Bình Định Lễ Hội

Bình Định có lễ hội gì?

Bình Định từ lâu đã được biết đến như một vùng đất giàu truyền thống văn hóa – lịch sử dân tộc và các phong tục tập quán; là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em nên các hình thức văn hóa dân gian và lễ hội truyền thống cũng rất đa dạng và phong phú. Bình Định có lễ hội gì? Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn các lễ hội dân gian đặc sắc tại Bình Định, nếu có dịp du lịch đến nơi đây thì bạn nên kham khảo để không bị bỏ lỡ nhé.

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn – Bình Định

Đất võ Bình Định không chỉ nổi tiếng với những bãi biển hiền hòa, xinh đẹp mà còn được biết đến với Lễ hội Đống Đa Tây Sơn Bình Định tổ chức mỗi độ xuân về. Lễ hội là dịp tưởng nhớ công lao to lớn của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, song là lời nhắc nhở thế hệ trẻ về trách nhiệm gìn giữ những nét đẹp dân tộc.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn – Bình Định

Lễ hội Đống Đa Tây Sơn ở Bình Định được coi là một trong những lễ hội lớn nhất nhì cả nước vào những ngày đầu xuân mới. Được tổ chức thường niên vào các ngày mùng 4 và mùng 5 Âm lịch hàng năm tại Bảo tàng Quang Trung thuộc địa phận thôn Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, lễ hội thu hút đông đảo người dân cả nước tụ họp về đây hay cả những du khách nước ngoài đang du lịch tại mảnh đất này cũng háo hức với lễ hội đặc sắc mà không thể tìm thấy ở quốc gia của mình.

Chương trình tế lễ Đống Đa diễn ra từ chiều mồng 4 tết với nhiều nghi lễ cổ truyền đặc sắc được tổ chức tại điện Tây Sơn. Lễ tế được tổ chức tôn nghiêm, cả khu vực rộng lớn, cờ lọng, nghi trượng rợp trời, chiêng trống rền vang… Người dự lễ như cảm thấy lòng mình hòa nhập vào hồn thiêng sông núi địa linh nhân kiệt.

Chương trình hội ngày mồng 5 tuy có thay đổi hằng năm nhưng các mục chính thì năm nào cũng có, đó là diễn văn ôn lại lịch sử Tây Sơn với cuộc đại phá quân Thanh, biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn và thao diễn trận pháp. Tiết mục võ thuật Tây Sơn được các võ sư, võ sĩ, nghệ nhân tên tuổi hàng đầu Bình Định biểu diễn các bài quyền truyền thống nổi tiếng của nhà Tây Sơn như: Lão mai độc thọ, Ngọc trản quyền, Hùng kê quyền; các bài võ sử dụng binh khí: Lôi long đao, Song phượng kiếm, Tuyết hoa song kiếm và Lôi phong tuỳ hình kiếm, hay các bài roi như Roi Thái sơn, Roi Hắc đảnh ô sơn … được người xem tán thưởng nhiệt liệt.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn – Bình Định

Tiết mục nhạc võ Tây Sơn là môn nghệ thuật độc đáo của tỉnh Bình Định, người biểu diễn vừa phải có tâm hồn nghệ sĩ, vừa là bậc võ sĩ siêu đẳng và luyện đôi tay thần diệu để tác dụng lên lòng trống, vành trống và thân trống bằng cả hai bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, cánh tay, tiếp xúc vào một bộ trống gồm 12 chiếc lớn nhỏ khác nhau gọi là “Song thủ đả thập nhị cổ”, tạo nên những âm thanh hùng tráng khác lạ khiến người xem như bị lôi cuốn, thúc giục. Tiết mục biểu diễn chiến trận Đống Đa lại càng hào hứng và hấp dẫn hơn nữa, được tổ chức trên địa thế qui mô, dàn dựng công phu, tập dượt công phu, có cả ngàn người thao diễn với cờ xí, chiêng trống, sắc phục, đồn lũy… y như thật, có năm còn có bốn, năm con voi trận tham gia.

Màn biểu diễn Nhạc võ Tây Sơn làm cho người xem dễ dàng cảm nhận những tiếng gươm khua, tiếng binh khí, tiếng hò reo của quân sĩ, tiếng súng nổ, tiếng voi gầm, ngựa hí hoà lẫn vào tiếng trống. Người xem có cảm giác như đang đứng giữa trận tuyến, không gian như vang vọng hồn thiêng sông núi, và được trở về với lịch sử, chứng kiến một thế trận thần tốc, táo bạo. Tiếng trống như giục giã, như thôi thúc, người xem có thể bị kích động và sẵn sàng xông lên sống mái.

Ngày nay, đi dự lễ hội tết Đống Đa đối với người dân đất võ đã trở thành niềm tự hào và cũng là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.

Lễ hội đổ giàn An Thái – Bình Định

Đổ giàn là một lễ hội văn hóa đặc sắc của miền đất võ Bình Định do một số dòng họ người Hoa lĩnh xướng.Trước kia lễ hội diễn ra từ ngày rằm đến 16 và 17 tháng 7 âm lịch (4 năm tổ chức một lần) tại Chùa Ngũ Bang Hội Quán thuộc thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội đổ giàn An Thái – Bình Định

An Thái (thuộc xã Nhơn Phúc, An Nhơn) là mảnh đất ven sông Côn, từng nổi tiếng là một trong những cái nôi võ Bình Định. Từ bờ bên này, chỉ sau vài phút đi đò, là đã qua bên An Vinh (thuộc huyện Tây Sơn) – một địa danh cũng lừng lẫy về võ nghệ. Ngày đó, những người Hoa “phản Thanh phục Minh” trôi dạt đến vùng đất ven sông này sinh sống đan xen với cộng đồng người Việt, đã làm cho đời sống văn hóa, trong đó có võ thuật, ở đây thêm phong phú.

Hội đổ giàn được khởi xướng từ một số dòng họ người Hoa. Chùa Ngũ Bang Hội Quán là nơi diễn ra lễ hội đổ giàn, từ ngày 15 đến 17 tháng 7 âm lịch, cứ 4 năm tổ chức một lần. Giàn là một cái đàn cúng cao khoảng mười mét, bằng tre, gỗ. Trên đó đặt đàn cúng thần gồm hương, hoa, trà, quả và một chú heo quay. Khi nghi lễ chuẩn bị kết thúc, những toán võ sĩ và những người khỏe mạnh đại diện cho các làng tiến vào, sẵn sàng trong tư thế lao lên, vác heo quay rồi… phóng chạy. “Xô giàn” – khi vị chủ tế hô lên, cuộc tranh tài bắt đầu. Các võ sĩ tài nghệ cao, phi thân lên giàn tìm cách cướp lấy chú heo quay. Sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang chú heo quay chạy về địa điểm an toàn đã định. Để giật được chú heo, các toán tranh tài cũng đã có sự phân công người trước, người sau, người bảo vệ, người “cản địa” để ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội đổ giàn An Thái – Bình Định

Theo tục lệ, chú heo quay chiến lợi phẩm sẽ được đem xẻ ra để khao chung cho tất cả những võ sĩ cùng có mặt trong cuộc tranh tài. Những võ sĩ, hay làng võ có người giành được phần thắng được mọi người hoan nghênh và nể trọng và họ tin rằng năm ấy họ sẽ gặp hên vì được “lộc của thần”. Thường thì những lò võ ở An Thái và An Vinh hay giành được chiến thắng. Vì vậy mới có câu:

“Tiếng đồn An Thái, Bình Khê

Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo.”

Hội đổ giàn không chỉ là một cuộc tranh tài lý thú và hấp dẫn, mà còn là nét văn hóa đặc sắc của một vùng quê giàu tinh thần thượng võ. Trong những ngày diễn ra hội đổ giàn, còn có nhiều hoạt động phong phú khác. Theo các cụ cao niên ở An Thái, hội đổ giàn lần nào cũng kèm theo hát bội, phóng sanh, múa lân… Những ngày đó, nhà nào ở An Thái cũng treo đèn kết hoa, trống giong cờ mở rộn rã suốt ngày đêm. Ở Bình Định vẫn còn lưu truyền câu ca mô tả về hội đổ giàn:

Đồn rằng An Thái, chùa Bà

Làm chay, hát bội đông đà quá đông

Đàn bà cho chí đàn ông,

Xem xong ba Ngọ, lại trông đổ giàn.

Giờ đây, lễ hội này đã được khôi phục theo định kỳ, cứ 5 năm tổ chức một lần. Đó là một tin vui đối với những ai yêu mến miền đất võ Bình Định, để đến rằm tháng 7 “lại trông đổ giàn”.

Lễ hội Xuân chợ Gò – Bình Định

Chợ Gò nằm ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước của tỉnh Bình Định. Lễ hội Chợ Gò Tuy Phước Bình Định là lễ hội mà mỗi năm chỉ diễn ra 1 lần. Đặc biệt hơn nữa là lễ hội Chợ Gò này đúng vào ngày mùng một tết âm lịch vì vậy thu hút rất nhiều người tham gia trẩy hội. Đây là phiên chợ mang đậm nét văn hóa của miền đất Võ trời Văn Bình Định nói chung và của người dân huyện Tuy Phước nói riêng, có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội Xuân chợ Gò – Bình Định

Tương truyền ngày xưa, quân Tây Sơn đã sử dụng nơi đây làm tiền đồn để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Tết đến, Hoàng đế Quang Trung chỉ dụ cho phép mở hội vui Xuân ở nơi đây, trước là để nhân dân dân bản địa vui xuân sau chiến tranh mất mát khổ nhọc, sau là để ba quân vui xuân vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình, và được gìn giữ, lưu truyền đến ngày hôm nay.

Nói là chợ nhưng thật ra chỉ là bãi đất trống rộng dưới chân núi Trường Úc, cạnh bờ sông Hà Thanh đổ ra đầm Thị Nại. Không một cửa hiệu, túp lều, các ngày trong năm cũng không nhóm chợ, mà chợ chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng ngày mùng Một Tết Âm lịch.

Chợ Gò có tục lệ ai đến trước bày bán hàng trước, ai đến sau thì nối đuôi nhau bày hàng, cứ thế chủ các gian hàng xếp trật tự mà không lời qua tiếng lại tranh giành như các phiên chợ thường nhật.

Người đi chợ mua lấy may mắn đầu năm nên không ai mặc cả, không ai trả giá, họ không cò kè bớt một thêm hai như các phiên chợ buôn bán hàng ngày. Tham quan Chợ Gò, du khách còn được mua các sản vật của địa phương như trầu cau, vôi Trường Úc, cá tôm tươi được đánh bắt trên đầm Thị Nại, bánh ít lá gai, nem chợ Huyện, rượu nếp và rượu gạo Trường Úc…

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội Xuân chợ Gò – Bình Định

Và tại Lễ hội Chợ Gò Tuy Phước Bình Định, một trong những thứ bán mua sáng mùng 1 Tết không thể thiếu những thếp trầu xanh, những quả cau với bình vôi chờ sẵn. Cô gái mua trầu cau về cúng ông bà cũng là mua cái duyên lành đầu năm. Còn cô, khi đã thắm duyên tình, cũng lại tiếp tục gánh ca dao đi bán chợ Gò:

Đầu xuân đón lộc cầu duyên

Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò.

Gần đây, chính quyền địa phương còn tổ chức bài bản Lễ hội Chợ Gò Bình Định, có trống hội, múa lân, biểu diễn võ thuật, ca nhạc… làm không khí hội Xuân thêm màu sắc. Hàng ngàn khách du Xuân mọi lứa tuổi được chuyến xuất hành cầu tài lộc đầy ắp cảm xúc. Những gặp gỡ chào nhau, chúc tụng đầu năm trên mắt môi người rạng rỡ, nhẹ nhõm niềm vui yên bình.

Tuy chỉ nhóm có một ngày trong năm nhưng với sự sầm uất đa dạng và mang đậm nét văn hóa cổ truyền dân tộc, Lễ hội Chợ Gò Bình Định đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xếp trong “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam”.

Người dân Tuy Phước dù có sinh sống, làm ăn xa quê hương vẫn thuộc mấy câu thơ độc đáo về lễ hội Chợ Gò:

“Bài chòi mở hội đầu xuân,

Hội vui đón Tết, hội mừng non sông.

Vui chơi cho phỉ tấm lòng,

Mười hai tháng nữa mới mong tựu tề.

Đi xa hãy nhớ mà về,

Chợ Gò – Trường Úc bộn bề đón xuân”.

Lễ Hội làng Rèn Tây Phương Danh – Bình Định

Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh được tổ chức vào các ngày 12,13 và 14 tháng Hai âm lịch hằng năm tại làng Tây Phương Danh (thị trấn Đập đá, An Nhơn, Bình Định). Đây là một lễ hội mang tính truyền thống, thể hiện đạo đức “uống nước nhớ nguồn” của những người thợ làng rèn đối với cụ tổ sáng lập và những bậc tiền hiền trong nghề.

bình định có lễ hội gì?

Lễ Hội làng Rèn Tây Phương Danh – Bình Định

Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng thì: “Theo truyền thuyết thì nghề rèn có mặt ở đây phải có đến 300 năm rồi. Thời này nông nghiệp phát triển mạnh nên khắp nơi rất cần các loại nông cụ được làm bằng kim khí. Thời đó, cụ tổ là ông Đào Giã Tượng mang nghề từ phương Bắc vào truyền thụ cho người dân địa phương để vừa tạo kế sinh nhai cho bà con trong vùng, vừa phục vụ sản xuất. Rồi từ đó nghề rèn duy trì và ngày càng phát triển.

Để nhớ ơn người khai sinh ra nghề rèn trên đất này, hằng năm, người dân Tây Phương Danh đã đồng tâm hợp lực tổ chức một lễ hội gọi là Lễ hội làng rèn, kéo dài suốt 3 ngày kể từ ngày 12-2 âm lịch! Lễ hội này không những quy tụ những hộ đang hành nghề tại địa phương mà còn lôi cuốn cả những người đang hành nghề rèn trên toàn tỉnh. Ngoài ra lễ hội còn thu hút sự tham gia của những nghề có liên quan đến nghề rèn như nghề sắt. Có nhiều hộ đã mang nghề truyền thống của làng mình đi lập nghiệp phương xa cũng không bỏ lỡ dịp này, sắp xếp về quê để kịp trẩy hội cùng bà con.

bình định có lễ hội gì?

Lễ Hội làng Rèn Tây Phương Danh – Bình Định

Đúng 4 giờ sáng ngày 12-2 âm lịch, các vị bô lão trong làng nghề trang trọng trong những bộ lễ phục truyền thống với sự có mặt của hàng ngàn người dân trong nghề, tất cả đều trang nghiêm đứng trước bàn thờ Tổ và các bậc tiền hiền khai sinh ra nghề, đồng thanh khấn nguyện cho quốc thái dân an, bày tỏ lòng biết ơn của những thế hệ được thừa hưởng nghề đối với tiền nhân và cầu xin cho sự phồn vinh luôn ưu ái với nghề rèn. Sau đó, cả một vùng nông thôn tưng bừng hẳn lên trong suốt 3 ngày đêm với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi như: Hát bộ truyền thống, các trò chơi dân gian (kéo co, đập ấm…) và các chương trình văn nghệ quần chúng của lực lượng thanh niên.

Về Phương Danh trong những ngày này, khách thăm sẽ được nhìn thấy một vùng quê rạng rỡ với những con đường làng được dọn dẹp phong quang, tất cả mọi căn nhà đều tinh tươm, nam thanh nữ tú với những bộ trang phục đẹp rộn ràng khắp các nẻo đường đi trẩy hội. Năm 20003, ngành Văn hóa tỉnh đã đầu tư kinh phí để giữ gìn cũng như phát huy một lễ hội truyền thống của người dân Tây Phương Danh này. Du khách đến với Bình Định trong dịp lễ hội này sẽ được đón tiếp trong sự nhiệt tình, mến khách của người dân địa phương cùng nhau tham gia và trải nghiệm một lễ hội mong chờ hàng năm của những người thợ rèn nói riêng và người dân Bình Định nói chung.

Lễ hội Đô thị Nước mặn – Bình Định

Lễ hội Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời rất sớm ở Bình Định, từ cách đây gần 4 thế kỷ, Lễ hội được tổ chức tại chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Lễ hội được tổ chức hàng năm từ mồng 1-3 tháng 2 Âm lịch. Lễ hội Đô thị Nước mặn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội Đô thị Nước mặn – Bình Định

Khoảng 400 năm trước, khu vực thôn An Hòa là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư sang mở phố buôn bán. Lễ hội Nước Mặn ra đời và được tổ chức ở chùa Bà vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt – Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (Đèo Cả – Phú Yên), và cứ thế duy trì, phát triển, thăng trầm theo nhịp sống của cảng thị này.

Cho đến ngày nay, tuy cảng thị đã suy tàn, biến dạng thành một vùng quê yên tĩnh nhưng chùa Bà vẫn còn, lễ hội Nước Mặn vẫn còn như một hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa một thời của Bình Định, là biểu tượng của tình giao hữu cùng người Việt lập chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và chùa Bà (Thiên Hậu miếu) để thờ cúng.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội Đô thị Nước mặn – Bình Định

Chùa Bà là nơi thờ Thiên hậu thánh mẫu – một nhân vật huyền thoại, thường cứu vớt tàu thuyền gặp nạn. Tục thờ Thiên Hậu của người Hoa hòa nhập với tục thờ Mẫu của người Việt chính là linh hồn của Lễ hội Nước Mặn. Điểm đặc biệt của Lễ hội là người dân ở đây thắp đèn lồng vào các ngày lễ, các nhà đều chuẩn bị đồ ăn thức uống trong nhà để sẵn sàng chào đón khách thập phương đến với lễ hội và xem đây như Tết thứ hai trong năm.

Cùng với hình bóng cảng thị, màu sắc cổ truyền của lễ hội Nước Mặn đã phai nhạt đi nhiều qua bao biến động lịch sử theo năm tháng. Từ một vùng sình lầy, nước biển theo sông rạch dâng lên thường ngày đã được con người bao đời khai phá, dựng xây thành một cảng thị sầm uất. Sông bồi, biển lấp, Nước Mặn không có cái may mắn như Hội An vẫn giữ được hình hài thuở trước. Cho nên lễ hội Nước Mặn như là hồi ức về một đô thị thương cảng lớn nhất phủ Quy Nhơn thuở trước đã suy tàn, hóa thân thành thành phố biển Quy Nhơn tỉnh Bình Định ngày nay.

Lễ hội cầu ngư ở Bình Định – Bình Định

Cầu ngư là một lễ hội dân gian gắn với đời sống lao động, đánh bắt của người dân vùng biển. Thông qua lễ hội, các làng làm nghề chài lưới gửi gắm đức tin, lòng biết ơn đối với vị thần Nam Hải (cá Ông, cá Voi). Cha truyền con nối, dù làm ăn nơi xa, ai đã được sinh ra và lớn lên ở làng chài ven biển vẫn một lòng tưởng nhớ đến lễ hội truyền thống của quê hương.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội cầu ngư ở Bình Định – Bình Định

Theo các bậc cao niên trong làng, lễ hội cầu ngư là lễ hội quan trọng của ngư dân địa phương, được tổ chức nhằm bày tỏ tín ngưỡng dân gian với công ơn của cá Ông (tức cá voi – ngư dân gọi là thần Nam Hải), cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Theo đó, phần lễ diễn ra với các nghi lễ: Nghinh thần Nam Hải (Cung nghinh thủy lục rước cá Ông) nhập điện, lễ tế thần Nam Hải (có múa gươm hầu thần), lễ tế cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; lễ ra quân đánh bắt hải sản.

Phần hội được tổ chức với các hoạt động thể dục thể thao như: Kéo co, bơi thúng đôi nam, lắc thúng, ngoáy thúng. Ngoài ra còn tổ chức 4 đêm hát tuồng và 1 đêm ca nhạc tại Lăng Ông Nam Hải và bãi biển để phục vụ nhân dân địa phương và du khách.

Nhưng tạo điểm nhấn hơn cả trong lễ hội cầu ngư ở Nhơn Hải là màn chèo bá trạo do chính ngư dân địa phương biểu diễn. Bá trạo là một tuồng hát bội kể về công đức cá Ông cứu giúp ngư dân gặp hoạn nạn trên biển và phù hộ ngư dân đánh bắt bội thu tôm cá; đồng thời kể về những khó khăn, hoạn nạn mà ngư dân phải gặp trên biển như: Giông bão, thuyền chìm, hải tặc…

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội cầu ngư ở Bình Định – Bình Định

Có thể nói, đến nay, lễ hội cầu ngư cũng như loại hình hát múa bả trạo đã tìm được một vị trí xứng đáng trong nền văn hóa dân tộc. Bỡi trải bao thăng trầm của thời gian và thử thách, những gì còn lại thường là cái tinh túy, đáng được bảo dưỡng, trân trọng.

Lễ hội cầu ngư góp phần giải tỏa, điều tiết đời sống tâm lý, tinh thần của cá nhân và cộng đồng ngư dân, là dịp để ngư dân thư giãn, tạo lập thế cân bằng trong đời sống tinh thần sau một năm đánh bắt vất vả, cực nhọc. Các sinh hoạt văn hóa trong lễ hội đã đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới. Mặt khác, đây còn là dịp để cộng đồng tri ân với thần linh, với thế hệ tiền nhân đi trước, những người có công trong việc phát triển nghề cá, đồng thời là dịp hội ngộ bằng hữu xóm làng.

Lễ hội chùa Ông Núi – Bình Định

Vang xa với những câu chuyện lịch sử nhuốm màu tâm linh, tọa lạc ở một vị trí đắc địa nên hàng năm Lễ hội chùa Ông Núi (diễn ra vào ngày 24 – 25 tháng Giêng) luôn là một trong những lễ hội thu hút đông đảo người dân và khách thập phương.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội chùa Ông Núi – Bình Định

Chùa Ông Núi, tên chữ là Linh Phong Thiền Tự, là một ngôi chùa cổ hơn 300 năm, tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung (thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát). Với địa thế lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, có rất nhiều “viu” đẹp, chùa Ông Núi dung dị thu hút du khách quanh năm, đặc biệt là vào mùa lễ hội.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội chùa Ông Núi – Bình Định

Đến với Lễ hội chùa Ông Núi, du khách còn được đắm mình trong không gian, cảnh sắc đa dạng. Có nhiều gợi ý để du khách hưởng trọn vẹn chuyến đi của mình. Sau khi viếng chùa, du khách có thể viếng thăm tượng Phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á khánh thành cuối năm 2017, ở gần đó. Đứng từ lối đi lên pho tượng nhìn xuống, có thể thu vào tầm mắt nhà cửa, cánh đồng và bãi biển Trung Lương xinh đẹp. Sau khi thăm chùa, ngắm biển, trên một trục đường, du khách có thể tiếp tục thăm Tiểu chủng viện Làng Sông (ở Tuy Phước), về Quy Nhơn ngắm biển, đến với làng Phong Quy Hòa…

Để hướng dẫn và giữ trật tự cho người dân và du khách đến trẩy hội, tại các đầu đường dẫn vào chùa, lực lượng CSGT, công an, dân quân tự vệ và Đoàn thanh niên được phân công đứng để hướng dẫn người dân lên chùa đi lễ được an toàn.

Trong khuôn viên chùa, hoa lá xanh tươi khoe sắc, hơn nữa, năm nay nhà chùa vận động du khách hạn chế đốt hương nên không khí thêm phần nhẹ nhàng. Theo Đại đức Thích Quảng Đạt, đại diện nhà chùa, hàng năm chùa đón hàng trăm ngàn lượt khách hành hương trong và ngoài tỉnh. Trong đó, vào ngày giỗ của Tổ sư, tức là dịp Lễ hội chùa Ông Núi số lượng khách thường đông đột biến.

Lễ hội đua thuyền Gò Bồi – Bình Định

Cứ sau phiên chợ Gò vào sáng mùng 1 Tết, người dân ở huyện Tuy Phước, Bình Định lại tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Gò Bồi vào chiều mùng 2 tháng Giêng, một trong những nét văn hóa Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội đua thuyền Gò Bồi – Bình Định

Đây là một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm của người dân ở 4 xã ven đầm Thị Nại. Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thắng và Phước Hòa của huyện Tuy Phước vào dịp Tết. Người dân nơi đây đua thuyền không phải nhằm phân biệt thắng thua. Mà nhằm đem lại niềm vui, xóa đi bao nỗi nhọc nhằn của một năm lao động vất vả. Thể hiện sức mạnh của những ngư dân vùng sông nước. Đồng thời, cầu ước một năm mưa thuận gió hòa, mọi người được bình an, no đủ.

Các vân động viên tham dự là những ngư dân trẻ, khỏe được tuyển chọn ở 4 xã ven biển đầm Thị Nại: Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thắng, Phước Hòa của huyện Tuy Phước. Để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền, các địa phương đã tổ chức tuyển chọn, tập luyện từ nhiều ngày trước nên các đội đã tạo nên những cuộc so tài gây cấn và sôi nổi. Mỗi xã từ 20 đến 25 vận động viên tham gia tranh tài các nội dung: đua sõng câu bơi dầm nam (cự li 1000 m), đua sõng câu bơi dầm nữ (cự li 1000m); đua thuyền tập thể nam (cự li 2000 m) và đua thuyền tập thể nữ (cự li 1000m). Trên mỗi đuờng đua, sự cổ vũ nồng nhiệt của nguời dân và du khách đã tạo không khí hào hứng và khí thế cho các vận động viên.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội đua thuyền Gò Bồi – Bình Định

Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi và phiên chợ Gò Trường Úc là nét văn hóa đặc trưng trong dịp xuân về, Tết đến của người dân huyện Tuy Phước. Đây không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu của bà con cư dân ven đầm Thị Nại, mà còn là nơi để thắt chặt tinh thần đoàn kết, cùng hướng về cội nguồn lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, vùng đất này dần tiến về phía biển. Dù không còn cảnh sầm uất của một cảng thị ngày nào, nhưng Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi diễn ra vào chiều mùng 2 tết vẫn được duy trì đều đặn. Hoạt động này gắn bó mật thiết với nét văn hóa đặc trưng của ngư dân ven đầm Thị Nại, khơi dậy truyền thống quê hương vùng sông nước trong quá trình đánh giặc ngoại xâm dựng và giữ nước, cũng như xây dựng quê hương đất nước ngày nay.

Lễ hội Đèo Nhông – Bình Định

Đèo Nhông trải dài từ dốc Mù U ở phía Bắc đến dốc Me ở phía Nam khoảng 6km. Năm 1965, tại đây diễn ra trận địa phục kích của lực lượng vũ trang Quân khu V và bộ đội địa phương Bình Định. Từ đó đến nay, vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại đèo Nhông nhân dân từ khắp các địa phương trong vùng tập trung về đầy (có năm đến hàng vạn người) mở lễ hội vui xuân và kỷ niệm ngày chiến thắng. Chiến tích oai hùng xua sẽ sống mãi với thời gian và trong ký ức của các thế hệ mai sau.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội Đèo Nhông – Bình Định

Với ý nghĩa to lớn đó, năm 1985 Đảng bộ Phù Mỹ đã khởi công xây dựng tượng đài – công trình di tích lịch sử có tầm cỡ quốc gia mang tên Chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu ngay trên vùng đất đã xảy ra trận đánh và được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Hằng năm, vào ngày mùng 5 tháng Giêng Âm lịch được coi là một trong những ngày hội truyền thống lịch sử của nhân dân Phù Mỹ và Bình Định với Lễ hội Chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu.

bình định có lễ hội gì?

Lễ hội Đèo Nhông – Bình Định

Bên cạnh đó, đã và đang có những động thái mới để vực dậy một Đèo Nhông sớm trở thành khu kinh tế thương mại phong phú, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Sau phần Lễ ôn lại truyền thống, tại khu vực Đài chiến thắng Đèo Nhông – Dương liễu đã diễn ra phần Hội náo nhiệt, vui tươi với các chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm các tiết mục văn nghệ, múa lân; hoạt động thể dục thể thao và các trò chơi dân gian đã thu hút hàng ngàn người đến xem và cổ vũ. Ngày hội diễn ra đầy bổ ích và thú vị, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và đã phát huy được tinh thần dân tộc, khí phách của người Đèo Nhông – Dương liễu.

Bình Định có lễ hội gì? Trên đây là danh sách những lễ hội Bình Định đặc sắc mà bạn nên tham gia khi du lịch tới miền đất này. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn cuộc sống, những phong tục, tập quán của con người nơi đây. Chúc các bạn có những chuyến du lịch trải nghiệm Bình Định thật thú vị nhé.

Đăng bởi: Quỳnh Vũ

YOLO! Khám phá các huyện ở Bình Định

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก