Bình Dương Chùa

Ghé Bình Dương, Hành Hương Đến Chùa Châu Thới

Đi hành hương đến những ngôi chùa gần thành phố Hồ Chí Minh là hành trình quen thuộc của nhiều Phật tử; trong đó, Chùa Châu Thới, Bình Dương là cái tên vốn được đông đảo #teamKlook biết đến. Hãy cùng khám phá bề dày lịch sử, nét đẹp văn hoá và kiến trúc độc đáo của địa điểm du lịch tôn giáo này nhé!

Cách thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 30 phút lái xe, tỉnh Bình Dương không chỉ được biết đến là vùng kinh tế trọng điểm ở phía Nam với hàng loạt khu liên hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ, mà còn nổi tiếng bởi những khu du lịch sinh thái và công trình tâm linh đồ sộ.

Các địa điểm du lịch ở Bình Dương hầu hết đều rộng lớn, thoáng đãng, hài hòa với thiên nhiên, để mọi người có thể ngắm cảnh, thư giãn, lánh xa khỏi khói bụi, ồn ã ở thành thị. Người yêu thích du lịch tâm linh thì chắc chắn sẽ không bỏ qua Chùa Châu Thới, một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở Bình Dương và cả vùng đất Đông Nam Bộ. Không gian hoài cổ, lối kiến trúc độc đáo cùng nhiều công trình nghệ thuật nổi bật có giá trị về văn hóa, lịch sử đã thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng mỗi khi có dịp đến du lịch Bình Dương.

Hãy cùng chúng mình tìm hiểu vẻ đẹp Chùa Châu Thới để qua bài viết này, #teamKlook lại có thêm một địa chỉ du lịch gần Sài Gòn hấp dẫn cho những ngày cuối tuần nè.

Giới Thiệu Chùa Châu Thới Bình Dương

Ghé Bình Dương, Hành Hương Đến Chùa Châu Thới, VIỆT NAM
Nguồn ảnh: hanoimoi

Chùa Châu Thới còn có tên là Châu Thới Sơn Tự – Chùa Núi Châu Thới. Đây là một ngôi cổ tự tọa lạc trên đỉnh núi cùng tên. Sự xuất hiện của ngôi chùa từ thế kỷ XVII không chỉ ghi dấu sự hình thành và phát triển Phật giáo Bắc tông ở vùng Đông Nam Bộ, mà còn là danh thắng quốc gia bởi cảnh quan đẹp như tranh vẽ.

Ngọn núi nằm giữa vùng đồng bằng xanh mướt, xung quanh chân núi là nhữngng hồ nước trong vắt, xa xa về phía Đông là sông Đồng Nai uốn lượn hiền hòa. Bên cạnh đó, thảm thực vật trên núi phong phú, đa dạng với những cây cổ thụ rợp bóng lối đi. Vì thế, dù đi vãn cảnh chùa vào mùa nào thì bạn cũng nhận được sự trong lành, mát mẻ.

Chùa Châu Thới đã trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ kính của nó, và được ca ngợi là một trong những danh lam cổ tự của Việt Nam. Đứng giữa không gian thanh tịnh, một làn gió nhẹ đưa tiếng chuông chùa vọng ngân sẽ khiến tâm hồn bạn trở nên thư thái, trút hết muộn phiền.

Sau hơn 340 năm thăng trầm với nhiều biến động của tự nhiên và lịch sử, Chùa Châu Thới vẫn tồn tại uy nghi đến ngày nay và trở thành biểu tượng đẹp của vùng đất Biên Hòa khi xưa – tỉnh Bình Dương ngày nay.

Hàng năm, Chùa Châu Thới đón hàng chục ngàn lượt khách từ các tỉnh thành lân cận về chiêm bái, lễ Phật, đặc biệt vào dịp Tết và lễ Vu Lan. Du khách thường tập trung về đây xin lộc, viếng chùa và tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện.

Cũng nhờ lượng khách viếng chùa vào những dịp này mà cả vùng núi Châu Thới trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, dẫn đến các gian hàng lưu niệm, các sạp đồ ăn nhanh, các quầy đặc sản vùng miền được bày bán khắp nơi để phục vụ khách tham quan.

Chùa Châu Thới Ở Đâu?

Chùa Châu Thới tọa lạc trên núi Châu Thới, thuộc địa phận phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Ngọn núi xinh đẹp này nằm gần quốc lộ 1K, cách thành phố Thủ Dầu Một 20km về hướng Tây, và tiếp giáp với nhiều tuyến giao thông lớn đi thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Vũng Tàu.

Hướng Dẫn Cách Đi Đến Chùa Châu Thới

Từ thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể đi Chùa Châu Thới bằng ô tô hoặc xe máy, theo đường Trường Chinh đến Xa lộ Hà Nội tại Tân Thới Nhất. Sau đó, tiếp tục theo Xa lộ Đại Hàn/Xa lộ Hà Nội/Quốc lộ 1A và Quốc lộ 1K để đi đến địa phận thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Lịch Sử Chùa Châu Thới

Ghé Bình Dương, Hành Hương Đến Chùa Châu Thới, VIỆT NAM
Nguồn ảnh: baobinhduong

Chùa Châu Thới Bình Dương gắn liền với lịch sử di dân lập ấp của cộng đồng người Việt ở Nam Bộ.  Tương truyền, thiền sư Khánh Long, một người đắc đạo từ bé, vì thương người dân phiêu bạt nơi rừng thiêng nước độc nên đã tự nguyện đi theo, đêm ngày ngày tụng kinh niệm Phật để cầu an cho chúng sinh. Sau đó, vào năm 1612, thiền sư chọn núi Châu Thới để dựng một am tranh nhỏ để tu tịnh, về sau nâng cấp thành ngôi chùa gọi là Hội Sơn Tự trước khi được gọi là Châu Thới Sơn Tự.

Tuy nhiên, căn cứ vào lạc khoản còn lưu giữ ở chùa chép rằng: “Tân Dậu niên chánh nguyệt sơ kiến nhật”, có thể xác định Chùa Châu Thới được xây dựng vào năm 1681. Như vậy, cho dù được thành lập vào thời điểm nào thì đây vẫn là ngôi chùa xuất hiện sớm nhất ở tỉnh Bình Dương và thuộc nhóm lâu đời nhất Nam Bộ.

Bên cạnh những giá trị lịch sử văn hóa, tôn giáo, hình ảnh Chùa Châu Thới còn đi cùng lịch sử cách mạng của vùng đất Dĩ An. Nhờ địa thế rừng núi hiểm trở, u tịch, trong suốt hai cuộc kháng chiến, Chùa Châu Thới trở thành nơi ẩn náu và hoạt động của các nhà hoạt động cách mạng. Không chỉ cho trú ẩn, các chư tăng ở chùa còn ủng hộ tiền, gạo, vải, thuốc cho các chiến sĩ; lúc cần kíp còn hiến cả đại hồng chung để công binh xưởng đúc đạn.

Với những giá trị đặc sắc về cảnh quan, văn hóa, lịch sử và kiến trúc, ngôi chùa cùng với quần thể núi Châu Thới được xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 1989.

Sự Tích Chùa Châu Thới

Ghé Bình Dương, Hành Hương Đến Chùa Châu Thới, VIỆT NAM
Nguồn ảnh: nguyentran

Từ xưa, người dân đã truyền nhau sự tích hòn đá thần, hay ông Tà, nằm ngay giữa bậc thang thứ 170 dẫn lên chùa. Chuyện kể rằng, vào năm 1971, khi sư trụ trì cho mở đường và cho xây 220 bậc cấp từ chân núi dẫn lên đỉnh thì gặp phải một tảng đá lớn chắn ngang đường ở bậc thứ 170. Những người thợ phải đào bỏ rất nhiều đá trên đường, nhưng không hiểu sao lại không thể di chuyển hay đục vỡ duy nhất hòn đá này, kể cả dùng mìn.

Nghe thế, sư trụ trì quyết định giữ nguyên hòn đá vì cho rằng đây là vật trấn yểm, xem như thần giữ chùa. Từ đó, hòn đá cứ nằm giữa đường như vậy cho đến nay. Sư trụ trì đã dùng sơn viết lên trên mấy chữ Hán: “Tà lão trung sơn”, tức “ông Tà giữa núi”. Người dân trong vùng gọi đây là “ông Tà” hay “hòn đá thần” và thờ cúng rất trang trọng.

Kiến Trúc Chùa Châu Thới Đặc Sắc

Ghé Bình Dương, Hành Hương Đến Chùa Châu Thới, VIỆT NAM
Nguồn ảnh: vnexpress

Sau hơn 4 thế kỷ chịu tác động của chiến tranh và biến động tự nhiên, Chùa Châu Thới không còn giữ được nhiều dấu tích của ngôi chùa cổ nguyên thủy, nhưng những gì còn lại cho thấy, ngôi chùa là sự giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.

Nhà tổ và giảng đường của chùa được trùng tu vào năm 1930.

Năm 1971, 220 bậc thang đá dẫn lên chùa được xây dựng.

Đến năm 1993 chánh điện cũng được trùng tu.

Năm 1988, chiếc đại hồng chung được những nghệ nhân giỏi nhất vùng đúc tạc, với thiết kế tương tự như ở Chùa Thiên Mụ.

Sau đó, bảo tháp 4 tầng tiếp tục được dựng vào năm 1996.

Năm 1994, chùa đã vận động bà con đóng góp để đúc 4 pho tượng đồng, mỗi tượng nặng trên 1 tấn, cao 2.5m do các nghệ nhân Huế thực hiện. Đây là những pho tượng đúc đồng đầu tiên tại tỉnh Bình Dương.

Ghé Bình Dương, Hành Hương Đến Chùa Châu Thới, VIỆT NAM
Nguồn ảnh: tinhte

Hiện nay, quần thể kiến trúc Chùa Châu Thới là những công trình được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau bao gồm chánh điện và các điện thờ: Ngọc hoàng Thượng đế, Ngũ hành Nương Nương, Diêu trì Kim mẫu, Thiên thủ Thiên nhãn và Linh sơn Thánh mẫu.

Chùa Châu Thới hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như: tranh, tượng, đồ thờ tự, pháp khí. Trong đó, có 3 pho tượng Phật bằng đá có niên đại từ cuối thế kỷ XVII, cùng bộ Thập bát La hán, Thập điện Diêm vương bằng đất nung. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ pho tượng Quan Thế Âm được tạc từ gỗ cây mít cổ thụ trồng trong vườn chùa.

Thêm vào đó, các đầu đao của mái chùa đắp hình rồng bằng sứ vô cùng công phu. Phần đỉnh mái là 9 con rồng quay về các hướng như trấn giữ phong ấn cho chùa. Tiền đường ngôi chùa được trang trí bằng gốm, sứ, làm tăng vẻ đẹp cổ kính, mang đậm sắc dân tộc.

Ngôi chùa còn được chia thành Đông lang và Tây lang. Đông Lang đặt tượng Phật Thích Ca nhập niết bằng đá được lấy từ Ngũ Hành Sơn, dài 8m và nặng đến 4,5 tấn. Tượng Trúc lâm Tam Tổ và Ngọc hoàng Thượng đế cũng được thờ ở đây. Còn bên Tây lang thờ Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn và bức tượng Phật Di Lặc với cao 2,4m và nặng tới 2,5 tấn bằng gỗ buôn mu.

Nằm ở vị trí hội tụ linh khí giữa đất trời với phong cảnh hữu tình, Chùa Châu Thới trở thành địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn nhất Bình Dương. Từ Chùa Châu Thới, bạn sẽ ngắm nhìn được toàn cảnh khu vực dưới chân núi, với những mảng xanh của cây cối, xen kẽ những dòng sông chảy qua khu dân cư yên bình.

Kinh Nghiệm Du Lịch Chùa Châu Thới Tự Túc

Ghé Bình Dương, Hành Hương Đến Chùa Châu Thới, VIỆT NAM
Nguồn ảnh: tinhte

Khi đến cổng chùa, bạn có thể chạy xe thẳng lên núi, hoặc gửi xe ở rồi đi bộ qua 220 bậc thang là đến chùa. Nếu bạn có sức khỏe tốt, thì đi bộ lên đỉnh núi chính là hình thức trekking khám phá thiên nhiên vô cùng thú vị. Klook muốn “bật mí” thêm là con đường dẫn lên núi Châu Thới được đánh giá là cực đẹp, cực thơ mộng, cực lãng mạn như trong những bộ phim Hàn Quốc vậy, chắc chắn sẽ cho bạn những khung hình ngọt “lịm tim” luôn đó.

Trong khuôn viên chùa có nuôi khỉ. Bạn có thể cho chúng chút hoa quả nếu thích.

Chùa Châu Thới luôn chào đón khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh chùa và không có giờ cố định. Tuy nhiên, vì ngôi chùa tọa lạc trên núi cao nên bạn nên đi vào sáng sớm, tránh những lúc nắng gắt và oi bức.

Vào những ngày mùng một, rằm, hay lễ, Tết, rất đông người từ khắp nơi đổ về đây thắp hương, cúng bái, cầu siêu. Do đó, nếu bạn không muốn chen lấn thì nên tránh đi vào những dịp đó nha.

Các Địa Điểm Du Lịch Gần Chùa Châu Thới

Ghé Bình Dương, Hành Hương Đến Chùa Châu Thới, VIỆT NAM
Nguồn ảnh: thuychauecopark

Chùa Châu Thới thực sự là địa đến lý tưởng cho những ai đang gặp phải những muộn phiền, lo lắng, khó khăn trong cuộc sống. Đến chùa một ngày, bạn sẽ thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng hơn, không còn những cảm xúc tiêu cực.

Sau khi viếng chùa, bạn có thể tiếp tục hành trình đến Chùa Tam Bảo, Khu du lịch Bửu Long, Khu du lịch sinh thái Thủy Châu để khám phá thiên nhiên tươi đẹp ở Bình Dương và tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí vô cùng sôi nổi.

Các Nhà Nghỉ & Khách Sạn Gần Chùa Châu Thới

Ghé Bình Dương, Hành Hương Đến Chùa Châu Thới, VIỆT NAM
Nguồn ảnh: TheMiraCentralPark

Theo kinh nghiệm của #teamKlook thì bạn có thể tìm nơi lưu trú tại khu vực thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chỉ cách Chùa Núi Châu Thới khoảng 5km đổ lại thôi, cũng khá thuận tiện trong việc di chuyển. Nhớ đặt phòng qua hệ thống của Klook và áp dụng mã giảm giá độc quyền để có ưu đãi xịn nhất nha.

1. Mansion Park Hotel & Apartment

    Địa chỉ: K73 đường D8, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

2. Royal Hotel Bien Hoa

    Địa chỉ: H4/7 khu phố 6, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

3. Duong Chau Boutique Hotel

    Địa chỉ: P27-28 đường N10, khu D2D, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

4. Aurora Hotel Plaza

    Địa chỉ: 253 đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

5. The Mira Central Park Hotel

    Địa chỉ: 128/16 đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Đi đến bao giờ mới hết cảnh đẹp của nước Việt Nam! Có quá nhiều cảnh đẹp để chiêm ngưỡng, quá nhiều món ngon phải thử, nhiều hoạt động cần trải nghiệm, cũng có nhiều nền văn hóa bạn chưa từng biết đến. Hãy sắp xếp thời gian để thẳng tiến Bình Dương, một trong những nơi du lịch gần Sài Gòn rất “được lòng” các bạn trẻ và đang dần khẳng định sức hút của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam nhé.

Dành trọn thời gian cuối tuần thật ý nghĩa tại Chùa Châu Thới Bình Dương, tại sao không?

Đăng bởi: Trần Hải

YOLO! Khám phá các huyện ở Bình Dương

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก