Bạc Liêu Hoà Bình Lễ Hội

Hòa Bình có lễ hội gì?

Du lịch Hòa Bình hiện nay ngày càng trở nên thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, và trải nghiệm. Nơi đây luôn cuốn hút du khách bởi những cảnh quan thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, những bản làng với những kiến trúc mộc mạc, đơn sơ mà nghệ thuật, hay hấp dẫn du khách với những món đặc sản mang đậm cả hương cả vị của núi rừng và đặc biệt là một Hòa Bình đa dạng và phong phú các lễ văn hóa truyền thống đặc sắc… Hòa Bình có lễ hội gì? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các lễ hội dân gian độc đáo, hấp dẫn ở Hòa Bình nhé.

Lễ hội Chùa Tiên – Hòa Bình

Vào xuân, khi vạn vật còn đang e ấp trước một năm mới thì đã là mùa trẩy hội của du lịch Chùa Tiên, Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Lễ hội chính được tổ chức vào 3 ngày: 4 – 6 tháng Giêng và kéo dài cho đến hết tháng Tư âm lịch.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội Chùa Tiên – Hòa Bình

Lễ hội Chùa Tiên vốn có từ thời xa xưa và nay đã trở thành nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm lễ hội lại được tổ chức quy mô hơn, đông vui hơn, du khách bốn phương tìm về nhiều hơn. Gọi là lễ hội Chùa Tiên, nhưng đây là lễ hội chung cho cả khu di tích mà địa điểm chính được đặt ở Chùa Tiên.

Đến với lễ hội Chùa Tiên, du khách sẽ được thưởng thức một di sản văn hoá vừa vật thể, vừa phi vật thể. Những chiếc kiệu như từ truyền thuyết đi ra, như từ dã sử xuất hiện, vừa lạ vừa quen, vừa cổ xưa, vừa mới mẻ, vừa bình dị vừa thiêng liêng. Những chiếc kiệu Thành hoàng làng là trung tâm của đám rước, được khiêng trên đôi vai của các nam thanh nữ tú dân tộc Mường. Chiếc kiệu được rước trên những đôi vai của niềm tin, của lòng thành kính và của những ước mong. Kiệu Thành hoàng có thể đi, có thể chạy, có thể bay khi có niềm tin và niền tin vào sự linh thiêng được tăng lên.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội Chùa Tiên – Hòa Bình

Đám rước Thành hoàng làng có từ ngàn năm trước còn tồn tại đến hôm nay, chứng tỏ một sức sống trường tồn và chứng tỏ nó hợp với nguyện vọng giữ gìn và phát triển văn hoá của dân tộc.

Cùng với đám rước, là những nghi thức tế lễ: có dâng rượu dâng hương, có đọc sắc phong của triều vua xưa phong cho các vị Thành hoàng trong khu di tích, có dâng chúc văn cầu mong thần linh ban tặng mưa thuận gió hoà, nhà nhà an khang, xóm làng thịnh vượng… Đó là những nghi thức đã trở thành truyền thống để tôn vinh các vị thần Thành hoàng làng – những người đã vì nước vì dân được tôn thờ.

Phần hội rất sinh động và phong phú, có hội thi ném còn để người gần với người hơn; có trò chơi đánh đu vút cao lên tận trời xanh; có các cuộc thi thể thao như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông… thu hút rất nhiều người tham gia hưởng ứng.

Lễ hội đền Bờ – Hòa Bình

Đền Chúa Thác Bờ là một điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn tại Hòa Bình, Đặc biệt vào những đầu xuân, đền thu hút hàng vạn du khách thập phương đến tham quan, lễ Phật, cầu tài lộc, bình an cho một năm mới và hòa vào không khí lễ hội Đền Chúa Thác Bờ náo nhiệt.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội đền Bờ – Hòa Bình

Hàng năm, bắt đầu từ mùng 2 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 4 âm lịch, lễ hội Đền Chúa Thác Bờ diễn ra, dòng người khắp bốn phương lại hội tụ, hòa vào không khí nhộn nhịp, náo nhiệt va vui tươi.

Bên cạnh đó, du khách có dịp đến với đền Chúa Thác Bờ còn có dịp cảm nhận nét đẹp của thiên nhiên nơi đây, bình yên, trong lành, với cảm giác thư thái tuyệt vời, ngắm nhìn một bức tranh sơn thủy hữu tình, nên thơ hòa quyện trong cái đẹp của văn hóa mộc mạc của chính người dân địa phương tạo nên.

Sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, văn hóa đã tạo một nét đẹp bình dị, lưu giữ ngàn năm, cho một cuộc sống không lo toan, không muộn phiền, cho tâm hồn thanh thản, tĩnh lặng trong từng phút giây.Người ta đã từng ví Đền Thác Bờ như Vịnh Hạ Long trên cạn, một nét đẹp hùng vĩ, nên thơ, ấn tượng.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội đền Bờ – Hòa Bình

Và không khí lễ hội Đền Chúa Thác Bờ trong khung cảnh quyến rũ, hữu tình đó đã càng tăng thêm nét đẹp, ý nghĩa cho lễ hội. Bao giờ cũng vậy, du khách đi lễ đền Bờ sẽ cầu ở đền Trình trước rồi lên đền Chúa, mỗi ngôi đền nằm trên một hòn đảo cách nhau khoảng 15 đến 20 phút đi thuyền. Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đền Trình phía hữu ngạn nay thuộc địa phận xã Thung Nai, huyện Cao Phong, còn đền Chúa phía tả ngạn nằm trên đỉnh Hang Thần, thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Không hoành tráng, đồ sộ như nhiều công trình khác nhưng với vị thế phong thủy hài hòa, sau lưng là núi, trước mặt là sông, cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc, và bên cạnh đó là sự ling thiêng của vùng đất đã mang đến sức hút diệu kỳ cho Đền Chúa Thác Bờ, thu hút lượng du khách đông đảo.

Lễ hội đền Chúa Thác Bờ đông đúc ngày đầu năm, không khí lễ hội đông đúc, cho một năm mới ý nghĩa và nhiều tài lộc, là điểm đến du lịch lễ hội hấp dẫn, du lịch tâm linh, khám phá văn hóa bản làng của dân tộc Mường, Dao độc đáo và ấn tượng. Chuyến du xuân đầu năm này, hòa vào không khí lễ hội Đền Chúa Thác Bờ, đón chào một năm mới an khang, thịnh vượng, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe và thưởng ngoạn một phong cảnh sơn thủy hữu tình, đẹp nao lòng người.

Lễ hội sắc bùa của người Mường – Hòa Bình

Lễ hội sắc bùa thực chất là một loại hình xướng dân gian của dân tộc Mường, đi kèm với một số nghi lễ cầu mong năm mới phát tài, đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu, mọi người đều khoẻ mạnh, may mắn.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội sắc bùa của người Mường – Hòa Bình

Với người Mường, đặc biệt là người Mường ở Hòa Bình thì lễ hội hát sắc bùa (tức là xách cồng) là một lễ hội lớn, là di sản văn hóa quan trọng được tổ chức hàng năm vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mường.

“Phường bùa”, tên gọi của tổ chức những người hát sắc bùa, thường có từ 12 người trở lên, đều là những người biết đánh cồng chiêng và biết hát những bài thường (điệu hát dân gian dân tộc Mường). Lễ hội được tổ chức từ mùng Một Tết và thường kéo dài từ 7 đến 15 ngày.

Tiếng cồng chiêng hòa quyện với tiếng hát mừng làm không khí những ngày đầu năm càng thêm sôi động. Dọc theo các con đường trong thôn bản, tiếng chiêng cổ truyền vang động khắp mọi ngõ ngách. Phường bùa đi đến đâu là hàng trăm người dân bản đi theo xem hát, không khí rất đông vui, nhộn nhịp.

Những điểm đặc sắc và cuốn hút của loại hình diễn xướng dân gian này là ở chỗ tất cả mọi hành động, cử chỉ, thái độ đều được biểu hiện qua lời hát. Tất cả mọi trình tự, hành động hay tình huống diễn ra trong suốt cả buổi hát sắc bùa đều có câu hát tương ứng, tự phát. Tất cả đều qua lời hát, từ hát mở cổng đến hát chúc mừng, hát xin lên nhà, hát đồng ý, hát cảm ơn… Độc đáo nhất ở đây là khả năng ứng đối của chủ và khách, là màn hát đối đáp của phường bùa và chủ nhà. Tất cả đều đến từ sự ngẫu hứng trên nền tảng của dân ca Mường truyền thống và thực tế bối cảnh tại nơi xảy ra cuộc đọ tài.

Lễ hội Cồng Chiêng của dân tộc Mường – Hòa Bình

Cứ mỗi độ xuân về, vào ngày mồng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, người Mường lại nô nức kéo nhau về thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc để cùng nhau tổ chức và tham dự lễ hội cồng chiêng độc đáo.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội Cồng Chiêng của dân tộc Mường – Hòa Bình

Đến với lễ hội, du khách sẽ được xem những màn trình diễn đặc sắc của dàn cồng, chiêng, được hòa mình trong những âm thanh lúc rộn ràng, sôi động, lúc trầm lúc bổng, lúc sâu lắng, nhịp nhàng của tiếng cồng, tiếng chiêng, được tham dự các trò chơi dân gian của người Mường như kéo co, ném còn, đẩy gậy và thưởng thức những món ăn ẩm thực của xứ Mường nơi đây.

Lễ hội cồng – chiêng ra đời, tồn tại và phát triển trên nền tảng của nền nông nghiệp lúa nước. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào mùa xuân với ý nghĩa cầu phúc cho bản mường, cầu cho mưa gió thuận hoà, mùa màng tốt tươi, cầu cho sự sinh sôi nảy nở, thịnh vượng phồn vinh. Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức vào tháng giêng, với tên gọi “Lễ hội cồng – chiêng khai hạ” nhằm khôi phục, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc Mường.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội Cồng Chiêng của dân tộc Mường – Hòa Bình

Lễ hội cồng – chiêng khai hạ gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức vào sáng sớm gồm các nghi thức: ước, tế, lễ Thành hoàng – người có công khai phá cánh đồng Mường Bi. Lễ tế Thành hoàng được trình khấn ngay khán đài trước cửa Hang Bụt, tiến hành theo đúng nghi thức dân gian với các lễ vật dâng lên Thành hoàng làng, rất trang trọng nhưng không sa vào mê tín dị đoan. Nội dung chủ yếu của lời khấn là cầu Thành hoàng ban cho toàn thể dân chúng khoẻ mạnh, yên lành, cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà. Phần lễ diễn ra trang trọng, linh thiêng, tạo cho người dân một niềm tin vào sức mạnh đoàn kết cộng đồng, vào một ngày mai phát triển bền vững.

Có thể nói, lễ hội cồng chiêng luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân và du khách gần xa. Lễ hội chính là dịp tôn vinh giá trị nghệ thuật cồng chiêng, di sản văn hóa đặc sắc của nhân loại, đồng thời cũng là dịp để các nghệ nhân cồng chiêng tỉnh Hòa Bình có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nhằm phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của tỉnh, và xa hơn đó là dịp để quảng bá hình ảnh con người, tiềm năng du lịch văn hóa miền sơn cước ra với bè bạn quốc tế.

Lễ hội Làng Vai – Hòa Bình

Đã thành thông lệ, hàng năm, khi năm cũ chuẩn bị qua đi, một năm mới sắp đến cũng là lúc nhân dân làng Vai xã Thanh Nông (Lạc Thuỷ) nao nức, xôn xao hòa mình vào không khí ấm áp của ngày hội làng truyền thống.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội Làng Vai – Hòa Bình

Ngày hội truyền thống của làng bắt đầu từ ngày 11 đến hết ngày 13/11 hàng năm tại đình và đền làng Vai. Hội làng Vai là dịp để nhân dân làng Vai tỏ lòng thành kính và nhớ ơn Tam vị Tản Viên Sơn và Cảnh Tiên Công chúa, cảm ơn các vị thần linh đã phù hộ cho họ một năm yên bình, ấm no, hạnh phúc. Ngày này, những người con của làng dù đi đâu xa cũng về ngày hội truyền thống của làng còn là dịp để mọi người đoàn tụ, thắt chặt tình người, tình quê hương, làng xóm.

Hội được chia làm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành uy nghi, trang trọng, những nghi thức trong phần lễ vẫn được người dân truyền giữ, vun đắp từ đời này sang đời khác, phần hội đã bị mai một đi nhiều. Làng Vai gồm có 2 giáp, được chia làm giáp trong và giáp ngoài, đứng đầu mỗi giáp có giáp trưởng, trong ngày 11, dân làng tổ chức đưa kiệu đến nhà trưởng hàng giáp để rước sắc về đình thờ. Đi đầu là kiệu đặt bài vị của thần thành hoàng làng, đi sau là kiệu hoa quả, xôi, gạo, bánh chưng…. Đi sau cỗ kiệu có tàn lọng, đao, mũ, bia rất long trọng. Đi trước kiệu có đội múa sinh tiền, rồng bay, phượng múa có gươm trùng, bát bửu, bát tiên hai hàng uy nghi.

Sau khi rước sắc về đình thờ, dân làng lại tổ chức rước cỗ (gọi là cỗ đốn) của các gia đình có cụ cao tuổi hoặc những người có chức sắc trong xóm đến đình thờ và tổ chức thi cỗ, cỗ nhà ai to nhất, ngon nhất, đẹp nhất được đặt ở bàn thứ nhất và cứ như vậy, cỗ nhà ai kém hơn thì đặt ở bàn nhì, bàn ba.

Ngay trong buổi chiều ngày 11, khi các nghi thức của buổi lễ đang tiến hành thì các hoạt động vui hội cũng được bắt đầu ở sân nhà văn hóa của làng nằm phía sau đình. Các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt dê, đánh cờ người, tổ chức giao lưu bóng chuyền giữa các đội bóng trong xã… Buổi tối dân làng tổ chức biểu diễn và giao lưu văn nghệ giữa các đội văn nghệ ở các vùng lân cận với các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tình yêu quê hương đất nước đổi mới.

Ngày 12 là ngày chính hội. Buổi sáng tổ chức rước cỗ lễ hàng giáp về đình thờ. Ngày này, cả dân làng tập trung đông tại đình làng để tham dự lễ hội. Trong buổi lễ, ông lang (ông Từ) làm chủ tế. Sau buổi lễ lý trưởng (trưởng thôn) đọc hương ước của làng để nhân dân nghe và thực hiện trong năm mới. Buổi chiều tiếp tục mở hội , thanh niên nam nữ trong làng tổ chức các trò chơi như buổi chiều ngày 11 và kết thúc vào ngày 13.

Sự ấm áp trong những ngày hội làng với lưu giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc cổ truyền là những bài học lịch sử thực tế, hiệu quả nhất cho thế hệ trẻ, cũng là dịp để nhân thêm niềm tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục con cháu nhớ về quê hương, nguồn cội. Hội làng Vai đã trở thành một nét đẹp văn hóa giàu ý nghĩa, như một mạch ngầm chảy mãi, bừng lên sức sống, bản sắc của quê hương làng Vai.

Lễ hội khai hạ ở Mường Bi – Hòa Bình

Hàng năm cứ vào dịp đầu xuân, người dân xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình lại tổ chức lễ Khai hạ Mường Bi để tỏ lòng tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, những điều tốt đẹp đến với bà con, xóm làng… Lễ Khai hạ Mường Bi còn được gọi là lễ hội cầu mùa hay mở cửa rừng bởi thường chỉ sau khi diễn ra lễ hội, bà con mới được vào rừng hái măng, hái củi hay xuống đồng chuẩn bị cho mùa vụ mới.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội khai hạ ở Mường Bi – Hòa Bình

Trong chương trình Lễ hội khai hạ Mường Bi diễn ra nhiều hoạt động như: Khai mạc phiên chợ đêm tại chợ Lồ; tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc; thi trưng bày giới thiệu gian hàng ẩm thực, đồ thủ công truyền thống và các sản vật của địa phương; tổ chức thi trình diễn trang phục dân tộc Mường; thi hát đối; trình diễn hòa tấu các làn điệu Chiêng Mường của 300 tay chiêng đến từ các xã, thị trấn; tiến hành nghi thức xuống đồng.

Lễ hội khai hạ Mường Bi huyện Tân Lạc được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú hấp dẫn đã thu hút đông đảo người dân và du khách về tham dự. Thông qua các hoạt động trong lễ hội góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Mường, đồng thời giới thiệu quảng bá các sản vật và điểm du lịch tiêu biểu của huyện Tân Lạc. Lễ hội khai hạ Mường Bi huyện Tân Lạc tạo không khí vui tươi phấn khới cho nhân dân vui xuân đón tết.

Lễ hội đánh cá suối Tháng ba – Hòa Bình

Lỗ Sơn là xã vùng sâu của huyện Tân Lạc, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi có suối Cái dài hơn 6 Km chảy qua; là nơi hội tụ nhiều nhánh suối của vùng Mường Bi nên suối sâu và rộng, dòng nước sạch, mát lành thuận lợi cho các loài cá sinh sôi phát triển. Từ bao đời nay, hàng năm vào tháng 3 âm lịch, người Mường nơi đây tổ chức Lễ hội đánh bắt cá suối truyền thống với sự tham gia hào hứng của mọi người.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội đánh cá suối tháng ba – Hòa Bình

Lễ hội đánh bắt cá tháng 3 được tổ chức gồm 2 phần: Phần lễ diễn ra trang trọng tại miếu thờ xóm Tân Vượng. Thầy Mo làm lễ cúng các thần linh phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân mạnh khỏe, nhà nhà may mắn. Sau đó 4 thanh niên khỏe mạnh khiêng bè ra suối, người đại diện cho xóm, xã thực hiện quăng mẻ chài đầu tiên.

Phần hội được diễn ra tại 2 khoang suối lớn là khoang Tró và khoang Lở của suối cái xã Lỗ Sơn với nhiều nội dung phong phú như: thi đua bè mảng, thi quăng chài trong khuôn, thi quăng cài tự do, thi đánh bắt cá và trưng bày ẩm thực với nhiều sản phẩm nông sản của địa phương.

Lễ hội đánh cá suối tháng ba xã Lỗ Sơn được tổ chức hàng năm là dịp để người dân bày tỏ sự tôn kính các vị thần linh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống. Đồng thời là dịp để người dân vui chơi, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng. Để lại trong lòng người dân và hàng nghìn du khách đến tham dự ấn tượng đẹp khó quên.

Tết cơm Đe Mường Rậm – Hòa Bình

Hàng năm, cứ vào ngày 26 tháng 10 âm lịch, người dân Mường Rậm, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) lại gác công việc đồng áng, ruộng nương thường ngày để tất bật chuẩn bị đón Tết cơm Đe.

hòa bình có lễ hội gì?

Tết cơm Đe Mường Rậm – Hòa Bình

Nét độc đáo trong Tết cơm Đe của người Mường Rậm là ăn chay và chỉ có phần lễ. Trong mâm cúng, bao giờ cũng phải có quả đu đủ, mướp, măng giang lấy từ rừng về đồ lên hoặc luộc chín, vừng rang giã nhỏ không cho muối hay bất kỳ gia vị nào.

Món đặc biệt không thể thiếu trong mâm cúng là cơm Đe. Cơm được làm từ gạo nếp nhưng phải là gạo ngon, đồ lên rồi trộn ủ với men lá cây rừng. Để có cơm Đe vừa ngon, ngọt, đậm đà, người Mường Rậm phải chuẩn bị trước đó vài ngày, thường là từ 20/10 âm lịch.

Theo quan niệm của người Mường Rậm, phải cúng trước khi mặt trời mọc, vì thời gian này là linh thiêng và mát mẻ hơn cả. Mâm cúng được đặt ở hướng chính giữa ngôi nhà sàn (đặt mấy mâm là tùy từng gia đình). Măng giang, đu đủ, mướp được đồ chín bày lên tàu lá chuối xanh. Sau khi sắp lễ xong, một thầy mo có uy tín nhất trong làng được mời đến cúng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật tốt tươi, con người khỏe mạnh.

Trong khi cúng, tất cả con cháu phải ngồi ở phía trong ngôi nhà sàn để nghe và xem thầy làm lễ. Bài cúng kết thúc cũng là lúc cả gia đình tổ chức ăn Tết trong sáng sớm, từ người già đến trẻ em đều thưởng thức cơm Đe để được may mắn, mạnh khỏe.

Ngày nay khi cuộc sống khá dần lên, người Mường Rậm ở xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã no ấm và càng coi trọng Tết cơm Đe. Ai đã từng đặt chân đến vùng đất này, thưởng thức món cơm Đe chắc hẳn không quên được hương vị độc đáo của nó và càng không quên tấm lòng hiếu khách của bà con nơi đây. Đó là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Mường Rậm, cần được quan tâm bảo tồn và phát huy./.

Lễ hội cầu an bản Mường – Hòa Bình

Lễ hội cầu an bản mường là lễ hội truyền thống của bà con dân tộc Thái ở Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu và đồng bào dân tộc Mường. Đây là lễ hội cổ truyền trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội cầu an bản Mường – Hòa Bình

Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch hàng năm (dịp tết Nguyên Đán), gắn với tục giết trâu hiến sinh cầu và tạ thần linh, được biểu hiện qua tiếng sấm, tức lời phán quyết của vua trời, qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng…

Lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản mường, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng năm ấy, nên được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đông bào ở địa vực lớn (bản, mường).

Lễ hội cầu an bản mường không chỉ bộc lộ khát vọng an lành cho cuộc sống, mối quan hệ khăng khít giữa thần và người mà còn biểu hiện khát vọng sinh sôi qua sự mong muốn là cầu khẩn mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi. Ngoài ra, còn mang tính chất tạ ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu, đem sự no ấm đến cho mọi người.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội cầu an bản Mường – Hòa Bình

Lễ hội thường kéo dài trong 3 ngày (có nơi hai ngày một đêm, có nơi một ngày một đêm) với nhiều nghi thức tâm linh và hoạt động đời sống hàng ngày.

Nghi lễ cúng thần linh cơ bản là hiến sinh trâu (nơi là một cặp trâu đực to, trắng – đen, nơi thì một con, nhiều nơi cúng cả gà, lợn). Nhưng đa số người Thái hiến tế cặp trâu đen – trắng cỡ từ mười tuổi trở lên, trong đó, con trâu trắng chính là vật thiêng để lễ tế thần. Dân chúng trong mường, ngoài bản, bất kể già trẻ gái trai đều có nghĩa vụ tham gia, đóng góp tùy sức mình và được quyền tham dự lễ hội của mường.

Sau nghi lễ tế thần sẽ là cuộc ăn uống cộng cảm vui vẻ nhưng phải đúng nghi lễ của tất cả người dân trong làng. Cuối cùng là những trò bách hý trong hội lễ: hoạt động hội hè, trò chơi, văn nghệ, thể thao… rất vui vẻ với tiếng chiêng, trống vô cùng náo nhiệt.

Như vậy, lễ hội cầu an bản Mường là một nét đẹp văn hóa của người dân tộc Thái vừa thể hiện niềm tin vào tâm linh vừa thể hiện sức mạnh của con người; cầu phúc cho một cuộc đời hạnh phúc, an bình, vừa bộc lộ khả năng vui chơi, thi tài…

Lễ hội đu Mường Vôi – Hòa Bình

Như thường lệ, cứ 2 năm một lần, vào ngày 21/02, tức ngay mùng 7 khai hạ tính theo lịch Mường và là ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, bà con nhân dân khắp các nơi xa gần lại tụ tập về tham dự lễ hội đu Mường Vôi thuộc xã Liên Vũ (Lạc Sơn).

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội đu Mường Vôi – Hòa Bình

Hội đu Mường Vôi đã có trên 100 năm, mang đậm nét bản sắc văn hoá của người Mường Vôi nói riêng và của bà con dân tộc Mường ở huyện Lạc Sơn nói chung. Do chiến tranh, hội đu Mường Vôi đã có một thời gian bị gián đoạn không được tổ chức, nhưng đến nay, hội đu Mường Vôi lại được khôi phục và tổ chức định kỳ với nhiều hoạt động đa dạng phong phú, trong đó nổi bật là đánh đu, ném còn và các trò chơi dân gian quen thuộc khác.

Lễ hội đu Mường Vôi năm nay được tổ chức ngắn gọn trong một ngày. Phần lễ gồm có dâng hương cúng thành hoàng làng, đọc lời khai mạc và đánh trống khai hội. Phần hội có tổ chức đánh đu, ném còn, bắn nỏ, kéo co, đánh bóng chuyền, đánh mảng và đẩy gậy. Đặc biệt, trong lễ hội đu Vôi còn có những nghệ nhân hát đúm, rằng thường để cổ vũ khích lệ ngày hội và chúc mọi người, mọi nhà có một mùa xuân mới an lành, no đủ. Ngoài ra, lễ hội đu Vôi năm nay còn có sự tham gia của một số nghệ nhân trong và ngoài huyện, biểu diễn các tiết mục đặc sắc như đánh cồng chiêng, độc tấu nhạc cụ dân tộc truyền thống như sáo, nhị, đàn bầu vv…

Nghi lễ hạ cột đu vào ngày mùng 7 khai hạ có ý nghĩa hết sức đặc biệt, quan niệm năm nào cột đu đổ vào làng là năm đó cả làng no đủ, mọi sự tốt lành. Lễ hội đu Vôi được duy trì không những có ý nghĩa to lớn về giá trị văn hoá mà đây còn là dịp để con em quê hương và mọi người dân trong Mường tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, những người đã có công đi khai dân mở đất.

Lễ hội xuống đồng (khuống mùa) của người Mường – Hòa Bình

Hòa Bình vốn được biết đến là sự ra đời và hình thành của đời sống vật chất và tinh thần hết sức đặc sắc và phong phú, với “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”, với các lễ hội như: Khai hạ, Khuống mùa, lễ hội cầu mùa, lễ hội cầu mát…

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội xuống đồng (khuống mùa) của người Mường – Hòa Bình

Lễ hội Khuống Mùa (xuống đồng) được tổ chức vào ngày mồng Tám tháng Giêng hàng năm với mong ước cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt trong năm mới. Lễ hội thường được tổ chức ở các vùng như: Mường Động (Kim Bôi), Mường Bi (ở khu vực xóm Lũy- huyện Tân Lạc) mường Chiềng, Mường Vang (ở khu vực xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn). Phần lễ diễn ra trong không khí trang trọng và linh thiêng.

Mở đầu là cảnh ông Mo “khua chiêng” để đánh thức chiêng và diễn xướng (hát ngâm). Một cô gái Mường trong vai thần vía lúa gạo, một người bưng lễ mâm cúng – lay lục Đâm đuống (giã gạo). Hai nhóm trai, gái cùng cầm những chiếc chày dài, cao xấp xỉ thân người cùng vung lên rồi giã xuống cối gạo tạo ra âm thanh rộn rã trong Mường, ngoài xóm. Kết thúc màn biểu diễn là tiếng reo vui của tất cả những người tham dự.

Nhưng độc đáo nhất phải là màn trình diễn của nhóm hòa tấu cồng chiêng “sắc bùa”, nhóm hòa tấu các bản nhạc “cò ke ống sáo” (nhị, sáo, đàn tam, kiêu cảnh, sênh tiền). Các cô gái Mường duyên dáng, uyển chuyển trong điệu sênh tiền với những động tác gần gũi với đời sống sinh hoạt như khi bưng mâm lễ trong ngày hội; khi gánh những bông lúa trĩu hạt trong một mùa bội thu; khi e ấp soi mình bên dòng suối…. Đây là điệu mùa được tác giả dân gian sáng tạo trên nền tiết tấu của nhạc cụ sênh tiền nên âm hưởng rất vui tai và tạo ra sự hào hứng cho những người đến với lễ hội…

Cũng giống như lễ hội xuống đồng ở các dân tộc khác, Lễ hội Khuống Mùa thể hiện lòng biết ơn của những cư dân lúa nước với trời đất và ước nguyện về sự no ấm, phồn thực. Đồng thời là minh chứng cho sự phát triển về văn hóa tinh thần của cư dân lúa nước trên mảnh đất này.

Lễ hội Xên Bản, Xên Mường của dân tộc Thái – Hòa Bình

Mai Châu được du khách biết đến như một điểm du lịch có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều bản du lịch cộng đồng mến khách, không những thế, Mai Châu còn là nơi lưu giữ được nhiều truyền thống văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Một trong những nét truyền thống đó là lễ hội “Xên bản, Xên mường”.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ hội Xên Bản, Xên Mường của dân tộc Thái – Hòa Bình

Lễ “Xên bản, xên mường” là lễ thức đồng bào Thái ở Mai Châu tổ chức cúng lễ để tạ ơn những người lập nên bản nên mường từ buổi đầu thiên di về đây lập nghiệp, tạ ơn thành hoàng, tổ tiên đã phù hộ cho bản mường được bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong suốt một năm qua.

Đây là lễ cúng có quy mô lớn, được tổ chức vào đầu xuândo người cai quản cả một vùng gồm nhiều thôn bản (gọi là Tạo Phìa) đứng ra tổ chức. Vào buổi sáng hôm mở hội, một đoàn rước: đi đầu là Tạo Phìa và các chức sắc trong bản, tiếp theo sau là thanh niên khiêng giàn chiêng trống, kèn, sáo, rồi đến các già làng trưởng bản và sau cùng là đoàn quân bảo vệ mường bản cùng nhau mang lễ vật ra miếu để làm lễ. Lễ vật chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm mâm cỗ và hai con trâu làm vật hiến sinh. Hai con trâu được trang trí rất sinh động, bộ sừng trâu bọc giấy màu, giữa trán và hai bên mông dán hình hoa cắt bằng giấy trắng. Khi đoàn rước dừng lại trước “án thư đình”, một thầy cúng có uy tín tiến lên trước án, rung một hồi chuông, sau đó hai con trâu sẽ được dắt ra làm thịt.

Các nghi thức cúng lễ chủ yếu được tổ chức gói gọn trong một buổi, sau đó là phần hội, thường là phần thu hút được đông đảo người dân tham gia nhất. Ngoài các trò chơi dân gian thường thấy trong các lễ hội khác như: thi chọi gà, thi chim hoạ mi, thi hát đối đáp, thổi kèn bè … thì Lễ hội Xên bản xên mường có tổ chức các cuộc thi rất độc đáo, đó là thi bắn súng hoả mai và cung nỏ. Hình thức bắn súng là người ta tung quả bưởi lên mái nhà, quả bưởi lăn xuống theo độ dốc của mái nhà, các tay súng thiện xạ lần lượt ngắm đón bắn. Người thắng cuộc là người bắn cả ba lần đều trúng, sẽ được trao giải “người tài giỏi”, giải thưởng bao một mâm cỗ đầy xôi thịt và một thanh kiếm chuôi ngà voi khảm bạc, ngoài ra, còn được Tạo phìa cấp cho một số ruộng đất và phong cho chức “Tuần mường” (người đứng đầu an ninh phòng vệ).

Lễ hội Xên mường thường diễn ra từ hai đến ba ngày. Lễ Xên bản có quy mô nhỏ hơn, chủ yếu diễn ra trong một ngày. Trải qua thời gian, cách thức tổ chức lễ hội Xên bản xên mường cũng như những giải thưởng được trao trong Lễ hội đã có đôi chút khác biệt, song từ sâu trong tiềm thức của người dân, đây là một ngày hội lớn của bản làng người Thái, là dịp để cộng đồng thêm gắn bó với nhau hơn.

Lễ cơm mới người Thái ở Mai Châu – Hòa Bình

Năm nào cũng vậy, lễ cơm mới của người Thái ở Mai Châu được tổ chức một lần vào tháng 8 âm lịch. Không định ngày tuỳ theo điều kiện của từng gia đình mà làm lễ cơm mới to hay nhỏ. Đây là lễ có tính chất gia đình nhưng lại là một lễ hội thực sự vì nó được tổ chức phổ biến khắp vùng có người Thái sinh sống. Tuy là lễ của một gia đình nhưng họ hàng đến dự rất đông, thậm chí còn có sự góp mặt của đông đảo hàng xóm nên lễ cơm mới đã trở thành ngày hội. Lễ cơm mới của mỗi dòng họ thường do trưởng họ đứng ra làm.

hòa bình có lễ hội gì?

Lễ cơm mới người Thái ở Mai Châu – Hòa Bình

Trước ngày làm lễ, chủ nhà phải đi mời ông mo luông (ông mo có uy tín) được ông mo nhận lời về nhà chuẩn bị làm lễ. Cô con dâu cả trong nhà đi mời cô gái chưa chồng (sao hàm) đến giúp việc. Ngoài ra, chủ nhà còn mời những người khác để làm những việc phục vụ cho ngày lễ gồm những người trong họ hàng, những già bản (tháu kè), thanh niên, trai gái (sao chở, bào chở) để đánh trống, chiêng và đánh máng (keng loóng).

Phần chính của lễ này có hai nội dung: nội dung thứ nhất là ông mo kể trước bàn thờ một bài mo dài suốt một ngày đêm, mọi người ngồi nghe rất đông, chật cả sàn nhà. Nội dung thứ hai là các cuộc xoè, múa, hát đối đáp (khắp tua) đánh trống chiêng và đánh máng (keng loóng).

Ông mo kể như hát, ông gọi các bậc tổ tiên từ trên trời xuống, từ mộ về, từ bệ thờ ra cùng ngồi với con cháu vui mùa lúa mới. Sau đó ông kể tại sao có cá, có cơm. Tại sao trời hạn hán, lũ lụt, kể đến sự vật lộn với thiên nhiên để giành lấy cuộc sống ấm no. Mo còn kể những cuộc đấu tranh xua đuổi những cái ác, cái xấu ra khỏi nhà, khỏi bản, đem lại cuộc sống tốt lành cho mọi người.

Cho đến bây giờ, lễ cơm mới thực sự là một cuộc sinh hoạt văn hoá hấp dẫn và lý thú của người Thái Mai Châu. Du khách đến tham quan du lịch vào thời điểm này còn được chiêm ngưỡng những cuộc múa xoè, múa trống chiêng và đánh máng của trai, gái bản. Cuộc vui này không chỉ bó hẹp trong gia đình, dòng họ mà còn thu hút cả bản Mường cùng tới nghe kể mo và múa hát. Trai gái nhảy múa say sưa suốt đêm, hát hò qua đêm đến sáng.

Hòa Bình có lễ hội gì? Trên đây là danh sách những lễ hội tại Hòa Bình đặc sắc mà bạn nên tham gia khi du lịch tới miền đất này. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cuộc sống, những phong tục, tập quán của con người nơi đây. Chúc các bạn có những chuyến du lịch trải nghiệm Hòa Bình thật thú vị nhé.

Đăng bởi: Văn Tấn Gia Bảo

YOLO! Khám phá các huyện ở Hòa Bình

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก