Lễ Hội Tuyên Quang

Tuyên Quang có lễ hội gì?

Nằm ở trung tâm phía Bắc Việt Nam, Tuyên Quang là nơi có phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình với nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp, còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ mộc mạc như ở Na Hang, suối khoáng Mỹ Lâm, thác Khuổi Nhi, Động Tiên, Thác Bản Ba… Không chỉ vậy, Tuyên Quang còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với hơn 500 di tích lịch sử. Đây còn là nơi khởi phát, hội tụ, giao thoa của nền văn hoá các dân tộc vùng núi phía Bắc với nhiều lễ hội đặc sắc. Tuyên Quang có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Tuyên Quang mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Lễ hội rước Mẫu – Tuyên Quang

Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La ra đời và tồn tại từ lâu đời, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tại ba ngôi đền này. Thánh Mẫu được thờ ở ba ngôi đền chính là tính “thiêng”, là hạt nhân của lễ hội. Tục thờ Mẫu xác lập một nhân sinh quan tín ngưỡng của người Việt hướng về đời sống trần thế, đó là cầu mong sức khỏe, phúc lộc, tiền tài…

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội rước Mẫu – Tuyên Quang

Đền Hạ, phường Tân Quang và đền Thượng, xã Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang) được xây dựng vào thời Hậu Lê (giữa thế kỷ XVIII), đền Ỷ La, phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang), xây dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ba ngôi đền được xây dựng lên để thờ Đức Thánh Mẫu Thượng Thiên (được đồng nhất với Mẫu Liễu Hạnh). Là vị đứng đầu trong bộ Tam tòa Thánh Mẫu, gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải của đạo Mẫu Việt Nam. Linh tượng Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong điện thần của Tam phủ, Tứ phủ được nhận ra bởi vị trí ngồi giữa Tam tòa Thánh Mẫu với y phục màu đỏ- bà còn được gọi là Mẫu Đệ nhất, Mẫu Thượng Thiên hay Tiên Thiên Thánh Mẫu.

Truyền thuyết về vị Mẫu thần được thờ tại đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La được sách “Đại Nam nhất thống chí”, chép rằng:“Đền thần Ỷ La: Tương truyền đời trước có hai công chúa là Ngọc Lân và Phương Dung theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu ngạn sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La. Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả ngạn sông Lô thuộc xã Tình Húc, cầu đảo phần nhiều ứng nghiệm”. (Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu ngạn sông Lô thuộc xã Ỷ La xưa, tức là đền Hạ (xưa còn có tên gọi là đền Hiệp Thuận, đền Tam Kỳ) ngày nay. Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả ngạn sông Lô thuộc xã Tình Húc xưa, tức là đền Thượng, xã Tràng Đà ngày nay). Còn đền Mẫu Ỷ La, thuộc phường Ỷ La, là nơi “lánh nạn” cho Thần (tỵ Thần), nơi có địa thế linh thiêng chở che cho Thánh Mẫu, là nơi bảo toàn cái thiện , thế nên hằng năm Lễ hội đền Hạ không thể tách rời lễ hội đền Thượng và đền Mẫu Ỷ La. Hai vị Thánh Mẫu được nhắc tới trong lời tế và thần tích được phụng thờ ở ba ngôi đền đều có chung ngày lễ trọng rước Mẫu. Trong ngày diễn ra Lễ hội rước Mẫu, đền Thượng và đền Ỷ La được chọn là nơi khởi kiệu, đền Hạ là nơi hợp tế. Hằng năm họ- Công chúa Ngọc Lân và Phương Dung gặp nhau hai lần vào trung tuần tháng Hai và tháng Bảy (âm lịch) rồi cùng cáo lên trời. Khi rước bài vị Thánh Mẫutừ đền Thượng và đền Ỷ La về đền Hạ là biểu hiện sự gặp gỡ đoàn tụ, xum họp gia đình của hai chị em Ngọc Lân và Phương Dung công chúa, được thờ ở ba ngôi đền.

Lễ hội rước Mẫu – Tuyên Quang

Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La là lễ hội truyền thống không chỉ riêng của người dân thành phố Tuyên Quang, mà còn là ngày hội của nhân dân trên địa bàn tỉnh và du khách thập phương. Do cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lễ hội có thời kỳ bị gián đoạn, nhưng trong tâm thức, lễ hội vẫn được người dân bảo tồn và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của thành phố. Trải qua thời gian, Lễ hội rước Mẫu mặc dù có tiếp thu thêm yếu tố mới, nhưng về quy trình chuẩn bị, quang cảnh trang trí lễ hội, lộ trình rước Mẫu, lễ vật dâng cúng, lời văn tế, kiệu cờ, trang phục diễn diễu…vẫn mang đậm sắc thái cổ truyền của địa phương. Năm 2007, nhân dân thành phố khôi phục lại lễ hội rước Mẫuvẫn tuân thủ cách thức từ xưa. Hằng năm lễ hội rước Mẫu từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Hai (âm lịch). Phần lễ, gồm lễ rước Mẫu từ đền Ỷ La, đền Thượng về đền Hạ hợp tế nhập cung: Khai mạc, lễ tế Thánh Mẫu và các vị Thần, gồm: lễ dâng hương, dâng rượu, lễ hiến sinh; lễ hoàn cung (lễ rước Thánh Mẫu hoàn cung tại đền Thượng và đền Ỷ La vào ngày 16 tháng Hai). Phần hội, gồm: màn múa lân mở đầu, tiếp đó là đấu vật dân tộc, đánh cờ người, kéo co, chọi gà, hát chầu văn…

Tháng 1-2017, Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc vinh danh di sản văn hóa này, khẳng định những giá trị của lễ hội rước Mẫu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học và tính cố kết cộng đồng. Đây là lễ hội với các nghi lễ tâm linh, thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng của nhân dân thành phố Tuyên Quang và du khách thập phương với Thánh Mẫu và các vị Thần, cầu cho một năm mới có cuộc sống đủ đầy hơn, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc.

Lễ hội chùa Hang – Tuyên Quang

Lễ hội chùa Hang được tổ chức ngày 6-8/1 âm lịch hàng năm tại xã An Khang, thành phố Tuyên Quang. Lễ hội chùa Hang diễn ra lễ cầu an, lễ rước nước (nước được rước từ sông Lô về chùa) và nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội chùa Hang – Tuyên Quang

Chùa Hang (hay còn gọi chùa Hương Nghiêm) được xây dựng năm Đại chính thứ 8 (năm 1537) thời Mạc Đăng Doanh trong một hang núi đá ở núi Hương Nghiêm. Chùa Hang nằm trong quần thể di tích thành nhà Bầu, bến Bình Ca. Từ đầu thôn Phúc Lộc tới cuối thôn Tân Thành ở xã An Khang có một dãy núi mang hình dáng con rồng uốn lượn mềm mại, núi Hương Nghiêm được xem như đầu rồng. Chùa Hang là nơi có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, dựa vào hang đá với nhiều nhũ đá đủ hình thù rủ xuống. Càng vào sâu, nền chùa càng thấp, ở giữa có một phiến đá giống như con thuyền đang lướt sóng. Chùa Hang ngày nay còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ như: tấm bia cổ khắc trên vách đá, hai pho tượng Bồ tát bằng đồng, giá đọc văn tế, hương án…

Chùa Hang còn nổi tiếng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ khởi nghĩa. Chùa Hang là nơi cất giấu, lắp ráp và sửa chữa hai chiếc máy bay của Quân đội Nhân dân Việt Nam trước khi chuyển lên sân bay Đọi Súng. Chùa Hang cũng là kho chứa vũ khí, đạn dược của Trạm vận tải và Trung đoàn 331. Ngày 3/2/1941 (tức ngày 8/1 tết Tân Tỵ) chi bộ Mỏ Than tiến hành rải truyền đơn tại lễ hội để tuyên truyền đường lối cách mạng và chủ trương giải phóng dân tộc của Đảng.

Người dân tham gia lễ hội chùa Hang để cầu mong những điều tốt lành, may mắn, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội chùa Hang hàng năm thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh tham gia.

Lễ hội Động tiên – Tuyên Quang

Đây là lễ hội truyền thống của cư dân nông nghiệp vùng đất Vị Khê xưa (nay là xã Yên Phú, xã Yên Lâm của huyện Hàm Yên). Lễ hội Động tiên được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm, dưới chân núi “Chân Quỳ – Tiên Sơn chính động”, người dân địa phương gọi là núi Đệ nhị. Trong lòng núi có nhiều hang động: Động Tiên, động Thiên Đình, hang Thạch Sanh, động Đàn Đá… Động Tiên (thuộc thôn Thống Nhất 2, xã Yên Phú) là quần thể hang động thiên tạo, cảnh quan hấp dẫn, vẻ đẹp hoang sơ thơ mộng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là danh lam thắng cảnh quốc gia và là nơi ghi dấu sự trưởng thành của quân đội ta và những đóng góp của nhân dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược…

Động Tiên – Tuyên Quang

Trong dân gian lưu truyền nhiều truyền thuyết về sự tích Động Tiên, trong đó, phải kể đến là truyền thuyết về nàng tiên thứ bảy đem lòng yêu thương chàng trai mồ côi nghèo nơi hạ giới. Chuyện kể rằng: Thủa xa xưa, trời đất mới hình thành, bấy giờ mặt trăng còn ở rất gần trái đất, đêm nào trăng cũng sáng tỏ như đêm rằm, soi sáng khắp muôn dân… Trên cõi tiên giới, các nàng tiên vui chơi, múa hát thâu đêm. Trong số các nàng tiên có nàng tiên thứ bảy xinh đẹp, nết na, hiếu động, Nàng thường xin vua cha Ngọc Hoàng được giáng trần xuống hạ giới du ngoan, vì theo nàng, trần gian là nơi con người làm lụng vất vả, nhưng không tẻ nhạt như nơi tiên giới. Để giấu thân phận mình là tiên, nàng xin vua cha chỉ cho trăng sáng tỏ vào đêm rằm, còn đầu tháng và cuối tháng trăng khuyết (không tỏ). Thuận theo ý con, Ngọc Hoàng đồng ý. Sau nhiều lần du ngoạn nơi hạ giới, nàng tiên thứ bảy đem lòng yêu thương chàng thanh niên mồ côi nghèo khôi ngô tuấn tú, chịu thương chịu khó. Biết chuyện, Ngọc Hoàng ra sức ngăn cản mối tình của đôi trẻ. Ngài truyền lệnh bắt nàng tiên thứ bảy phải ngồi thiền nguyện suốt 100 ngày đêm. Còn chàng mồ côi phải tìm đủ các lễ vật quý hiếm: rồng vàng, báo gấm, cá vàng…đợi ngày ăn hỏi.

Nàng tiên thứ bảy chọn đất Vị Khê (nay là xã Yên Phú, huyện Hàm Yên) làm nơi thiền nguyện. Chàng mồ côi tìm được sản vật quý cũng đem về đất Vị Khê chờ ngày dâng lên Ngọc Hoàng.

Trên cõi tiên, các chị của nàng tiên thứ bảy, vì thích ăn chơi, múa hát, họ chỉ muốn đêm nào trăng cũng sáng như đêm rằm nên tìm cách nói xấu nàng tiên thứ bảy với vua cha rằng: nàng tiên thứ bảy không tuân theo ý chỉ của vua cha, trốn đi chơi với chàng mồ côi. Ngọc Hoàng cả giận liền biến hai người hóa đá.

Mùa xuân năm sau, vào lúc quần tiên mở hội, vắng nàng tiên thứ bảy, Ngọc Hoàng động lòng thương nhớ, xót xa. Ân hận vì cơn giận của mình mà chia lìa đôi trẻ, Ngọc Hoàng bèn truyền lệnh cho hạ giới, hằng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch mở hội cầu duyên để tưởng nhớ nàng tiên thứ bảy, nơi nàng hóa đá thành Động Tiên với cảnh đẹp như chốn “bồng lai tiên cảnh”, và chàng mồ côi thành núi Chân Quỳ, ngồi đợi… Và người đời xưa bảo lễ hội Động Tiên có từ ngày đó. Hằng năm, cứ đến ngày 9 tháng Giêng, du khách khắp nơi lại náo nức về dự lễ hội, về với Động Tiên cảnh đẹp kỳ thú, để mong một năm mới tràn đầy hạnh phúc, gái trai đi hội cầu cho mối tình nên duyên vợ chồng …

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội Động tiên – Tuyên Quang

Tạ ơn Thành Hoàng làng, tạ ơn trời đất và những người đã có công khai khẩn lập đất Vị Khê xưa, ngay từ chiều ngày 8 tháng Giêng, các già làng đã mổ trâu làm lễ tế đình làng Vị Khê – đình Động Tiên, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Sáng mùng 9 tháng Giêng, từ 5 giờ rưỡi, các chàng trai, cô gái trong các trang phục dân tộc: Kinh, Tày, Mông, Dao, Cao Lan…đại diện cho 12 dân tộc anh em sinh sống trên đất Hàm Yên, dâng hương hoa tại Động Tiên, rồi rước các mâm lễ (gồm những sản vật của đồng quê Hàm Yên, là cam sành nức tiếng muôn nơi…) về đình trình báo Thành Hoàng làng và xin phép các thần linh cho mở hội, rồi từ đây rước các mâm lễ ra kệ tại sân chính lễ hội.

Sau lễ tế tại đình Động Tiên (đình Vị Khê) đậm nét văn hóa đặc sắc của người dân Vị Khê – Yên Phú, đến phần hội, với lễ phát lộc và tung còn rất sôi động. Cùng với đó là các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian: thi đấu bóng chuyền, đánh cờ người, bịt mắt bắt dê hoặc bịt mắt bắt vịt, đánh quay, kéo co, leo núi, thi vẽ tranh Động Tiên, thi múa khèn Mông, thi trâu khỏe trâu tốt, đặc biệt, độc đáo nhất là chọi dê. Những con dê đực thường ngày hiền lành là thế, ấy vậy mà vào trận trước đối thủ nhìn chúng thể hiện sức mạnh bản năng của mình khi đứng trên hai chân sau vươn cao thân hình lực lưỡng cùng cặp sừng chắc khỏe bổ xuống đối phương, nếu không sẵn sàng nghênh chiến hoặc né đòn, chắc chắn không chịu nổi những đòn bổ nhào chí mạng này…

Đến lễ hội Động Tiên du khách còn được thưởng thức các món ăn là đặc sản của đất Hàm Yên: thịt trâu khô Yên Phú, rượu Cham Chu “ba núi bảy đèo” của đồng bào Dao Tiền, xã Minh Hương, chưng cất từ men lá rừng Cham Chu, vịt bầu Minh Hương, cơm lam từ gạo nếp thơm Phù Lưu, Minh Hương, món cá chép ruộng nướng than hoa thơm nức rất đặc trưng của xã Nhân Mục hoặc tìm mua dược liệu quý của đồng bào dân tộc xã Bạch Xa, Minh Dân, mật ong rừng vàng óng, ngọt lịm của đồng bào dân tộc xã Yên Thuận, Minh Khương…

Những năm gần đây, lễ hội Động Tiên được tổ chức gắn với Hội chợ quê Hàm Yên, cũng là một cách làm mới để người dân khắp nơi trong huyện có dịp được đem đến lễ hội Động Tiên những sản vật do mình làm ra giao lưu, buôn bán, trao đổi, đồng thời cũng là cách để lễ hội Động Tiên thêm đa dang, phong phú về nội dung hoạt động, nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách và nhớ mãi Lễ hội Động Tiên.

Hội chọi dê ở Hàm Yên – Tuyên Quang

Trong những ngày đầu xuân ở Tuyên Quang, du khách sẽ được tham gia rất nhiều lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, trong đó có hội chọi dê tại Lễ hội Động Tiên – Chợ Quê, xã Yên Phú (Hàm Yên). Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây.

tuyên quang có lễ hội gì?

Hội chọi dê ở Hàm Yên – Tuyên Quang

Dê là con vật gắn bó với cuộc sống với đồng bào vùng cao, được coi là con vật làm đổi thay cuộc sống, mang tới ấm no. Hiện trên địa bàn huyện hiện có rất nhiều hộ nuôi dê tập trung ở các xã: Yên Lâm, Yên Phú, Thành Long, Bình Xa… với tổng đàn gần 20.000 con. Cùng với việc nuôi dê, từ xa xưa người dân ở đây vẫn thường cho dê chọi nhau, một mặt để giải trí, nhưng ẩn chứa sau đó là quan niệm về sự sinh sôi nảy nở và sự trường tồn giống nòi. Tại huyện Hàm Yên, ngoài sới chọi dê ở xã Yên Phú còn có sới chọi dê ở xã Hùng Đức.

Anh Nguyễn Văn Khuê, cán bộ khuyến nông xã Yên Phú cho biết, xuất phát từ ý tưởng muốn làm phong phú các trò chơi dân gian, thu hút đông đảo du khách, năm 2012 anh đã tham mưu với lãnh đạo xã Yên Phú đưa hội chọi dê vào Lễ hội Động Tiên tổ chức hàng năm trong dịp đầu xuân.

Từ đó đến nay, chọi dê luôn được duy trì và được xem là một trong những phần hội thu hút đông đảo du khách nhất. Việc tổ chức lễ hội độc đáo này ngoài việc góp phần bảo tồn vốn văn hóa, thể thao truyền thống, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý đối với các loại vật nuôi trên địa bàn huyện, còn thúc đẩy phong trào chăn nuôi trong các hộ gia đình, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương.

Trước khi thi đấu, dê chọi phải qua vòng thẩm định. Theo Ban tổ chức hội chọi dê, năm nay số lượng dê chọi đăng ký khá đông. Sau khi thẩm định, còn 16 dê chọi được sắp xếp thành 8 cặp đấu với hạng cân từ 50 đến 70 kg. Chọi dê mang nhiều nét độc đáo riêng. Dê chọi thường dùng miếng đánh bổ sừng, khóa sừng, khóa chân đối phương… Trong các miếng đánh thì miếng khóa chân đối phương tỏ ra lợi hại hơn cả. Dê đối phương khi bị khóa chân vào cặp sừng rất khó gỡ hoặc gỡ ra được thì chân bị đau mất khả năng chiến đấu. Miếng đánh bổ sừng thể hiện sự dũng mãnh của loài dê, khiến người xem vô cùng phấn khích. Để thực hiện miếng bổ sừng có uy lực, dê chọi phải có được khoảng cách phù hợp để lao bổ vào đối phương. Dê thua cuộc thường phải chạy hoặc không nghênh chiến.

Ông Phạm Văn Ninh ở thôn Loa, xã Thành Long là một trong những “thợ dê” khá nổi tiếng của huyện Hàm Yên chia sẻ, muốn có được một dê chọi tốt thì ngay từ khâu lựa chọn khá công phu. Chủ dê phải tìm được chú dê khỏe mạnh, thân hình cân đối. Tiêu chí quan trọng nhất là sừng to, ít cong, cổ to, ngắn; mặt dê trông dữ tợn hơn các con khác; đôi mắt luôn đỏ thể hiện sự hiếu chiến.

Hội chọi dê ở Hàm Yên – Tuyên Quang

Dê chọi phải là dê ta, chân nhỏ, tai nhỏ (đây là tiêu chí phân biệt với dê lai). Dê ta có sức đánh dẻo dai, can trường và có những miếng đánh hiểm hơn dê lai. Sau khi lựa chọn được chú dê ưng ý thì cần chăm sóc chế độ đặc biệt hơn như tăng lượng cám ăn cho dê. Muốn có được những miếng đánh thì cần phải cho dê chọi thử với con dê khác trong đàn. Trước khi vào chọi thì phải cho dê tách đàn khoảng 1 tháng. Ngoài ra cần cho dê làm quen với chỗ đông người, bật loa đài để dê làm quen với những tiếng ồn lớn. Ngay từ khi lễ hội chọi dê được tổ chức, năm nào ông Ninh cũng có dê chọi tham gia và thường đạt giải.

Khác với hội thi chọi trâu, kết thúc hội chọi dê, những chú dê dù thắng hay thua, vẫn lẽo đẽo theo chân chủ vượt núi về nhà mà không bị xẻ thịt. Còn những dê chọi đoạt giải cao sẽ được lựa chọn để phối giống, giữ nguồn gen quý. Việc tổ chức giải chọi dê có ý nghĩa rất lớn, không chỉ khuyến khích bà con mở rộng chăn nuôi và duy trì chất lượng đàn dê trong huyện mà còn là một sân chơi bổ ích, tạo tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Lô – Tuyên Quang

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Lô là lễ hội đặc sắc trong dịp đầu xuân năm mới ở Tuyên Quang. Lễ hội đua thuyền là nét đẹp độc đáo của người dân vùng sông nước, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia.

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Lô – Tuyên Quang

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Lô là lễ hội được tổ chức thường niên, thể hiện tinh thần đoàn kết, lòng dũng cảm, tinh thần thượng võ và khát khao chinh phục thiên nhiên của bà con vùng sông nước Tuyên Quang. Trước đây, lễ hội đua thuyền trên sông Lô bị gián đoạn trên 20 năm. Ngày đó, lễ hội đua thuyền được gọi là bơi chải trên sông Lô với hình thức thi đấu 6 người, bơi bằng thuyền gỗ. Năm 2007, lễ hội được thành phố Tuyên Quang khôi phục lại. Đến nay, lễ hội thu hút 13 xã, phường trên địa bàn tỉnh tham gia. Các đội thi đấu phải trải qua 1 vòng đua trên sông Lô từ bến phà Nông Tiến cũ đến soi Tình Húc và quay trở lại. Đường đua có chiều dài 2,5km. Bà con nơi đây quan niệm việc hạ thủy rất quan trọng, lễ hạ thủy thuận buồm xuôi gió báo hiệu một năm bình yên, mưa thuận gió hòa.

Lễ hội đua thuyền trên sông Lô góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi, mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước trong dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội góp phần cổ vũ, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Lễ hội đua thuyền trên sông Lô tạo nên bản sắc văn hóa riêng của vùng đất và con người Tuyên Quang mà bất cứ ai đi xa cũng nhớ về.

Lễ hội Cầu may và Cầu mùa tại xã Tân Trào – Tuyên Quang

Lễ hội Cầu may và Cầu mùa tại xã Tân Trào mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Tày. Lễ hội mang ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn đối với công đức Thành hoàng làng, các vị sơn thần và gửi gắm mong ước về những điều tốt đẹp trong năm mới, cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu.

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội Cầu may và Cầu mùa tại xã Tân Trào – Tuyên Quang

Đình Tân Trào (trong khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào) có kiến trúc nhà sàn của người Tày thờ Thành hoàng làng và 7 vị Sơn thần. Lễ hội Cầu may và Cầu mùa là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.

Lễ hội được tổ chức tại đình Tân Trào gồm hai phần chính: phần lễ và phần hội. Phần lễ thực hiện cúng tế long trọng trong đình thể hiện mong ước của người dân cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.Lễ hội cũng là dịp tỏ lòng thành kính với Thành Hoàng làng có công khai canh lập địa. Sau phần tế lễ là lễ rước Thành hoàng, Sơn thần. Hương án được 8 trai tráng trong làng kính cẩn rước bằng kiệu bát cống. Phần hội sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian như: Cày bừa khai địa, tung còn, kéo co, bắt cá trong vại, thi văn nghệ…

Lễ hội Cầu may và Cầu mùa được tổ chức vào dịp tết đến xuân về thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham gia lễ hội và tham quan Khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào. Lễ hội là hoạt động văn hóa không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây. Lễ hội cũng là dịp giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân.

Lễ hội Lồng tông – Tuyên Quang

Cũng như lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày ở vùng Chiêm Hóa, Na Hang, lễ hội Lồng tông ở huyện Lâm Bình mang đậm nét văn hóa truyền thống, được lưu truyền từ lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của người Tày nơi đây. Lễ hội Lồng tông ở Lâm Bình được tổ chức vào những ngày đầu xuân năm mới – thời điểm giao hòa của trời đất, là dịp con người thể hiện tín ngưỡng tâm linh, vươn tới một cuộc sống bình yên, đủ đầy, hạnh phúc…

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội Lồng tông – Tuyên Quang

Lễ hội Lồng tông xã Lăng Can được tổ chức với quy mô cấp huyện vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, đồng thời gắn với tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc của huyện. Cách làm mới nội dung lễ hội Lồng tông của Lâm Bình không những vừa bảo đảm bảo tồn, phát huy giá trị di sản lễ hội Lồng tông, mà còn góp phần quảng bá, nâng cao ý thức gìn giữ những giá trị truyền thống của di sản trong mỗi người dân – chủ thể sáng tạo ra di sản, và giữ gìn, phát huy di sản văn hóa.

Từ đêm trước ngày diễn ra lễ hội Lồng tông, không khí lễ hội đã ngập tràn các ngõ xóm, bản làng các xã trong huyện, nhất là các thôn, bản của xã Lăng Can, trung tâm của huyện Lâm Bình, cũng là nơi diễn ra lễ hội Lồng tông Lâm Bình. Đêm ấy, bà con các dân tộc Tày, Dao, Mông… đều có mặt ở huyện để dự lễ khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc, mong muốn được xem chương trình nghệ thuật quần chúng tái hiện không gian văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây, với những tiết mục đặc sắc: hát Then tính tẩu, dân tộc Tày; hát Páo dung, lễ cấp sắc (trích đoạn về 10 điều răn dạy người được cấp sắc) của dân tộc Dao; múa khèn, thổi sáo Mông, của dân tộc Mông; nghi lễ nhảy lửa huyền bí của dân tộc Pà Thẻn…được các nghệ nhân, diễn viên quần chúng các xã biểu diễn. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật thu hút đông đảo khán giả với màn trình diễn trang phục dân tộc nguyên bản của các dân tộc: Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn, Thủy…do chính các thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng là người dân tộc đó trình diễn.

Sáng 12 tháng Giêng, ngày chính lễ, từ sớm các mâm tồng do các xã chuẩn bị (trước đây, lễ hội Lồng tông quy mô cấp xã thì các mâm tồng do các thôn bản, dòng họ gia đình chuẩn bị) để làm lễ tế khao và thỉnh thần tại đền Pú Bảo, nơi nhân dân thờ phụng Đức Quận Công Nguyễn Thế Quần (nhân dân trong vùng thường gọi là ông Thiếu Bảo), là nhân vật lịch sử có thật, văn võ song toàn, người có nhiều công tích dẹp tan giặc loạn ở xứ Tuyên Quang, được vua Lê Hiển Tông, thời Cảnh Hưng thứ 11 (1750) ban sắc tặng và phong ông là Siêu Nhạc Bá (một trong 5 tước trong triều đình lúc bấy giờ, sau tước Công và tước Hầu), ngoài ra đền Pú Bảo còn thờ Thành hoàng làng và Thần nông, những vị thần bảo trợ cho cuộc sống của nhân dân. Lễ vật dâng cúng là gà, lợn, xôi ngũ sắc, rượu, các loại bánh, hoa quả…và đặc biệt, trên những mâm tông còn có những túi hạt giống, những quả còn ngũ sắc gắn với truyền thuyết trồng bông, dệt vải ở vùng đất Lăng Can, đã được các chàng trai, cô gái rước từ đền Pú Bảo ra kệ tông nới chính giữa sân lễ hội để các thầy cúng làm lễ cúng tế, khẩn cầu các thần linh phù hộ cho dân làng quanh năm khỏe mạnh, mùa màng bội thu.

Lễ hội Lồng tông – Tuyên Quang

Trước lễ cúng tế tại kệ tồng, diễn ra màn múa hát của các diễn viên Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh, các nghệ nhân và hàng trăm diễn viên là học sinh trường THPT Lâm Bình, tái hiện truyền thuyết kể về những cánh đồng bông “trắng đất Lăng Can”, nghề truyền thống trồng bông, dệt thổ cẩm; các thiếu nữ dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn…trưng diện những bộ váy áo đẹp nhất cùng nhau đi trẩy hội, trong không khí tràn ngập sắc màu thổ cẩm, cùng tiếng khèn Mông âm vang réo rắt, trầm bổng…

Sau lễ cúng tế các thần linh tại kệ tồng (được thầy mo thỉnh lời khấn, rồi cùng các thầy tạo thể hiện tài nghệ điêu luyện với những bước di chuyển theo điệu vũ hình “lộn trán” hòa cùng âm thanh của chiêng, trống, chũm chọe, tạo nên một lễ nghi trang nghiêm, rất độc đáo chứa đựng những yếu tố tín ngưỡng bản địa), đại diện lãnh đạo huyên, các xã và thôn Bản Kè B (nơi diễn ra lễ hội) cùng lên kệ tồng thắp hương cầu mong các thần linh phù hộ cho con người khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Sau lễ, là đến phần hội diễn ra tưng bừng. Đại diễn lãnh đạo huyện, khách quý, già làng, thầy cúng tung những quả còn đầu tiên, mở đầu hội tung còn, tiếp sau là các chàng trai, cô gái thỏa sức đua tài. Khi quả còn tung thủng vòng nhật nguyệt trên cây còn, vật tượng trưng của sự hòa hợp âm dương, yếu tố đầu tiên quyết định sự sinh sôi, nảy nở, no ấm là dấu hiệu báo một năm mới may mắn, thuận lợi. Phần hội còn diễn ra các trận thi đấu bóng chuyền, các môn thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian, như đẩy gậy, kéo co, đánh yến, đánh bam…với sự tham gia của đồng bào các dân tộc trong vùng, tạo không khí vui tươi, đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc.

Cũng trong lễ hội Lồng tông và ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình, du khách còn được thăm quan, mua sắm các sản vật của địa phương tại các gian hàng của các xã trong huyện và thưởng thức ẩm thực với những món ăn độc đáo, rất đặc trưng của đồng bào Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn…nơi đây, như: bún vịt Khuôn Hà, Lăng Can, xôi ngũ sắc đồ bằng chõ gỗ của người Tày xã Thượng Lâm, Bình An, Thổ Bình…, hay món cá khuy, cá bống suối, cá đục sông lam với lá thấm luồm trong ống nứa, ống tre non, vừa thơm vừa ngậy, chỉ ăn một lần là nhớ mãi.

Lễ hội Lồng tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình không chỉ là lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm vào dịp đầu xuân năm mới, mà còn là dịp để thu hút du khách gần xa đến với Lâm Bình, khám phá, trải nghiệm vùng đất chứa đựng kho tàng văn hóa dân gian mang đậm bản sắc các dân tộc, vùng đất có nhiều hang động và phong cảnh “non nước hữu tình” kỳ thú.

Tết cổ truyền của dân tộc Cao Lan – Tuyên Quang

Dân tộc Cao Lan (còn gọi là Sán Chay) có số dân hơn 61.000 người, cư trú chủ yếu ở 37 xã thuộc 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên. Cũng giống như các dân tộc khác, tết cổ truyền của người Cao Lan chứa đựng và mang đậm bản sắc riêng độc đáo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những biến cố của thời gian nhưng người Cao Lan vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp, lễ, hội đặc sắc của mình, đặc biệt là trong ngày tết Nguyên đán. Thời gian chuẩn bị và ăn tết Nguyên đán của người Cao Lan thường được bắt đầu từ 25, 26 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Đối với một số dòng họ hoặc người có chức sắc thì việc chuẩn bị cho tết diễn ra sớm hơn, bắt đầu từ 15 tháng Chạp. Kể từ ngày này, mỗi tối trước khi đi ngủ, chủ gia đình thắp một nén hương thơm lên bàn thờ, mang ý nghĩa thông báo và mời tổ tiên về ăn tết, đón xuân cùng con cháu.

tuyên quang có lễ hội gì?

Tết cổ truyền của dân tộc Cao Lan – Tuyên Quang

Người Cao Lan thường tự làm những loại bánh có nguồn gốc từ chính sản phẩm lao động nông nghiệp của mình như bánh chưng, bánh gai, bánh rán, bánh chè lam ….để ăn tết. Bánh chưng của người Cao Lan cũng có nguyên liệu chính là gạo nếp nương, nhân đậu xanh, thịt lợn tươi gói với lá dong hoặc lá chuối. Điểm độc đáo trong chiếc bánh chưng của người Cao Lan là hình trụ dài, có thể vắt được trên vai (nên có nơi còn gọi là bánh vắt vai), chắc nịch, bánh xanh dẻo quyện với hương thơm của gạo đỗ mới và thịt lợn hồng béo ngậy. Một loại bánh cũng rất phổ biến trong ngày tết cổ truyền của người Cao Lan là bánh gai. Để có chiếc bánh gai đen bóng, ngọt mịn, thơm bùi của nhân lạc, vào khoảng tháng 6, tháng 7, đồng bào đã lấy lá gai tước bỏ xương phơi khô rồi cất đi. Sở dĩ phải chuẩn bị nguyên liệu sớm như vậy là vì họ cho rằng vào thời điểm đó là mới non, thơm và có đầy đủ hương vị của đất trời. Cùng với các sản phẩm của gạo nếp, người Cao Lan còn làm bún. Đây là món ăn phổ biến của các gia đình người Cao Lan trong các dịp lễ tết. Bún được làm từ nguyên liệu chính là gạo tẻ, ngâm chua vừa phải, vớt ra đãi sạch, phơi cho khô lưng rồi cho vào cối giã thủ công cùng với một lượng cơm nguội nhất định. Từ lúc ngâm gạo cho đến khi thành bún đều được làm thủ công, vì vậy bún của người Cao Lan rất trắng, mềm mà dai, thơm ngon chỉ ăn một lần là nhớ mãi.

Ngày 30 tết là ngày quan trọng và đặc biệt nhất trong năm của người Cao Lan. Từ sáng sớm, việc vệ sinh nhà cửa và đồ dùng trong nhà, sắp xếp các công cụ phục vụ sản xuất được mọi thành viên trong gia đình thực hiện rất khẩn trương. Sau khi công việc vệ sinh nhà cửa được hoàn tất, người Cao Lan thực hiện dán giấy đỏ (tiếng Cao Lan gọi là Chí dịt) lên cổng, các cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên, cối xay, cối giã gạo, các cây lưu niên … Giấy đỏ tượng trưng cho một năm mới tốt lành, một mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là sự xua đuổi ma quỷ, cây trồng không bị chim, thú, sâu, bọ phá hoại. Buổi chiều 30 tết, các thành viên trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Qua giao thừa, người Cao Lan thường xuất hành đi lấy nước về cúng gia tiên (thường gọi là tục lệ cúng nước mới). Song song với việc chuẩn bị nước để cúng nước mới người Cao Lan còn chuẩn bị đồ cúng tổ tiên bao gồm bánh rán, cá nướng (cá chép, cá diếc …) việc này được thực hiện sau khi đã cúng nước mới với quan niệm tổ tiên khi ngủ dậy cũng phải thực hiện vệ sinh cá nhân và uống nước trước khi dùng bữa, công việc này được hoàn thành trước khi trời sáng. Sáng ngày mùng 01 Tết, chủ nhà và các con trai lớn đi chúc tết các gia đình trong thôn bản, còn phụ nữ thì ở nhà làm cơm đãi khách đến chúc Tết. Sang ngày mùng 2 tết, người Cao Lan mở lễ hội khai nhạc. Tại buổi lễ, họ chuẩn bị một mâm cỗ đơn giản để kính dâng lên Thành Hoàng. Tham dự lễ hội là đông đảo bà con dân tộc Cao Lan và người dân ở các khu vực lân cận. Tất cả đều diện trên mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, mới nhất, nét mặt rạng rỡ tươi vui. Họ đến lễ hội vừa để vui xuân đón tết, vừa để học những điệu múa cổ truyền của dân tộc.

Trong lễ hội, bên cạnh các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn… thì không thể thiếu làn điệu sình ca. Sình ca là loại thể dân ca trữ tình hấp dẫn nhất, đặc sắc nhất và phong phú nhất của người Cao Lan. Đây là là lối hát không có nhạc, chỉ hát xướng nhưng âm điệu rất mượt mà, tha thiết và đầy mê hoặc. Ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động là nội dung cơ bản nhất, phong phú nhất của những câu hát sình ca. Gửi gắm vào các bài sình ca, đồng bào Cao Lan muốn nói lên rằng: con người phải luôn yêu thương nhau và yêu lao động; chỉ bằng lao động, con người mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc một cách bền vững.

Lễ hội giã cốm – Tuyên Quang

Lễ hội giã cốm (khẩu mẩu, lẩu then) của những người đồng bào dân tộc Tày tại Chiêm Hoá là lễ hội truyền thống sau mỗi một vụ mùa thu hoạch lúa, để thể hiện sự biết ơn của người dân nơi đây đối với đất trời đã cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Lễ hội giã cốm là lễ hội khẳng định trình độ sản xuất nông nghiệp của bà con, không bao giờ khuất phục trước mọi thiên tai dịch họa để cho cây lúa luôn trĩu bông, thóc lúa luôn đầy bồ. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào dịp tháng 9 và tháng 10 âm lịch.

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội giã cốm – Tuyên Quang

Khi lúa nếp cái bắt đầu vào thời điểm chắc hạt, gia đình trưởng họ sẽ xem ngày lành, tháng tốt, nhờ các chị em trong dòng họ nhặt lúa thành cum, đem lạt buộc lúa thành túm nhỏ, đào lò, đan một miếng phên vuông đậy lên trên miệng lò sau đó chất củi đốt rồi hơ cho lúa chín và để nguội rồi đem vào cối giã thành những hạt cốm thơm ngon, để tế dâng lên cho Ngọc Hoàng Thượng đế và cho các vị Thần linh. Đây được coi như là một lễ báo công tạ ơn Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị Thần linh đã ban cho muôn dân cói được một vụ mùa tốt tươi và mọi nhà đều được no ấm.

Không chỉ có như vậy mà lễ hội giã cốm còn là dịp để những đôi trai làng, gái bản đua sức đua tài và tìm bạn kết duyên. Với những nhịp chày khua đều đặn và khỏe khoắn tạo thành những âm điệu rộn ràng vang vọng khắp rừng núi bản làng với hai người cầm trịch, tiếng Tày thì gọi là “khửn khèng”, và bên nam bên nữ thi nhau giã thì gọi là “kéng mưởn”. Âm thanh được chuyển điệu thành ba nhịp, nhịp đầu được gọi là “kéng mưởn”, có nghĩa là giã mướn, nhịp hai được gọi là “tắm húc” có nghĩa là dệt vải, nhịp ba thì gọi là “khắp kha” có nghĩa là kẹp chân. Cứ ba nhịp chuyển điệu đều đặn suốt canh này sang canh khác có khi còn đến tận sáng.

Lễ hội giã cốm tại đêm văn nghệ dân ca và trình diễn thời trang các dân tộc “Âm vang Bản Ba” có thể nói đây là một điểm nhấn, nét tươi mới trong các lễ hội ở huyện Chiêm Hóa. Với các nghi thức truyền thống, lễ hội giã cốm thể hiện sức sống và tinh thần lễ hội đặc sắc mang lại cho những du khách thập phương và cả những người dân bản địa được sống trong một cảm giác linh thiêng. Những nhịp giã chuyển điệu rộn ràng làm xốn sang lòng người và tạo nên nét đặc sắc của riêng một lễ hội có từ rất lâu đời.

Lễ hội Kim Bình Chiêm Hóa – Tuyên Quang

Lễ hội Kim Bình được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm ở Xã Kim Bình cách trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) khoảng 15 km. Đây là một nơi có nhiều di tích lịch sử in đậm truyền thống cách mạng hào hùng và phong tục tập quán của các dân tộc phong phú…

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội Kim Bình Chiêm Hóa – Tuyên Quang

Lễ hội này được tổ chức lần đầu vào năm 2012. Lễ hội Kim Bình không chỉ là dịp tăng cường công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân mà còn tạo được không khí vui tươi, phấn khởi để động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, cảu nhà nước phát huy sức mạnh đoàn kết của các dân tộc.

Lễ hội gồm có hai phần: phần Lễ và phần Hội

Phần lễ là phần dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và nhà làm việc của Bác Hồ được tổ chức trang nghiêm. Bà Triệu Thị Nhung, thôn Khuôn Nhự, xã Kim Bình xúc động chia sẻ, lễ hội là sự mong chờ của người dân Kim Bình từ lâu lắm, người già chúng tôi được bày tỏ lòng thành kính với Bác Hồ, với những liệt sỹ đã khuất. Mong rằng lớp trẻ hôm nay sẽ nối tiếp những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc trong kiến thiết dựng xây quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh. Điều đó mới thật đáng quý và tự hào biết bao.

Phần hội là phần rộn ràng không khí mùa xuân với tiết mục múa Màng (múa cầu mùa) mang đậm nét quê hương của những chàng trai, những cô gái Dao Tiền, thôn Bó Củng. Bên cạnh đó còn có các trò chới dân gian đặc sắc như hội tung còn, đánh yến, đánh bàm, chơi cù…

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên – Tuyên Quang

Lễ hội chọi trâu được tổ chức vào các ngày mùng 10 và ngày 11 tháng Giêng âm lịch, tại huyện Hàm Yên, tình Tuyên Quang. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc vào dịp đầu xuân năm mới lễ hội luôn thu hút hàng vạn người về tham dự.

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội chọi trâu Hàm Yên – Tuyên Quang

Tương truyền lễ hội chọi trâu Hàm Yên là lễ hội đã có từ rất lâu đời song trải qua những biến cố, thăng trầm nên đã có một thời gian dài bị gián đoạn, vài năm trở lại đây lễ hội mới được khôi phục lại. Mặc dù trong quá trình tổ chức vẫn còn có nhiều những bỡ ngỡ song bước đầu hội chọi trâu Hàm Yên đã tạo được ấn tượng với những người dân địa phương và du khác gần xa. Chính vì vậy, vào những ngày lễ hội diễn ra, hàng vạn người đã đổ về sân vận động trung tâm của huyện Hàm Yên để được tận mắt chứng kiến những trận đấu hấp dẫn và quyết liệt.

Hàng năm, lễ hội chọi trâu huyện Hàm Yên luôn không chỉ thu hút được sự tham dự của các chủ trâu đến từ các huyện trong tỉnh mà còn thu hút được các chủ trâu từ các tỉnh bạn như: Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Giang. Các trâu chọi khỏe mạnh, được chăm sóc, huấn luyện bài bản và được chia cặp đấu loại để tìm ra những đại diện xuất sắc đi vào vòng trong và tìm ra cặp trâu tốt nhất thi đấu vòng chung kết. Theo đúng phong tục của những người dân bản địa, giải đấu kết thúc, con trâu nào chiến thắng sẽ được hóa kiếp và mang về tế lễ tại Đền Bắc Mục.

Với mỗi một người dân địa phương, hội chọi trâu Hàm Yên là dịp để tạ ơn đất trời, cầu mong cho cuộc sống bình yên hạnh phúc, làm ăn thịnh vượng và may mắn. Còn đối với huyện Hàm Yên, việc tổ chức lễ hội chọi trâu hàng năm gắn liền với mục tiêu phát triển và nhân rộng đàn trâu của huyện mình, từng bước xây dựng nên thương hiệu Trâu Hàm Yên, góp phần thúc đẩy kinh tế trên của huyện phát triển và xây dựng thương hiệu trâu Hàm Yên.

Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn – Tuyên Quang

Lễ hội Nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn thường được diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng tại thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Nhảy lửa là một lễ nghi thần bí của người dân tộc Pà Thẻn, được coi như lễ hội mừng lúa mới và thường được tổ chức trong thời tiết lạnh giá của mùa đông trên vùng núi cao. Ngoài sự thần bí, nghi lễ này cũng để cầu mong sức khỏe cho dân làng, mùa màng bội thu cho bà con. Một đống lửa lớn sẽ giúp mang lại sự ấp áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho một năm mới được an khang, thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật.

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn – Tuyên Quang

Để bắt đầu lễ hội, thầy mo sẽ làm lễ cầu thần linh. Lễ vật cúng tế gồm có 1 bát hương, 1 chiếc đàn sắt, 1 con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Khi một đống lửa lớn được đốt lên ở giữa bãi để thành than nóng cho những người nhảy lửa biểu diễn cũng là lúc thầy mo bắt đầu làm lễ. Thời gian làm lễ kéo dài từ 1 thậm chí đến cả 3, 4 giờ đồng hồ, khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi đối diện với thầy mo. Đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tỉnh cơn và tiếp tục làm lễ nhập đồng.

Đây là một trong những tâm điểm thu hút khách du lịch mỗi dịp xuân về, giúp du khách khám phá thêm những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang nói riêng cũng như các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nói chung.

Lễ hội đình Minh Cầm – Tuyên Quang

Đình Minh Cầm xưa thuộc trang Minh Cầm, huyện Đông Lân, phủ Đoan Hùng, đạo Sơn Tây (nay là xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), nơi đồng bào dân tộc Cao Lan cư trú từ lâu đời. Trong truyền thuyết, người Cao Lan cho rằng đây là vùng đất tốt, thuận lợi cho việc làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt…

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội đình Minh Cầm – Tuyên Quang

Theo truyền thuyết, được chép trong gia phả của gia đình ông Tiêu Sơn Học, Nghệ nhân Ưu tú, ở xã Đội Bình, thì vùng đất này là nơi hai vị tướng Cao Sơn và Quý Minh thời Hùng Vương thứ 18, sau khi dẹp xong giặc về đã mở yến tiệc khao quân tại đây. Sau khi hai ông qua đời, để tưởng nhớ công lao của hai vị tướng vua Hùng ban sắc phong là Cao Sơn nhất thống Đại Vương và Quý Minh nhất thống Đại Vương, đồng thời cho phép người dân trang Minh Cầm lập đền thờ hai ông, gọi là đền Thượng. Nhưng sau đó, ngôi đền bị bão, chỉ còn lại một tàu lá cọ bay từ đền xuống địa điểm xây dựng đình ngày nay. Dân làng cho là đất thiêng, đất thánh linh ứng nên đã lập ngôi đình tại đây (đình Minh Cầm ngày nay) để thờ hai vị Cao Sơn và Quý Minh. Ngôi đình có 3 gian, gian trong cùng để các đồ vật cúng, trên gác là gian thờ để bài vị hai vị tướng. Gian thứ 2, thứ 3 là nơi tiến hành nghi lễ và để kiệu rước. Vào ngày lễ hội, trước cửa đình được dựng một gian tế bằng lá cây đao đan chéo gọi là rạp tế.

Phía đông nam đình có ngôi miếu Ông thờ Quan Lãnh Chân, người Cao Lan, cai quản trang Minh Cầm, là người có công với làng, với nước. Trước cửa đình có cây đa, là nơi thờ thần Thổ địa. Xung quanh ngôi đình có 3 giếng nước: Giếng Thánh, giếng Đình và giếng Làng. Hằng năm, vào đêm giao thừa, người làng đến lấy nước giếng Thánh về thờ để cầu may mắn, an lành. Ngày mùng 4 tết (lễ mở cửa đình- khai hội), người dân trong làng đem cờ lễ đến cắm ở giếng Đình, khi nào cờ phất thì lấy nước về mổ lợn (hoặc trâu) để làm lễ tế.

Sau này, trang Minh Cầm tách thành hai xã là Đội Bình và Đội Cấn, ngôi đình vẫn giữ nguyên tên gọi cũ- đình Minh Cầm, thuộc thôn Hòa Bình, xã Đội Bình. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Cao Lan ở 4 thôn: Hòa Bình, Đoàn Kết, Dân Chủ, Cây Thị. Hiện nay, hai vị Cao Sơn và Quý Minh được thờ tại đền Thượng (nay chỉ còn vị trí đặt bát hương) và thờ tại đình Minh Cầm. Tại đền, người dân chỉ đến thắp nhang vào ngày rằm. Trong năm, đồng bào Cao Lan vùng này tổ chức 6 lễ chính tại đình Minh Cầm. Nhưng lễ hội đình Minh Cầm- lễ hội lớn nhất, tổ chức từ ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng (trước đây lễ hội được tổ chức trong 6 ngày, từ mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng).

Xuất phát từ quan niệm về một thế giới siêu nhiên luôn phù hộ, chở che cho con người, nên ngày hội đình đầu xuân – lễ hội đình Minh Cầm, các vị thần linh đều được dân làng mời về tụ hội tại đình Minh Cầm. Ngày mùng 4 tháng Giêng, làng làm lễ khai đình, cúng xin phép thần linh cho mở hội, bàn và phân công công việc tổ chức lễ hội đình. Công việc chuẩn bị cho lễ hội được điều hành bởi ông trùm làng (người am hiểu xã hội, văn hóa truyền thống dân tộc Cao Lan, tâm huyết với công việc của làng, được dân làng tín nhiệm bầu chọn). Đến ngày mùng 9 tháng Giêng, khi cờ lễ cắm ở giếng Đình tung bay, ấy là tín hiệu cho phép làng được lấy nước về mổ lợn làm cỗ dâng cúng tại đình Minh Cầm.

Trước đây, lễ vật cúng tế tại đình gồm 3 con trâu đen và 1 con sói. Sau chiến tranh, người dân không có điều kiện tế trâu, nên chỉ mổ lợn cúng tế. Lợn dùng để tế được nuôi riêng, do người dân trong làng nuôi và đóng góp theo phiên, mỗi con khoảng 5-7 chục cân. Lợn tế được đem đến đình từ ngày 9 tháng Giêng. Sáng sớm ngày 10 tháng Giêng, người ta lấy nước giếng Đình để mổ lợn. Trước khi mổ lợn, làm lễ cúng thần gia súc (thắp hương và đặt con dao ngang mặt chậu có đựng nước giếng Đình, rồi đọc lời khấn). Vị trí mổ lợn là phía đông của đình, hướng mặt trời mọc, theo đồng bào, đây là hướng khởi đầu của mọi sự việc tốt lành.Thịt lợn được luộc chín và xếp tất cả các phần của con lợn ra 12 mâm để dâng cúng các vị thần linh… Làm lễ xong, ông trùm hưởng phần khoanh cổ và hông, những người phụ giúp nhận từ 3-5 gam thịt thăn, còn lại được chế biến để dân làng cùng ăn ở đình.

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội đình Minh Cầm – Tuyên Quang

Ngày mùng 9 tháng Giêng, các nghi thức trong lễ hội đình Minh Cầm được bắt đầu bằng lễ rước nước từ giếng Thánh về đình để dâng cúng và tượng trưng tắm cho các vị thần. Sau lễ rước nước là lễ rước Cao Sơn, Quý Minh từ đền Thượng về đình Minh Cầm, đây là nghi lễ quan trọng trong lễ hội đình Minh Cầm. Đi đầu đoàn rước là người đánh trống, đánh chiêng, tiếp theo là đoàn rước cờ thần và kiệu rước hai vị, rồi đến chủ nhang và các già làng. Khi đến đền, chủ nhang thắp hương, khấn xin được mời, rước hại vị Cao Sơn- Quý Minh về đình Minh Cầm dự lễ hội…

Ngày lễ hội đầu xuân đình Minh Cầm, các vị thần được mời, rước về đình là: Cao Sơn nhất thống Đại Vương, Quý Minh nhất thống Đại Vương; Tiền đạo hiển ứng Đại Vương; Tà đương niên tôn công thần; Hữu đương cảnh tôn thần; Sơn linh tôn thần; Hà bá tôn thần. Buổi chiều mùng 9 và sáng mùng 10, là nghi lễ rước các vị thần du làng, trên đường đi sẽ dừng lại ở một số gia đình đã được làng chọn từ trước (là những gia đình hạnh phúc, hòa thuận và được làng cho phép rước lễ về đình để dâng cúng) để đón các vị thần đến nhà.

Kết thúc lễ rước các vị thần du làng, lễ tế tại đình được tổ chức trang trọng để tỏ lòng thành kính của dân làng đối với các vị thần linh, với sự tham gia của Chủ tế, Đông xướng, Tây xướng, Chấp sự lên đèn, Chấp sự dâng hương, dâng rượu, người đọc văn tế, người bồi bái, người đánh trống, đánh chiêng. Nghi lễ thực hiện tuần tự qua 3 tuần dâng hương, rượu, đọc chúc văn. Chúc văn là lời chính tiệc khai xuân, cầu mong các vị thần linh phù hộ cho nhân dân một năm mới mưa thuận giá hòa, con người mạnh khỏe, mùa màng bội thu.

Mở đầu phần hội là tung còn, một nghi thức không thể thiếu trong lễ hội đình Minh Cầm hằng năm. Các quả còn để tung đã được dâng cúng tại đình. Đây không chỉ là một trò chơi mà còn hàm chứa yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Sau tung còn là các trò chơi dân gian: đánh đu, kéo co… Những trò chơi dân gian là dịp để các chàng trai, cô gái đua sức, đua tài, tiếp nối với đêm trước vừa thi tài hát Sình ca. Đây cũng là dịp để nam thanh nữ tú bày tỏ tình cảm, hẹn ước kết duyên đôi lứa.

Lễ hội đình Giếng Tanh – Tuyên Quang

Lễ hội đình Giếng Tanh là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Cao Lan. Lễ hội được tổ chức ngày 9-10 tháng Giêng âm lịch tại xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội là dịp tỏ lòng biết ơn và cầu mong Thành hoàng làng, Thần nông, Thổ địa phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi.

tuyên quang có lễ hội gì?

Lễ hội đình Giếng Tanh – Tuyên Quang

Làng Giếng Tanh hiện nay vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của người Cao Lan. Đình Giếng Tanh được xây dựng đầu thế kỷ XVIII (năm 1706) thờ hai vị tướng thời Hùng Vương là “Đức vua Cả Nghiêm Sơn trung chính lệnh ứng Đại Vương” và “Đức vua Ngọc Sơn quân linh ứng Đại Vương”. Đây là hai vị tướng được vua Hùng cắt cử đến vùng Yên Sơn bảo hộ dân làng Giếng Tanh cuộc sống yên ổn, làm ăn thuận lợi. Ngoài ra, đình Giếng Tanh còn thờ Quốc mẫu Thiên Hoa công chúa, Thần nông, Thổ địa, Long Vương, bà Lương Thị Hai. Lễ hội đình Giếng Tanh được tổ chức để tạ ơn trời đất và các vị thần đã bảo trợ dân làng.

Phần lễ trong lễ hội đình Giếng Tanh diễn ra từ đêm mùng 9 tháng Giêng đến hết trưa ngày mùng 10. Chiều và đêm 10 tháng Giêng được dành cho phần hội.

Bắt đầu từ chiều mùng 9, các cụ trong Hội đồng Chấp sự cùng con cháu trong làng ra đình làm lễ mở cửa đình. Dân làng chuẩn bị mâm cỗ để thắp hương làm lễ thỉnh mời các vị thần và tổ tông về dự lễ. Mâm lễ vật khao quân được đặt dưới gầm bệ thờ gồm: một đầu trâu, chân trâu, thịt trâu, đuôi trâu… Lễ mời được cử hành đơn giản trong khoảng 30 phút, ông trùm và chấp sự đứng trước hương án khấn nhỏ thỉnh tên các vị thần. Sau phần lễ, người Cao Lan quan niệm các vị thần đã có mặt cùng dân làng mở hội. Trong đêm mùng 9, dân làng Giếng Tanh hầu như không ngủ, người thắp hương cầu lộc, cầu bình an… trai gái rủ nhau hát Sình đến sáng.

Chính hội ngày 10 tháng Giêng, các ban thờ được bày biện cỗ cúng. Đúng giờ Thìn, ông xướng tế làm lễ, đưa tay vòng ngang mặt hô dõng dạc “Khởi chiêng, khởi trống”, 3 hồi trống nổi lên đưa tâm trang của mọi người hòa vào không gian thiêng của lễ hội. Ba hồi trống dứt, ông xướng tế dõng dạc hô “Sinh cung cử nhạc”, sau đó điệu “lưu thủy” được tấu lên. Tiếp theo là lễ “Củ soạn lễ vật”, “Thượng đèn”, “Nghệ hương án tiền”, “Thượng hương”. Ông Trùm đọc bài cúng bằng chữ Hán nêu bật công lao của hai vị Thành hoàng đánh tan quân xâm lược, mang lại sự bình yên cho người Cao Lan. Tiếp tục là lễ dâng rượu (gồm 3 tuần dâng rượu), đọc văn tế, hành lễ Nhân lộc, mân quả được thư ký lễ hội tung vào đám đông người dự hội. Theo quan niệm của người Cao Lan, ai bắt được quả còn (lộc) thì năm đó gặp may mắn.

Phần hội trong lễ hội đình Giếng Tanh được diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: Tung còn, chọi gà, đánh đu, đánh gậy… Hát Sình Ca là nét văn hóa đặc trưng của người Cao Lan. Lễ hội đình Giếng Tanh hàng năm thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương tới tham dự.

Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Tuyên Quang mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Tuyên Quang có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Tuyên Quang vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.

Đăng bởi: Quốc Thắng

YOLO! Khám phá các huyện ở Tuyên Quang

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก