Bình Định Làm Quà

Du lịch Bình Định mua gì về làm quà?

Bình Định là vùng đất địa linh nhân kiệt, núi non hùng vĩ, biển cả hoang sơ, đang là điểm đến “hot rần rần” của giới trẻ hiện nay. Du lịch Bình Định trong những năm gần đây có những bước phát triển mạnh mẽ, luôn là lựa chọn hàng đầu của du khách khi ghé thăm dải đất miền Trung đầy nắng gió. Đã đặt chân tới mảnh đất này, ai cũng muốn mang về một chút của Bình Định đề làm quà kỷ niệm hay làm quà để biếu, tặng người thân, gia đình phải không nào. Vậy “Du lịch Bình Định mua gì về làm quà?” Sau đây chúng tôi sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi nên mua quà gì khi đến Bình Định du lịch nhé!

Bánh ít lá gai – Bình Định

Bình Định có nhiều đặc sản như: nem chợ huyện, rượu Bàu đá, bánh tráng nước dừa… và sẽ là một thiếu sót nếu như trót quên đi món bánh ít lá gai Quy Nhơn gây thương nhớ đối với bất kì ai đã từng có dịp đặt chân đến mảnh đất thanh bình này.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Bánh ít lá gai – Bình Định

Để thưởng thức bánh ít lá gai khá đơn giản nhưng để làm nên món bánh mang đặc trưng xứ nẫu, gây nhớ thương với bao người không phải là điều dễ dàng. Đó là cả một quá trình cẩn thận, tỉ mỉ, và công phu của người thợ làm bánh.

Để làm bánh ít lá gai thợ làm bánh phải chuẩn bị trước đó vài hôm. Đầu tiên là chuẩn bị lá chuối để gói bánh. Bánh ít Bình Định thường được gói bằng lá chuối hột, để héo hoặc hơ qua lửa cho mềm và được cắt tròn để tiện cho việc bọc bên ngoài.

Một trong những công đoạn tốn nhiều thơi gian nhất là chuẩn bị lá gai. Đây được xem là nguyên liệu quyết định đến sự thơm ngon của bánh. Lá gai thường được mua ở các chợ đầu mối hoặc lá gai được người dân nơi đây tự trồng, để mang lại những vị ngon ngọt nhất. Lá gai sau khi hái, được lặt bỏ phần cuống và gân lá; sau đó rửa sạch, luộc chín, để ráo nước, xay nhuyễn, vắt lấy nước và trộn với bột nếp được chuẩn bị trước đó.

Tiếp đến là nếp, nguyên liệu chính để làm ra bột bánh, là loại nếp ngon, hạt nhỏ, dẻo, thơm, mới, không lẫn gạo tẻ. Nếp ngâm 4 giờ, xay nhuyễn, đăng khô, sau đó quết với lá gai đã luộc chín với một ít đường cát trắng. Khâu quết rất quan trọng. Phải dùng cối đá, chày tay, quết liền tay cho nhuyễn mịn, sau đó đem hấp chín, hơ trên lửa than hồng, rồi cho vào những cái khay để nguội…

Đường thì nấu đến độ đặc sánh. Ba thứ nguyên liệu đó trộn, nhồi thật đều, rồi đem chia ra thành từng miếng. Đậu xanh đãi vỏ, đem hấp, giã mịn. Nhân được vo tròn và bao bằng thứ bột vừa quết xong thành những viên tròn to bằng quả chanh. Dừa để làm nhân bánh, cũng chọn trái dừa già tới, không già đen (nếu già quá, nhân cứng, xảm, khô, không ngon mà hôi dầu… Bột nguyên liệu có rồi, giờ chỉ việc gói bánh. Từng cục bột được tẽ mỏng, cho nhân vào, vo tròn. Lá chuối cát khoanh tròn, hơ lửa cho mềm, thoa dầu phụng và gói bánh thành hình tháp rồi đem hấp cách thủy.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Bánh ít lá gai – Bình Định

Thông thường bánh ít chỉ để được một, hai ngày mà thôi! Nhưng muốn để bánh được thời gian lâu thì phải làm kỹ các khâu, trong đó có khâu làm chín nguyên liệu xong mới gói ra thành phẩm, không phải gói lá chuối xong mới nấu như cách truyền thống.

Thử một chiếc bánh ít lá gai, dai dai, béo, hơi ngọt, giòn giòn của nhân dừa, rất đặc trưng của loại bánh truyền thống. Chỉ không có mùi lá chuối quyện vào mà thôi. Chưa có phân tích, nhưng với nguyên liệu nếp, đậu xanh, dừa, đường… cũng mang nhiều chất bổ dưỡng cho người dùng. Tất nhiên không thể bằng với các loại bánh cao cấp, nhưng người Bình Định vẫn ưa chuộng, bởi đó là loại bánh truyền thống của quê hương. Đi xa ăn bánh để nhớ về nơi cội nguồn, như đang ở nơi mình sinh ra, bình dị an lành.

Bánh ít lá gai thật dẻo, nhưng không dính răng. Ngoặm một miếng, vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương cay nồng của gừng, tạo thành một cảm giác khoái khẩu và rất riêng.

Không chỉ người Bình Định mới chuộng bánh ít lá gai. Khách lạ đến Bình Định chỉ một lần nếm loại bánh này sẽ thấy nhớ hương vị đặc biệt của nó. Bánh ít lá gai – thứ bánh dân dã mà ngon ngọt, đậm đà, quyến rũ. Mỗi khi nhớ về xứ dừa Bình Định, người xa quê lại nao nao nhớ về vị thơm ngọt của bánh ít lá gai.

Mực ngào – Bình Định

Mực khô ngào ăn chua chua ngọt ngọt dai dai cực ngon. Là món ăn chơi mỗi khi có khách ghé thăm hoặc dùng làm quà biếu gia đình rất ý nghĩa của người dân Quy Nhơn – Bình Định…

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Mực ngào – Bình Định

Mực ngào tỏi ớt là tặng phẩm được người dân miền biển rất ưa chuộng. Từ những con mực tươi sống được chọn lọc cẩn thận, đảm bảo kích cỡ phù hợp. Qua sơ chế, mực được tẩm ướp nhiều gia vị tổng hợp mang đậm hương vị miền duyên hải. Đặc biệt, thực khách sẽ bị kích thích bởi vị ngọt hấp dẫn trong từng thớ thịt của mực ngay lần thử đầu tiên.

Khô mực ngào ớt, hay gọi tắt là “mực ngào”, là một món ăn đặc sản của vùng biển. Mực ngào là món ăn tuyệt vời cho những cuộc nhâm nhi khi bạn trò chuyện cùng người thân, bạn bè. Khô mực ngào ớt có vị cay cay của tương ớt, chút mặn mặn và vị ngọt của mạch nha, đảm bảo người thưởng thức sẽ nhớ mãi hương vị rất độc đáo của món ăn này.

Mực ngào tỏi ớt qua quy trình xử lý và sấy khô để sản phẩm được gọn nhẹ, bảo quản được lâu hơn, nhưng vẫn đảm bảo được thành phần dinh dưỡng và những tính chất đặc trưng vốn có của mực: màu sắc, độ ngon, cũng như hàm lượng đạm khi sử dụng.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Mực ngào – Bình Định

Khô mực ngào ớt với đường, món ăn chơi lý thú nhưng không kém phần hấp dẫn, nhất là vào những ngày trời chuyển mưa, hơi se lạnh mà được ngồi trong nhà và nhâm nhi món ăn dai dai, cay cay này.

Rất dễ hiểu vì sao mực ngào Bình Định luôn được nhiều du khách mua về làm quà sau chuyến du lịch của mình. Một món đặc sản vừa ngon, vừa rẻ mà lại vô cùng thuận tiện trong việc di chuyển. Với một món ăn đơn giản nhưng lại ngon hút hồn như mực ngào Bình Định. Thì bạn và người thân sẽ không còn phải tự hỏi sẽ phải mua gì làm quà khi đến Quy Nhơn rồi nhé!

Bánh hồng – Bình Định

Bánh hồng Bình Định được làm ở nhiều nơi, nhưng chỉ riêng bánh hồng Tam Quan là ngon nhất vì bánh được làm từ gạo nếp Ngự rất thơm và dẻo. Gọi là bánh hồng nhưng bánh lại có màu trắng từ trong trắng ra, đến bây giờ vẫn không ai có thể giải thích được tại sao (có thể là hồng duyên, hạnh phúc lứa đôi).

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Bánh hồng – Bình Định

Nguyên liệu để làm ra bánh hồng khá đơn giản và dân dã: gạo nếp, đường kính và dừa. Bánh hồng nổi tiếng và phổ biến ở Bình Định, nhưng đặc sắc nhất phải kể đến bánh hồng ở thị trấn Tam Quan. Bởi được làm từ gạo nếp Ngự nên bánh hồng Tam Quan có tiếng là rất dẻo và thơm.

Bánh hồng như lại không có màu hồng, phần bánh màu trắng được phủ bằng một lớp bột gạo trắng phau. Mãi về sau khi trở thành một món quà có tiếng với khách du lịch, bánh hồng mới được chế thêm một số màu sắc như hồng, vàng và hình dáng khác để thêm phần bắt mắt.

Được làm từ gạo nếp và đường nên bánh hồng rất dính, người thợ phải sử dụng bột nếp khô phủ bên ngoài để làm se bề mặt bánh, đỡ dính tay và kéo dài thời gian bảo quản. Chính bởi lớp bột này mà nhiều người liên tưởng đến món chè lam.

Thế nhưng lượng bột này khá nhiều, khi ăn bánh hồng bạn có thể làm quần áo trắng xóa vì dính bột bánh. Đối với 1 số người có thể sẽ thấy bất tiện, nhưng nhiều người lại cảm thấy đây chính là điều khiến bánh hồng trở nên thú vị và đặc biệt so với các loại đặc sản khác.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Bánh hồng – Bình Định

Bánh hồng được nặn thành tấm to, dày khoảng 2-3cm. Khi ăn phải dùng dao sắc cắt thành từng miếng nhỏ. Vì bánh rất dẻo nên phải có phần bột áo để có thể cắt dễ dàng hơn. Phần ruột bánh không mịn mượt mà hơi lỗ chỗ, màu trắng đục.

Nhìn bề ngoài bánh hồng khá giống chè lam, nhưng khi nếm thử mới thấy khác hẳn. Bánh không có vị quá ngọt thơm mùi nếp, vừa dẻo vừa dai dai, có chút sần sật của dừa nhưng lại rất mềm. Pha một ấm trà nóng để nhâm nhi cùng bánh hồng sẽ là “combo” hoàn hảo cho một ngày nghỉ ngơi, thư giãn.

Vì bánh được làm thủ công nên bánh chỉ có thể được bảo quản và dùng trong khoảng 5 ngày đổ lại. Để quá lâu bánh sẽ bị cứng và có mùi thiu. Bởi vậy nếu mua món bánh này về làm quà, bạn hãy mang tặng cho người thân, bạn bè ngay lập tức nhé.

Bánh tráng nước dừa – Bình Định

Thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định không chỉ là “thủ phủ” dừa của miền Trung mà còn là nơi sản xuất những chiếc bánh tráng nước dừa thơm ngon cung cấp cho thị trường cả nước.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Bánh tráng nước dừa – Bình Định

Từ lâu, bánh tráng nước dừa được xem như một đặc sản nổi tiếng của đất Bình Định. Khách phương xa đến thăm quê hương Bình Định thường tìm mua đem về làm quà cho người thân. Ngoài Bến Tre, Tam Quan nổi tiếng là nơi có nhiều dừa ở Việt Nam. Từng nghe câu ca dao rằng:
“Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”.

Dừa được người dân trồng ở khắp nơi, chủ yếu là giống dừa ta trái to và cơm dày, rất thích hợp để làm bánh tráng nước dừa

Đối với bánh tráng nước dừa thì có cách làm rất đặc biệt: Gạo sau khi được xay ra đem trộn với nước cốt trái dừa và cả xác dừa, thêm vào đấy một ít mè, ít tiêu hột, vài củ hành tím xắt lát thật mỏng, một chút xíu muối và sau đó đem đi tráng trên bếp trấu nóng. Khi bánh chín thì mang ra phơi nắng khoảng một ngày là thành thành phẩm. Nếu không có nắng thì phải phơi 2-3 ngày bánh mới khô. Khác với các loại bánh tráng ở các vùng miền khác, bánh tráng nước dừa Tam Quan được có kích thước to hơn hẳn và được tráng thành lớp dày.

Vì bánh quá dày nên không thể nhúng nước ăn được mà phải nướng. Kích thước của bánh to nên khi nướng phải lật đều, nướng kỹ và phải nướng bằng lửa than thì bánh mới ngon, giòn đều. Chiếc bánh gặp lửa, phồng lên và vàng ươm mùi hành phi quyện với mùi béo của mè và nước dừa sẽ kích thích thính giác và vị giác của bạn đến tận cùng. Bánh có thể ăn không hoặc kèm với nước chấm như xì dầu, nước mắm gừng đều ngon.

Khách phương xa đến thăm quê hương Bình Định, đi ngang qua vùng đất Tam Quan hãy nhớ dừng chân ghé lại mua vài ràng bánh tráng nước dừa về làm quà cho người thân. Hương vị của bánh tráng nước dừa thơm ngon sẽ làm bạn nhớ mãi.

Tré – Bình Định

Có lẽ tré là món ăn hơi đặc biệt của Bình Định và miền Trung. Đặc biệt từ hình thù, tên gọi không giống ai; nhưng cũng đặc biệt ở chỗ là hương vị của nó làm cho người ta khó quên khi đã một lần thưởng thức.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Tré – Bình Định

Không ít khách bộ hành ngang qua Bình Định thắc mắc, tại sao ở một số quán hàng ven đường hay treo những bó rơm nho nhỏ, xinh xinh thành chùm là thứ gì. Có người cho rằng, những bó rơm là những cán chổi nhỏ, nhưng sao lại túm 2 đầu? Tìm hiểu ra mới biết, đằng trong của những bó rơm mộc mạc làng quê ấy là món ăn ngon khó cưỡng khi đã đặt lên đĩa.

Thịt lợn được trần qua nước sôi rồi ngâm trong nước lạnh để thịt giòn và không bị dính, dùng dao thái nhanh tay, sau đó nêm nếm gia vị muối, tiêu cho vừa miệng ăn. Trộn thịt với riềng, tỏi đã thái mỏng, thính gạo đã được giã nhỏ với nhau cho đều.

Tiếp đến là khâu gói tré, một khâu rất kì công và quan trọng để làm nên một bánh tré ngon. Trải lá chuối ra, lá ổi non rửa sạch, xếp phẳng phiu lên trên và trải đều hỗn hợp tré vừa đủ lên trên, và cuốn lại cho thật chặt, chắc tay. Sau đó tré được khoác bên ngoài lớp “áo” rơm lúa mới dày, bó chặt hai đầu bằng lạt. Nhờ cách gói công phu này khiến cho món tré Bình Định có thể để được lâu trong nhiều ngày.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Tré – Bình Định

Tré được ủ lên men một cách tự nhiên, sau 2 đến 3 ngày sẽ tự chín, các gia vị sẽ thấm đều vào nhau để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn.

Khi ăn, người ta sẽ lột tré ra, dùng đũa đánh tơi các miếng thịt với nhau, rồi bày trên đĩa. Món này có thể cuốn với bánh tráng và rau sống (rau thơm, dưa leo, chuối chát…), đồ chua (đu đủ, cà rốt thái sợi, củ kiệu…) chấm nước mắm ớt tỏi hoặc tương ớt.

Là món ăn chống ngán nên dù tré bình dân, mộc mạc là vậy nhưng nó lại trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người dân xứ này. Bất cứ ai có dịp ghé ngang qua Quy Nhơn hay Bình Định, người ta đều muốn mang những “nắm rơm cuốn 2 đầu” về làm quà cho người thân ở nhà. Món Tré có thể để trong ngăn mát tủ lạnh hàng tháng mà hương vị vẫn vẹn nguyên, từ đó mà món ăn này đã trở thành món quà độc đáo cho hầu hết mọi khách du lịch gần xa.

Bún Song Thằn – Bình Định

Bún Song Thằn một cái tên đặc sản của Bình Định nghe khá lạ, đây là món bún khô đặc sản ở Bình Định, được làm từ đậu xanh có hương vị thơm ngon và cũng rất tốt cho sức khỏe.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Bún Song Thằn – Bình Định

Tương truyền, ngày xưa các vua triều Nguyễn thường triệu thợ bún An Thái ra kinh đô Huế làm, nhưng không thành công vì không có nước sông Kôn, cho nên có tên gọi là bún “sông thần”. Tuy nhiên, theo lời người dân cho biết: để làm bún, người ta cho bột đã qua xử lý vào ống có đục lỗ và ép để hình thành sợi bún chạy qua. Xưa, ống chỉ có hai lỗ nên mỗi lần có hai sợi, và được bắt thành từng đôi một nên bún có tên là Song Thằn. Hiện nay một số hộ dân tại làng nghề đã chế tạo ống thành 9 lỗ để nâng cao năng suất lao động, nhờ vậy bún làm ra nhanh và nhiều hơn trước, đạt hiệu quả kinh tế cao.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Bún Song Thằn – Bình Định

Cách làm bún cũng rất kì công. Đậu xanh phơi nắng cho thật khô, sau đó đem ngâm nước lạnh khoảng một ngày cho nở đều rồi mới đem đi xay. Lúc xay phải cho thật nhiều nước mà đặc biệt phải là nước sông Kôn, lắng qua nhiều đợt bún mới đạt độ mềm dẻo. Khoảng 5kg đậu thì cho ra 1kg bún, do được làm từ đậu xanh nên hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với bún gạo. Một ưu điểm của bún là giữ được lâu sau khi chế biến, sợi bún dai, khi xào, nấu không bị dính vào nhau. Do vậy giá của bún cũng không hề rẻ so với các loại bún khác, hiện nay trên thị trường mỗi ký bún giá khoảng 180.000 đồng.

Bún Song Thằn được chế biến thành rất nhiều món ngon như: ăn với nước dùng và thịt bò, nấu canh với thịt heo hoặc tôm hay xào với lươn…nhưng theo tôi ngon nhất là xào với lòng gà, ăn rất ngon, miếng bún thơm, lòng gà béo làm hài lòng bất kể những thực khách khó tính nhất. Nếu ai đã từng ghé thăm Bình Định mà không thưởng thức hoặc mua bún Song Thằn về làm quà là một thiếu sót vô cùng lớn.

Rượu bàu đá – Bình Định

Đứng bên những danh tửu như Làng Vân, Gò Đen, Hồng Đào, giữa muôn ngàn danh rượu nhập khẩu về từ các nước… Cái tên Bàu Đá ngạo nghễ làm nên một thương hiệu. Rượu Bàu Ðá là một sản phẩm truyền thống của Bình Ðịnh đã nổi tiếng từ rất lâu. Xưa kia đây là “ngự tửu” được dùng để tiến vua, là loại rượu thường được dùng trong các buổi yến tiệc của vua chúa.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Rượu bàu đá – Bình Định

Tương truyền, từ nhiều thế kỷ trước, những người dân nghèo ờ gò Cù Lâm, thôn Bàu Ðá, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, trong khi tìm kế sinh nhai đã nấu rượu và sử dụng nguồn nước ngầm rỉ ra từ bàu đá tại thôn Bàu Ðá. Không ngờ những mẻ rượu được nấu từ nguồn nước này lại có một mùi hương rất đặc biệt, và nếu uống một cách điều độ mỗi ngày chỉ một, hai cốc nhỏ sẽ cho cảm giác thoải mái, dễ chịu, trị được chứng đau lưng, nhức mỏi, giúp cho quá trình tiêu hóa tốt hơn, cơ thể khỏe mạnh, cường tráng hơn.

Để có Rượu Bàu Đá ngon, công đoạn nấu rất công phu: rượu được nấu bằng gạo ngon, nấu một mẻ 5 kg gạo chỉ lấy được 3,5 – 4 lít rượu nhưng phải mất đến 6 giờ. Quá trình lên men rượu cực kỳ quan trọng vì độ ngon của rượu phụ thuộc vào quá trình lên men rất nhiều. Và tất cả đều được thực hiện bằng tay.

Về đồ nghề làm rượu, người ta sử dụng củ tre có hình cong, ruột đục rỗng để làm ống dẫn rượu từ lò ra chum. Chum đất hứng rượu phải được bịt kín để tránh rượu bay hơi. Trong thời gian nấu, thông thường người ta chỉ để lửa liu riu, tuy nhiên, vẫn phải thường xuyên lắng nghe giọt rượu nhỏ nhanh hay chậm để thêm hay bớt lửa. Chính vì cách nấu cẩn thận này mà rượu Bàu Đá có hương vị rất tinh khiết và đậm đà.

Người nấu rượu lâu năm không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của giọt rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Rượu bàu đá – Bình Định

Ngoài loại Rượu Bàu Đá truyền thống như Bàu Đá gạo và Bàu Đá nếp thì ngày nay còn có thêm một loại rượu Bàu Đá mới đó là Rượu Bàu Đá đậu xanh. Hương vị thơm ngon và nồng nàn của Bàu Đá truyền thống kết hợp với sự đậm đà của đậu xanh khiến đây là một phiên bản biến tấu tuyệt vời của Bàu Đá truyền thống đây.

Bàu Đá đậu xanh có vị thơm hơn Bàu Đá truyền thống nhờ hương thơm của đậu xanh, bên cạnh đó màu sắc chuyển sang màu xanh nhạt chứ không phải trong suốt như Bàu Đá truyền thống.

Khi thưởng thức rượu Bầu Ðá, bạn nên uống một cách từ từ, từng ngụm nhỏ để cảm nhận được cái hương vị thơm ngào ngạt và nồng nàn đang tràn ngập các giác quan của bạn. Thưởng thức rượu Bầu Ðá ướp lạnh và nhâm nhi rượu với một ít khô mực thì chẳng còn gì sánh bằng. Hương thơm, vị nồng ấm của rượu hoà quyện với với mực béo thơm sẽ là một cảm giác tuyệt vời.

Nếu đã đặt chân đến miền đất võ Bình Định mà chưa nhâm nhi một ly rượu Bàu Đá thì sẽ chưa “ngấm” hết mùi vị của chuyến đi và hương vị của nơi này. Hơn nữa sẽ rất tuyệt nếu bạn đưa về một bình rượu Bàu Đá làm quà cho người thân.

Các loại mắm Bình Định – Bình Định

Không chỉ nổi tiếng với rượu Bàu Đá, nem Chợ Huyện, Tré rơm,… Bình Định còn được biết đến với các loại mắm làm say đắm lòng người. Chỉ cần một lần nếm thử một trong các loại mắm dưới đây cũng đủ làm cho người ta nhớ tha thiết cái hương vị miền biển đầy thú vị này.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Các loại mắm Bình Định – Bình Định

Mắm mực

Có lẽ ít ai biết đến mắm mực bởi nó chỉ có ở Bình Định. Nó ít được bán rộng rãi vì nó có màu đen tuyền đặc biệt giống màu túi đen của túi mực làm nhiều người ái ngại. Tuy nhiên với người Bình Định thì đây là một trong những loại mắm khá ngon. Như cái tên gọi, mắm mực được làm từ những con mực nhỏ có kích thước khoảng 1 đến 2 ngón tay, ướp theo tỷ lệ 3 mực 1 muối cho vào can để sau hai tháng là dùng được. Có thể thay đổi tỷ lệ cho hợp với khẩu vị. Mắm mực có hương vị nồng nàn, chỉ cần mở hủ mắm ra đi từ xa đã nhận ra mùi của nó. Nó rất thích hợp ăn vào mùa đông, trời càng lạnh ăn càng ngon. Mắm mực ăn sống được, chỉ cần pha chút tỏi ớt, gừng và mặn vào ít chanh là đã có thể thưởng thức mắm ngon tuyệt này, dùng để chấm rau sống hay ăn với cơm nóng đều rất ngon. Ngoài ra mắm mực còn dùng kho với thịt heo ăn cũng “bá cháy bò chét” đấy.

Mắm cá cơm:

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Mắm cá cơm

Được làm từ những con cá cơm nhỏ thường là cá cơm sọc hoặc là cá cơm than, mắm cá cơm có vị ngon, ngọt rất đặc biệt. Muối mắm cá cơm cũng khá đơn giản. Cá cơm mua về loại bỏ những con cá ương, rửa sạch để ráo nước. Đem ướp muối theo tỷ lệ 5 cá 1 muối. Bỏ vào hủ ủ trong 3 tháng là có thể dùng được. Vào mùa cá, thường là đầu năm, người dân ven biển Bình Định hay có thói quen mua cá về muối mắm để giành ăn từ từ. Khách đến nhà thì họ lấy ra để thiết đãi. Mắm cá cơm pha với chanh, tỏi, ớt băm nhuyễn dùng chấm với rau ăn ngon tuyệt.

Mắm cá cơm có hương vị rất riêng và đặc trưng, mùi thơm đậm đà, mặn vừa phải và ngọt vị cá tan trên đầu lưỡi kích thích mọi giác quan của người ăn. Ngày đông lạnh làm biếng đi chợ, lấy mắm cá cơm ăn với rau luột cũng vô cùng tuyệt vời.

Mắm nhum:

Nhum là một loài nhím biển, hình cầu, màu đen và có gai. Người ta dùng nhum làm ra một thứ mắm có màu đỏ thẫm ngon tuyệt diệu. Cách là mắm cũng khá ký công. Nhum bắt về chặt hết gai, rửa sạch rong biển sau đó chặt làm đôi. Dùng muỗi nạo hết thịt ra. Cho vào hủ thủy tinh lớn, ướp muối với tỷ lệ 1 chén nhum thì rắc đều 1 nắm muối lên trên. Cứ như hết nhum. Lưu ý không cho nhum đầy hủ vì khi muối nhum nở ra và sủi bọt. Nếu để đầy hủ sẽ làm nhum tràn ra ngoài. Muối xong thì đem hủ phơi ngoài nắng tầm nữa tháng là có thể dùng được. Mắm nhum mang hương vị của biển, vị mặn của muối, ngọt béo của thịt nhum hòa quyện tạo nên một thứ mắm ngon nồng nàng, đầy hấp dẫn, lôi cuốn lòng người khi nếm thử. Người ta pha gia vị dùng làm nước chấm cho món bánh tráng cuốn rau sống và thịt ba chỉ luộc. Ăn vào ngon nhứt đến tận răng.

Tuy Mắm nhum Mỹ An là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Bình Định nhưng rất khó để tìm mua vì người dân miền biển làm chỉ để giành ăn và thiết đãi khách quý. Bởi để làm ra được hủ mắm nhum đòi hỏi kỳ công và tốn khá nhiều nguyên liêu.

Mắm ruột cá ngừ:

Người ta biết cá ngừ dùng để kho, nấu ăn rất ngon. Nhưng ít ai biết đến thứ mắm làm từ ruột cá ngừ. Đây là một loại mắm của người Bình Định đặc biệt là người dân Tam Quan, huyện Hoài Nhơn. Vùng đất này được ưu ái có rất nhiều loại cá ngừ và mắm ruột cá cũng xuất phát từ đây.

Cách làm mắm cũng khá đơn giản. Ruột cá mua về loại bỏ bao tử, gan chỉ lấy mỗi phần ruột. Rửa sạch để ráo nước và ướp với muối với tỷ lệ 2 cá 1 muối. Mỗi lần muối phải muối khoảng một kg ruột cá. Cho vào hủ đậy kín để khoảng 3 tháng là mắm ăn được. Mắm ruột có màu đục xẫm, đặc sền sệt, mở nắp sẽ có mùi thơm ngào ngạt, pha tỏi ớt băm nhuyễn ăn với cà pháo ngon xé lưỡi. Mắm ruột có hương vị rất riêng mà không thể trộn lẫn vào đâu được. Vào mùa lạnh, ăn mắm ruột kho với thịt ba chỉ có nước là vét nồi.

Trên đây chỉ là một trong số các loại mắm tiêu biểu của người dân vùng đất biển Bình Định. Đến Bình Định bạn sẽ có cơ hội nếm thử nhiều loại mắm khác nhau mang đậm hương vị của biển.

Nem Chợ Huyện – Bình Định

Nem chua Bình Định có nguồn gốc từ làng nem Chợ Huyện nằm trên quốc lộ 1A, thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định. Nổi tiếng với món nem chua đã đi vào ca dao:

“Ai về Vĩnh Thạnh quê em

Ăn nem chợ Huyện, đêm xem hát tuồng”

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Nem Chợ Huyện – Bình Định

Nem Chợ Huyện ngon chủ yếu là nhờ khâu chọn thịt. Thịt, phải là thịt heo cỏ 6-8 tháng tuổi, cân nặng chừng 60kg trở lại. Heo có thịt săn nhiều nạc, màu đỏ sẫm và lấy khoảng 15 kg thịt nạc lọc từ bốn đùi.

Thịt được cắt theo chiều ngang chừng 3cm rồi thái nhỏ, để ráo nước, sau đó cho vào cối đá để quết (giã), không xay thịt bằng máy. Muốn thịt được nhuyễn, dai, giòn, người thợ phải quết liên tục, khoảng 20-30 phút. Trong lúc quết, phải gia thêm đường và muố (không dùng hàn the). Khi thịt đã chín, nhuyễn, cho thêm tiêu hạt và da heo đã xắt nhỏ, sau đó dùng lá gói lại.

Có hai loại nem, nem tươi và nem chua. Nem tươi là nem nướng ăn ngay. Còn nem chua thì để được lâu. Những chiếc nem chua gói bằng lá chuối chát xanh, miếng nem bên trong được gói bằng lá vuông hoặc lá ổi để hút ẩm. Sau khi gói ba ngày là có thể đem ra dùng.

du lịch bình định mua gì về làm quà?

Nem Chợ Huyện – Bình Định

Nem tươi có mùi vị thơm đặc trưng, sau khi được nướng than, ăn kèm với rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm, tiêu, tỏi và ớt. Tùy theo sở thích, có người chỉ ăn độc một thứ nem để tận hưởng hương vị của thịt; có người lại thích cuốn với bánh tráng mỏng để thưởng thức cái dai, cái giòn của đặc sản này.

Nem chợ Huyện vừa ngọt lại vừa béo, dai mà lại giòn; đủ các vị mặn, ngọt, dai, giòn, thơm béo nên ăn dẫu có nhiều cũng không ngán. Đây là món ăn được người dân Bình Định dùng khá phổ biến, từ những chiếc nem được cắt tỉa trang trọng trong các lễ cưới hỏi, giỗ chạp đến những chiếc nem bày đơn sơ nhắm cùng rượu Bàu Đá, nem chợ Huyện đã tạo nên một thương hiệu, một đặc sản cho ẩm thực của miền đất võ.

Du lịch Bình Định mua gì về làm quà? Hy vọng bạn đã có thêm đôi chút thông tin về những sản phẩm đặc sản có thể mua tại Bình Định để mang về làm quà cho mọi người. Nếu bạn có cơ hội đặt chân tới mảnh đất này, đừng ngại ngần mà hãy tự mình thưởng thức nhiều đặc sản nhất có thể và mang về một ít để biếu tặng người thân của mình. Chúc bạn một chuyến đi vui vẻ, thú vị và ý nghĩa!

Đăng bởi: Võ Văn Nghĩa

YOLO! Khám phá các huyện ở Bình Định

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก