa, du lịch. Lễ hội quế lần đầu tiên tổ chức vào năm 2015 tại xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Đến với Lễ hội quế Văn Yên, du khách đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh rừng quế bạt ngàn, những sản phẩm từ quế và được đắm mình trong hội chợ quê với nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo của người Dao đỏ, cùng thưởng thức những món ẩm thực đặc sắc, riêng biệt của vùng đất quế, tham gia các tour du lịch cộng đồng để chiêm ngưỡng và tìm hiểu về giá trị truyền thống tại các bản làng văn hóa người Dao, được hòa mình vào thiên nhiên để đồng cảm với vùng đất quế còn nhiều khó khăn và thêm yêu, thêm quý những con người cần cù lao động, đầy sáng tạo nơi đây.

Lễ hội quế được tổ chức tại xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên với nhiều hoạt động phong phú bao gồm: Tổ chức chương trình tôn vinh cây quế, sản phẩm quế và người sản xuất, chế biến quế cụ thể lễ phát động cuộc bình chọn các đồi Quế kiểu mẫu, vườn Quế phục vụ khách du lịch tham quan, tôn vinh người trồng Quế, tổ chức thi tuyển chọn sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ Quế và tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong ngành Quế, tổ chức trồng quế khi đôi nam nữ người dân tộc Dao được ra ở riêng; khai thác Quế mời đại biểu cùng du khách tham gia. Bên cạnh đó còn có chợ quê trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện Văn Yên; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch như: Tái hiện lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao; tái hiện đám cưới người Dao; hát Páo dung dân tộc Dao; đặc biệt là Hội thi “Người đẹp vùng quế”… đem đến nhiều cảm xúc, giúp du khách, bạn bè hiểu rõ hơn chuỗi giá trị của cây quế trong sự phát triển kinh tế của nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên.

Lễ hội quế được tổ chức nhằm quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm của quế, tiếp tục khẳng định giá trị cây quế. Lễ hội quế cũng là dịp để giới thiệu hình ảnh miền đất, con người Văn Yên đến với bạn bè gần xa, mở rộng quảng bá, giới thiệu mở rộng thị trường sản phẩm từ cây quế tới các thị trường lớn hơn, tiềm năng hơn. Giữ gìn bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc trong huyện Văn Yên nhằm khai thác, quảng bá các tuyến, tour du lịch, tạo tiền đề phát triển kinh tế – xã hội và là điểm đến của du khách trong thời gian tới đồng thời cũng để giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao.

Lễ hội Tết rừng – Yên Bái

Hàng năm cứ vào dịp cuối tháng Giêng và 3 ngày đầu của tháng 2 âm lịch, lễ hội Tết rừng Nà Hẩu của đồng bào dân tộc Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái lại được tổ chức nhằm mục đích bảo vệ rừng, cũng như phát huy phong tục tập quán truyền thống lâu đời của người Mông xã Nà Hẩu. Đây là nghi lễ truyền thống có ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với người dân nơi đây và còn được gọi là “Tết rừng”.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội Tết rừng – Yên Bái

Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu được xây dựng dựa trên ý nghĩa lịch sử truyền thống và tập tục lâu đời của dân tộc Mông, với ý niệm cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống người dân no ấm hạnh phúc.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích tự nhiên hơn 43.230 ha, trong đó diện tích có rừng là hơn 30.528 ha. Nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn, xã Nà Hẩu có tổng diện tích tự nhiên là 5.640 ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng là 4.700 ha. Đất đai sản xuất của xã Nà Hẩu rất ít, cuộc sống của các hộ đồng bào Mông chủ yếu dựa vào ruộng nước và vài chục ha ngô đồi nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ tập tục cúng rừng luôn được duy trì tổ chức hàng năm nên người dân Nà Hẩu không xâm hại đến rừng. Bởi vậy, trong khi rừng ở nhiều nơi bị tàn phá thì ở đây, hàng nghìn ha rừng nguyên sinh vẫn nguyên vẻ hoang sơ, tán rừng già vẫn tầng tầng, lớp lớp, ngút ngàn xanh.

Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu diễn ra gồm có phần lễ và phần hội. Lễ hội cúng rừng mở đầu bằng phần rước lễ vật lên khu rừng cấm. Những nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, nơi có nhiều cây cổ thụ lớn. Trên bàn thờ bằng đá, được đặt dưới gốc cây lớn nhất, là lễ vật để dâng cúng thần rừng gồm: một con gà trống lông trắng, một con gà mái lông đen, một con lợn đen do 6 thanh niên người Mông chưa lập gia đình rước từ trung tâm xã đến cửa rừng, rượu, hương, giấy bản… để dâng cúng thần rừng. Thầy mo hành lễ đốt 48 nén hương, rót rượu, xôi bày tại 4 góc ban thờ, sau đó thổi một hồi tù và, đánh một hồi mõ để bắt đầu làm lễ. Phần làm lễ được chia làm hai phần cúng lễ sống và lễ chín, khán cầu mưa thuận gió hòa, nhân dân phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, không phá hay khai thác rừng.

Thực hiện xong nghi lễ cúng tế Thần rừng, người dân các thôn, bản tập trung dưới khu rừng thiêng của thôn mình để cùng mổ lợn liên hoan. Sau lễ hội là phong tục cấm rừng trong ba ngày. Theo tập tục, đồng bào dân tộc Mông trong xã Nà Hẩu nghỉ kiêng ăn Tết rừng ba ngày để tạ ơn thần rừng. Trong ba ngày này, mọi người phải tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục: không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng…

Cùng với phần lễ, người dân trên địa bàn xã Nà Hẩu và các xã lân cận đã hòa mình trong không khí vui tươi với các tiết mục văn nghệ và hoạt động thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ; tham quan; mua sắm. Tại khu vực chợ quê bày bán các sản vật của người dân bản địa.

Tín ngưỡng thờ Thần rừng của đồng bào Mông nơi đây đã được truyền qua nhiều thế hệ. Lễ hội Tết rừng gắn với những quy định bảo vệ rừng, đã trở thành ngày hội văn hóa cộng đồng độc đáo của xã Nà Hẩu từ nhiều năm nay. Nhờ có phong tục cúng rừng, người dân nơi đây luôn có ý thức bảo vệ rừng, nhiều năm qua rừng được bảo vệ tốt, không để xẩy ra cháy rừng, vận chuyển gỗ trái phép, những mái nhà nằm dưới những tán rừng già chính là hình ảnh đẹp về sự thân thiện với môi trường ở xã Nà Hẩu.

Những năm gần đây, tục cúng rừng còn được xem như một cuộc họp tổng kết năm của thôn, bản trong công tác bảo vệ rừng với sự tham gia của tất cả các chủ hộ trong thôn, cán bộ xã và cán bộ kiểm lâm. Việc thực hiện các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng cấm; tình hình phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, an ninh trật tự thôn bản, các khoản đóng góp, các khoản được Nhà nước hỗ trợ… đều được đem ra bàn bạc công khai trong ba ngày “Tết rừng”.

Lễ hội là dịp quảng bá nhân rộng thúc đẩy ý thức giữ rừng, phát triển sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc, từng bước thu hút khách du lịch đến thăm quan rừng sinh thái, khám phá sự kỳ thú của các hang động, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của người dân làm ra. Từ đó tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng lâu dài, bền vững.

Lễ Cầu mùa của người Dao đỏ – Yên Bái

Lễ hội Cầu mùa của người Dao đỏ, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái từ lâu đã trở thành một nét đẹp truyền thống trong phong tục tập quán của đồng bào Dao nơi đây. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất được tổ chức vào dịp tháng Giêng và rằm tháng 7 âm lịch hàng năm.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ Cầu mùa của người Dao đỏ – Yên Bái

Xã Khai Trung cách thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên khoảng 18km, là nơi quần cư của đồng bào người Dao đỏ. Theo một số già làng ở xã Khai Trung, lễ Cầu mùa đã có truyền thống từ hàng trăm năm, qua thời gian dài bị mai một thì trong khoảng 20 năm trở lại đây, lễ Cầu mùa đã được người Dao đỏ khôi phục và duy trì. Hàng năm, lễ Cầu mùa được bà con xã Khai Trung tổ chức 2 lần vào dịp đầu tháng Giêng và Rằm tháng 7 âm lịch, để cầu cho mọi người trong dân làng luôn khỏe mạnh, phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, mùa màng được bội thu, không có dịch bệnh xảy ra, gia đình, hàng xóm, làng bản sống hòa thuận, đoàn kết, bản làng được bình an.

Theo phong tục, lễ Cầu mùa được tổ chức gồm 2 nội dung, phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, mỗi gia đình sẽ cùng nhau đóng góp đồ lễ để thờ cúng mang tính lòng thành như: gà, thịt lợn, rượu trắng, gạo… tất cả đều phải do tự tay các hộ trồng được, nuôi được, không được mua từ nơi khác về, sau đó cùng tập trung về một hộ gia đình có uy tín trong cộng đồng để tổ chức. Chuẩn bị làm lễ, đàn ông trong làng là những người đã được cấp sắc và thầy cúng sẽ phụ trách việc thờ cúng, phụ nữ thì nấu ăn và chuẩn bị đồ để thờ, thanh niên trai tráng thì giết lợn, mổ gà.

Trước khi tiến hành làm lễ ở đình làng, sáng sớm người dân tập trung ở nhà ông chủ thờ thần linh để tiến hành dâng hương rước các vị thần linh đến đình làng. Sau đó, các công việc tiếp theo của phần lễ sẽ được thực hiện bởi 4 ông thầy cúng. Trong khoảng thời gian 2 ngày liên tục không nghỉ các thầy cúng thực hiện các nghi lễ như: Mời thần linh đến chứng kiến; lễ khai đàn; lễ mời Bản vương; lễ khai sơn lập địa; lễ cầu mùa, cầu an, cầu phúc, cầu tài; lễ tụng kinh cầu nguyện và cuối cùng là lễ cúng tạ ơn các thần linh. Cầu cho bản làng một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, các hộ dân trong làng có một năm mới thuận lợi, làm ăn kinh tế phát triển, đời sống ngày càng khá giả, đẩy lùi khó khăn, vất vả.

Song song với việc các thầy cúng làm lễ cúng tại đình làng, thì phần hội cũng được tổ chức để bà con dân làng trong thôn, bản vui chơi với các trò chơi thể thao như: bóng chuyền, các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đã thu hút không chỉ đồng bào Dao nơi đây mà còn có sự tham gia, đến thăm của nhiều du khách thập phương.

Lễ Cầu mùa người Dao đỏ xã Khai Trung được tổ chức một năm 2 lần như đã nói ở trên. Tuy nhiên, cứ 3 năm lễ được tổ chức với quy mô lớn theo dạng lễ hội, ngoài phần lễ, ban tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao với các tiết mục, trò chơi mang đậm đà bản sắc của người Dao đỏ địa phương.

Lễ Cầu mùa là hình thức sinh hoạt tâm linh để bà con gửi gắm những ước mong về những mùa ngô, lúa tốt tươi, muôn loài được sinh sôi nảy nở, mưa thuận gió hòa và cuộc sống an lành, ấm no hạnh phúc.

Lễ hội Cầu mùa của đồng bào Dao đỏ ở xã Khai Trung đã thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã và đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, làm phong phú đời sống tinh thần của cư dân nơi đây, đồng thời góp phần phong phú, đa dạng nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Lễ hội “Mừng cơm mới” xã Tú Lệ – Yên Bái

Theo phong tục, cứ vào tháng 8 âm lịch hàng năm, trước khi bước vào chính vụ thu hoạch lúa chín, đồng bào dân tộc Thái xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, lại rộn ràng tổ chức lễ “Mừng cơm mới”. Đây còn là dịp để bà con người Thái bày tỏ lòng biết ơn hạt thóc của của trời đất ban cho, đồng thời dâng cúng trời, thần đất, thần nước, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng… để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bà con trong bản khỏe mạnh, sung túc, vui vẻ chan hòa với nhau.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội “Mừng cơm mới” xã Tú Lệ – Yên Bái

Lễ hội được tổ chức gồm phần nghi lễ và phần hội.

Phần nghi lễ, thầy cúng đã phần nào tái hiện lại nghi thức cầu cúng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái. Theo quan niệm lâu đời, để có một mùa màng bội thu thì sự phù hộ của các vị thần linh cai quản ruộng đồng là rất quan trọng, nên mỗi độ thóc, lúa ngoài đồng chín rộ, bà con lại chuẩn bị mâm cỗ với đầy đủ các sản vật đặc trưng như thịt, cá, măng rừng, đặc biệt là không thể thiếu một bát cốm mới thơm nồng để dâng lên thần lúa, mong muốn bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần linh, tổ tiên, trời đất.

Tiếp đó là phần hội diễn ra với các phần thi làm cốm thơm, dẻo ngon, màu sắc đẹp và gói cốm với sự tham gia của các đội thi đến từ các thôn bản của xã Tú Lệ, tái hiện lại các công đoạn làm cốm, từ khâu chọn lúa, rang thóc đến giã cốm, dưới bàn tay khéo léo của các cô gái, cùng nhịp chân đều đặn lúc giã cốm đã thu hút được sự theo dõi của du khách thập phương khi tới tham dự lễ hội. Các trò chơi dân gian như kéo co, tó mác lẹ,… được tổ chức thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, qua đó thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Lễ hội “Mừng cơm mới” xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái qua trang phục, ẩm thực, cũng như nét văn hóa trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Đồng thời để gìn giữ, truyền lại phong tục tập quán, nét văn hóa của lễ hội từ đời này sang đời khác, cùng với địa phương xây dựng đời sống văn hóa, mở rộng vùng chuyên canh nếp Tan Tú Lệ, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân ngày một ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội giã cốm – Tăm Khảu Mảu của người Tày – Yên Bái

Lễ hội giã cốm hay còn gọi là “Tăm Khảu Mảu” có nghĩa là giã cốm với những động tác nhịp chày nhịp nhàng giàu sức biểu cảm, thể hiện ước vọng của lòng người về một cuộc sống thanh bình no đủ. Lễ hội là phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Tày ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội giã cốm – Tăm Khảu Mảu của người Tày – Yên Bái

Du khách đi từ thành phố Yên Bái, ngược đường miền Tây, vượt qua Đèo Ách bên nắng bên mưa là tới Đồng Khê, huyện Văn Chấn. Nơi đây có thung lũng Nà Trạm xinh đẹp, bằng phẳng dưới chân núi Linh Nam và Pu Cóp Mưa. Nà Trạm là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Tày với những lễ thức sinh hoạt văn hóa truyền thống còn được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Trong đó có lễ hội giã cốm hay còn gọi là “Tăm Khảu Mảu”.

Lễ hội giã cốm là phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Tày ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Cốm không chỉ có ý nghĩa đối với nhà nông mà nó còn mang ý nghĩa tâm linh, bởi sau khi kết thúc mùa thu hoạch lúa người nông dân muốn có hạt cốm thơm để dâng lên tiên tổ, cầu mong trời đất luôn mưa thuận gió hòa, giúp người nông dân gặp nhiều may mắn trong lao động, sản xuất. Do đó, cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm khi lúa nếp vừa chớm vào chắc, hạt lúa ngả màu vàng nhạt là thời điểm người dân tổ chức lễ hội giã cốm dâng lễ tổ tiên.

Mỗi độ cuối thu, khi những bầu sữa nếp trên cánh đồng Nà Trạm vào độ đỏ đuôi mà tiếng Tày gọi là khảu pen rang thì cũng là lúc bắt đầu lễ Tăm Khảu Mảu. Từ sáng sớm, khi những hạt sương thu còn đọng trên những tấm mạng nhện mỏng manh, các noọng duyên dáng trong những bộ áo váy chàm xanh thẫm, lấp lánh vòng xà tích ánh bạc, đeo ớp bên hông, tay cầm hái nhỏ râm ran rủ nhau ra thửa ruộng đầu bản, ngắt lúa nếp về chuẩn bị cho lễ Tăm Khảu Mảu.

Cốm được làm từ giống nếp, đặc sản của địa phương. Thóc để làm cốm được chọn rất cầu kỳ, phải là thóc nếp, hạt mẩy và có màu vàng nhạt đều. Cốm được làm theo hai cách, có thể luộc thóc hoặc rang thóc vừa chín tới, sau đó để nguội rồi đem giã, sàng sảy để loại bớt vỏ trấu rồi đem bỏ vào “đuống” giã tiếp (đuống được làm bằng gỗ sấu).

Khi thóc được đưa vào giã cốm cũng là lúc dân bản tổ chức lễ hội vui chơi, reo hò theo giai điệu của tiếng chày, tiếng đuống. Linh hồn và nét đặc sắc của lễ Tăm Khảu Mảu, thể hiện sinh động nhất ở phần giã cốm. Âm thanh náo nức gọi mời của lễ hội cất lên nhờ sự kết hợp hài hòa theo niêm luật giữa Tăm Khảu Mảu và quéng loong (tức là giữa động tác giã thuần túy và nghệ thuật gõ chày vào thân đuống). Chày và đuống nguyên thủy là những công cụ lao động, dùng bóc tách hạt lúa thành gạo. Khi văn hóa ẩm thực thăng hoa thành văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của con người, thì chày và đuống trở thành nhạc và đạo cụ trong lễ hội. Chày được làm bằng những thân cây sồi vừa nắm tay cầm và dài chừng 1,5 mét. Đuống có hình dạng giống chiếc thuyền độc mộc. Các bậc cao niên ở thung lũng Nà Trạm bảo rằng: Chỉ có những cây đuống làm bằng thân sấu già trên núi Pu Cóp Mưa và Linh Nam mới cho những âm thanh vang ấm.

Giã cốm được tiến hành qua sáu bài theo những thể thức nhất định. Mỗi bài theo một nhịp, diễn tả nhiều ý nghĩa khác nhau, vừa mang màu sắc tâm linh vừa chứa đựng những ý niệm phồn thực. Nhịp đuống là những bài ca về tình yêu, đạo đức, ý chí, tình cảm và còn là tín hiệu nóng ấm của con tim, là sợi dây gắn kết cộng đồng, thắp sáng niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc.

“Kha tham” là bài giã đầu tiên, gồm ba người gõ đuống theo nhịp đi. Các đuống hai bên chống chày, đung đưa theo nhịp đuống bạn để phụ họa và tăng thêm phần say sưa cho lễ hội. “Lạc thác” là bài giã tám người một đuống, đồng loạt theo nhịp điệu đều đặn và giòn giã. Tiếp đến là bài “Cắp cáng”. Tiếng đuống da diết, đượm chút buồn, gợi nhớ câu chuyện tình đau thương và đẹp của đôi trai gái yêu nhau tha thiết, nhưng vì sự hà khắc của lễ giáo xưa, họ đã phải chết, biến thành đôi chim suốt đời gọi nhau “Cắp cáng …cắp… cắp… cáng”. Đó cũng là quan niệm về tình yêu thuần khiết, thủy chung và khát vọng yêu thương của người miền núi. Hai cây sào nứa vỗ nhẹ bên thân đuống, cùng tiết nhịp khoan nhặt ở bài “Kèn lừa” là những lời nhắn nhủ ân tình của người xưa về kinh nghiệm sống, để tránh những tai họa có thể xảy ra trên sông nước. “Kèn lừa” cũng chính là mong ước của lòng người về những may mắn trong cuộc đời. Đặc biệt ở bài “Tăm húc” có nghĩa là dệt vải. Truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Tày được thể hiện qua những động tác mô phỏng hình ảnh thoi đưa nhịp nhàng và âm thanh rộn ràng của khung cửi. Từ những sợi lanh nhỏ, nhờ ban tay khéo léo và đức tính cần mẫn, người phụ nữ đã dệt nên ước mơ, hạnh phúc, dệt thành tiếng nói tâm tư tình cảm, thành niềm tự hào và tô thắm sắc màu xứ sở. “Tạp hua ma” (Tức là: Đập đầu chó) là bài giã cuối cùng và cũng là lúc hạt cốm xanh, dẻo hình thành. Những tiếng đuống dồn dập, tựa tiếng thét căm giận và quyết tâm xua đuổi diệt trừ loại lang sói – diệt trừ cái ác bảo vệ cuộc sống an vui hạnh phúc cho bản làng.

Có hạt cốm rồi, người ta tiến hành chế biến thành nhiều món ăn mang phong vị ẩm thực của người Tày. Hạt cốm tươi dùng làm món tráng miệng ăn kèm với chuối chín. Cốm xanh dẻo thơm quện với hương vị ngọt ngào của chuối ngự cuối thu thật hấp dẫn. Cốm tươi còn được nấu với nước luộc vịt, cho một thứ cháo sánh, có thể gắp được ăn vừa thơm mát lại vừa ngậy. Cũng những hạt cốm tươi ấy, đem rang lên cho phồng, ăn vào giòn tan thơm ngọt. Rồi còn cả món cốm đồ xôi, gói lá dong xanh, để cả ngày vẫn dẻo thơm hương vị núi ngàn. Nhìn chung các món ăn chế biến từ hạt cốm xanh rất đặc biệt và chỉ có nếm thử mới cảm nhận hết vị thơm ngon và sự độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Tày nơi thung lũng Nà Trạm này.

Trong ngày lễ Tăm Khảu Mảu, con cháu bao giờ cũng dành những hạt cốm đầu tiên, bát cháo cốm múc ra trước nhất và gói xôi cốm vừa xơi ra từ chõ đồ còn nghi ngút khói hương mùa nếp mới, thành kính dâng lên Xó ma và bàn thờ Thổ công. Nghi thức này là để bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng với đất trời, tổ tiên và cũng là tâm nguyện gìn giữ truyền thống văn hóa bao đời của dân tộc mình.

Lễ hội Tăm Khảu Mảu có thể kéo dài tới tận đêm khuya. Càng về đêm, tiếng đuống càng say sưa. Lễ hội Tăm Khảu Mảu là một hoạt động văn hóa dân gian, mang bản sắc riêng có của dân tộc Tày xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Du khách gần xa hãy một lần đến với lễ hội Tăm Khảu Mảu để được hòa mình, được sống trong không khí lễ hội của làng, của bản, của những con người nhiệt tình và mến khách nơi đây.

Lễ hội Lồng Tồng – Yên Bái

Lễ hội Lồng Tồng hay còn được gọi là Lễ hội xuống đồng, khởi nguồn là lễ hội của dân tộc Tày khi đã sống thành làng bản quần cư trong cộng đồng, song cũng là nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc anh em khác như: Cao Lan, Dao, Nùng, Sán Chỉ… Đây là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Nơi tổ chức tại những ruộng tốt nhất, to nhất.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội Lồng Tồng – Yên Bái

Huyện Yên Bình từ bao đời nay luôn coi hồ Thác Bà là báu vật của quê hương mình. Những làng bản định cư xung quanh hồ đã có cả nghìn năm tuổi, nhiều dân tộc anh em như Kinh, Tày, Cao Lan, Dao, Nùng… đã cùng nhau chung sống và gìn giữ mảnh đất quê hương này.

Lễ hội Lồng Tồng là lễ hội mở đầu cho một năm mới, mang đậm nét văn hóa truyền thống của một nền văn minh lúa nước được đồng bào các dân tộc ở các xã thuộc vùng thượng huyện, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân. Thầy mo làm lễ cúng tạ ơn Trời, Đất và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Lồng Tồng gồm hai phần: Phần lễ và phần hội.

Phần lễ: Cúng Thần Nông, nghi thức tịch điền (cày rộng). Cúng tế Trời, Đất, cầu các thần linh ban cho mưa thuận, gió hòa, con người khoẻ mạnh, cây cối tươi tốt, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu với những sản vật nông nghiệp do người dân bản địa làm ra, được những chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống dâng lên các vị thần linh.

Phần hội: Sôi nổi với các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian như: Ném còn, bắn nỏ, cầu lông, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền hơi (nam, nữ); Các trò chơi dân gian: bịt mắt bắt vịt, nhảy bao bố…giao lưu văn nghệ, đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, và đó cũng là dịp già làng, trưởng bản, nam thanh nữ tú gặp mặt, vui đón năm mới, khắc sâu tinh thần đoàn kết cộng đồng giữa các dân tộc anh em.

Lễ hội Lồng Tồng, ngoài ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, làng bản yên bình, giúp bà con trong bản gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế, những hoạt động văn hóa – văn nghệ, trò chơi dân gian trong lễ hội còn là những nét văn hóa giàu truyền thống, mang đậm bản sắc đã được phục hồi, lưu giữ. Đồng thời, đây cũng là ngày hội đầu xuân để bà con các địa phương có cơ hội phô diễn những thành quả đã đạt được trong một năm; sẵn sàng bước vào một mùa gieo hạt mới với niềm tin cây trồng sẽ tươi tốt, mùa màng bội thu, đời sống bà con nhân dân sẽ ngày được nâng lên.

Lễ hội “Nào Sồng” của đồng bào dân tộc Mông – Yên Bái

Cùng với Lễ hội Gầu Tào, lễ hội Nào Sồng là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống tinh thần của của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Yên Bái.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội “Nào Sồng” của đồng bào dân tộc Mông – Yên Bái

Người Mông kể rằng, Lễ hội “Nào Sồng” trong những ngày đầu năm mới của người Mông thường được tổ chức ở một thôn, bản. Lễ hội Nào Sồng giống như một hội nghị của người Mông được tổ chức vào đầu năm nhằm đưa ra các quy định, quy ước cho công việc của cả làng, cả bản trong suốt một năm.

Để tổ chức được lễ hội, vào dịp giáp tết, già làng, trưởng bản triệu tập tất cả các gia đình trong bản đến họp, bàn về khâu chuẩn bị, trong đó có cả phần đóng góp tiền mua trâu, ngựa để mổ làm cỗ và cho người mời các già làng ở thôn, bản lân cận tới dự. Ngày hội đến, mọi người háo hức khoác lên mình bộ áo, váy mới hòa trong tiếng khèn rảo bước tới nhà già làng, trưởng bản để dự hội. Các lễ hội khác, khi bắt đầu vào lễ hội, già làng thường phải làm lễ tế trời đất, nhưng ở lễ hội “Nào Sồng” thì không. Khi mọi người tập hợp đông đủ, già làng đứng lên giới thiệu với mọi người trong thôn về những vị khách đã đến dự, và bắt đầu chủ trì lễ hội.

Nội dung của lễ hội được già làng thực hiện bằng việc nêu ra những quy định của thôn, bản cũng như hương ước của làng. Chẳng hạn về chăn thả gia súc, nếu để gia súc phá nương, rẫy của nhà khác thì phải xử phạt thế nào? Rồi chuyện con trâu nhà ông A chẳng may đánh nhau với trâu nhà ông B một con chết; nếu tính tuổi con bị chết còn ít hơn, khi đánh nhau nó bỏ chạy, nhưng vẫn bị con to đuổi đến chết thì sẽ cân con bị chết lên, nhà có trâu chết sẽ lấy 1/3 thịt, nhà có trâu thắng sẽ lấy 2 phần còn lại và phải trả tiền theo giá trị con trâu đó. Nếu cả hai con trâu bằng tuổi nhau, thì nhà có trâu thắng chịu tiền bằng một nửa con trâu và mang một nửa con trâu về ăn. Nếu không có tiền trả, thì nhà có trâu chết sẽ lấy một con nghé về nuôi…

Cái hay là trong Lễ hội “Nào Sồng” của người Mông cũng lập ra nhiều quy định về ma chay, cưới hỏi. Chẳng hạn như nhà gái không được thách cưới quá 70 đồng bạc xòe, không quá 50 kg lợn hơi, không quá 200 bát rượu… Trong lễ hội còn lập ra nhiều điều lệ quy định về trật tự an ninh, xử lý những người trộm cắp tài sản của nhà khác…

Các quy định đều được già làng, trưởng bản thông qua các gia đình trong thôn, bản dự lễ hội để mọi người cùng bàn bạc, tán thành thì giơ tay biểu quyết. Cứ như vậy hết quy định này đến quy định khác, lễ hội kết thúc bằng một bữa cỗ thịnh soạn, mọi người chúc tụng nhau bằng những ống nứa chứa đầy rượu. Những vấn đề nêu ra trong lễ hội trở thành quy định của thôn, bản, nhà nhà phải thực hiện theo. Cái hay là những già làng ở bản khác tới dự cũng nắm được quy định đó, về bản thông báo lại cho từng gia đình trong bản mình biết và nhắc nhở mọi người khi sang bản khác tránh không mắc phải.

Sau phần lễ là đến phần hội, mọi người hòa mình trong tiếng khèn, tiếng trống cùng những bài hát, điệu khèn, các trò chơi dân tộc: ném pa pao, nhảy tha khênh, chơi tu lú, cướp trứng, bắn nỏ, đua ngựa…

“Nào Sồng” là lễ hội hội mang đậm nét văn hóa làng xã, độc đáo và đầy ý nghĩa nhân văn của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Yên Bái.

Lễ hội múa Mơi của người Mường – Yên Bái

Múa Mơi là lễ hội truyền thống mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Những khát vọng và ước mơ về cuộc sống tự do vươn tới ấm no, hạnh phúc và ca ngợi tình yêu đôi lứa đã được người Mường gửi gắm vào những điệu dân vũ mang tên gọi múa Mơi.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội múa Mơi của người Mường – Yên Bái

Trước khi diễn ra lễ hội múa Mơi, trước nhà ông Mo phải chuẩn bị một cây nêu được trang trí rất nhiều họa tiết mang ý nghĩa tâm linh. Lễ vật trong lễ hội múa Mơi gồm có: Mâm lễ cúng (tiếng dân tộc Mường gọi là “Pán Cạo”) gồm có các lễ vật: 1 đầu lợn, bánh chay (pèng chay), bánh trưng (pèng chưng), bánh ống (pèng ống), cơm, xôi, rau chay, măng, lá đu đủ, 1 nải chuối, rượu. Và một lễ vật có ý nghĩa rất quan trọng trong lễ hội này là cây bông, tiếng Mường gọi là “Cần Boồng”.

Bắt đầu vào lễ, thầy Mo mặc quần áo truyền thống, đầu quấn khăn Mơi, tay cầm quạt, ngồi giữa một chiếc chiếu trải ở khu vực trung tâm. Thầy Mo thay mặt tất cả mọi người tham gia trong lễ hội đứng trước mâm cúng khấn, lời khấn đại ý “Hôm nay ngày lành tháng tốt, bản mường tổ chức lễ hội múa Mơi, cảm ơn thần tiên, tổ tiên trong năm qua đã phù hộ cho con cháu một năm làm ăn gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi…”. Điệu múa này của thầy mo với đại ý là thần tiên đã nhập vào thầy để vui chơi cùng con cháu. Khi đã nhập vào, thầy mo sẽ múa điệu quay tròn lắc lư đầu, chân rung mạnh cảm giác như sắp bật khỏi mặt đất, thầy vừa múa nhập đồng miệng vừa lẩm nhẩm điệu hát.

Khi thầy mo nhập đồng xong mọi người bắt đầu vào màn múa đầu tiên theo nhịp gõ trống, chiêng, điệu múa trầu (hay còn gọi là múa nàng tiên). Điệu múa này là thầy mo mời các nàng tiên trên trời xuống để dự lễ hội múa vui cùng bà con dân bản. Tham gia điệu múa này chủ yếu là sáu nghệ nhân mặc trang phục truyền thống, khăn Mơi vắt qua vai, khi vào điệu múa khăn Mơi sẽ được chuyển từ vai xuống tay thành đạo cụ múa. Các nghệ nhân này tay cầm nhạc cụ để tạo nên những âm thanh rộn rã, đó là những thanh nứa dài, gõ lên một tấm gỗ theo nhịp 3 – 4 kết hợp với âm thanh của trống và chiêng. Còn một số nghệ nhân ngồi ngoài hát Mơi. Ở điệu này, người múa phải nhìn nhau múa đều theo nhạc. Điệu múa này diễn ra trong khoảng 15- 20 phút.

Tiếp đó là điệu múa Mơi, những con nuôi đã được thầy chữa cho khỏi bệnh có lễ đến tạ ngày tết được thầy mời ở lại để múa vui. Vào điệu này, tất cả mọi người cùng tham gia múa với những động tác đơn giản, không phức tạp. Chân bước theo nhịp 2-4, chân vắt sang phải thì tay cầm khăn mơi vung sang trái và ngược lại. Mọi người cùng say sưa múa, điệu múa cứ lặp đi lặp lại, từ vị trí ban đầu di chuyển theo vòng tròn rồi lại xoay lại.

Tiếp theo là điệu múa “Mùa Cuổi” (múa Cuội) hay Thần tiên xuống chơi. Đây là màn múa cao trào nhất, điệu múa mang ý nghĩa rằng thần tiên ở trên trời đã nghe thấy lời cúng khấn của con cháu nên đã nhập đồng xuống trần gian cùng vui chơi. Thầy mo lúc này vừa nhảy múa cùng mọi người vừa ra hiệu cho tất cả cùng nhau vui chơi, cùng tham gia vào màn múa.

Ở điệu múa Thần tiên xuống vui với trần gian này, còn có một phần rất đặc biệt đó là phần “phán bông” của thầy Mo, các cô gái rất náo nức đón đợi phần này bởi qua lời phán của Thầy Mo một trong số các cô gái xinh đẹp, đảm đang, khéo léo tham gia và công việc chuẩn bị cây bông sẽ được thầy chọn và phán là người khéo tay nhất đã làm ra bông hoa đẹp nhất.

Sau một hồi múa vui, thầy Mo sẽ ra hiệu cho mọi người chuyển sang điệu múa mô tả những trò chơi thể thao, các trò chơi ở đây chủ yếu là ném còn, đánh đu, kéo co… Xong nhịp múa này thì Cuội nhập vào thầy, lúc này thầy Mo đứng bật dậy múa các động tác lạ khác hẳn với các động tác đã múa trước, có sự trêu ghẹo các cô gái xinh của bản và bị các cô gái đuổi về trời.

Kết thúc, tất cả mọi người quây quần bên nhau, chúc nhau chén rượu và hẹn năm sau thần tiên sẽ quay trở lại vui cùng bản Mường.

Múa Mơi là lễ hội truyền thống mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường nơi đây. Những khát vọng và ước mơ về cuộc sống tự do vươn tới ấm no, hạnh phúc và ca ngợi tình yêu đôi lứa đã được người Mường gửi gắm vào những điệu dân vũ từ rất lâu và sẽ mãi trường tồn trước dòng chảy của thời gian.

Lễ quét ma làng của tộc người Xá Phó – Yên Bái

Người Xá Phó (Phù Lá) tập trung nhiều tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đây là một trong những tộc người bản địa có nền văn hóa rất phong phú và đa dạng. Lễ quét ma làng hay lễ đuổi ma làng (A – ne – pạ – gờ – pá) là một trong những lễ hội lớn, đặc sắc và vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân nơi đây.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ quét ma làng của tộc người Xá Phó – Yên Bái

Vào ngày lễ, tất cả các gia đình trong làng mỗi nhà đều phải đóng góp một con gà, một lít rượu và 3 ống gạo, thịt lợn (do cả làng cùng góp)… để cùng tổ chức lễ cúng chung. Trong ngày lễ tất cả mọi người sinh sống trong làng đều phải ra nơi tổ chức lễ cúng để cùng nhau chuẩn bị lập đàn cúng, làm bàn thờ và dự lễ cúng đuổi ma làng cùng với thầy cúng.

Để tổ chức nghi lễ, trước những ngày diễn ra lễ cúng chính thức, người dân lập một đàn cúng ngay sát mép suối mặt quay về phía mặt trời mọc. Đàn cúng có sàn cao khoảng 0,8m rộng khoảng 40 – 60m2, đủ chỗ cho cả làng ngồi trên sàn. Đây là nơi dân làng sẽ tổ chức lễ cúng thần linh và cùng nhau ăn uống vui vẻ mừng cho một năm mới với những ước muốn cuộc sống hạnh phúc và no đủ.

Tại cổng chính của làng, một cây nêu được dựng lên phía bên phải cổng làng. Trên cây nêu treo một chiếc mõ báo và do một người được dân làng cử ra để canh giữ, báo hiệu cho cả làng biết mỗi khi làng có người lạ vào làng trong suốt 15 ngày kiêng kị của lễ quét ma làng.

Sau khi mọi công việc chuẩn bị cho nghi lễ được hoàn tất, vào ngày mùng một tết, lễ cúng chính thức được diễn ra dưới sự chủ trì của thầy cúng trong làng. Lễ vật chính trong lễ cúng quét ma làng “A ne pạ gờ bá” bao gồm một mâm cúng chính được đặt trên sàn có một con gà luộc, thịt, rượu, dây chỉ hai màu đen và trắng, một chiếc mõ gỗ, một đoạn dây thừng buộc mõ, hương và giấy. Mâm cúng được đặt giữa sàn hướng về phía làng.

Vào ngày lễ chính thức, từ sáng mọi người trong làng từ già đến trẻ đều tập trung tại sàn nơi diễn ra lễ cúng. Tất cả mọi người cùng nhau chuẩn bị cho lễ cúng. Trưởng bản cùng với những người giúp việc tiếp nhận lễ vật và phần đóng góp của những gia đình trong làng bản. Ngoài phần lễ vật dâng cúng, tất cả đồ lễ do các gia đình mang tới đều dùng để làm cỗ ăn mừng cho toàn thể dân làng. Theo người dân nơi đây cho biết, tất cả số thực phẩm mang ra đóng góp của các gia đình trong ngày lễ đều phải được ăn hết tại nơi cúng, không ai mang về bản. Theo quan niệm của người Xá Phó, nếu không ăn hết mà mang về nhà sẽ mang theo những điều không may mắn và rủi ro trong năm mới.

Lễ cúng chính thức được bắt đầu vào khoảng 15h, khi dân làng đã tập trung đầy đủ và mọi công việc chuẩn bị cho ngày lễ đã hoàn tất. Thầy cúng ngồi trước mâm cúng và tiến hành cúng khấn cầu xin các thần linh, thổ công thần đất về phù hộ, giúp đỡ và bảo vệ cho toàn thể dân làng trong năm mới gặp được nhiều may mắn, cầu xin các thần linh về canh giữ cho bản làng, mọi người luôn được khỏe mạnh, làm ăn được thuận lợi, nuôi trồng được tốt tươi, trồng lúa lúa chắc hạt, trồng ngô ngô đầy đồng, không bị các loại chim chóc về phá hoại mùa màng, cầu xin các thần thánh canh cho các loại ma đói, ma khát không cho về làng mà phá quấy dân làng.

Sau khi cúng khoảng 15 phút, thầy mo cầm mõ lên, cả dân làng hướng về phía chiếc mõ, với niềm tin rằng chiếc mõ sẽ canh giữ không cho các ma dữ, vía dữ vào làng mang theo những điều không may mắn, rủi ro về làng. Cả làng sẽ cùng bầu ra một người có nhiệm vụ canh chừng chiếc mõ trong suốt 15 ngày kiêng của lễ “A ne pạ gờ bá”. Người được dân làng lựa chọn phải là người cao tuổi cư trú lâu đời trong làng, là người ăn ở có phúc đức được dân làng tin tưởng. Theo quan niệm dân gian, ai được chọn làm người canh mõ là một điều vô cùng may mắn cho gia đình và dòng họ của người đó. Họ tin tưởng rằng thần linh và các thánh phù hộ cho gia đình và cả dân làng một năm mới sẽ chỉ gặp những điều may mắn trong cuộc sống, tránh được những điều xấu xa đen đủi.

Kết thúc lễ cúng mọi người dân có mặt tại lễ “A ne pạ gờ bá” đều cúi xuống vái lạy chiếc mõ 3 vái, đồng thời, mỗi người dân đều khấn với đại ý như: “…Nhờ mõ trông bản làng cho yên ổn tốt đẹp…làm ăn phát tài…được mùa no đủ…không bị dịch bệnh thiên tai mất mùa…”.

Sau đó thầy mo sẽ tiến hành nghi thức buộc chỉ vía cho mõ để thông qua đó các thần linh bảo vệ mõ và bảo vệ dân làng trong năm mới. Thầy mo lấy hai đoạn chỉ đen và chỉ trắng trên mâm cúng buộc vào hai đầu của chiếc mõ. Họ cho rằng, gia đình nào trong bản cũng góp gà, thịt, rượu để tổ chức lễ cúng, do đó thầy mo thay mặt cho dân làng buộc vía để gửi gắm những ước mơ nguyện vọng của người dân vào những sợi chỉ vía đó, cầu xin mõ hãy bảo vệ tất cả dân làng.

Cúng xong thầy mo giao mõ và dây mõ cho người đã được lựa chọn canh mõ. Người được lựa chọn sẽ cùng hai thanh niên trong làng mang mõ ra cây nêu được dựng trước cổng làng, và từ đó người canh mõ phải có nhiệm vụ gác cổng làng trong 15 ngày kiêng của lễ “A ne pạ gớ bá”. Khi có người lạ vào làng phải rung mõ cho cả làng biết để người dân đóng hết các cửa không cho khách lạ vào nhà mình.

Kết thúc nghi lễ cả làng cùng nhau ăn uống ngay tại nơi diễn ra lễ cúng. Mọi người từ già đến trẻ đều ăn uống vui vẻ với nhau trên sàn cúng từ lúc đó cho tới tận khuya.

Trong lúc ăn uống vui chung cũng là nơi diễn ra các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian với điệu xòe “Xình xi bá” truyền thống, các làn điệu dân ca mượt mà hoà quyện với âm thanh độc đáo của tiếng sáo mũi “cúc ke” và tiếng kèn bầu “Ma nhí” cùng với cỏ cây núi rừng hùng vĩ tạo nên một không khí thật vui tươi, đoàn kết thấm đượm tinh thần nhân văn cao cả, trong niềm hy vọng một năm mới mở ra với bao nhiêu điều tốt đẹp.

Mọi người ăn uống vui vẻ ca hát cho tới tận đêm khuya. Kể từ mùng một Tết Nguyên đán cho tới hết ngày rằm tháng Giêng là những ngày kiêng người lạ vào làng. Mọi người trong làng vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường cùng với việc tổ chức đón tết Nguyên Đán trong không khí vui tươi phấn khởi.

Ngày nay nghi lễ cún ma làng không còn được tổ chức long trọng như trước đây. Mọi nghi thức, nghi lễ được diễn ra đơn giản và gọn nhẹ hơn trước. Thời gian không còn được tổ chức thường kỳ mỗi năm một lần nữa mà khoảng vài ba năm đồng bào mới tổ chức một lần.

Đám sênh – Lễ chay của người Cao Lan – Yên Bái

Đám sênh hay còn gọi là “đám chay” là một nghi thức cầu an khá đặc sắc và độc đáo của đồng bào dân tộc Cao Lan ở huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. Đây là nghi lễ truyền thống, đã tồn tại trong đời sống văn hóa của đồng bào Cao Lan nơi đây từ rất lâu đời nhằm cầu xin sự bình an cho gia đình và dòng họ của gia chủ nơi tổ chức lễ hội.

yên bái có lễ hội gì?

Đám sênh – Lễ chay của người Cao Lan – Yên Bái

Lễ hội Đám sênh (đám chay) là nghi lễ truyền thống, đã tồn tại từ rất lâu đời, đây là một lễ thức cầu xin sự bình an cho gia đình và dòng họ của gia chủ nơi tổ chức lễ hội. Trong một đời người hay trong nhiều năm, gia đình dòng họ đó làm ăn luôn thất bát, không may mắn; luôn ốm đau bệnh tật; chăn nuôi, trồng cấy luôn bị mất mùa, gặp nhiều tai ương… và dòng họ đó đã lâu không tổ chức được lễ hội Đám sênh cúng tạ Ngọc Hoàng, tổ tiên và ma ham (ma nhà của người Cao Lan). Đồng bào sẽ tiến hành làm Đám sênh (đám chay) để tạ ơn tổ tiên, trời đất và cầu xin sự che chở và phù hộ luôn được an bình, ấm no, hạnh phúc.

Thời gian tổ chức lễ hội Đám sênh được tính theo chu kỳ đời người, nghi thức này không được tiến hành liên tục hằng năm ở mỗi gia đình dòng họ mà tại mỗi đời, (tính theo 25 năm là một đời thì gia chủ phải tổ chức lễ hội Đám sênh một lần). Ở đời bố vì điều kiện kinh tế chưa tổ chức được thì phải khất xin sang đời sau và đời con sẽ phải có trách nhiệm tổ chức nghi thức này thay cho đời trước.

Lễ hội Đám sênh người Cao Lan, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được tổ chức ở quy mô gia đình. Trong mỗi gia đình tùy thuộc vào từng dòng họ riêng biệt mà lễ hội này được tổ chức ở quy mô to nhỏ khác nhau, thời gian tổ chức ngắn hay dài cũng tùy thuộc vào mỗi dòng họ. Ví dụ như Đám sênh to nhất là của dòng họ Trần tổ chức 7 ngày kể từ ngày khai bút (hoi pệt) với rất nhiều nghi thức và sử dụng nhiều loại đạo cụ: chiêng trống, thanh la và các điệu múa thiêng được tiến hành liên tục; hay họ Lịnh tổ chức 5 ngày, họ Lương 5 ngày…

Vào ngày tổ chức lễ hội Đám sênh, gia chủ mời 3 thầy cúng, trong đó có 1 thầy cả đứng tên tổ chức nghi lễ gọi là say phù và từ 12 – 15 thầy đạo tràng (người giúp việc cho thầy cúng đã được cấp sắc) liên tục viết các tờ sớ bằng chữ nôm Cao Lan để thể hiện các ước mơ, nguyện vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Thời gian viết sớ liên tục cho tới ngày chính thức của lễ hội. Nghi lễ chính thức sẽ diễn ra liên tục từ 17h chiều cho tới sáng ngày hôm sau trong ngày cuối cùng của lễ hội.

Địa điểm tổ chức tại nhà gia chủ, nơi tổ chức nghi lễ. Tại đây, đồng bào lập hai đàn cúng – một trên nhà nơi thờ tổ tiên của đồng bào, nơi đây sẽ diễn ra các nghi thức chính và một đàn cúng dưới sân nơi thờ thổ công, các vị thần trông coi đất đai.

Lễ vật dâng cúng trong ngày lễ chính là các lễ chay bao gồm hoa quả, bánh trái và các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Còn lễ vật phía đàn cúng dưới sân nơi thờ các âm binh và đoàn quân quan của các thánh là lễ tạp gồm 5 mâm cúng nhỏ có thịt lợn luộc và một mâm cúng chính gồm 1 con ngan. Theo quan niệm dân gian, đây là lễ chay nên các thần thánh và tổ tiên chỉ cần cúng lễ chay, còn các đoàn quân quan đi bảo vệ các thần thánh sẽ được cúng lễ tạp mà không cần kiêng chay.

Vào ngày khai bút, gia chủ sẽ mời dân làng đến dự lễ và mở một bữa tiệc nhỏ chiêu đãi mọi người vừa để thông báo về việc tổ chức lễ hội của gia đình, đồng thời để dân làng biết cùng chúc mừng cho gia đình. Vào ngày này, thầy cúng tiến hành nghi thức cúng khai bút ngay trước bàn thờ tổ tiên, sau đó thầy cúng và các đạo tràng liên tục viết sớ từ hôm đó cho tới hôm vào lễ hội chính thức. Trong ngày khai bút, dân làng đến dự và uống rượu chúc mừng gia chủ, tiếp đó mỗi người có một món quà nhỏ là các sản vật của gia đình để mừng cho gia chủ đã tổ chức được lễ hội đám sênh.

Các ngày tiếp theo chỉ là công việc viết sớ của các thầy cúng và đạo tràng. Sớ chỉ được viết tại nhà gia chủ trong một thời gian sau lễ khai bút và chỉ các thầy cúng và đạo tràng được cấp sắc mới thực hiện được nghi thức này. Ngày cuối cùng trước khi diễn ra lễ hội chính thức vào ban đêm, diễn ra cả lễ cúng như cúng mời Tam thanh, Tam nguyên xuống dự, lễ cúng Thiên đình mời Ngọc Hoàng về dự và phù hộ cho nghi lễ; lễ thức Tam tào giao cho thần giao thông đi mời các thánh… và các lễ thức chấn trạch, trừ tà nhằm bảo vệ lễ hội thật thanh sạch và không cho các ma tà về quấy phá.

Lễ thức chính diễn ra từ 17h cho tới sáng ngày hôm sau do thầy cúng chính đứng tên chủ trì. Các thầy ngồi đọc sách cúng và làm các phép, đọc lại tiểu sử của gia đình, nguyên do tổ chức lễ hội và cầu xin tổ tiên sau khi gia đình đã làm đám chay cho từ nay về sau sẽ bảo vệ con cháu luôn luôn mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, may mắn, không gặp những điều xui xẻo, không may mắn, ai cũng được sống hạnh phúc, bình an…

Đến sáng sớm ngày hôm sau, mọi tờ sớ ghi những ước mong, nguyện vọng tốt đẹp của người dân đều được đốt (hóa) cho các thần thánh và tổ tiên như lời minh chứng của tổ tiên đã nhận lời cầu khẩn của đồng bào và họ tin tưởng rằng, từ nay gia đình sẽ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

Kết thúc lễ hội, trong không khí vui vẻ của dân làng, các thầy cúng và đạo tràng cùng với anh em, con cháu trong gia đình gia chủ vui vẻ bên những chén rượu nồng, cùng chúc tụng nhau đã tổ chức thanh công nghi lễ và chúc nhau có một cuộc sống mới tươi đẹp.

Đây là lễ hội đượm tình đoàn kết, hội tụ nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, tích hợp nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc độc đáo của đồng bào Cao Lan ở Yên Bình nói riêng và ở Yên Bái nói chung. Lễ hội thể hiện những khát khao, nguyện vọng chính đáng của người dân về một cuộc sống tươi đẹp hơn, hạnh phúc và ấm no hơn.

Lễ hội đình và đền Tân Hợp – Yên Bái

Hàng năm nhân dân xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái lại nô nức tổ chức lễ hội đình và đền Tân Hợp, thu hút du khách thập phương trên khắp mọi miền đất nước về cầu tài lộc và tham dự lễ hội.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đình và đền Tân Hợp – Yên Bái

Hàng năm tại di tích đình và đền Tân Hợp có những lễ hội chính sau:

Lễ đầu năm mới: Thời gian được tổ chức vào ngày Mùi đầu năm. Lễ hội được chuẩn bị rất nhiều lễ vật. Lễ vật tại đền: 12 mâm cỗ, 12 chén tiết trâu, chân, đầu, nội tạng trâu. Lễ vật tại đình: Cúng cả con trâu đen, gà, vịt. Tại ruộng: 36 mâm, biểu trưng của số may mắn, sinh sôi nảy nở. Sau khi lễ vật được chuẩn bị đầy đủ, dân làng tổ chức rước lễ từ đình Làng Luông sang đền Làng Mít sau đó quay lại đình. Sau khi rước lễ xong, thầy mo làm lễ tạ ơn Thành Hoàng, Thánh Mẫu đã phù hộ, che chở dân làng một năm vạn vật sinh sôi, nảy nở, mùa màng bội thu và cầu 1 năm mới khỏe mạnh, cuộc sống an lành.

Mọi người cũng xem hát hầu đồng ở đền. Cùng với phần lễ, phần hội gồm các hoạt động văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian và hội lồng tồng (xuống đồng). Tại hội lồng tồng, lãnh đạo huyện, xã xuống ruộng cày, cấy lúa khai hội, các thôn tổ chức thi cấy lúa, mỗi thôn cử 1 đội khoảng 5 người, tất cả thi trên 1 mảnh ruộng lớn, thôn nào cấy nhanh, thẳng hàng, đúng kỹ thuật thôn đó được trao giải thưởng.

Lễ tháng Bảy: Thời gian được tổ chức vào ngày Thân của tháng bảy. Lễ vật gồm có: Mổ 01 con lợn, gà, vịt, hoa quả, bánh nếp; 12 mâm cúng ở đền, 03 mâm cúng ở đình. Nghi lễ: Thầy mo tạ ơn Thành Hoàng và Thánh Mẫu, cầu mong sự che chở của Thành Hoàng và Thánh Mẫu. Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi như: Đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ.

Lễ tháng Mười: Lễ tháng 10 được tổ chức vào ngày thân cúng mừng cơm mới. Lễ vật mừng cơm mới gồm có: gà, vịt, hoa quả, bánh nếp cúng ở đình và đền. Sau khi lễ vật được sắp xếp đầy đủ, thầy Mo sẽ thực hiện nghi lễ tạ ơn Thành Hoàng và Thánh Mẫu đã phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mùa màng bội thu.

Lễ cuối năm: Thời gian được tổ chức vào ngày Thân với các lễ vật như: gà, vịt, hoa quả, bánh nếp cúng ở đình và đền. Sau đó thầy Mo sẽ thực hiện nghi lễ tạ ơn Thành Hoàng và Thánh Mẫu và cầu mong 1 năm mới tốt lành.

Lễ hội cầu mưa của người Thái Mường Lò – Yên Bái

Lễ hội cầu mưa là nghi lễ không thể thiếu trước mỗi mùa vụ mới của người Thái đen Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Trong lễ hội cầu mưa này, con người không chỉ cầu xin các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ tươi tốt, mà còn thông qua các yếu tố tâm linh để khuyên răn, nhắc nhở về bổn phận và trách nhiệm của mỗi người.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội cầu mưa của người Thái Mường Lò – Yên Bái

Bắt đầu lễ hội, bà góa cùng các bà, các mẹ trong bản mặc áo tơi cọ – “sửa cọk”, đội nón, cùng khênh bung đến từng nhà để quyên góp. Các bà còn đem theo một chiếc mõ tre – “khe mọ” và một chiếc mẹt – “lổng”. Đến nhà nào các bà cũng gõ mõ báo hiệu và gõ mẹt rồi cất tiếng hát: “Dú hươn bấu lê?/ Me nang ơi?/ Khắp tu lét haử é/ Khay tu phôn haử é/ So nặm phôn háy cả/ So nặm Phạ háy na/ Háy na háy ta cả/ Háy cả háy lí lo/Khẩu dú hay tai phoi/ Hòi dú na tai lệnh/ Pảnh dú sả hôm quân/ Măn dú khủm tai ẩu/ Báo thẩu tai dạ pa/ Báo na tai da nhiểu da nhiếng/ … Mựt ma sương áng ỏm/ Cóm ma cờ áng nin dơ. Có nghĩa là: Có ở nhà không bà nàng ơi/ Đóng cửa nắng cho tôi/ Xin nước mưa làm mạ/ Xin nước trời làm ruộng/ Vừa làm ruộng vừa làm mạ/ Làm mạ làm nhanh nhanh/ Lúa trên nương đã chết khô/ Ốc ở ruộng chết cạn/ Bánh men rượu thành khói/ Sắn dưới đất chết thối/ Con trai không còn nơi bắt cá/ Con cà niễng không có để ăn/… Trời tối như nước chàm/ Mây đen về như mực…”.

Các nhà tùy điều kiện, người góp gạo, người góp rượu, sắn, khoai để vào mẹt rồi các bà mới chuyển vào bung, chủ nhà và đoàn người cùng hát: “Phôn phôn giơ/ Lôm lôm giơ”, có nghĩa là: “Mưa nhanh nhanh/ Gió nhanh nhanh”.

Khi đã có đủ lễ vật, đoàn người rước hình mô phỏng “Tô ngựa” đến địa điểm cúng lễ, bà góa dùng mẹt làm mâm, đặt lễ vật vào và bắt đầu cúng bài cúng cầu mưa với nội dung mời chủ nước, chủ sông suối về ăn lễ vật và lắng nghe nguyện vọng của dân bản cầu xin trời làm mưa: “Mơi chảu phảu tu lét mướng bun/ Mơi chảu phảu tu phôn mướng phạ/ Mơi ma kin chịn mu luông, mu pi to lỏng/… Kin lẹo chắng coi cáo đi/ Lảy kin pang chắng coi cáo cụm/ Khắp tu lét mướng bun haử nớ/ Khay tu phôn mướng phạ haử nớ”… Có nghĩa là: Mời chủ giữ cửa nắng của trời/ Mời chủ coi cửa mưa của thiên/ Xin mời về ăn thịt lợn nạc to bằng máng giã gạo… Ăn rồi xin rủ lòng thương/ Ăn xong thì xin phù hộ/ Đóng cửa nắng lại nhé/ Mở cửa mưa đi thôi. Bà góa tổ chức cho dân bản ăn uống vui vẻ và cùng múa hát cầu mưa. Không thể thiếu các điệu xòe truyền thống, bởi “Không xòe không tốt lúa/ Không xòe lúa không trổ bông…”. Sau đó tất cả dân bản, thanh niên nam nữ cùng nhau ra những chỗ còn nước, mọi người vừa té nước lên nhau, vừa đồng thanh: “Phôn phôn giơ/Lôm lôm giơ”.

Điều độc đáo ở hội cầu mưa của người Thái Mường Lò là vai trò của nghi lễ cúng tế không nhiều. Ta chỉ thấy bà góa cùng các bà mẹ tảo tần chịu thương chịu khó và giàu lòng nhân ái. Trong xã hội người Thái xưa, phụ nữ là người phải chịu nhiều khó nhọc, đặc biệt là những người góa chồng, hoặc có con ngoài giá thú, bởi không có bàn tay người đàn ông làm những việc nặng nhọc. Người Thái có câu: “Vịa phủ nhính dệt bấu lảy po tai/ Vịa phủ trai dệt bấu lảy po hảy”. Có nghĩa là: Việc nặng của con trai, con gái làm không được thà chết/ Việc của phụ nữ con trai không làm được muốn khóc. Vì vậy trong hội cầu mưa chỉ có các bà, các mẹ đến từng nhà quyên góp và cầu mưa vì có một ý nghĩa đặc biệt, hành động và lời cầu xin cho bản mường của những người phụ nữ nghèo khổ ấy sẽ thấu đến tận trời xanh.

Bà góa như một sứ giả chuyển tải nguyện vọng chính đáng của dân bản với các đấng siêu nhiên, đồng thời có vai trò như một thủ lĩnh. Bà góa cùng các bà đến từng nhà kêu gọi lòng đoàn kết, thức dậy lòng nhiệt tình, ý chí và quyết tâm của dân bản. Phải chăng sự đoàn kết xây dựng nên những công trình thủy lợi “mương, phai, lái lin” và vai trò của người phụ nữ của thời kỳ mẫu hệ của người Thái được biểu đạt tinh tế qua hình ảnh đầy nhân ái này.

Hình tượng chiếc mõ và mẹt vừa mang ý nghĩa âm dương giao hòa, sinh sôi phát triển. Chiếc mẹt như bầu trời thu nhỏ, tiếng gõ mẹt tượng trưng cho tiếng sấm báo hiệu trời mưa. Cái mẹt với người Thái còn có những ý nghĩa sâu sa, tinh tế. Mẹt mang hồn lúa gạo, khi mỗi đứa trẻ ra đời đều được đặt vào mẹt cho hay ăn chóng lớn; xưa những đôi vợ chồng hiếm muộn con lấy mẹt làm giường để nhanh có con; khi mỗi người Thái đen qua đời, mẹt để quạt lửa trong lễ hỏa thiêu, sau đó bao giờ hài cốt cũng được rửa sạch rồi đặt vào mẹt trước khi chôn cất…

Cùng với Lễ hội “Xên bản xên mường”, tức cúng bản cúng mường để tri ân các bậc đã có công dựng xây và bảo vệ nên đất Mường Lò đã được nhân dân tôn làm thành hoàng, lễ hội cầu mưa là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng.

Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú – Yên Bái

Lễ hội Cầu mùa là một trong những lễ hội lớn của người Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Là nghi thức cầu khấn trời đất, tổ tiên và các thần linh phù hộ cho một năm làm ăn khấm khá, nương rẫy được mùa bội thu.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú – Yên Bái

Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn được tổ chức hàng năm với mục đích cầu khấn, tạ ơn thần linh, Trời, Đất, tổ tiên và các thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, cầu cho một năm làm ăn khấm khá, nương rẫy được mùa bội thu. Trong đời sống tín ngưỡng của người Khơ Mú nơi đây có hai lễ hội chính và quan trọng nhất, liên quan đến đời sống nông nghiệp, đó là lễ hội Cầu mùa (pa sưm) và lễ hội Rước mẹ lúa (Grơ mạ ngọ). Nếu ở lễ hội Cầu mùa là lễ hội cầu khấn Trời, Đất, tổ tiên và các thần linh phù hộ cho con người có một năm mưa thuận, gió hòa, cho nương rẫy được mùa bội thu thì ở lễ hội Rước mẹ lúa là lễ tạ ơn Trời, Đất, tổ tiên và các thần linh đã phù hộ cho con người mạnh khỏe, làm ăn may mắn, thóc đầy kho, trâu bò đầy chuồng.

Lễ hội Cầu mùa là một nghi thức để nhớ ơn người xưa đã biết tìm ra cây lúa, cây hoa màu và thể hiện quan niệm cây lúa, cây hoa màu cũng có hồn, có thần. Vì vậy, với mục đích tôn vinh cây lúa, cây khoai sọ, người Khơ Mú dâng lễ vật bao gồm các sọt lúa, sọt ngô, các loại hoa màu, một khóm cây bông lau, một khóm cây chè vè. Tất cả được các nam thanh, nữ tú khỏe mạnh trong trang phục dân tộc, rước kiệu lễ. Lễ hội Cầu mùa cũng cổ vũ, động viên bà con bước vào một vụ sản xuất mới với tinh thần lao động, sản xuất hăng say.

Cũng như các dân tộc anh em khác, người Khơ Mú quan niệm vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như Trời, Đất, nương rẫy… đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Lễ hội Cầu mùa (Pơ sưm) tức là lễ hội trồng trọt của đồng bào Khơ Mú, bao gồm năm phần là: lễ tôn vinh thần lúa, thần hoa màu, cây khoai sọ; lễ chọc lỗ, tra hạt; lễ cầu mưa; lễ đón mẹ lúa (rước mẹ lúa); lễ hội đón xuân (các trò chơi dân gian).

Lễ tôn vinh thần lúa, thần hoa màu, cây khoai sọ là nghi thức để tỏ lòng nhớ ơn người xưa đã tìm ra cây lúa, cây hoa màu; đồng thời, thể hiện quan niệm của người Khơ Mú về cỏ cây xung quanh như cây lúa, cây hoa mầu… đều có hồn, có thần. Vì vậy, họ dâng lễ vật bao gồm các sọt lúa, khoai sọ, các loại hoa màu, một khóm cây bông lau, một khóm cây chè vè… được các nam, nữ thanh niên trẻ khỏe, mặc trang phục dân tộc rước kiệu lễ.

Lễ chọc lỗ, tra hạt được tiến hành trên nương rẫy, sau khi nương rẫy đã được dọn sạch cỏ. Đồng bào nơi đây sẽ dựng một cái lán ở giữa nương, vừa để trú ẩn mưa nắng, nghỉ ngơi khi làm nương rẫy, vừa là nơi thờ cúng ma nương. Sau khi cúng ma nhà, tại lều nương, chủ nhà sẽ dùng giẻ đốt, hoặc cành cây tươi cúng khấn, xua đuổi ma xúi, ma ăn bám thóc giống. Tiếp sau đó, chủ hộ chọc ba lỗ tra hạt trước, rồi tất cả mọi người sẽ cùng thực hiện theo. Các thành viên, vừa chọc lỗ, tra hạt, thỉnh thoảng múa theo tiếng nhạc cụ gắn theo cây chọc lỗ để quên đi cái mệt nhọc, vừa là để động viên nhau làm việc hăng say hơn. Khi đã chọc lỗ, tra hạt xong, tất cả mọi người lấy nước rửa tay, rửa gậy chọc lỗ; chủ nhà đứng trước lán nương lúa, tưới nước ra xung quanh, vừa làm, vừa khấn với ý niệm lúa năm nay sẽ tốt tươi, không bị hạn hán.

Lễ cầu mưa là nghi lễ chính của lễ hội, với mục đích cầu mong mưa thuận, gió hòa để mùa màng xanh tốt. Trong lễ cầu mưa không thể thiếu các dụng cụ như cây chuối hoa đỏ tượng trưng cho mào con thuồng luồng; cây chuối rừng, cây ráy ngứa làm cho đất ẩm ướt; chày cối giã gạo mong cuộc sống được sung túc, no ấm; thần sấm sét, búa rìu (đã có sấm sét là có mưa); còn thuồng luồng là thần làm mưa, con rồng là thần chi phối mưa. Ngoài ra, trong buổi lễ còn cả đánh trống chiêng, múa sạp, với mục đích làm cho rung trời, lở đất, động đến thần sấm, thần sét, thần thuồng luồng, thần rồng để thông báo cho các thần ấy là đã đến mùa sản xuất, làm ăn trong năm; hãy phù hộ cho bà con được mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ đón mẹ lúa: Trong sản xuất, người Khơ Mú thường canh tác ở xa nhà nên họ phải làm kho thóc ở trên nương để tích trữ lương thực; sau khi thu hoạch xong, họ sẽ chuyển thóc lúa về kho chính ở nhà. Vì vậy, người Khơ Mú đã có “Lễ đón mẹ lúa” để đón rước mẹ lúa về nhà. Khi thu hoạch xong, họ để lại một cụm thóc tại kho ở trên nương (tượng trưng cho mẹ lúa). Đến sáng sớm, gia đình sẽ cử bốn người đi rước mẹ lúa về. Họ mang theo bồ đựng thóc lúa, bầu bí, thuổng đào khoai sọ, hai thanh niên (là người chưa lập gia đình) sẽ mang kiệu để rước. Sau khi rước được mẹ lúa về, mọi người trong gia đình chuẩn bị lễ vật để cúng.

Sau phần lễ là các trò chơi dân gian dân tộc Khơ Mú mừng lễ hội. Người dân Khơ Mú từ xa xưa đã rất yêu thích các hoạt động văn nghệ – thể thao. Ngoài ra, họ tổ chức các trò chơi để thể hiện tài năng, sự khéo léo của mình, gồm các trò chơi chính như ném còn, kéo co, múa ngửa người chui dây, thi tài nhảy dây có hình chữ thập…

Lễ hội Cầu mùa là giá trị văn hóa phi vật thể vô giá không chỉ của dân tộc Khơ Mú mà còn là tài sản chung của cộng đồng dân cư các dân tộc Việt Nam; mang đậm nét sinh hoạt văn hóa hấp dẫn trong tín ngưỡng dân tộc Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn – Yên Bái). Chính vì vậy, việc gìn giữ và phát huy các giá trị của lễ hội rất cần được quan tâm, nhất là đối với những người yêu văn hóa các dân tộc và các nhà tài trợ, để lễ hội này sẽ được duy trì cho các thế hệ mai sau.

Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông – Yên Bái

Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông là một nghi lễ nông nghiệp truyền thống, cũng là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tày Khao, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông – Yên Bái

Mở đầu lễ hội Cơm mới là nghi lễ mổ trâu đen tế thần linh và hiến sinh cho trời đất. Theo tập tục độc đáo của người Tày Khao, đúng vào ngày Mão đầu tháng 9 hàng năm, người Tày Khao và nhân dân xã Đông Cuông tổ chức mổ trâu đen tế thần từ lúc 0h. Sau khi chủ lễ làm xong các thủ tục trình thần linh thổ địa cùng các quan ngài thần thánh, trâu sẽ được treo lên gốc cây mít cổ thụ hàng trăm năm tuổi trước cửa đền và được mổ rồi xả thịt chế biến làm 36 mâm cỗ đem vào trong đền cúng khao quân, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc và quan, quân các triều đại đã hy sinh trong trận thủy chiến chống quân Nguyên Mông bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, người dân còn dâng lên Mẫu Đông Cuông đệ nhị thượng ngàn, Ngọc Hoàng và các đấng thần linh để tạ ơn trời đất các sản vật thu hoạch được trong năm, cầu khẩn cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Một trong những hoạt động hấp dẫn của lễ hội Cơm mới là hội thi khéo tay làm cốm. Cốm xanh là lễ vật không thể thiếu trong mâm lễ dâng Mẫu tại lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông vào ngày Mão tháng 9 hàng năm. Lễ vật này có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp và đời sống tâm linh của người dân Tày Khao, với mong muốn dâng lên tổ tiên những hạt cốm dẻo thơm, vừa để tạ ơn, vừa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Hội thi không chỉ là dịp hội tụ các nghệ nhân người Tày Khao truyền lại kinh nghiệm làm cốm cho con cháu, mà còn tạo điều kiện cho nhân dân địa phương giao lưu, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm cốm, từng bước đưa sản phẩm cốm đền Đông Cuông và các đặc sản từ cốm như: chè cốm, xôi cốm, bánh cốm, cốm lam trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách thập phương. Với những nghi thức truyền thống, hội thi khéo tay làm cốm thể hiện sức sống, tinh thần lễ hội đặc sắc, mang lại cho du khách và cả người dân địa phương cảm giác linh thiêng, tạo nên nét đặc sắc riêng có của một lễ hội lâu đời trên vùng đất Văn Yên.

Bên cạnh đó, lễ hội còn có hội thi hát Văn. Đây là một loại hình nghệ thuật cổ truyền, đặc sắc trong lễ hội truyền thống nói chung và trong tín ngưỡng thờ Mẫu – tín ngưỡng Tứ Phủ nói riêng. Hàng năm, đền Đông Cuông có hai lễ hội chính đó là vào ngày Mão tháng Giêng và ngày Mão tháng 9 âm lịch. Năm 2009, Đền Đông Cuông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.

Với ý nghĩa tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội đã góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa chính đáng của đông đảo nhân dân. Qua đó khơi dậy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tình đoàn kết cộng đồng, ý thức bảo vệ các di sản văn hóa. Đây cũng là dịp để cộng đồng các dân tộc huyện Văn Yên ôn lại những phong tục tập quán truyền thống của cha ông, khôi phục và duy trì nhưng nét đẹp văn hóa của dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời quảng bá những sản phẩm du lịch văn hóa nhằm thu hút du khách đến với Văn Yên.

Lễ Vu Lan – Chùa Ngọc Am – Yên Bái

Rằm tháng Bảy âm lịch còn được gọi là lễ Vu Lan – Lễ báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Vào đêm rằm tháng Bảy, khi trăng đã lên cao, hàng ngàn bát hoa đăng lung linh được các phật tử chùa Ngọc Am, một ngôi chùa đẹp và có quy mô vào bậc nhất tỉnh Yên Bái cùng thả xuống dòng sông Hồng biểu trưng cho những tấm lòng nhân hậu của người dân nơi đây.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ Vu Lan – Chùa Ngọc Am – Yên Bái

Cứ vào dịp tháng bảy hằng năm, tín đồ Phật giáo tổ chức cúng, dâng phẩm vật lên Tam Bảo để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ được siêu thoát. Đó là một hình thức để báo hiếu cho những người thân đã mất trong gia đình.

Tưởng nhớ tổ tiên, từ ngày 12 – 15 tháng Bảy, các tín đồ phật tử từ khắp nơi đã về chùa Am tĩnh tâm 4 ngày để nguyện cầu siêu thoát cho thất tổ cửu huyền. “Thất tổ cửu huyền tốc đăng thượng phẩm”, nghĩa là cầu nguyện cho chín kiếp bảy đời mau chóng về được nơi nước Phật.

Lễ Vu Lan diễn ra với nhiều nghi lễ như: Khóa lễ khai đàn; tụng kinh Mục Liên sám pháp, kinh Dược sư, kinh A di đà, kinh Phổ môn; lễ tiếp triệu vong linh; lễ phóng sinh, nghi thức bông hồng cài áo; lễ dâng y; lễ dâng hương chúng nguyện hoa đăng và thả hoa đăng trên sông Hồng.

Nhà sư Thích Minh Huy, trụ trì chùa Ngọc Am cho biết: hàng năm vào dịp lễ này, khoảng trên ba ngàn phật tử ở các nơi trong và ngoài tỉnh đến cầu nguyện cho thập nhị loại cô hồn. Tại tư gia, ngoài lễ cúng thổ công, cúng gia tiên cũng có cúng cháo. Đồ cúng toàn đồ chay được bày trước cửa nhà. Đồ cúng chủ yếu là cháo hoa, cơm được nắm thành từng nắm nhỏ. Ngoài ra còn có hoa, quả, bánh, bỏng, kẹo, ngô khoai luộc, trầu cau, có khi cả xôi chè.

Mọi người tin rằng, những người đã mất đều xuống ở cõi âm. Nhiều người lúc còn sống đã phạm những tội lỗi lớn bị đày xuống “âm ty” để chịu hình phạt của Diêm Vương. Rằm tháng Bảy là dịp để mọi người cầu xin cho những vong linh ấy được xá tội, vì thế dân gian có câu: “Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.

Nhiều người cũng tin rằng, các cô hồn ấy được xá tội sẽ thoát khỏi ngục tù nhưng không biết đi đâu về đâu, cứ lang thang vô định khắp nơi và vào chùa hưởng lộc của ngày lễ này. Ở đây, cháo được múc ra các bồ đài làm bằng lá mít cắm ở hai bên đường đi vào nơi cúng.

Ngoài ra còn có một nồi cháo rất to. Đồ vàng mã, trái cây, bánh đa, bỏng rang, ngô khoai luộc và đồ lễ cũng nhiều hơn ở nhà. Khi làm lễ xong, những gia đình gần chùa mang âu, liễn đến xin cháo về ăn lấy may; bọn trẻ xô nhau vào cướp hoa quả, ngô khoai, bánh, bỏng và gọi là tục cướp cháo. Còn các đồ vàng mã được đem hóa cho những vong hồn vô thừa nhận. Để tỏ lòng xót thương, bố thí cho họ cái ăn cái uống, các nhà và các nơi tổ chức cúng rằm đều bày cơm, cháo khắp trong nhà, ngoài ngõ để họ tới lấy.

Các tăng ni phật tử vào tiết lễ này cũng báo hiếu tứ ân và báo ân Tam – Bảo, tức là ân Phật, ân Pháp và ân Tăng. Báo ân Tam – Bảo một cách thiết thực là học đúng, hiểu đúng, làm đúng tinh thần những lời dạy của Đức Phật. Sau cùng các phật tử làm nghi lễ dâng hương chúng nguyện hoa đăng và thả hoa đăng trên sông Hồng.

Với nhiều nghi lễ quan trọng và ý nghĩa, đại lễ Vu Lan chùa Tùng Lâm – Ngọc Am đã thu hút đông đảo phật tử về tham gia không chỉ để báo ơn cha mẹ, tìm về cội nguồn, thấm nhuần đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” mà còn tiếp cận truyền thống nhập thế tu tâm của Phật giáo Việt Nam từ – bi – hỉ – xả, vô ngã, vị tha, nguyện tu tập theo gương hiếu hạnh của người xưa luôn sống tốt đời đẹp đạo, để góp phần xây dựng một xã hội tốt lành.

Lễ hội Xên Đông – Yên Bái

Mỗi độ xuân về, người Thái ở xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái lại rộn ràng tổ chức lễ hội Xên Đông – lễ hội “Cúng rừng” với mong muốn một năm mới tốt lành, mùa màng bội thu, đời sống sung túc, nòi giống sinh sôi.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội Xên Đông – Yên Bái

Lễ Xên Đông thường được tổ chức dưới gốc cây cổ thụ (người Thái quan niệm đây là nơi các vị thần, thánh thường xuyên lui tới). Lễ Xên Đông tuy có quy mô nhỏ gọn nhưng có ý nghĩa sâu sắc. Ngoài việc giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ, lễ Xên Đông còn có ý nghĩa tâm linh, giúp nhân dân yên tâm phấn khởi, thi đua lao động, sản xuất đạt kết quả cao.

Chuẩn bị cho lễ Xên Đông, người dân thường mổ trâu để lấy đầu, đuôi, bốn chân và thịt để làm ba mâm cúng tế thần linh. Quan trọng nhất là làm và trang trí ngôi nhà thờ, vì họ quan niệm, đây là nơi để các thánh thần về an nghỉ, chứng kiến lòng thành của con cháu để ban phát những đều tốt lành. Ngôi nhà được làm chủ yếu bằng các vật liệu tranh tre, nứa lá, xung quanh được trang trí bởi hoa giấy có màu xanh và đỏ.

Khởi đầu cho buổi lễ, ba thầy mo phụ trách ba mâm cúng tế sẽ mời người đại diện cho nhân dân trong xã cụng ly, uống chén rượu đoàn kết. Sau đó, thầy mo chính làm lễ xin phép thần linh. Lời khấn bắt đầu: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, dân bản làm mâm cỗ dâng lên tổ tiên, trời đất và các thánh thần, để tỏ tấm lòng thành kính. Mong các vị thánh thần về chứng giám và phù hộ cho dân bản trồng lúa, lúa tốt, trồng cây sai quả, chăn nuôi không bị dịch bệnh, mọi người mạnh khỏe, bản làng yên vui…”.

Buổi cúng lễ Xên Đông giống như một cuộc trao đổi, chuyện trò giữa ba thầy mo và các phi. Các thầy mo sẽ lần lượt hỏi ý kiến các phi về những việc cần làm và không cần làm… Nếu các phi đồng ý thì hai đồng tiền xu sẽ có một mặt sấp và một mặt ngửa và khi đó, các nghi lễ cúng tế tiếp theo mới được thực hiện, gồm những nghi thức cúng ma rừng, xua đuổi tà ma quấy nhiễu, xua đi những điều xui xẻo của năm cũ cho dân bản yên vui, đón năm mới nhiều may mắn.

Khi phần lễ cúng rừng kết thúc, tất cả mọi người kéo nhau về bản Viềng Công làm lễ cúng thành lũy Viềng Công – một di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi ghi dấu truyền thống chống giặc của người Thái trong lịch sử xa xưa.

Hội Xòe Mường Lò – Yên Bái

Mường Lò – Nghĩa Lộ, thị xã miền Tây của tỉnh Yên Bái, không chỉ nổi tiếng là vùng gạo trắng nước trong với cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai ở vùng Tây Bắc, mà còn là nơi cư ngụ đông đúc và lâu đời của người Thái Đen với một bề dày văn hóa nổi tiếng với 6 điệu múa xòe cổ, một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Thái Đen Mường Lò. Nó gắn bó với người Thái trong từng hơi thở, trở thành một phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa của vùng miền. Xòe Thái đã chính thức trở thành một trong 26 Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Hàng năm, lễ hội Xòe Mường Lò được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các giá trị văn hóa, hình ảnh về nét đẹp con người và quê hương Yên Bái.

yên bái có lễ hội gì?

Hội Xòe Mường Lò – Yên Bái

Xòe được dịch ra theo tiếng Thái ghi trong cuốn sách “Quám tố mương” – tức “Chuyện bản Mường” của người Thái Đen Tây Bắc có nghĩa là “xe”, xòe cổ là “xe cáu ké” nhằm chỉ một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể của đồng bào dân tộc Thái. Có thể nói xòe là biểu hiện nghệ thuật dân gian Thái đặc trưng và trở thành biểu trưng cơ bản và là thành tố quan trọng trong giá trị văn hóa đặc thù của dân tộc Thái.

Mường Lò được người Thái Đen ở Tây Bắc Việt Nam coi là quê tổ, bởi thế đồng bào cũng quan niệm đây là nơi sản sinh ra các điệu xòe cổ, là ngọn nguồn của những vòng xòe. Xòe được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái, nó gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái. Người Thái khi đặt chân đến Mường Lò, kinh tế truyền thống là nông nghiệp, sống quần tụ trong các bản làng ở các vùng lòng chảo, ven các sông suối. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển, người Thái luôn cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, anh dũng đấu tranh chống lại thú dữ. Mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, chinh phục được thiên nhiên hay chiến thắng kẻ thù thú dữ mọi người lại nắm tay nhau không phân biệt nam, nữ, già, trẻ và nhảy múa ăn mừng quanh đống lửa. Hoạt động ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên cả động tác lẫn ý thức, hình thành lên các điệu xòe. Như vậy có thể nói chính từ môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và nhu cầu về đời sống tinh thần của tộc người Thái đã hình thành nên những điệu xòe để mô phỏng những hoạt động lao động sản xuất từ việc khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Thái.

Ngày 27/12/2012, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 5079/QĐ-BVHTT&DL công nhận sáu điệu xòe cổ của người Thái ở thị xã Nghĩa Lộ (Mường Lò) tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hàng năm cứ vào tháng 9, tháng 10, tỉnh Yên Bái lại tổ chức “Lễ hội văn hóa – du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải”, trong đó nổi bật là lễ hội Xòe Mường Lò của người Thái ở thị xã Nghĩa Lộ với sáu điệu xòe cổ hay được gọi theo tiếng Thái là “xé cáu ké” bao gồm: xòe vòng (xé vóng), vòng tròn vỗ tay (ỏm lọm tốp mư), tung khăn (nhôm khăn), bổ bốn (phá xí), tiến lùi (đổn hôn), nâng khăn mời rượu (khắm khăn mơi lảu) được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

Những điệu xòe cổ chẳng khác nào một xã hội thu nhỏ của người Thái phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian đã đem lại một sắc thái độc đáo. Cùng với những điệu khắp trữ tình, các điệu khèn, điệu pí… thì 6 điệu xòe cổ ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên. Điệu “khắm khen” tức điệu nắm tay nhau vòng tròn biểu hiện cho tình đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt. Điệu “khấm khăn mời lẩu” tức nâng khăn mời rượu tỏ lòng yêu quý và mến khách. Điệu “phá xí” tức bỏ bốn, tượng trưng cho bốn phương trời đất, sự đoàn kết trao đổi, tình cảm của con người. Điệu “đổn hôn” tức tiến, lùi và nhào ra phía trước, lùi về sau thể hiện việc dẫu trời đất có giông bão, sóng gió nhưng tình cảm con người với con người luôn gắn chặt bên nhau. Điệu “nhôm khăn” tức tung khăn thể hiện niềm vui mùa lúa thắng lợi, xây nhà mới, sinh con thêm cháu, cưới xin… Điệu “ỏm lọm tốp mư” vòng tròn cổ tay thể hiện sự vui mừng gặp gỡ, bịn rịn khi chia tay nhau sau mỗi cuộc xòe.

Xòe Thái có sự nhịp nhàng uyển chuyển của đôi chân theo nhịp khèn, trống rộn rã đến lúc cuồng nhiệt, ý nghĩa của những điệu xòe Mường Lò du khách dễ hòa nhập, múa xòe làm cho người lạ bỗng thành quen. Ngồi trên nhà sàn uống rượu, vừa múa xòe, nghe hát dân ca nhìn ra cánh đồng Mường Lò mùa lúa chín thì cảm giác thư thái tuyệt vời. Qua mỗi bước xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời để bước vào cuộc sống lao động, chiến đấu với niềm tin yêu trong sáng vô hạn. Khi ta lẫn vào vòng xòe mới cảm nhận được sự quyến rũ khó lường của xòe tay, cầm tay quyện tròn xung quanh đống lửa hồng rực sáng.

Vòng đại xòe Mường Lò thu hút hàng ngàn người dân, nghệ nhân, diễn viên tham gia xác nhận kỷ lục Việt Nam như một điểm nhấn văn hóa đặc biệt ở miền Tây Bắc. 6 điệu xòe cổ còn lưu giữ được đến ngày nay hội tụ nét tinh hoa nghệ thuật và toát lên tình cảm, đoàn kết các dân tộc anh em nơi đây – đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người Mường Lò có câu: “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Xòe Thái có nhiều điệu tiêu biểu như xòe quanh đống lửa, xòe nâng khăn mời rượu, xòe tiến lùi, xòe tung khăn, xòe vòng tròn vỗ tay… Âm thanh, vũ điệu của xòe vừa tưng bừng, vừa thôi thúc mọi người đến với vòng xòe. Tay trong tay xích lại nhau hơn, thân ái, quây quần, đầm ấm. Xòe không còn là của riêng người Thái mà đã trở thành tài sản vô giá của nhân dân các dân tộc Mường Lò – Nghĩa Lộ.

Xòe Thái có khăn đỏ dài quàng qua cổ, tô điểm thêm bộ áo váy đẹp và rất riêng. Người Thái có trang phục độc đáo. Phụ nữ mặc áo cỏm, đủ màu sắc, đính hàng khuy bạc hình bướm, nhện, ve sầu… chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với váy dài màu thẫm, cuốn hình ống, có hoa văn ở gấu, thắt eo bằng thắt lưng xanh lá cây, đeo xà tích bạc bên hông. Đồ trang sức của phụ nữ như hoa tai, nhẫn vòng tay chủ yếu bằng bạc. Phụ nữ Thái đen đã có chồng phải “tằng cẩu” (búi tóc). Con gái Thái hầu hết có thân hình đẹp bởi được lao động, mặc áo bó từ nhỏ. Phụ nữ Thái đen đội khăn piêu nổi tiếng với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc sặc sỡ. Con gái Thái cũng rất khéo tay khi may thêu vải thổ cẩm – sản phẩm thể hiện tâm hồn dịu dàng, trong sáng nhất mà phụ nữ Thái vừa thầm lặng, vừa kiêu sa bày tỏ.

Múa xòe của các thiếu nữ xinh đẹp, da trắng hồng tựa như hoa ban nở, xòe say trong men rượu nếp Mường Lò, mọi người vừa nắm tay nhau xòe quanh đống lửa, vừa rót cho nhau chén rượu. Nghĩa Lộ Mường Lò đã tạo nên một văn hóa, phong tục xòe truyền thống trường tồn và không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc nơi đây.

Lễ hội đình làng Yên Lương – Yên Bái

Hàng năm cứ vào ngày 4 tháng 3 âm lịch, nhân dân trong xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái lại tưng bừng mở cúng tế, ghi nhớ công ơn Thành hoàng làng.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đình làng Yên Lương – Yên Bái

Hàng năm vào ngày hội đình, trong làng thường mổ trâu, lợn cúng tế với nhiều ghi lễ trang trọng, mở hội linh đình với nhiều trò chơi dân gian và đón phường hát về biểu diễn. Đến nay nhờ có chính sách bảo tồn phát huy những giá trị lịch sử truyền thống cùng với việc phát triển kinh tế xã hội, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái đã tổ chức nghiên cứu và xếp hạng di tích đình Yên Lương. Con cháu của dòng họ Nguyễn và nhân dân xã Minh Tiến có nhiều người công tác, làm ăn thành đạt đã cùng chung sức với địa phương xây dựng lại ngôi đình thờ thành hoàng rất khang trang, kiên cố. Những nỗ lực đó sẽ càng góp phần nêu cao đạo lý “Uống ước nhớ nguồn” của nhân dân với công lao của tiền nhân. Đồng thời, cũng là nhân tố đắc lực trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của làng xã Việt Nam từ ngàn xưa để lại.

Lễ hội đình Làng Xóa – Yên Bái

Hàng năm tại đình Làng Xóa diễn ra nhiều lễ hội. Tuy nhiên chỉ có 3 lễ hội chính.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đình Làng Xóa – Yên Bái

Lễ đầu năm mới

Ngày 5 tháng Giêng, ngày này người dân coi là ngày thiêng liêng nhất đầu năm mới, vì vậy dân làng tổ chức rất to, chuẩn bị mâm cỗ rất nhiều món từ mặn đến chay để cúng gia tiên và mang lên đình cúng thần làng mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy; sức khỏe, vạn vật sinh sôi nảy nở, cầu cho mùa màng bội thu, cầu cho quốc thái dân an.

Lễ vật cúng thường là bánh trôi, bánh mật, bánh trưng, bỏng… thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, cá, hoa quả… các lễ vật chủ yếu do người dân tự chăn nuôi, trồng trong vườn thể hiện lòng thành và dâng lên cảm tạ thần làng đã bảo vệ, che chở, cho dân làng một năm được mùa.

Sau các nghi lễ cúng thần, dân làng thường tổ chức các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian như hát then, hát cọi, khắp luông, đánh quay, đánh yến, ném còn, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền, bắn nỏ…

Lễ Tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy)

Người Tày An Phú cũng như các dân tộc khác ở Việt Nam, Tết Trung nguyên cũng rất quan trọng, tết này có hai ý nghĩa: Đó là lễ “Vong nhân xá tội” và lễ “Vu lan báo hiếu”. Đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất – một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và cúng chúng sinh.

Trong ngày này dân làng chuẩn bị hai mâm cỗ; một mâm cúng gia tiên, một mâm cúng chúng sinh. Mâm cúng gia tiên thường là đồ mặn như thịt lợn, thịt gà, đồ hàng mã… Còn mâm cúng chúng sinh gồm loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, cháo, tiền vàng… Cũng trong ngày lễ Trung nguyên người dân Làng Xóa mang các lễ vật lên đình cúng các thần linh, cầu mong mọi sự tốt lành.

Kết thúc lễ cúng tế tại đình dân làng tổ chức các hoạt động vui chơi như hát then, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền.

Lễ tết Trung thu (Rằm tháng Tám)

Vào ngày này, dân Làng Xóa chuẩn bị các lễ vật mang lên đình cúng các thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống của nhân dân an lành.

Vào ngày tết này, trong các nhà tổ chức bày cỗ, trông trăng. Mọi người ra đình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ.

Ở phần hội, UBND xã tổ chức giải bóng chuyền lộc đình với sự tham gia của các đội bóng đến từ các đơn vị, các xã trong huyện. Lễ hội đã được tổ chức thành công theo nghi lễ, phong tục truyền thống, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong xã và du khách thập phương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Đình Làng Xóa tuy không còn hiện hữu, nhưng với giá trị lịch sử, văn hóa, đình đã trở thành biểu tượng linh thiêng của nhân dân Làng Xóa, xã An Phú. Cùng với các ngôi đình khác trên khắp của đất nước, đình Làng Xóa đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây bằng hình ảnh “Cây đa, bến nước, sân đình”. Đình là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng cộng đồng; là nơi giáo dục truyền thống văn hóa cho các thế hệ, nơi trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất và gia đình.

Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau đình Làng Xóa, xã An Phú không còn, nhưng giá trị về văn hóa – tín ngưỡng vẫn còn đọng lại trong tâm thức nhân dân địa phương và góp phần hình thành nhân cách, tâm hồn, lối sống, nếp sống tốt đẹp trong mỗi người dân nơi đây. Từ nhận thức đó, sau hơn nửa thế kỷ ngôi đình bị hỏng, chỉ còn lại đất đình nhưng nhân dân xã An Phú không có ai xâm hại đến đất đình, luôn coi trọng không gian xưa của đình và mong muốn được phục dựng lại đình để làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng. Năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đình Làng Xóa, xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

Lễ hội đền Suối Tiên – Yên Bái

Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, xã Tô Mậu lại tổ chức lễ hội đền Suối Tiên cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng bội thu. Lễ hội mở đầu cho tuần văn hóa các lễ hội trên địa bàn xã với đầy đủ 2 phần lễ và hội với nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí phong phú, lành mạnh và sôi nổi.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đền Suối Tiên – Yên Bái

Di tích đền Suối Tiên là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc, là thành quả lao động sáng tạo, là bằng chứng quan trọng, là “cuốn sử sống” phản ánh tinh thần lao động sản xuất, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tự lực, tự cường của nhân dân ta. Với giá trị và ý nghĩa đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định công nhận đền Suối Tiên là Di tích Lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

Lễ hội đình Cả – làng Chiềng – Yên Bái

Lễ hội đình Cả – làng Chiềng, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái được tổ chức thông lệ vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đình Cả – làng Chiềng – Yên Bái

Trong lễ đình hàng năm, việc sắm sửa mâm lễ vật dâng cúng Thành Hoàng làng được coi là trọng trách của cả thôn, nên mâm lễ của các thôn đều được chuẩn bị rất đủ đầy, tươm tất, gửi gắm bao ước nguyện tốt đẹp của nhân dân về một năm mới sung túc, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, bởi thế mâm lễ phải do đích danh trưởng các thôn – người đại diện cho bà con thành tâm dâng cúng.

Không mang nặng màu sắc tôn giáo như nhiều lễ hội khác, lễ hội đình Cả – làng Chiềng xã Cường Thịnh là sinh hoạt văn hóa đầu xuân của cả cộng đồng, mang đậm nét văn hóa làng xã của người dân Việt. Người dân, du khách tụ hội về đình làng không chỉ để được thể hiện tấm lòng thành kính với các bậc hiền tài đã có công khai ấp lập làng mà còn để được phát nguyện công đức, tỏ lòng tri ân với tiên tổ và được vui với những trò chơi dân gian mộc mạc, đậm chất quê.

Lễ hội đền Đại An – Yên Bái

Đền Đại An trong những năm gần đây đã được tu sửa và xây dựng khang trang, nhưng vẫn giữ cho mình nét đặc trưng của một ngôi đền cổ với lối kiến trúc xưa cùng những hiện vật cổ được trưng bày nơi đây. Hàng năm cứ vào ngày 6 tháng Giêng, xã An Thịnh, huyện Văn Yên lại tổ chức lễ hội đền Đại An, ngày lễ báo hiếu, đại lễ Vu Lan, đại lễ Phật đản cũng được tổ chức long trọng và gây được tiếng vang lớn.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đền Đại An – Yên Bái

Đền Đại An tổ chức chính lễ bắt đầu từ thời khắc sang canh với nghi lễ tế Thần theo phong tục truyền thống. Tiếp đó là đại lễ cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an. Nhân dân trong vùng và nhiều du khách thập phương đã về đền Đại An vào ngày đầu xuân mới, trong hành trình tâm linh cầu tài, cầu lộc và hòa mình trong những lễ hội dân gian đầy màu sắc.

Lễ hội đền Đại An được tổ chức trong không khí thiêng liêng, trang trọng, đúng nghi thức, tiết kiệm, đảm bảo an toàn, vui tươi, lành mạnh, kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống với hiện đại, duy trì các nghi lễ đã được phục hồi, nhằm tôn vinh bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Đây cũng là dịp để những người con quê hương hướng về nguồn cội, tri ân công đức các bậc tiền nhân; là điểm đến của khách thập phương trong hành trình du lịch tâm linh về chiêm bái, cầu lộc, cầu tài. Hoạt động này còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa sâu sắc, giúp các thế hệ xã An Thịnh nói riêng và huyện Văn Yên nói chung hôm nay và mai sau tự hào về quê hương đất nước và luôn biết hướng về cội nguồn dân tộc. Năm 2013, đền Đại An đã được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

Lễ hội đình Khả Lĩnh – Yên Bái

Lễ hội đình Khả Lĩnh được tổ chức hai lần trong năm. Mùa xuân, tổ chức vào ngày mùng 6 – mùng 7 tháng Giêng, còn mùa thu là vào ngày 11 đến 12 tháng 8 âm lịch. Phần lễ được cử hành vào buổi sáng, trong khoảng hai tiếng đồng hồ, nghi lễ ngắn gọn. Sau phần lễ, có phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, ném còn…

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đình Khả Lĩnh – Yên Bái

Nghi thức đặc biệt trong lễ hội đình Khả Lĩnh là lễ rước nước từ giếng nước Mỏ Cò vào Đình. Đây là nghi lễ đầu tiên, mở đầu cho lễ hội đình Khả Lĩnh. Dân làng cùng đội tế lễ làm lễ xin nước ở giếng Mỏ Cò rồi rước về Đình làng. Sau nghi thức dâng nước lên Thành Hoàng làng, đội tế lễ gồm 13 người, là những người khỏe mạnh sẽ làm lễ dâng hương, dâng rượu và dâng lễ vật. Kết thúc phần lễ là nghi thức “hóa chúc văn” dâng lên Thành Hoàng những lời thành kính của dân làng. Phần lễ được diễn ra trong không khí trang trọng, tôn nghiêm, thể hiện được ước nguyện của dân làng, cầu mong một năm mới mạnh khỏe, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ…

Sau phần lễ, người dân và du khách thập phương sẽ vui hội, gồm các trò chơi dân gian như đánh cờ, kéo co, chọi gà… Đây đều là những trò chơi dân gian truyền thống của dân làng, mang đậm nét đặc trưng của nền văn hóa sông Chảy. Cùng với những trò chơi là các hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhân dân, các thanh niên tham gia múa sạp và các em học sinh thể hiện màn đồng diễn sôi động, mang đến không khí vui tươi, phấn khởi. Lễ hội đình Khả Lĩnh không chỉ là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân thôn Khả Lĩnh mà còn là nơi ghi dấu những giá trị đạo đức lớn lao, giáo dục cho con cháu mai sau nhớ về tổ tiên, cội nguồn. Trong tiết trời xuân ấm áp, đình làng Khả Lĩnh là nơi linh thiêng để du khách thập phương thắp hương tỏ lòng thành kính mỗi dịp tết đến, xuân về.

Lễ hội đình và đền Quy Mông – Yên Bái

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đình và đền Quy Mông – Yên Bái

Đình và Đền Quy Mông thường tổ chức các lễ hội chính như: Lễ tiệc chính vào ngày 7/1 âm lịch; Lễ cầu hạ điền ngày 3/3 Âm lịch; lễ đại tiệc thu ngày 17/7 Âm lịch; lễ mừng cơm mới ngày 9/9 Âm lịch; lễ cấm cửa rừng ngày 25/12 Âm lịch. Ngoài phần lễ chính, trong phần hội, xã Quy Mông đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và thi đấu các môn thể thao: bóng đá, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy và bắn nỏ thu hút đông đảo người dân các thôn trong xã tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân.

Lễ hội đền Hóa Cuông – Yên Bái

Hàng năm cứ vào ngày 14 tháng Giêng, đền Hóa Cuông lại tổ chức lễ hội đền với nhiều nghi lễ trang nghiêm và các hoạt động phong phú, người dân nơi đây tâm nguyện rằng: cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu cho lúa ngô xanh tốt, cầu cho dân thịnh an sinh, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đền Hóa Cuông – Yên Bái

Lễ hội đã thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài vùng đến tham quan và chiêm bái. Đến với đền Hóa Cuông, du khách thập phương không chỉ được chứng kiến mà còn được hòa mình vào những điệu múa xúc tép, pâng lóng, chim gâu của đồng bào dân tộc Cao Lan cùng những trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đẩy gậy,… của các dân tộc Kinh, Tày, Dao trong xã. Đặc biệt, du khách còn đến với đền Hóa Cuông, một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng để thắp hương, tế lễ, cầu tài, cầu lộc và vãn cảnh nhà đền.

Có thể nói, đền Hóa Cuông, xã Hoà Cuông không chỉ được biết đến là một ngôi đền linh thiêng mà nơi đây còn để quảng bá và lưu giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời thu hút du khách thập phương về với miền tâm linh mỗi dịp lễ hội đầu xuân. Sau gần 400 năm tồn tại, đền Hóa Cuông đã được các triều đại phong kiến Việt Nam phong 3 đạo sắc. Năm 2005, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ký Quyết định số 460/QĐ-UB công nhận xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.

Lễ hội đền Gò Chùa – Yên Bái

Lễ hội đền Gò Chùa được tổ chức tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Xuân thu nhị kỳ tại đền Gò Chùa diễn ra nhiều lễ hội chính sau: Rằm tháng Giêng-Tết Thượng Nguyên; Lễ thờ Mẫu (3/3 âm lịch); Lễ giết sâu bọ (5/5); Tết hạ điền (1/6) và Lễ xá tội vong nhân (15/7); Lễ Đức Thánh Trần (20/8 âm lịch); Lễ mừng cơm mới (10/10); Đóng cửa rừng (25 tháng Chạp).

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đền Gò Chùa – Yên Bái

Rằm tháng Giêng-Tết Thượng Nguyên: Vào ngày này dân làng chuẩn bị 2 lễ, gồm lễ mặn và lễ chay; cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc đến với mọi nhà và chuẩn bị xuống đồng cho một vụ mùa mới.

Lễ thờ Mẫu (3/3 âm lịch): Theo dân gian, “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Lễ thờ Mẫu là ngày lễ quan trọng nhất của đền Gò Chùa.

Hàng năm cứ đến “Mùa Trôi nước” nhằm ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, người dân Đại Phác (nay xã An Thịnh) thường làm bánh trôi, bánh chay để cúng mẫu Thượng Ngàn, bà chúa nghề trồng dâu nuôi tằm được dân gian tôn sùng là Nam phương Thánh mẫu của Việt tộc. Sau khi làm các nghi lễ cúng tế xong, nhà đền tổ chức hầu bóng. Hầu bóng là một nghi lễ không thể thiếu trong ngày giỗ Mẹ vào tháng ba.

Cũng trong ngày lễ giỗ Mẫu (3/3 âm lịch), ngoài các nghi lễ cúng tế trong đền, còn tổ chức rước kiệu và các hoạt động trò chơi, trò diễn như hát chèo, chầu văn, kéo co, đẩy gậy, đấu vật, chọi gà…

Lễ giết sâu bọ (5/5): Theo quan niệm dân gian, ngày 5/5 âm lịch, ăn hoa quả để giết sâu bọ, không làm hại mùa màng và con người; đốt kiến và dùng chổi quét lên người nhằm không để kiến vào nhà, không lên rôm trên người.

Tết hạ điền (1/6) và Lễ xá tội vong nhân (15/7): Theo tín ngưỡng dân gian: Ngày rằm tháng bảy hàng năm thì mọi tội nhân cõi Âm, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc mình đang bị giam cầm nơi địa ngục được xá tội và ra khỏi Âm Phủ lên Dương Gian. Bởi vậy, nhân dân ở Đại Phác (nay là xã An Thịnh) làm cỗ, vàng mã cúng gia tiên và lên đền cúng, cầu siêu độ trì cho những người đã khuất.

Lễ vật gồm có: Hương, hoa, rượu, xôi và mâm cỗ mặn với nhiều món ăn ngon, vàng mã, quần áo, hài giấy… Lễ cúng chúng sinh gồm các lễ vật: Bánh đa, bỏng, ngô, khoai lang luộc, trứng luộc, kẹo bánh, xôi chè và cháo hoa. Vàng mã, tiền giấy, quần áo chúng sinh…

Lễ Đức Thánh Trần (20/8 âm lịch): Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mất ngày 20/8 năm Canh Tý, Hưng Long thứ 8 (năm 1300), tại tư dinh của mình ở Vạn Kiếp, nay thuộc thị xã Chí Linh (Hải Dương). Sau khi mất, ông đã được vua Trần phong tặng: “Thái sư thượng phụ quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương”, nhân dân đã tôn ông là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó có đền Gò Chùa.

Theo suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ XIV đến nay, phong tục thờ Đức Thánh Trần đã và vẫn đang được bảo tồn, gìn giữ trong đời sống tâm linh của các thế hệ người Việt Nam. Cũng như các đền khác trong nước, đền Gò Chùa, xã An Thịnh cứ vào ngày 20/8 (âm lịch) lại tổ chức thờ Đức Thánh Trần, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Lễ mừng cơm mới (10/10): Khi lúa vào thời kỳ chín, người dân trong xã gặt lúa từ ruộng của đền hoặc của gia đình để giã cốm, một phần nấu xôi, phần nướng lam, dâng lên đền làm lễ để tỏ lòng thành, tạ ơn trời-đất, thần-thánh và cầu cho cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Đóng cửa rừng (25 tháng Chạp): Kể từ ngày này, không ai được lên rừng chặt cây. Đến tháng giêng tổ chức lễ mở rừng mọi người mới được lên rừng chặt cây, làm nương.

Lễ tế tam vị Tản viên Sơn Thánh đình An Dũng – Yên Bái

Đình An Dũng nằm tại thôn Yên Dũng, xã Yên Hợp, cách trụ sở xã Yên Hợp 1km, cách trung tâm huyện Văn Yên 7 km về phía Nam; có diện tích khoanh vùng bảo vệ khoảng 29.200 m2. Hàng năm đình An Dũng tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, trong đó có lễ tế tam vị Tản viên Sơn Thánh thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ tế tam vị Tản viên Sơn Thánh đình An Dũng – Yên Bái

Lễ tế tam vị Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức chính hội ngày 17 tháng Giêng kèm theo các lễ hội nhỏ khác.

Lễ vật để tổ chức cúng ngày lễ gồm có: Lễ chay gồm oản, bánh nếp, bánh tẻ, chè kho, bánh khảo; Lễ mặn gồm thịt lợn đen tuyền, gà… Sau khi lễ vật được chuẩn bị đầy đủ, Thầy cúng sẽ làm ghi lễ và các thủ tục, các ghi thức cúng tế Tam vị Tản Viên Sơn Thánh; Thành Hoàng (Lê Huy Chiêu); Ngũ Hổ, cầu cho mưa thuận, gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, muôn dân sức khỏe, cuộc sống an lành, đất nước thái bình. Sau đó Thầy cúng và nhân dân trong vùng tổ chức rước kiệu quanh đình.

Cùng với phần rước lễ là phần hội, tại đây diễn ra các cuộc vui chơi, hát chèo, chầu văn, đua thuyền, thi bơi qua sông Hồng, đấu vật, chọi gà, kéo co… thu hút rất nhiều du khách thập phương về vui hội.

Lễ hội đình Nà Ngàm – Yên Bái

Cứ mỗi mùa xuân về, người dân khắp các vùng miền lại nô nức đi trẩy hội đình Nà Ngàm, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Đình Nà Ngàm là ngôi đình cổ, mang đậm giá trị văn hóa, tín ngưỡng sơ khai của người Tày; nơi đây thờ ba vị thần núi. Đền cách trung tâm thành phố Yên Bái 100 km, tọa lạc trên một khu đất cao, lưng tựa dãy Pù Trà, phía trước mặt là núi Pác Khang; dưới chân đình Nà Ngàm được bao bọc bởi những cánh đồng lúa thẳng tắp cánh cò bay.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đình Nà Ngàm – Yên Bái

Buổi sáng, mâm cỗ bày ra, người già đến cầu lễ, người trẻ với cày cuốc trực sẵn ngoài đồng để chờ lễ xong là chạm đất vào mùa. Buổi chiều, già trẻ, trai gái tụ họp vui chơi. Đến chiều tối lại rủ nhau mở các lò hát khắp, hát cọi đối đáp giao duyên…

Lễ rước ông mo ra đình và rước về nhà khi tan lễ cùng với buổi chầu lễ là nội dung của lễ Đình. Đoàn người rước do xã cử, gồm 12 người mặc quần vải trắng, áo dài nhuộm chàm, đầu đội khăn xếp đen. Đi theo đoàn rước còn có các vị chức sắc, vợ và con lớn của các chánh, phó tổng, tiên chỉ, chánh phó lý, thủ bạ, xã tuần, xã thu và các cụ cao tuổi.

Khi khởi hành, chiêng trống gióng lên ba hồi ba tiếng; sau đó, thứ tự cờ lọng đi trước, chiêng trống dẫn đường, rồi mới đến kiệu ông mo; người cầm ô, người ôm tráp theo sau (ông mo không ngồi kiệu). Tiếp đến là các vị chức sắc, già làng cùng với vợ con của họ, theo một hàng dài đi tới Đình.

Ông mo được tắm rửa, ăn chay thanh tịnh, khi đoàn rước đến Đình, ông mo với mũ áo chỉnh tề, tiến đến bên mâm cỗ đã được đặt sẵn với đầy đủ các lễ vật, bắt đầu hành lễ luôn. “Hương pay xa, va pay mơi, dân thự mứa khỏi, mơi pú Đán Đeng, mơi pú Đán Khao…” (Mùi hương đi tìm, mùi hoa đi đón, dân chúng tôi mời ông Đán Đeng, mời ông Đán Khao). Chín tuần lễ, chín tuần rót rượu là chín lần xin quẻ âm dương cầu phúc, cầu lành, dân cho yên, vật được thịnh. “Pi mấư liệng tua mấư đảy mả, phạ mấư hật cúa mấư đảy lai, nặm têm nà, cha têm tông, co khảu cỏ ăn thày, cha nuầy cỏ lằm cuổi” (Năm mới, nuôi con mới được yên, làm của mới được nhiều, nước đầy ruộng, cá đầy đồng, cây lúa bằng cái nắn, cá chép bằng thân chuối. Nông dân xuống đồng làm ruộng được mùa, thóc lúa đầy bồ, bội thu, ấm no, hạnh phúc). Xong buổi lễ cầu thần, đốt xong vàng mã cũng đã quá trưa, mâm cỗ được ngả ra giữa Đình, mọi người cùng tận hưởng lộc năm mới do thần ban cho.

Quá Ngọ, sang Mùi là giờ vui hội bắt đầu. Mọi người theo chân ông mo ra ngoài sân bãi rộng để thi tung còn, đánh yến, thi đánh quay, bắn nỏ, bắt trạch, đi cà kheo, đi lò cò, xem đua ngựa… Tất cả những người thắng cuộc trong các trò chơi đều được ông mo phát thưởng, phát lộc cho may mắn.

Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cuộc sống bình yên của người dân Mường Lai không còn. Đình Nà Ngàm từ đó cũng bị lãng quên. Tết đến, xuân về không còn tiếng chiêng, tiếng trống; bản mường không còn vui nhộn nhịp như xưa. Rồi cả khi hòa bình lập lại, cuộc sống có nhiều đổi thay, tiến bộ nhưng người Mường Lai vẫn bùi ngùi, luyến tiếc như đã đánh mất điều thiêng liêng nhất của dân tộc mình bấy lâu đã tôn thờ. Vì thế, nhân dân nơi đây đã đề nghị các ban, ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương giúp đỡ để xây dựng lại đình Nà Ngàm; tổ chức lại lễ hội xuống đồng.

Ngày nay đã thành thông lệ, để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, yêu quê hương, gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị tâm linh, bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương; cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu cho mùa màng bội thu vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, Ủy ban nhân dân xã Mường Lai lại tổ chức lễ hội như một hoạt động thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh hướng về nguồn cội.

Lễ hội đình Ba Chãng – Yên Bái

Lễ hội chính ở đình Ba Chãng được tổ chức hàng năm vào mùa xuân, mùa vạn vật sinh sôi nảy nở, tiết trời ấm áp. Ngoài sự uy nghiêm của các nghi lễ tế các vị thần thánh trong đình là những trò chơi, diễn xướng dân gian mang đậm sắc thái văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đình Ba Chãng – Yên Bái

Lễ khai xuân (ngày mùng 2 tháng Giêng âm lịch): Hàng năm cứ vào ngày mùng 2 tháng Giêng âm lịch, đình Ba Chãng tổ chức lễ khai xuân. Mặc dù với kiến trúc không đồ sộ như các di tích đình làng ở một số địa phương khác, nhưng đình làng Ba Chãng có vị trí và ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của các đồng bào dân tộc cư trú nơi đây. Vào ngày mùng 2 tháng Giêng, ông trùm (người được dân làng tin tưởng, giao cho phục vụ công tác thờ cúng tại Đình) cùng với các cụ cao tuổi trong làng ra Đình từ rất sớm để bao sái đồ thờ tự, quét dọn, vệ sinh sạch sẽ trong Đình. Theo tục lệ, ông trùm phải chuẩn bị hai mâm lễ nhỏ gồm mâm lễ chay và mâm lễ tạp. Lễ chay gồm có một mâm ngũ quả, xôi nếp và chè…; lễ mặn có gà trống luộc nguyên con để nguyên nội tạng và một mâm xôi nếp cùng rượu trắng. Khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, ông trùm thắp hương, thay mặt cho dân làng cung thỉnh với Thành Hoàng và các vị thần, làm thủ tục xin âm dương để xin phép các vị cho dân làng được mở lễ hội theo lệ hàng năm.

Theo tục lệ, đến khoảng 8 giờ sáng, bà con dân làng chuẩn bị các mâm cỗ tại gia, khẩn cầu xin phép tổ tiên rồi từng hộ gánh lễ đi nối tiếp nhau ra Đình. Các lễ vật tùy theo điều kiện từng gia đình gồm gà, xôi, thịt, rượu… Đa phần các mâm lễ vào dịp khai xuân thường là những mâm lễ to, có đủ lễ chay và lễ tạp.

Sau khi dân làng gánh lễ ra Đình, các mâm lễ được ông trùm tập hợp và chọn lựa dâng lên các ban thờ. Trang phục của ông trùm và ban tế lễ được mặc theo trang phục truyền thống, đầu đội khăn, mặc áo chàm… Sau khi làm xong các thủ tục cần thiết, ông trùm đại diện cho dân làng bắt đầu thực hiện nghi thức tế lễ. Bài cúng bằng chữ nôm được ông trùm dịch và khấn theo tiếng địa phương mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, không xẩy ra thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng đến dân làng; mọi gia đình gặp may mắn, an lành, mạnh khỏe…

Phần hội đình Ba Chãng được tổ chức công phu và mang tính cộng đồng cao, gồm những trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, bắn nỏ…, thu hút được sự tham gia của nhân dân địa phương và các vùng lân cận.

Hội ném còn: Khi đã hoàn tất phần lễ, mọi người tập trung rất đông xung quanh cây còn được dựng lên từ trước. Tham gia trò chơi này chủ yếu là các nam thanh, nữ tú. Khi ông trùm cầm 12 quả còn (con số 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm) đã được chuẩn bị từ trước, tung cao vào giữa đám đông thanh niên đang đứng tập trung ở trước sân đình, cũng là lúc trò chơi ném còn bắt đầu diễn ra. Ngoài hội thị ném còn, tại Đình diễn ra các hội thi dân gian khác thu hút được nhiều người tham gia như kéo co, đẩy gậy, tát yến, bắn nỏ, cờ tướng… và đặc biệt là hội thi hát dân ca. Hát dân ca là môn nghệ thuật dân gian độc đáo của các dân tộc nơi đây. Nội dung thi hát dân chủ yếu là hát Sình ca của dân tộc Cao Lan (tình ca nam nữ giao duyên) thu hút được nhiều tốp nam thanh nữ tú hơn cả.

Lễ gieo trồng ngũ cốc, vạn vật (ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch): Lễ gieo trồng ngũ cốc, vạn vật ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch được chuẩn bị khá công phu. Các lễ vật tế lễ được trích từ quỹ làng, bao gồm một con lợn đực, hai con gà, xôi, rượu… Lợn được mổ và để nguyên con dâng lên thần Thành Hoàng; gà được dâng lên ban Thần Nông và thần Thổ công cùng xôi và rượu.

Lễ cúng Thần Nông (lễ tạ mùa tháng 8 âm lịch): Lễ cúng Thần Nông diễn ra vào tháng 8 âm lịch. Ngày cúng Thần Nông được ông trùm xem và ấn định rồi thông báo cho toàn dân làng để chuẩn bị cho công tác tế lễ. Lễ vật bao gồm, mỗi hộ gia đình chuẩn bị một con gà đã được chế biến chín và để nguyên con, lúa mới, xôi, rượu… Nếu gia đình nào không có gà thì phải mang thịt lợn thay thế với trọng lượng tương đương. Khi công tác chuẩn bị đã xong, các lễ vật được ông trùm dâng lên các ban thờ và bắt đầu tế lễ. Bài khấn được ông trùm dịch từ cuốn sách cổ chữ nôm mang ý nghĩa cảm tạ các vị thần che chở, bảo vệ, phù hộ cho địa phương đạt mùa màng bội thu, lúa trĩu đầy đồng, gia súc, gia cầm không dịch bệnh… Nay kính dâng cơm mới và những sản vật do chính tay người dân làm ra lên các đấng tối cao để chứng kiến cho lòng thành tâm của dân làng.

Lễ hội đình Ba Chãng không chỉ là nét đẹp mang bản sắc riêng trong đời sống văn hóa của người dân Phúc An mà qua các dịp lễ hội, tình đoàn kết toàn dân, tình làng nghĩa xóm được vun đắp, nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư và thể hiện tấm lòng tri ân của con cháu với các bậc tiền bối đã có công khai ấp, dựng làng.

Lễ hội đình làng Dọc – Yên Bái

Lễ hội đình làng Dọc được tổ chức 2 kỳ trong năm là vào mùng 3, mùng 4 tháng Giêng (gọi là lễ hạ điền) và ngày 13, 14 tháng Bảy âm lịch (gọi là lễ hội cầu Thần Nông). Lễ cúng trong các ngày hội gồm bốn mâm cỗ chay và hai mươi bảy mâm cỗ mặn. Riêng lễ tháng Bảy còn có thêm thịt trâu hay thịt dê. Lễ hội đình làng Dọc mang đậm sắc thái của người Kinh và người Tày cổ. Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhân dân trong vùng dựng đình lá để tổ chức lễ hội hàng năm. Từ năm 1944, ngôi đình được nhân dân đóng góp, xây dựng lại khang trang như ngày nay với tâm nguyện cầu cho lúa tốt mạ xanh, cầu cho dân an, thịnh vượng, nhà nhà ấm no, hạnh phúc…

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đình làng Dọc – Yên Bái

Phần lễ Đình được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, không lợi dụng mê tín, dị đoan. Bên cạnh đó, phần hội cũng được tổ chức rất đa dạng, phong phú với hội chơi đu, hội còn, hội yến, hội hát đối, hội chọi gà… cùng những điệu xòe, điệu then duyên dáng của các bà, các chị, các thiếu nữ Tày, Kinh.

Trải qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử, dù bị chiến tranh tàn phá, lễ hội đình làng Dọc vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây, nó đi vào tiềm thức mỗi người, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, đậm nét tâm linh của đồng bào các dân tộc ở Yên Bái; đồng thời, đó cũng là minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt của đất nước. Đây cũng là dịp để thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc Kinh, Tày, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm và tưởng nhớ tổ tiên, ông cha ta. Lễ hội đã thu hút sự quan tâm, chú ý của rất nhiều khách du lịch đến đây tham quan.

Lễ hội đình Phúc Hòa – Yên Bái

Hàng năm cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm lễ hội đình Phúc Hòa được tổ chức gồm các nội dung như giao lưu văn nghệ các thôn trong toàn xã và các xã bạn, các trò chơi bịt mắt bắt lợn, bắt vịt, bắt cá, ném vòng cổ chai, chọi gà, leo cây chuối… Các môn thể thao: thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, kéo co, đẩy gậy…

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đình Phúc Hòa – Yên Bái

Ngày mùng 8 tháng Giêng: Lễ chính gồm có tế lễ, các đoàn của các thôn, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp và nhân dân có lễ vật vào dâng lễ.

Ngày 18 tháng 7 âm lịch: Chuẩn bị Ngày giỗ Thánh Mẫu Hồng Hoa công chúa có tổ chức văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian.

Ngày 19 tháng 7 âm lịch chính giỗ: Gồm có các nội dung ôn lại thần tích của đình; các đoàn đại biểu và bà con nhân dân dâng lễ vật. Với truyền thống nhân dân góp giỗ và ăn giỗ tại đình, mỗi năm có khoảng trên 200 người tham gia.

Ngày 12 tháng 10 âm lịch: Chuẩn bị ngày giỗ của hai vị Tướng Công Đài Vàng Quý Minh Đại Vượng, Tướng công Phò mã án Sát Đại Vương có tổ chức văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian.

Ngày 13 tháng 10 âm lịch: Ngày giỗ của hai vị Tướng Công Đài Vàng Quý Minh Đại Vượng, Tướng Công Phò Mã Án Sát Đại Vương, các đoàn đại biểu và bà con nhân dân dâng lễ vật. Lễ hội đình Phúc Hòa không chỉ là hoạt động tâm linh để mọi người tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân mà còn là dịp lưu giữ những nét đẹp văn hóa, đồng thời giáo dục các thế hệ sau biết trân trọng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, cùng một lòng dốc sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Lễ hội đền Tuần Quán – Yên Bái

Nằm trong quần thể di tích lịch sử của thành phố Yên Bái, từ lâu, Đền Tuần Quán đã nổi tiếng là một ngôi Đền tôn nghiêm, cổ kính với nhiều chứng tích lịch sử còn nguyên giá trị. Toạ lạc bên bờ sông Hồng hiền hoà Đền Tuần Quán lâu nay không chỉ được biết đến là điểm cúng lễ, cầu an lành của tín đồ phật tử thập phương, mà còn được xem như một trong những điểm đến không thể thiếu trong hành trình tâm linh cầu tài cầu lộc của du khách xa gần trong những dịp đầu xuân.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đền Tuần Quán – Yên Bái

Hàng năm để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ đến công lao của Mẫu Liễu Hạnh (vị thần cao nhất ở đền Tuần Quán) cứ vào ngày 3 tháng 3 âm lịch Đền tổ chức chính hội (Ngày hội Mẹ) để tưởng nhớ đến công lao của Mẫu Liễu Hạnh, người đã có công giúp nhân dân khai khẩn ruộng nương, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Sau phần lễ chính, Đền còn tổ chức các trò chơi dân gian như cờ tướng, đánh vật, kéo co, làm bánh dày, hát chầu văn, hát chèo… nhằm tái hiện lại cuộc sống, giá trị văn hoá truyền thống trong dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Ngoài ra Đền còn có một lễ hội nữa gọi là tiệc cha được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Với những nét đặc trưng, sự thành kính trang nghiêm, hàng năm, vào mỗi dịp đầu xuân, du khách thập phương lại nô nức trở về Đền để trảy hội, vãn cảnh, cầu tài cầu lộc, cầu cho một năm may mắn, mưa thuận gió hoà, phúc đẳng hà sa, Quốc thái dân an.

Lễ hội đền Nhược sơn – Yên Bái

Lễ hội Đền Nhược sơn được tổ chức hàng năm vào các ngày 20/1 và 20/9 (âm lịch). Tại thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đền Nhược sơn – Yên Bái

Lễ hội đền Nhược Sơn được tổ chức với 2 phần chính đó là phần lễ và phần hội.

Phần Lễ: Ngày 20/9, tương truyền là ngày Hà Chương mất. Nhân dân làm cốm cúng và bàn công tác trù bị chuẩn bị cho việc đón khách thập phương tới hương khói, thờ cúng Ngài. Thời gian: từ 5 giờ sáng tớ 5 giờ chiều.

– Thành phần: các cụ tiên chỉ, chánh tổng, phó lý, bá hộ…

– Từ 5h sáng, lính dõng chỉ đạo việc mổ lợn (lợn từ 60- 70kg, không quy định lợn trắng hay đen). Mổ lợn tại bờ sông Hồng, tiết chia thành 12 chậu (để cúng Long vương tại thác Nhược Sơn) (có băng ghi âm kèm theo – xem mục IX – hồ sơ ảnh và băng tư liệu).

– 6h sáng, bà con dân bản đem cốm và bánh dày (đựng trong coóng) dâng lên quan lớn Nhược Sơn.

– 9h sáng, lễ chính diễn ra, thầy mo đọc bài văn tế gồm 7 tuần, nội dung: tưởng nhớ công lao của ngài và cầu cho nhân dân được ấm no hạnh phúc.

– 10h sáng, thấy mo cúng xong, bộ phận nhà lân (nhà khách) làm cơm phục vụ khách mời và khách thập phương về dự hội.

– Ngày 20-1 (Âm lịch) khác ngày 20- 9 ở chỗ: mổ lợn se thay bằng mổ trâu, phần lễ và phần hội vẫn giống như ngày 20- 9.

Phần hội: Thời gian từ 10h sáng tới 5h chiều.

– 10h sáng, các hoạt động sinh hoạt lễ hội sẽ diễn ra đồng loạt như: hội múa xoè, hội đại yến, hội ném còn, hội hát đúm…

– 10h sáng, hội múa xoè được tổ chức tại sân đền. Dân làng diện trong những bộ quần áo dân tộc xoè trước đền. Thầy mo sẽ xoè trước, mỗi bài xoè có từ 6- 7 người cùng xoè, mỗi người đeo 10 quả nhạc vừa xoè vừa hát những bài hát mang nội dung cầu mùa.

– Từ 11h- 5h chiều, hội hát đúm (hát đối), hội ném còn, hội đánh yến được tổ chức tại sân đền.

+ Hội đánh yến: quả yến được làm bằng lá cây dứa dại, được tết từ 4 lá và buộc 3 chiếc lông cánh gà. Người đánh sẽ chuyền cho nhau, nếu người nào đánh rơi sẽ bị đấm một phát nhẹ.

+ Hội ném còn: được chia thành 2 đội, một bên nam và một bên nữ, ai ném thủng vòng còn sẽ được Lý trưởng được thưởng bằng hiện vật. Cây nêu cao từ 15- 20m, vòng còn từ 20- 25cm, được dán bằng giấy đỏ mặt hướng ra bờ sông (đầu sông ném xuống, cuối sông ném lên). Quả còn được làm từ vải, trong đựng hạt bông được gói thành hình vuông, bốn góc đều trang trí thành những tua xanh đỏ. Tua làm bằng dây dài 70cm, được tết từ lạt nứa và thắt thành 7 đốt bằng vải xanh, đỏ, tím, vàng (tượng trưng cho 7 vía của ngài). Thầy mo sẽ khởi xướng cho việc ném còn. Dưới chân cột còn có một mâm gà và xôi cúng thổ địa.

+ Hội hát đúm (hát đối): nhân dân các bản sẽ hát đối với nhau những bài hát với nội dung hỏi thăm sức khoẻ và chúc làm ăn phát đạt.

– Kết thúc phần lễ hội (5h chiều), lý trưởng và bá hộ sẽ công bố và có lời cảm ơn tới nhân dân và khách thập phương.

Lễ hội Đền Nhược Sơn không những là niềm tự hào của nhân dân xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên mà còn là niềm tự hào chung của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Trải qua những thăng trầm biến cố của lịch sử, hiện nay đền đã xuống cấp. Tuy vậy, những giá trị về mặt lịch sử – văn hoá của di tích vẫn còn trường tồn mãi với thời gian.

Lễ hội đền Đông Cuông – Yên Bái

Lễ hội Đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày “Mão” tháng Giêng hàng năm. Tại thôn Bến Đền – Xã Đông Cuông – Huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đền Đông Cuông – Yên Bái

Lễ hội đền Đông Cuông mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên của ngày mão đầu năm. Trâu dùng để tế phải là trâu đực trắng, to khoẻ, được tuyển chọn kĩ lưỡng từ nhiều tháng trước. Tới giờ phút thiêng liêng nhất, trâu mổ ra lấy 9 chén tiết trâu xuống bến sông để tế, ông mo bước từ cung cấm ra cùng các giai chay và dân làng làm lễ, tiến hành lễ hiến sinh cầu cho linh hồn những anh hùng đã hi sinh ở thác Ghềnh Ngai trên dòng sông Hồng trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông thủa trước, sau đó trâu được thui và được chủ tế dâng lên cầu mưa thuận gió hoà mùa màng tốt tươi, người dân khoẻ mạnh, làm ăn phát tài. Sau khi cúng, thịt trâu được đem ra chế biến thành các món ăn mời du khách đến đền làm lễ. Cuộc tế lễ diễn ra một cách nghiêm linh, muôn dân trăm họ hướng về cội nguồn để cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hoà, bình an hạnh phúc, v.v.

Tiếp sau lễ mổ trâu là lễ rước Mẫu sang sông, đây là một trong những lễ chính của lễ hội đền Đông Cuông. Lễ rước tượng Mẫu sang sông để thắp hương cúng tế linh hồn tướng quân Hà Đặc được bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng. Trước đó đã có hàng ngàn người dân địa phương và du khách tập trung trước cửa đền cùng tham gia rước. Tượng Mẫu được rước sang sông bằng chiếc bè lớn làm bằng nứa dại. Khi tượng Mẫu đã sang tới miếu Ghềnh Ngai thăm Đức ông thì các thầy cúng cũng làm thủ tục tế lễ, sau đó tượng Mẫu lại được rước quay về đền vào đúng 10 giờ và cũng là lúc bắt đầu lễ dâng hương tế Mẫu.

Lúc này, hàng ngàn du khách thập phương và nhân dân trong vùng lần lượt dâng hương, cầu mong những điều may mắn sẽ đến với gia đình, người thân, bạn bè trong cả năm.

Sau phần lễ là phần hội, các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co và các hình thức sinh hoạt mang đậm chất dân gian như Ném Còn (tức Sến) đánh yến, kéo co, đấu vật, hát chèo với đủ sắc mầu dân tộc: Kinh, Tày, Dao, Nùng… muôn màu sắc phục chật cứng như nêm, tiếng chuông, tiếng khánh, tiếng trống lẫn tiếng hát then, hát cọi, khèn bè, tiếng reo hò, kéo co, ném còn thắng cuộc, cờ bay trước gió, khiến cho cả vùng trở lên tưng bừng náo nhiệt, cuối hội nam nữ các bản làng xã tổ chức hát dã hội chia tay hẹn hò hội xuân tới gặp lại… đã tạo cho lễ hội đền Đông Cuông thêm phần sống động.

Những năm gần đây, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho Quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.

Trong Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng Ngàn tại đền Mẫu Đông Cuông nói riêng có một nghi lễ hết sức đặc biệt, đó là nghi lễ chầu văn – hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng thực hành tiêu biểu nhất của đạo Mẫu. Hàng năm, cứ Xuân Thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 Âm, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.

Lễ hội đền Mẫu Nam Cường – Yên Bái

Đã thành truyền thống, cứ ngày rằm tháng Giêng, hàng ngàn người dân và du khách thập phương lại tìm về khu Di tích lịch sử văn hóa đình – đền – chùa Nam Cường của thành phố Yên Bái – nơi được cho là hội tụ những nét văn hóa đặc trưng của người Việt.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đền Mẫu Nam Cường – Yên Bái

Để bảo tồn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của địa phương, đã phục dựng và duy trì phát triển lễ hội truyền thống Đền Mẫu rằm tháng giêng với các hoạt động được chia thành 2 phần đó là: Phần Lễ và phần Hội.

Phần lễ cầu cho mùa màng tươi tốt, tránh được thiên tai, cầu được sức khoẻ dồi dào cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau là dâng hương tỏ lòng biết ơn các thủ chiêu và bậc tiền bối đã có công lập xã.

Tiếp đến là lễ thả chim cầu an. Một gia đình được các cụ cao niên trong xã chọn để làm lễ thả chim phải đủ điều kiện khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, con cháu ngoan hiền, học hành đỗ đạt. 12 con chim bồ câu được thả với mong ước 12 tháng trong năm dân làng được bình an hạnh phúc. Đây là một nét đẹp văn hoá đầy ý nghĩa tinh thần của bà con nhân dân, thể hiện nguyện ước giữa con người và thế giới tự nhiên.

Sau lễ thả chim cầu an là lễ mừng thọ cho các vị cao niên trong xã thể hiện đạo lý kính già yêu trẻ truyền thống của người Việt Nam.

Trong lễ hội còn tổ chức trao phần thưởng cho các cháu học sinh giỏi là con em trong xã với mong ước con cháu trong làng trong xã ngày càng học rộng tài cao, đời đời phúc đức sẽ góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Sau khi phần lễ kết thúc, tất cả người dân trong làng, nhất là các nam nữ thanh niên sẽ tham gia vào phần hội với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao phong phú như: hội đua thuyền dâng hương, kéo co, cầu lông, cờ tướng, chọi gà… Lễ hội kéo dài đến tối ngày rằm tháng Giêng, với các tiết mục văn nghệ của chính những người con xã Nam Cường. Và đặc biệt là lễ thả hoa đăng cầu an được tổ chức ngay tại hồ phía trước của đình – đền – chùa Nam Cường với sự tham gia của đông đảo nhân dân.

Các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng cũng như những trò chơi dân gian giúp cho mọi người trong làng gần gũi với nhau hơn. Không những thế những hoạt động mang đậm những giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống, những chuẩn mực đạo đức, tính hướng thiện được người dân truyền đạt và tác động trực tiếp đến nhận thức của thế hệ trẻ. Từ đó tạo dựng thêm bề dày lịch sử văn hoá của xã Nam Cường.

Lễ hội đền Đại Cại – Yên Bái

Mỗi năm một lần lễ hội Đền Đại Cại được tổ chức 02 ngày, ngày lễ chính tiến hành vào rằm tháng giêng với hai phần lễ và phần hội cầu Bà cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, Quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh và thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, để tưởng nhớ đến công ơn những danh nhân một thời đã có công khai sơn, phá thạch, chiêu dân, lập làng mở chợ, xây dựng thành luỹ.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội đền Đại Cại – Yên Bái

Phần Lễ: Phần lễ được dâng trong ngày lễ chính với ba hình thức lễ là: Lễ Thượng nguyên cầu cúng cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; Lễ dâng hương do nhân dân các xã quanh vùng tổ chức thành từng đội thắp hương tưởng niệm người có công với đất nước, báo công lên với chúa Bà; Lễ rước Bà trên sông về đền chính được tái hiện bằng đội thuyền với ba thuyền lớn cùng hàng trăm thuyền nhỏ, lễ vật rước Bà là ba mâm lễ lớn gồm hoa quả, oản, những sản vật của người Lục Yên do bốn cô gái đồng trinh của bốn dân tộc Kinh, Dao, Tày, Nùng thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của bốn dân tộc chính của Lục Yên. Đi theo rước chúa Bà là đội quân tướng mặc áo vàng, đội nón nhọn giáo dài, tay cầm khiên…

Phần Hội: Phần hội có thể diễn ra trước hoặc sau lễ rước với nhiều sinh hoạt cộng đồng phong phú: Chương trình văn nghệ trong ngày khai hội với Các tiết mục của diễn viên chuyên nghiệp hay chính những người dân địa phương thể hiện tạo không khí phấn khởi vui tươi trong ngày đầu năm mới. Bên cạnh những môn thể thao hiện đại không thể thiếu những trò chơi dân gian đậm bản sắc của đồng bào nơi đây. Mở đầu là cuộc đua thuyền trên sông. Những chiếc thuyền độc mộc là phương tiện đi lại không thể thiếu của đồng bào Tày, đồng bào Dao của các xã dọc theo sông Chảy như Tân Lĩnh, An Lạc. Bơi thuyền đạp chân dường như đã trở thành bản năng thiên phú trong mỗi chàng trai, cô gái ở đất này, khiến mỗi người được tham gia cuộc đua cũng đều cảm thấy tự hào.

Kết thúc cuộc đua thuyền trên sông, trai làng, gái bản và du khách có thể cùng tham dự trò chơi ném còn. Cây nêu cao vút dựng lên ngay giữa sân khấu nhà đền, vòng còn nhỏ trên cao thách thức những người chơi điệu nghệ và những quả còn tíu tít qua lại như muốn nói lên ước vọng và tinh thần vượt lên khó khăn của mỗi người dân vùng cao.

Trong Hội đền Đại Cại, kéo co cũng là môn thi đấu không thể thiếu. Nhưng vui hơn ở đây là cuộc thi tài giữa các thôn của xã Tân Lĩnh – địa bàn trước đây có trường luyện binh, là nơi sản xuất lương thực nuôi quân của Phó tướng Vũ Thị Ngọc Anh năm xưa. Những người tham gia các đội chơi này đã thể hiện bề dày truyền thống lịch sử của vùng đất thiêng. Đặc biệt thú vị là ở môn đánh quay. Với sân chơi này, những con quay được người chơi đẽo gọt công phu, nhiều con quay gắn bó với họ trong nhiều cuộc chơi ở thôn bản. Người chơi cũng thật giỏi giang khi đánh thật trúng quay đối phương để vào những vòng trong, xứng đáng nhận phần thưởng từ ban tổ chức.

Cũng như kéo co, sân đấu vật trống thúc liên hồi giục giã các đô vật là các chàng trai người Tày, người Kinh, người Dao vào sới. Sức khỏe, sự khôn khéo, nhanh nhẹn thể hiện trong từng miếng lừa, thế tấn, bước ra vào mạnh mẽ. Tiếp sau là môn đẩy gậy – một môn thi đấu đòi hỏi sức khỏe và kỹ thuật cao. Tuy không có nhiều vận động viên, nhưng việc đưa vào thi đấu như khẳng định rằng đây là môn thể thao mũi nhọn của các địa phương vùng cao ở huyện Lục Yên thuộc tỉnh Yên Bái. Ngoài các môn thể thao này, tùy theo quy mô lễ hội hàng năm mà địa phương còn tổ chức thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, bắn nỏ và một số môn khác.

Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà – Yên Bái

Lễ hội được tổ chức tại Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. Đến đền Mẫu Thác Bà du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy. Nếu ở phía Nam và phía Đông lên khách có thể đi bằng xe cơ giới đến tận nhà máy thủy điện Thác Bà và lối lên đền Mẫu theo quốc lộ 37 Hà Nội – Yên Bái và tỉnh lộ Tuyên Quang – Thác Bà. Nếu ở phía Tây và phía Bắc tới theo quốc lộ 70 Lào Cai – Hà Nội và đường Đông Hồ phân đoạn Lục Yên – Thác Bà, đi ca nô từ bến cảng Hương Lý và nhiều bến thuyền khác từ các nơi trên hồ Thác Bà đến đền Mẫu.

yên bái có lễ hội gì?

Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà – Yên Bái

Lễ hội đền Mẫu Thác Bà có 3 lễ hội chính: Lễ hội mùa xuân ngày mùng 9 tháng Giêng; Lễ hội mùa hè ngày 17 tháng 5; Lễ hội mùa thu ngày 10 tháng 10 (âm lịch), trong đó lễ hội xuân là lễ hội lớn nhất.

+ Phần Lễ: Từ đêm ngày mùng 8 tháng Giêng đã có lễ nấu và đánh chè kho nguyên liệu là đỗ xanh ngâm bỏ vỏ, rang lên nấu với mật mía, chè kho được đánh bằng đôi mái chèo nhỏ, đôi trai gái đánh chè theo nhịp điệu chèo thuyền, những người xung quanh hát các bài hò chèo thuyền hoặc vui chơi tâm tình bên bếp lửa ở khu vực đền.

Lễ hội bắt cá để tế lễ, trước kia được tiến hành tại soi Do, thuộc suối Do xã Văn Chính cũ cách đền khoảng 2km, thời gian vào đêm mùng 8 tháng Giêng. Hình thức bắt dùng phên nứa (khoảng 3 cây nứa băm đan lại) úp mặt trắng vào phía trong, quây thành vùng, cá vào thấy phên nứa trắng tưởng bờ ao luẩn quẩn ở trong, mọi người đốt đuốc sáng rực hò reo, dùng tay hoặc dùng dập (một loại vó con) kéo vây bắt. Cá được nhốt lại chọn 2 con to, đẹp, ngon nhất vào sáng ngày mùng 9 tháng Giêng cho vào thúng sơn son có nước, rước lên đền để tế sống. Sau đó cá được làm thực phẩm để sinh hoạt ngay tại đền, hoặc xả chia nhau. Kiệu rước cá là loại kiệu song loan (4 người khiêng), thời gian rước khoảng 7 đến 8 giờ sáng. Lễ chay tế cung mẫu chỉ cúng bằng chè kho. Lễ vật tế cung ngoài (lễ mặn) xôi nếp loại ngon, thịt gà, vịt (không có thịt trâu, bò), thịt lợn được cắt kì cho các gia đình nuôi.

Lễ rước kiệu gồm 3 kiệu: Kiệu hoa, kiệu võng, kiệu bát cống (8 người khiêng), rước mẫu từ đền Thác Bà lên đền Đồng Sủng thuộc xã Văn Chính, cách đền 3 km, sau đó rước lại. Tục rước này hiện nay không còn vì Hồ Thác Bà đã dâng nước, chùa xưa đền cũ không còn. Hát phụ đồng (hầu đồng giáng bút) là màn đặc sắc của các đền thờ mẫu, người lên đồng viết chữ nôm lên mâm gạo, người hầu đồng ghi lại thành bài ca chầu.

+ Phần Hội: Sau phần lễ nghiêm trang là phần hội của đền Mẫu Thác Bà mang sắc thái của dân bản địa cổ của người Châu Thu Vật xưa của người dân tộc Tày, Kinh, Nùng, Dao, Cao Lan vùng Thác Bà, Sông Chảy như ném còn, đánh yến, chọi gà, vật, hội đánh đu, đua thuyền, đẩy gậy… Những hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian đã tạo cho ngày hội của nhân dân vùng hạ lưu sông Chảy thêm sống động và thực sự là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong vùng.

Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Yên Bái mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Yên Bái có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Yên Bái vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.

Đăng bởi: Nguyễn Văn Hữu K22E

YOLO! Khám phá các huyện ở Yên Bái

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก