Lễ Hội Quảng Nam

Quảng Nam có lễ hội gì?

Quảng Nam là một tỉnh thuộc miền Trung Việt Nam, sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngoài việc được thiên nhiên ưu đãi cho địa hình đa dạng phong phú với núi, đồng bằng và biển, với vô vàn cảnh quan đẹp thì việc lưu giữ các tài nguyên văn hóa có giá trị đặc sắc. Quảng Nam có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Quảng Nam mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình Di sản”

Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình Di sản” là một sự kiện văn hoá – du lịch lớn của tỉnh được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, sinh động nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá đặc trưng và quảng bá sản phẩm du lịch Quảng Nam.

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình Di sản”

Các hoạt động của lễ hội tập trung chủ yếu tại các điểm du lịch lớn như Hội An, Mỹ Sơn, Cù lao Chàm, hồ Phú Ninh và các làng nghề truyền thống. Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình di sản” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2003, từ đó được tiếp nối tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Đến với lễ hội, du khách sẽ được đắm mình trong bầu không khí nhộn nhịp, say mê thưởng thức những loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá Quảng Nam và các vùng miền trong cả nước, tham gia vào các cuộc tranh tài trong những trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao, giải trí… Lễ hội cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của các nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên… và đông đảo du khách đến từ nhiều nước trên thế giới.

Lễ hội Bà Thu Bồn – Quảng Nam

Lễ hội Bà Thu Bồn được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch ở dinh bà Thu Bồn (còn gọi là Bô Bô phu nhân – người Chăm) để tưởng niệm Bà. Lễ hội diễn ra trong không khí tưng bừng náo nhiệt từ sáng đến tối mịt mới chấm dứt. Ngoài phần tế lễ còn có đua thuyền, rước cộ và hát bội. Người từ nhiều nơi khác đến đây dự đua để tranh tài. Theo tục lệ, thuyền thuộc lăng miếu nào thì được vị thần ở lăng miếu đó bảo hộ.

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ hội Bà Thu Bồn – Quảng Nam

Phía bên kia con sông Thu Bồn có thuyền bà Phường Chào – Người Việt, cũng tham gia đua thuyền cùng bà Thu Bồn. Trước khi tranh giải cả đoàn trạo thủ phải đến làm lễ, khấn vái trước lăng rồi mới làm lễ xuất phát. Mỗi thuyền đua cử ra một người ngồi ở mũi thuyền mặc áo đỏ, được coi như “tùy phái’ của thần chủ thuyền. Người đó có nhiệm vụ vừa hát, vừa múa để khích lệ trạo thủ khi nghe tiếng hô ấy sẽ cảm thấy mình được thần linh trợ lực nên bơi khỏe hơn. Con sông Thu Bồn như cuộn sóng bởi tiếng hò reo của trạo thủ, tiếng cổ vũ của nhân dân hai bên bờ.

Tiếp theo đó là rước cộ, người tham gia rước cộ càng Đông thì càng vui. Cộ là một bàn lớn hay có thể là một xe kéo được hóa trang lộng lẫy, bên trong để rất nhiều thức ăn như bánh, hoa quả, gạo thịt… Người rước cộ mặc trang phục truyền thống của làng. Dân làng cùng quây quần bên nhau cùng hát bội. Ngày hội đã đem đến cho mỗi người dân niềm vui, tin yêu cuộc sống.

Lễ rước Cộ Bà Chợ Được – Quảng Nam

Lễ rước cộ Bà chợ Được (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được tổ chức ba năm một lần vào ngày 11 tháng giêng âm lịch, là một lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của Quảng Nam

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ rước Cộ Bà Chợ Được – Quảng Nam

Lăng cổ chợ Được có hơn 100 năm tuổi, do bà Nguyễn Thị Của sáng lập. Truyền thuyết kể rằng Bà rất hiển linh: cho thuốc chữa bệnh cứu dân độ thế, trị tội bọn tham quan ô lại ức hiếp dân lành và cũng chính Bà đã linh ứng tạo dựng nơi bãi cát hoang vắng này thành ngôi chợ sầm uất, ăn nên làm ra và cái tên chợ Được ra đời từ đó.

Để tri ân, tôn vinh tưởng nhớ vị nữ linh anh kiệt này, hương chức và dân chúng địa phương đã cùng nhau tổ chức lễ hội Bà chợ Được. Lễ hội bao gồm lễ cầu an, truy niệm đức Bà, hội hoa đăng, múa lân, hát dân ca, đua ghe, bóng đá và đặc biệt là lễ rước cộ Bà từ lăng thờ đi quanh chợ để dân chúng xa gần chiêm bái.

Hội làng đầu năm – Quảng Nam

Những ngày trong tháng giêng hai, khắp các làng quê đất Quảng đâu cũng rộn rã lễ hội đình làng, miếu mạo xóm thôn. Trong lễ hội đầu xuân, các chư tôn tộc họ và bô lão, già làng, trưởng các thôn xóm cùng bà con dân làng tập trung tại nơi tổ chức lễ hội, thường là ở đình làng. Chương trình thông lệ gồm 2 ngày đối với lễ làng, một ngày đối với miếu xóm bằng lễ tế liệt sĩ, âm linh, lễ vọng; ngày thứ 2 bắt đầu bằng lễ cúng xuân, đón tiếp quan khách, tế tiền nhân.

quảng nam có lễ hội gì?

Hội làng đầu năm – Quảng Nam

Tiếp đến, đội chèo hay đội hát tuồng của làng trình diễn, sau đó là tiệc trà thân mật kết hợp với các chương trình văn nghệ bài chòi, dân ca, hò khoan đối đáp. Lễ hội đầu xuân cũng chính là dịp để bà con các chư tộc và nhân nhân trong làng giao lưu, gặp gỡ; là cơ hội cho những người con xa xứ làm ăn về quê cúng hương ông bà tổ tiên, ghi ơn các vị tiền nhân lập làng khai ấp, trao đổi tâm tình về quá khứ, hiện tại, công việc làm ăn sinh sống và cả những khát vọng tương lai về làng xóm, quê hương.

Lễ hội Dinh Bà làng Chiêm Sơn – Quảng Nam

Theo lệ hằng năm, tại làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên tổ chức lễ hội Bà với các nghi lễ truyền thống: rước kiệu Bà, lễ tế mục đồng và các trò chơi dân gian. Chiêm Sơn là một trong những làng xã được hình thành rất sớm vào thế kỷ XV ở Quảng Nam. Thời kỳ sau lại thêm trù phú, nổi tiếng về nông nghiệp, dệt lụa tơ tằm như văn học dân gian có câu” Chiêm Sơn là lụa mỹ miều. Mai vang tiếng cửi, chiều chiều tơ giăng”

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ hội Dinh Bà làng Chiêm Sơn – Quảng Nam

Với tâm thức của cư dân nông nghiệp, người dân lưu xứ khi đến khai phá vùng đất này đã gửi gắm niềm tin vào tín ngưỡng dân gian, mong được mùa, ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, ngay từ buổi đầu lập làng, người dân dựng dinh thờ vị nữ thần ở Chiêm Sơn, tổng Mậu Hoà với nhiều huyền thoại còn ẩn chứa về một tảng đá hình tượng giống như người đàn bà, dân trong vùng gọi là Bà Đá. Một đêm trăng sáng, tám người chăn trâu từ làng Chiêm Sơn có ý định thử mang Bà Đá về làng mình. Họ đã chuyển Bà Đá về làng để thờ trong ngôi chùa sau các vị phật, nhưng vừa đi qua ngọn đồi Chiêm Sơn bổng nhiên dây thừng khiêng bị đứt. Bà Đá rơi xuống bám chặt vào đất không thể nâng lên được nữa. Người dân cho rằng Bà đã quyết định ở ngay đó. Để thỏa nguyện thiên ý, tám người chăn trâu liền xây dựng một ngôi miếu nhỏ lợp tranh tre để thờ, hướng ngôi miếu nhìn ra nơi mà họ tìm thấy tảng đá.

Dân làng Chiêm Sơn cho rằng Bà Đá là một vị phúc thần luôn luôn phù trợ và tạo phúc cho dân làng, từ xưa đến nay đã nhiều lần làng Chiêm Sơn bị hạn hán nặng nề, côn trùng phá hoại mùa màng, người dân đến cầu khấn tại Dinh Bà thì khỏi. Có lần cả tỉnh bị hạn hán khủng khiếp, dân làng Chiêm Sơn đến khẩn cầu Bà Đá thì tức khắc mưa đã rơi xuống ngay giữa buổi đang làm lễ tế cúng và hương đèn còn đang cháy Sự linh nghiệm của Dinh Bà Chiêm Sơn còn được lưu truyền nhiều huyền tích dân gian. Hiện nay, Dinh Bà có một pho tượng cao khoảng 1 mét, tư thế ngồi tự nhiên làm bằng đá sa thạch, tai dài, đầu đội mũ, chân xếp bằng, mặc áo choàng vai, chung quanh vương miện có 7 đầu rắn thần. Tượng được tạc vào khoảng thế kỷ XVIII. Năm thứ 5 niên hiệu Duy Tân, Bà được sắc phong là Thái Dương Phu nhân, đến năm Khải Định thứ 9, một lần nữa Bà được tôn vinh với danh hiệu Trung Đẳng Thần (Hai sắc phong này đang lưu trữ tại Viện Khoa học Xã hội) Năm 1937, Hội Folklore Đông Dương cũng rất quan tâm nghiên cứu Dinh Bà có công văn cho Đốc học Quảng Nam tại Hội An đề nghị các giáo sư trung học Mỹ Xuyên Đông, Thanh Châu, phủ Duy Xuyên báo cáo về lịch sử, văn hóa, lễ hội ở Dinh Bà Thanh Chiêm (các báo cáo bằng tiếng Pháp lưu trữ tại Viện KHXH).

Với những tài liệu hiện nay, có thể khẳng định rằng Dinh Bà Chiêm Sơn là một trong những nơi tín ngưỡng dân gian phổ biến trong nhân dân về thờ Mẫu – Mẹ xứ sở mà người địa phương thường gọi chung là Bà như các vùng khác trong tỉnh Quảng Nam: Bà Thu Bồn (Duy Xuyên), Bà Chợ Được (Thăng Bình), Thất vị nữ thần ở Điện Bàn. Tín ngưỡng dân gian này đã từng song hành theo bước chân cư dân Việt ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ vào phương Nam, để rồi vừa tích hợp đa nguồn vừa tiếp thu tín ngưỡng thờ nữ thần của người bản địa, đặc biệt là văn hóa Chăm Pa cổ để biến thể trở thành tín ngưỡng của làng xã Việt mà Dinh Bà Chiêm Sơn mà một minh chứng (tượng bằng đá sa thạch, xung quanh có 7 đầu rắn thần Naga là loại hình nghệ thuật điêu khắc Chàm).

Hằng năm nhân dân làng Chiêm Sơn và vùng lân cận tổ chức lệ Bà, lễ vật cúng tế do dân làng sắm sửa gồm cơm, thịt heo và trái cây, ngoài các lễ vật ấy bắt buộc phải có 1 con cua, một nhánh tỏi, một cây cải và một con chồn, còn người dân nào có lòng thành thì dâng cúng một đĩa xôi và một con gà luộc, sau lễ tế toàn bộ các lễ vật được cúng tế đều trả lại cho dân trong làng và bắt buộc phải dùng hết trong ngày. Những người dâng lễ hầu hết là các bô lão trong làng Chiêm Sơn, số lượng ban tế lễ từ 20 đến 30 người, được chọn từ các vị cao niên và có uy tín trong làng.

Chiêm Sơn là đất “địa linh” đã đi vào lịch sử dân tộc mà hiện nay còn dấu tích lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Quý Phi – nhân dân tôn vinh là Bà chúa tàm tang, Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai, Chùa Vua (hay còn gọi là Chùa Ngự) – nơi các vua Nhà Nguyễn ở khi đến viếng lăng mộ tổ tiên, Bến Giá – bến thuyền vua neo đậu… và không xa là di chỉ khảo cổ học Mậu Hoà, Lăng Bà Thu Bồn, khu đền tháp Mỹ Sơn. Trong tương lai, huyện Duy Xuyên, xã Duy Trinh sẽ hình thành liên kết tuyến tham quan văn hóa lịch sử để du khách đến thăm các di tích. Trong đó di tích Dinh Bà Chiêm Sơn gắn với lễ hội xuống đồng, lễ tế mục đồng… rất độc đáo mà ít nơi ở Quảng Nam còn giữ được, là một nét son tự hào về truyền thống văn hóa làng xã của người dân đất Quảng

Lễ hội cầu Bông – Quảng Nam

Một trong những lễ hội Quảng Nam đặc sắc nhất đó chính là lễ hội Cầu Bông. Lễ Cầu Bông xuất phát từ nền nông nghiệp của người dân, mùa xuân làm lễ để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cây cối phát triển tốt tươi, mùa màng được bội thu, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ hội cầu Bông – Quảng Nam

Chính hội cầu Bông được thực hiện vào ngày mồng 7/2 âm lịch, tại địa điểm Làng Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam.

Phần Lễ được diễn ra tại sân đình làng với sự tề tựu đông đủ của người dân trong làng, cùng nhau chuẩn bị lễ vật đủ đầy dâng cúng các bậc tiền nhân. Điểm đặc biệt trong lễ vật của lễ Cầu Bông đó chính là mâm xôi hồng tượng trưng cho tinh thần gắn kết của người dân, sự may mắn, mùa màng bội thu.

Kết thúc phần Lễ là nghi thức hạ nêu, và diễn ra các cuộc thi hết sức vui nhộn như thi gánh rong, cuốc đất, trồng rong, thi gói món “tôm hữu”… mang ý nghĩa thuần nông, ca ngợi công việc đồng áng.

Lễ hội Long Chu ở Hội An – Quảng Nam

Long Chu là lễ hội của các làng biển quanh thị xã Hội An. Đây là lễ hội của các cư dân vùng biển Hội An để tống ôn và dịch bệnh vào lúc chuyển mùa. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm ở đình làng hoặc nhà chính quyền thôn, ấp. Trong dân gian Long Chu là thuyền rồng, một biểu tượng oai linh để trừ ôn, tống dịch. Lễ hội có tục rước “Long Chu” bằng cót tre, voi, giấy vải từ đình đến bến nước, đẩy bè, thuyền trôi ra sông, biển…

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ hội Long Chu ở Hội An – Quảng Nam

Trước ngày lễ, các thầy pháp đặt hương án và yểm bùa nơi có ma quỉ, theo sau là đoàn nam nữ thanh niên tay cầm giáo mác phát quang sạch sẽ đường làng, bờ bụi, miệng hát hò đối đáp trong không khí vui vẻ. Vào ngày lễ chính, thầy cả làm lễ tế và sau đó là lễ rước thuyền rồng đi trừ tà ma dịch tế quanh làng. Trong lễ có hát bộ, hát hò khoan, xô cô, các trò chơi dân gian khác. Dân làng quần tụ ăn uống múa hát đến tận đêm khuya.

Lễ vía Bà Thiên Hậu – Quảng Nam

Lễ vía Bà Thiên Hậu diễn ra vào ngày 23/3 âm lịch hằng năm do người Hoa Kiều sinh sống tại Hội An tổ chức ở hội quán Phước Kiến và hội quán Ngũ Bang.

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ vía Bà Thiên Hậu – Quảng Nam

Bà Thiên Hậu có nguồn gốc xuất phát từ Phước Kiến (Trung Quốc) được nhân dân tôn thờ như một vị thánh, bởi bà có tài tiên đoán mưa gió, bão lũ nên đã che chở cho những ngư dân qua được cơn hoạn nạn.Khi những người Hoa vượt biển đi về phía Nam (nước Việt ta) để lập nghiệp đã được bà Thiên Hậu chở che giúp đỡ rất nhiều, nên họ đã suy tôn, lập đền thờ bà, duy trì cho đến ngày nay, và trở thành một trong những lễ hội Quảng Nam có truyền thống lâu đời.

Lễ cúng Tổ Minh Hải – Quảng Nam

Tổ chức tại chùa Chúc Thánh vào ngày 7/11 âm lịch hàng năm. Lễ cúng tổ Minh Hải bao gồm các nghi lễ liên quan đến Phật giáo. Sau phần lễ là các hoạt động vui chơi, giải trí như văn nghệ, cắm trại và thi các trò chơi dân gian.

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ cúng Tổ Minh Hải – Quảng Nam

Từ lòng tín ngưỡng Phật giáo mạnh của người dân Việt và Hoa kiều tại đây mà ngôi Tổ đình Chúc Thánh cũng trở nên phong phú về nhiều mặt, phong phú từ lối kiến trúc đến cách thờ phụng, như ngoài việc thờ Phật chính trong Chánh điện, ngoài vườn còn lập miếu Ông, miếu Bà để thờ các Thần Thành Hoàng, Thổ Địa để cho những người đến cầu xin được phù hộ mua may bán đắt, đi đến nơi về đến chốn.

Mặc dù ngày nay chung quanh bên ngoài chùa Chúc Thánh không còn những bãi cát, những đồi thông xanh rì vi vu trong gió nữa, đến chùa không còn phải băng bộ qua những đoạn đường cát nữa, mà thay vào đó là những ngôi nhà đồ sộ và con đường đất cứng vì nhu cầu dân số và phát triển đô thị. Nhưng bên trong vườn chùa vẫn còn giữ được dáng vẻ cổ kính, hàng cây cổ thụ vẫn còn đó, hình ảnh ngôi chùa vẫn cổ kính rêu phong, những lớp bụi thời gian không thể nào xóa nhòa đi được.

Lễ cúng sư tổ có công xây dựng chùa theo nghi lễ Phật giáo. Theo phong tục người Trung Hoa thì họ đến đâu thường hay lập chùa, miếu để thờ cúng cầu nguyện mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp.

Cùng với thời điểm chùa Chúc Thánh ra đời, Hội An là một thương cảng trù phú, những thương nhân đến từ nước ngoài chủ yếu là người Hoa và có một số người trong họ đã định cư ở đây. Vì vậy, Tổ Minh Hải sau khi quyết định ở lại tại Hội An hoằng Pháp, Ngài chọn ra một nơi để tạo lập chùa Chúc Thánh với khoảng cách lý tưởng khoảng 1km không gần lắm cũng không xa lắm so với trung tâm phố cảng. Địa thế này nhằm 2 mục đích: Một là, nơi yên tĩnh vắng vẻ, điều kiện tu hành thiền định thích hợp và hai là, không xa lắm nơi dân cư, để tạo điều kiện cho những người dân ở đây có thể bước bộ đến chùa lễ Phật tụng kinh.

Lễ hội Nguyên Tiêu – Quảng Nam

Lễ hội Nguyên Tiêu là lễ cúng đầu năm của những Hoa kiều gốc bang Triều Châu và Quảng Đông sống tại Hội An

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ hội Nguyên Tiêu – Quảng Nam

Đây là một trong những lễ tết quan trọng trong cộng đồng cư dân Hội An, đặc biệt là đối với bà con người Hoa. Nguyên là thứ nhất, Tiêu là đêm. Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên của một năm (ngày rằm tháng giêng âm lịch). Theo tích cũ của người Trung Hoa, lễ tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, ngày xưa, vào đêm rằm đầu tiên của năm này, vua cho mời các Trạng Nguyên về kinh đô dự yến tiệc, thưởng trăng, trổ tài thơ phú trong vườn Thượng Uyển. Vào ngày này, có thể bắt đầu vào thời Tây Hán ở Trung Quốc, người ta còn tiến hành nghi thức rước đèn lồng rất đẹp mắt và long trọng. Chính vì thế, tết Nguyên Tiêu còn gọi là lễ hội lồng đèn. Đối với cộng đồng cư dân người Hoa ở Hội An (nhất là đối với người Hoa Minh Hương, người các bang Triều Châu, Quảng Đông), tết Nguyên Tiêu không chỉ là tết thuần tuý mang thú vui thưởng ngoạn mà còn mang ý nghĩa tâm linh lớn lao: Cúng các vị tiền hiền, vừa cầu mong cuộc sống tốt đẹp (cầu an) no đủ, buôn bán phát tài.

Tổ chức tại Hội quán Triều Châu và Quảng Triệu vào ngày 16/1 ÂL. Đây là lễ cúng đầu năm của những người hai bang Triều Châu và Quảng Đông (người Hoa) sống tại Hội An. Ngoài phần nghi lễ truyền thống, trong lễ Nguyên Tiêu còn tổ chức múa lân, chơi xổ số. Lễ hội thu hút đông đảo con cháu người Hoa và khách thập phương về dự.

Lễ giỗ tổ làng nghề Mộc Kim Bồng – Quảng Nam

Hàng năm vào ngày mồng 6 tháng giêng Âm Lịch lễ giỗ tổ làng nghề Mộc Kim Bồng được tổ chức tại nhà thờ tiền hiền thôn 3 ( nay là thôn Trung Châu ) làng mộc Kim Bồng, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.Từ bến đò Hội An – Kim Bồng – từ bến Kim Bồng đi thẳng 200 m rẽ phải – đi thẳng 100m rẽ trái – đi tiếp 100m rẽ phải – đi thẳng 200m rẽ phải – đi thẳng 400m rẽ trái – đi thẳng 1km rẽ phải – từ đây bạn sẽ thấy ngôi đình giữa ruộng ngô và tiếp tục đi thêm khoảng 600 m theo con đường bêtông sẽ đến nơi tổ chức lễ.

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ giỗ tổ làng nghề Mộc Kim Bồng – Quảng Nam

Nhà thờ tiền hiền được xây dựng vào năm 1930. Theo gia phả của làng để lại thì ông Tổ nghề mộc Kim Bồng vốn là người Thanh Hóa trên đường vào Nam đi ngang qua vùng đất trù phú này đã dừng chân lập nên làng Kim Bồng và sẵn có nghề mộc ở quê cũ ông đã lập nên làng nghề này.

Lễ giỗ tổ hằng năm được tổ chức vào mồng 6 tháng giêng để tưởng nhớ công ơn ông cha tổ tiên của làng đã có công xây dựng nên làng và cũng để cầu cho làng có một năm mới mưa thuận gió hòa làm ăn thuận lợi.

Lễ giỗ tổ thường bắt đầu vào 8h sáng và kéo dài trong khoảng 2h chia làm hai phần : phần lễ cúng Âm Linh ở trước sân nhà thờ được tổ chức trước, phần lễ chính thức được làm trong nhà thờ.Người đứng làm lễ là những nghệ nhân lớn tuổi trong làng trước khi làm lễ phải rửa sạch tay chân qua nước Quán Tẩy.

Lễ tế Cá Ông – Quảng Nam

Ðã từ bao đời nay, lễ hội Cá Ông (còn được gọi là lễ tế cá Voi) là lễ hội lớn nhất của ngư dân tỉnh Quảng Nam – Ðà Nẵng. Thờ phụng Cá Ông ở miền đất này không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng cá. Lễ hội được diễn ra trong hai ngày vào trung tuần tháng 3 âm lịch.

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ tế Cá Ông – Quảng Nam

Thường được tổ chức tại lăng Ông vào ngày kỵ (ngày mất) của cá Ông hoặc nơi có cá Ông chết. Lễ tế cá Ông có nguồn gốc tín ngưỡng nguyên thủy của cư dân vùng duyên hải. Sau lễ tế có tổ chức hát bả trạo, hát bội và hát hò khoan

Trong ngày lễ bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa. Lễ cầu an được tổ chức vào đêm đầu tiên tại làng Cá Ông dưới sự điều khiển của các vị chánh bái, là những vị cao niên, có uy tín lớn trong làng chài.

Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (thường không dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lọng an toàn.

Rạng sáng ngày hôm sau, dân làng đánh trống làm lễ rước trên biển. Tất cả tàu thuyền ra khơi đến một vị trí đã định trước và vị chánh tế tổ chức “xin keo”. Ðó là lễ Cá Ông chứng dám lòng thành của ngư dân ngoài biển. Vào nửa đêm hôm đó, dân làng làm lễ chánh tế bao gồm lễ khai mõ, đội học trò dâng hương, dàn nhạc trình diễn, hát bội… Trong suốt ngày hội, các tàu thuyền dù ở xa cũng tập trung về bến để tham gia lễ hội Cá Ông.

Giỗ Tổ nghề Yến – Quảng Nam

Khá nhiều người nghĩ rằng nghề khai thác tổ yến chỉ có ở Khánh Hòa, nhưng thật ra tại Việt Nam nhiều tỉnh thành khác cũng có nghề này, tỉnh Quảng Nam cũng vậy. Giỗ Tổ nghề Yến là một trong những lễ hội Quảng Nam có từ lâu đời để nhằm tưởng nhớ tới những người đã khai sinh ra nghề khai thác Yến. Và đồng thời cũng là để cảm tạ trời đất đã mang đến nguồn tài nguyên này cho xứ Quảng.

quảng nam có lễ hội gì?

Giỗ Tổ nghề Yến – Quảng Nam

Lễ hội thường diễn ra vào ngày 9 – 10/3 âm lịch, tại xã Tân Hiệp – Cù Lao Chàm, với nhiều hoạt động như: tế tổ nghề, thi đua ghe, kéo co, hội bài chòi, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, chợ ẩm thực…

Lễ hội làng gốm Thanh Hà – Quảng Nam

Lễ hội Làng Gốm Thanh Hà diễn ra vào ngày 10/1 âm lịch hằng năm, tại miếu Nam Diêu, Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam.

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ hội làng gốm Thanh Hà – Quảng Nam

Đây là lễ hội được tổ chức để cúng tổ nghề đã có công tạo nên nghề làm gốm. Ngược dòng lịch sử thì người làng Thanh Hà xưa kia có nguồn gốc từ Thanh Hóa, di dân xuống miền Trung để lập nghiệp và tiếp nối nghề làm gốm. Gốm của Thanh Hà không chỉ nổi danh xứ Quảng, mà danh tiếng còn lan xa các vùng khác.

Lễ hội làng gốm phản ánh nét văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư với các hoạt động hết sức sôi nổi và mang nhiều nét dân gian độc đáo. Sau phần lễ Tổ nghiêm trang thì đến phần hội vô cùng sôi động, các trò chơi như cõng nàng về dinh, thi chuốt gốm, nấu cơm bằng nồi đất… cùng các hoạt động văn nghệ như hát bội, hát bài chòi vô cùng náo nhiệt.

Lễ hội đêm Rằm phố cổ Hội An – Quảng Nam

Vào những đêm 14 âm lịch hằng tháng – đêm trăng tròn, khắp phố phường Hội An trở thành một sân khấu lớn, lung linh và huyền ảo trong muôn ngàn ánh đèn lồng. Người dân trong những bộ xiêm y cổ xưa, trở thành những diễn viên chính trong các hoạt cảnh ngâm thơ, đánh cờ, chơi mạt chược… làm sống lại khung cảnh phồn hoa của cảng thị xưa với những thú vui dân dã trong ngày hội hè.

quảng nam có lễ hội gì?

Lễ hội đêm Rằm phố cổ Hội An – Quảng Nam

Bắt đầu từ 18 giờ đến khuya, cả khu phố chìm trong tĩnh lặng, không còn tiếng động cơ xe máy, cả du khách và người dân địa phương, cả người Việt lẫn người nước ngoài cùng nhau thong dong bách bộ giữa bầu không khí chân tình tràn đầy cảm xúc và những ấn tượng khó phai.

Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Quảng Nam mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Quảng Nam có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Quảng Nam vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.

Đăng bởi: Hiếu Nguyễn

YOLO! Khám phá các huyện ở Quảng Nam

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก